Chúng ta được gì sau những lúc buồn bã?

Nỗi buồn cũng là một trải nghiệm cảm xúc mà mỗi người đều phải trải qua và cần phải trải qua trong cuộc sống. Tôi tin là nỗi buồn đang phải chịu khá nhiều oan khiên, bởi vì chúng ta đang vô tình bỏ qua rất nhiều lợi ích của nỗi buồn.

Anastasia
Nỗi buồn cũng là một trải nghiệm cảm xúc mà mỗi người đều phải trải qua và cần phải trải qua trong cuộc sống.

Nỗi buồn cũng là một trải nghiệm cảm xúc mà mỗi người đều phải trải qua và cần phải trải qua trong cuộc sống.

Từ xưa đến nay chẳng mấy ai thích thú với nỗi buồn cả. Nỗi buồn gánh tai tiếng bởi thường đi kèm với những sự kiện tiêu cực. Người ta luôn nhìn nhận nó như một cảm xúc chẳng những không có tác dụng gì mà thậm chí còn độc hại. Truyền thông, quảng cáo, và ngành công nghiệp self-help không ngừng thuyết phục chúng ta rằng niềm vui mới là cảm xúc đáng có nhất.

Tuy nhiên, nỗi buồn cũng là một trải nghiệm cảm xúc thông thường mà mỗi người đều phải trải qua trong cuộc sống. Tôi tin là nỗi buồn đang phải chịu khá nhiều oan khiên, bởi vì chúng ta đang vô tình bỏ qua rất nhiều lợi ích của nỗi buồn.

Những hiểu lầm phổ biến về nỗi buồn

1. Trầm cảm là buồn, buồn là trầm cảm

Buồn là một trạng thái tâm lý bình thường có ở tất cả mọi người, xuất hiện khi ta gặp những sự kiện không như ý, chẳng hạn như khó khăn, thất vọng hay mất mát. Tuy nhiên, nỗi buồn có thể được xoa dịu theo thời gian khi sự việc đó đã qua đi, và cảm xúc của ta cân bằng trở lại.

Trầm cảm là một bệnh lý rối loạn cảm xúc cần được điều trị. Trầm cảm có khả năng gây ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc, quan điểm và hành vi của người bệnh, lấy đi năng lượng, động lực và cảm nhận hào hứng, hài lòng, cảm giác kết nối lẫn ý nghĩa sống. Khi trầm cảm, ta có thể thấy buồn vì tất cả mọi thứ. Cảm giác này càng kéo dài thì chất lượng cuộc sống của ta càng suy giảm.

Có thang đánh giá và phương pháp y học để chẩn đoán bệnh trầm cảm và ta nên có cái nhìn nghiêm túc với nó. Đặc biệt, không nên dựa vào những bài viết tràn lan trên mạng để tự chẩn đoán cho bản thân mình. Khi thấy nghi ngờ, hãy tìm đến bác sĩ.

2. Nước mắt, hay buồn bã là biểu hiện của sự yếu đuối

Thật ra, chúng ta cần rất nhiều dũng khí để thể hiện nỗi buồn, dưới một dạng dễ hình dung hơn là những giọt nước mắt. Đây là một hành động dũng cảm và lành mạnh hơn nhiều so với việc cố gắng đè nén những cảm xúc tiêu cực, hoặc che giấu bằng những hành vi bạo lực, lạm dụng chất kích thích, để rồi mọi chuyện ngày một tồi tệ hơn. Nước mắt là một hình thức giải độc tinh thần. Cảm giác tâm hồn nhẹ nhõm như được gột rửa sau khi khóc một trận, hẳn ai cũng đã từng trải qua.

3. Đàn ông không được phép buồn bã hay suy sụp

Đây là hệ quả từ hiểu lầm vừa nêu trên. Đàn ông được trông chờ là những người đảm nhiệm việc to lớn nặng nhọc, nên thái độ “đúng đắn” và “chuẩn mực” của họ nên là can trường, mạnh mẽ tiến về phía trước. Họ không được phép yếu đuối, chùn bước, không được phép sợ hãi hay buồn bã.

Nhưng đàn ông cũng là con người, cũng được ban cho bộ máy cảm xúc chẳng khác gì phụ nữ. Việc xã hội, hoặc chính bản thân người đàn ông cố gắng chối bỏ những phút mệt mỏi, buồn bã của họ chẳng khác nào hủy hoại chức năng tình cảm cơ bản của con người.

Buồn có ích lợi gì?

Nếu bạn tìm kiếm cụm từ “lợi ích của nỗi buồn”, bạn sẽ được gần 12 triệu kết quả. Với cụm từ “tác dụng của nỗi buồn” sẽ là 14 triệu kết quả.

1. Buồn là một cơ chế phòng vệ

Theo nghiên cứu của Naomi Eisenberger và Matthew Lieberman, tương tự như nỗi đau về thể xác giúp con người tránh tiếp cận những điều nguy hiểm, nỗi đau về tinh thần khiến người ta e ngại những trò ghẻ lạnh, đồng thời thúc đẩy cảm giác muốn hàn gắn tình cảm khi còn có thể.

2. Buồn là một sự giải thoát

Eric Klinger trong “Lý thuyết về động cơ của sự giải thoát” cho biết, cảm giác buồn bã giúp ta điều chỉnh hành vi của mình, ngừng tiêu phí sức lực và thời gian vào những mục tiêu không thể nào đạt được.

3. Buồn khơi dậy lòng trắc ẩn

Lòng trắc ẩn của con người có thể được khơi gợi khi chứng kiến nỗi đau đớn, buồn phiền. Từ đó người ta dễ cảm thông với nhau hơn, và hình thành những động thái giúp đỡ lẫn nhau để làm giảm bớt nỗi buồn ấy.

4. Buồn là biểu hiện của rung cảm nghệ thuật

Những người có tâm hồn nghệ sĩ luôn được nhắc đến như những người đa sầu. Biết bao tác phẩm khiến người đời phải ca tụng hoặc tiếc thương đều được đúc kết từ những giọt sầu khổ của các nghệ sĩ. Nét nghệ thuật bi cảm ấy có sức ảnh hưởng rất lớn đối với văn hóa, thậm chí còn được coi là hiện thân của một tâm hồn tinh tế, dễ cảm thấu với cuộc đời.

5. Buồn mới khiến người ta biết quý trọng lúc vui

Thật vậy, những cảm xúc tiêu cực khiến ta biết quý trọng những khoảnh khắc vui vẻ hơn, và hiểu rằng mọi sự không thể nào vẹn toàn, niềm hạnh phúc cũng không kéo dài được mãi. Việc tôn thờ hạnh phúc quá mức có thể đem lại những bất hạnh nhiều hơn ta nghĩ. Thay vào đó, nhìn nhận đúng đắn và công bằng những cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực sẽ giúp chúng ta trau dồi trí tuệ cảm xúc và đời sống tinh thần.

Vẫn còn nhiều nhiều nữa những tác dụng bạn có thể tìm đọc nếu như bạn quan tâm tới vấn đề này. Nỗi buồn không hoàn toàn là một cảm xúc độc hại hay đáng xấu hổ nếu như bạn chịu nhìn nó ở từ những khía cạnh khác nhau.

Lời kết

Nỗi buồn không mới không cũ, không biến mất đi cũng không tồn tại mãi, mà sẽ xuất hiện khi cần thiết và song hành với mỗi người chúng ta suốt quãng đường đời. Nỗi buồn không phải lúc nào cũng xấu, đôi khi đó lại chính là nhân tố giúp chúng ta biết quý trọng nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn, và trở thành phiên bản tốt nhất của mình.

Hãy săn sóc cho người bạn đường ấy, vì biết đâu một ngày bạn gục ngã giữa sa mạc, chính kẻ đồng hành có phần nhạy cảm và khó chịu ấy sẽ quay lại để mớm một ngụm nước cho bạn thì sao?

Bài viết này được thực hiện bởi Anastasia.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục