Chúng ta đọc và hiểu được gì từ những startup gọi vốn thành công?
Những ngày cuối năm vừa rồi, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam liên tục được đón nhận những thông tin gọi vốn khủng. Ở Việt Nam, các tin tức về startup gọi vốn, hầu hết được gắn kèm với chữ "thành công". Trong khi, các báo nước ngoài, hai chữ này rất ít, hoặc hầu như không xuất hiện trong các tiêu đề liên quan tới gọi vốn.
Không biết khi đón đọc các tin startup gọi vốn “thành công", mọi người cảm nhận được những điều gì? Tôi thường nghĩ, chưa nên vội vàng coi đấy là thành công. Dưới đây là chia sẻ về những điều tôi thực sự đọc được, đằng sau mỗi tin startup gọi vốn được gắn với chữ "thành công".
Đầu tiên, tin "gọi vốn thành công" mang lại niềm vui
Chắc chắn rồi, tất cả chúng ta cần chia sẻ niềm vui này với các nhà sáng lập startup và những nhà đầu tư của họ. Bởi vì, thực sự gọi được vốn không hề dễ dàng. Ở đó startup được chọn trong hàng trăm startup mà các quỹ đầu tư đã từng gặp và cân nhắc.
Đội ngũ startup đã phải trải qua cả nửa năm hoặc hơn thế nữa, ngày đêm làm tài liệu, trả lời thư giải đáp hết các thắc mắc, thuyết phục các nhà đầu tư đồng ý xuống tiền. Họ cũng đã trải qua rất nhiều những lời từ chối, hoặc lặng thinh từ phía nhà đầu tư sau nhiều buổi họp với nhiều kỳ vọng.
Phía nhà đầu tư cũng vậy. Để có thể hoàn thành một thương vụ đầu tư, họ cũng phải chạy qua hàng loạt hàng rào để thuyết phục đầu tư: thuyết phục chính bản thân, đồng đội, sếp trực tiếp của mình, thuyết phục GP (General Partner). Thậm chí có trường hợp phải thuyết phục cả LP (Limited Partner: nhà đầu tư vào quỹ đầu tư).
Chưa dừng lại ở đó, thuyết phục xong, còn phải thương thảo hợp đồng phức tạp với các bên, rồi tiến hành ký kết, và tiếp đến là giải ngân đầu tư.
Thực sự, để đến ngày chúng ta có thể nhìn thấy tin công bố hoàn thành gọi vốn trên các mặt báo, cả startup và nhà đầu tư cũng đều trải qua mồ hôi nước mắt, kiên trì và nhẫn nại.
Do đó, khi kết thúc một vòng gọi vốn, chúng ta nên tạm chúc mừng nhau, chia sẻ niềm vui. Vì cuối cùng đã hoàn thành được một chặng hành trình khó khăn vừa qua.
Tiếp theo nó mang đến niềm tin
Startup khi nhận được đầu tư, là startup nhận được trọn niềm tin từ những nhà đầu tư, có thêm những người ủng hộ và đồng hành với mình.
Họ là người từ những ngày sớm nhất yêu thích và sử dụng sản phẩm của startup. Họ cũng âm thầm tích cực tương tác với các bài đăng về sản phẩm, ở những ngày đầu khi chưa nhiều tương tác.
Startup khi nhận được đầu tư sẽ có thêm niềm tin từ các nhân tài và tiềm năng phát triển của công ty, và có thể là các nhân tài mới có thêm niềm tin để ra quyết định đầu quân cho startup. Do đó, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy các startup sau khi gọi vốn sẽ tích cực tuyển dụng mạnh mẽ hơn.
Tôi đọc thấy thêm một sự tích cực nữa, đó là sản phẩm dịch vụ của startup đó sẽ được lan toả tới nhiều người dùng hơn nữa. Startup khi gọi vốn xong sẽ dùng dòng vốn đó để đầu tư vào nghiên cứu phát triển sản phẩm, tuyển dụng thêm người cùng tham gia phát triển để sớm hoàn thiện sản phẩm đưa đến tay người dùng.
Và họ cũng có thể đầu tư thêm chi phí marketing, để sản phẩm của họ chạm tới được nhiều người sử dụng mục tiêu hơn nữa. Thậm chí, người tiêu dùng cũng sẽ kỳ vọng là có thể được tiếp cận sản phẩm dịch vụ của startup đó với mức giá rẻ hơn, nhiều khuyến mãi hơn.
Những điều chúng ta không dễ dàng nhìn thấy được
Mặt khác, đằng sau mỗi bài báo "gọi vốn thành công" tưởng toàn những điều tích cực, của niềm vui và sự hy vọng, thì có lẽ không nhiều người dễ dàng nhận ra được: sự đánh đổi, những áp lực của những nhà sáng lập startup. Khi nhận ra được những điều này, chúng ta sẽ tỉnh táo hơn với hai chữ "thành công" đi kèm những tin tức gọi vốn.
Đầu tiên đó là sự đánh đổi. Đánh đổi của thời gian, cổ phần đi kèm với quyền kiểm soát công ty. Các nhà sáng lập đã phải đánh đổi một khoảng thời gian vô cùng quan trọng, để hầu như dành cho gọi vốn, mà đáng ra nên tập trung vào hoạt động kinh doanh của mình.
Nếu những tin gọi vốn "thành công" được ca tụng ngoài kia thực sự toàn là điều tuyệt vời, thì tại sao người trong cuộc lại chỉ mong đó là lần cuối cùng phải gọi vốn? Vì gọi vốn "ngốn" rất nhiều thời gian của nhà sáng lập.
Đồng thời, nó thách thức họ phải chu toàn cả hai việc hoặc hơn cùng một lúc. Đó là: làm hài lòng khách hàng của mình bằng việc tập trung vào hoạt động kinh doanh của công ty, và làm hài lòng nhà đầu tư bằng việc giải đáp hết những thắc mắc từ buổi họp này qua những buổi họp khác.
Thêm nữa, các nhà sáng lập cũng sẽ có thể phải đánh đổi thời gian và sự tập trung của mình. Sau khi đăng tin gọi vốn "thành công", sẽ được mời tham gia phỏng vấn, sự kiện, làm diễn giả, hay giao lưu với những nhà đầu tư mới. Tất cả những điều này đều khiến họ bị phân tâm, mà không tập trung vào việc quan trọng nhất, đó là vận hành kinh doanh startup của mình.
Bên cạnh đó còn là sự đánh đổi cho cổ phần và sự kiểm soát. Khi có thêm nhà đầu tư, theo nghĩa tích cực là startup có thêm người đồng hành ủng hộ. Theo nghĩa hạn chế, phòng họp hội đồng quản trị trở nên chật trội hơn.
Nghĩa là quyền ra các quyết định quan trọng, kiểm soát công ty sẽ được chia nhỏ ra hơn, với nhiều phần được chia thêm cho các nhà đầu tư. Bình thường, sau mỗi vòng gọi vốn, startup có thể phải đánh đổi khoảng 10-30% cổ phần của họ, cho những nhà đầu tư mới.
Tôi vẫn thường chia sẻ với những nhà sáng lập startup quỹ tôi đầu tư, là đừng đánh đổi quá nhiều cổ phần trong một vòng gọi vốn. Chỉ nên trong khoảng trên dưới 15% là vùng an toàn để tới khi về được đích (Exit) là IPO, hay ít nhất là M&A.
Sau khi trải qua tất cả 3-4 vòng gọi vốn, thì những nhà sáng lập vẫn còn có thể nắm giữ trên 35% để có được quyền phủ quyết.
Tiếp theo, tôi đọc và hiểu được những áp lực tăng trưởng vô cùng lớn của nhà sáng lập và đội ngũ startup của mình. Gọi vốn luôn đi kèm với kỳ vọng và sự quyết tâm. Nhà sáng lập thuyết phục nhà đầu tư đồng ý rót vốn, bằng những mục tiêu và kế hoạch rõ ràng sẽ được thực hiện sau khi gọi vốn xong.
Do đó, họ sẽ có những áp lực đè nặng là phải giữ lời hứa với quyết tâm đó, đạt được những mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, sẽ có một "cái bẫy" mà các nhà sáng lập dễ gặp phải khi có tiền trong tay, và có áp lực trên vai. Đó là nhà sáng lập dễ dùng nhiều biện pháp đẩy tăng trưởng, một cách không bền vững.
Một ví dụ điển hình là startup dành quá nhiều tiền để chạy quảng cáo để có thêm người dùng, từ đó để đạt được mục tiêu doanh thu đã đề ra.
Ngoài ra, thêm hai áp lực nữa trên vai cũng làm đè nặng các nhà sáng lập là áp lực về valuation (định giá) ở vòng tiếp theo, và áp lực Exit (thoái vốn) cho các cổ đông.
Đừng vội mừng với vòng gọi vốn vừa qua, khi startup gọi được nhiều tiền, với định giá cao, vì khó khăn sẽ ở phía trước, khi startup tiến tới vòng gọi vốn tiếp theo sẽ có áp lực định giá phải cao hơn định giá ở vòng trước.
Định nghĩa lại khái niệm “gọi vốn thành công”
Với những điều đọc và hiểu thực sự đằng sau những tin tức gọi vốn startup ở trên, chắc hẳn tất cả chúng ta đều tỉnh táo hơn với từ "thành công" đi kèm với gọi vốn rồi.
Tôi đã gõ thử Google với từ tìm kiếm "Gọi vốn không phải là thành công", điều thú vị là có duy nhất bài viết trên Báo Đầu Tư có đưa thông điệp khá là đi "ngược với đám đông" lúc này của tôi là: Gọi vốn không phải là mục tiêu của khởi nghiệp và việc có được một vòng gọi vốn “khủng” chắc chắn không phải là bảo chứng cho sự thành công.
Đúng vậy, hoạt động gọi vốn của startup là điều tất yếu của bất kì một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển nào. Ở đó có sự gửi gắm niềm tin và hy vọng của nhà đầu tư, của nhân tài "chảy vào" startup, để làm bệ phóng cho startup.
Ở đó, tất cả mới chỉ là bắt đầu một chặng hành trình mới cùng đi với nhau. Và ở đó, còn đi kèm với nhiều áp lực lớn. Vì vậy, hi vọng chúng ta không gắn thêm chữ "thành công" quá sớm lên startup, để tất cả cùng tỉnh táo với những mục tiêu phát triển tiếp theo, để đạt được thành công thật sự.