Chúng ta nhận được tài sản gì từ cha mẹ?
Có ba loại tài sản chính mà cha mẹ để lại: tài sản tài chính, tài sản hữu hình và tài sản vô hình.
Trong cuộc sống, có những bạn may mắn được cha mẹ hỗ trợ nhiều về tài chính khi lập nghiệp hay ra riêng, cũng có những bạn phải tự thân bươn chải.
Dù xuất thân thế nào đi nữa, chúng ta đều ít nhiều nhận được từ cha mẹ, nếu không phải tài sản hữu hình thì là tài sản vô hình. Khi một thế hệ già đi, họ sẽ để lại gì cho những thế hệ sau? Và nếu mình muốn để lại cái gì đó tương tự cho con cái sau này thì phải làm như thế nào?
Bài viết này sẽ chỉ ra những loại tài sản mà các bậc cha mẹ thường để lại cho con cái, cũng như cách họ quản lý những loại tài sản này.
Tài sản cơ bản: Vàng và nhà đất
Trừ khi được thừa kế từ trước đó, không thể tự dưng ngày một ngày hai mà cha mẹ có được một số tiền lớn. Đó phải là quá trình tích lũy theo năm tháng, từ các khoản tiết kiệm được từ tiền lương hay tiền lời. Ở Việt Nam, có 2 loại tài sản phổ biến để tích lũy trong suốt một thời gian dài là vàng và nhà đất.
Là một 8x đời đầu, tôi được nghe câu chuyện mua vàng tích lũy mà mẹ tôi kể lại. Có những người tích lũy hàng tháng, theo chỉ vàng hoặc thậm chí phân vàng (1 cây vàng = 10 chỉ vàng = 100 phân vàng = 37,5gr vàng). Mỗi tháng tiết kiệm dư ra là đi lên tiệm vàng ở chợ trung tâm mua 1 chỉ, hay 5 phân. Vàng để dành và tích trữ nên phải chọn là nhẫn vàng y hay còn gọi là vàng 9999.
Rồi có giai đoạn tôi thấy cha mẹ mua thêm đất gần khu Chợ Mới, khi địa phương làm xong quy hoạch và bắt đầu làm đường xá. Cha mẹ cũng góp vốn kinh doanh với người quen, và cho người quen vay để sản xuất kinh doanh.
Sau này tôi mới ngẫm ra, khi kinh tế Việt Nam hội nhập với thế giới từ những năm cuối thập niên 90s, nó khiến người ta năng động hơn, kinh tế tư nhân nhộn nhịp.
Nhưng các khoản đầu tư trên của cha mẹ tôi, cuối cùng chỉ có mua đất là thành công. Hai khoản đầu tư còn lại hầu như mất trắng, vì người vay đã không gặp may, làm ăn thua lỗ và phá sản.
Tài sản từ tiết kiệm
Tôi nghĩ rất nhiều gia đình Việt Nam cũng làm theo cách trên vì truyền thống tiết kiệm, tích cốc phòng cơ theo chiều dài lịch sử của đất nước. Tuy vậy, văn hóa vùng miền cũng tác động nhiều đến ý thức và hành vi tiết kiệm - tích lũy. Người miền Bắc và miền Trung được cho là làm việc này tốt hơn người gốc miền Nam hay gốc miền Tây Nam Bộ.
Ở bình diện chung, người Việt Nam thuộc nhóm có mức tiết kiệm cao trên thế giới với tỷ lệ trung bình khoảng 30%, tức thu nhập 10 đồng thì để dành được hơn 3 đồng một chút.
Trong khi đó, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, người Úc tiết kiệm khoảng 3,7% như người Đan Mạch, người Na Uy là 8,1% và người Đức là 10,9%.
Tiết kiệm cao là một điều tốt, nhưng sẽ còn tốt hơn nếu lượng vốn tích lũy này được đưa vào nền kinh tế dưới hình thức đầu tư. Trong khi đó, với lối sống trọng tiêu dùng ở một số nước như Mỹ chẳng hạn, sẽ rất khó để đa số người dân có tỷ lệ tiết kiệm cao. Nhiều khảo sát và thống kê cho thấy phần lớn dân Mỹ sống dựa vào phiếu lương và thẻ tín dụng.
Tài sản tài chính và tài sản hữu hình
Tài sản tài chính ngày nay một gia đình nắm giữ có thể là:
-
Cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết
-
Trái phiếu
-
Cổ phần trong các doanh nghiệp chưa niêm yết
-
Các khoản cho vay tài chính
Với một số gia đình, đó cũng có thể là doanh nghiệp mà họ nắm quyền kiểm soát phần lớn, hay toàn bộ. Tài sản đó chính là tài sản của doanh nghiệp như nhà xưởng, máy móc thiết bị, bí quyết công nghệ, bản quyền.
Phổ biến hơn với nhiều gia đình ở Việt Nam ngày nay còn là các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với nhiều dòng sản phẩm tiết kiệm, đầu tư.
Tài sản đến từ những kênh đầu tư mới
Kể từ khi thị trường chứng khoán hoạt động ở Việt Nam vào năm 2000, người dân có thêm một kênh đầu tư mới bên cạnh nhà đất và vàng. Thời gian qua, chưa có thống kê đầy đủ về số người được và mất trên thị trường chứng khoán (vì rất có thể trên thị trường chứng khoán có 5 người thắng mà cũng có đến 10 người thua).
Tuy vậy, về dài hạn thì ở các nền kinh tế đang phát triển, các chỉ số chứng khoán luôn có xu hướng tăng. Nếu cha mẹ nhạy bén thời cuộc, họ có thể đã tận dụng cơ hội kiếm tiền từ kênh đầu tư này.
Kinh tế Việt Nam hội nhập, phát triển cũng đã tạo ra nhiều cơ hội sản xuất kinh doanh mới. Đây là lý do rất nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ ra đời. Nhu cầu vốn đầu tư tăng đẩy nhu cầu huy động vốn lên, và những người đi vay sẵn sàng chia sẻ một tỷ suất lợi nhuận cao hơn (premiums) cho người có vốn nhàn rỗi.
Do đó, các hình thức gọi vốn như crowdfunding, P2P, quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thần, đầu tư vào cổ phần các công ty chưa niêm yết (Private Equity akk. PE) đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam.
Và cha mẹ cũng để lại những sản tài sản vô hình
Phần tài sản ít người biết đến hơn, là những tài sản vô hình mà cha mẹ để lại cho con cái.
Kiến thức, kỹ năng và vốn sống
Đây là những thứ chúng ta được cha mẹ trang bị trên hành trình lớn lên. Nhiều gia đình ưu tiên đầu tư chuyện học hành cho con, vì đã có nhiều nghiên cứu cho thấy trình độ học vấn có mối tương quan tỷ lệ thuận với thu nhập của người lao động.
Những người có tư duy cởi mở, có khả năng thích ứng cao thì khả năng thành công trong công việc và cuộc sống cao hơn. Ở các nước phát triển, du lịch được xem là một hình thức giáo dục rất hiệu quả. Hầu như các gia đình đều dành một khoảng ngân sách đáng kể cho khoản chi tiêu mà thực ra là đầu tư này.
Các mối quan hệ xã hội
Tài sản vô hình tiếp theo mà cha mẹ để lại cũng không kém phần quan trọng, đó chính là uy tín, là các mối quan hệ của bố mẹ. Đây là một thực tế không thể phủ nhận dù ở bất kì đâu trên thế giới.
Nếu cha mẹ có mối quan hệ xã hội rộng, hay với những người có ảnh hưởng trong xã hội thì đây cũng chính là một tài sản để lại rất quý cho con cái. Tài sản này vừa có khả năng hỗ trợ, cũng đồng thời là tấm đệm bảo vệ cho con cái trong những lúc khó khăn ngặt nghèo.
Như vậy có thể thấy, được kế thừa những tài sản dù hữu hình hay vô hình từ cha mẹ, cũng là điều vô cùng may mắn. Để hiểu được quá trình hình thành của các tài sản, ta cần nhiều thời gian và nỗ lực. Điều này sẽ buộc người thừa hưởng phải biết trân quý những giá trị này.
Kết
Có người được thừa hưởng nhiều, cũng có người được ít từ cha mẹ, nhưng để lại cho thế hệ sau được cái gì là phụ thuộc hoàn toàn ở thế hệ hiện tại. Các tài sản tài chính, tài sản hữu hình vẫn rất quan trọng. Nhưng những tài sản vô hình và vốn xã hội (social capital) đang ngày càng được định giá cao hơn.
Cha mẹ nào cũng vậy, cũng muốn để lại những gì tốt đẹp cho con cái. Những tài sản để lại đó không chỉ được đo đếm bằng giá trị vật chất, mà còn là giá trị của tình thương mà cha mẹ muốn gửi gắm cả đời.
Và cha mẹ cũng muốn nhận được sự yêu thương từ những đứa con của mình. Nhưng không phải ai trong chúng ta cũng làm tốt được việc đấy. Chính vì thế, đôi khi yêu là một hành trình cần học.
“Cứ để con!” là chuỗi nội dung của Vietcetera, song hành cùng dự án Học Yêu By Prudential, với thông điệp: Trong gia đình, tình yêu chảy xuôi, và cũng chảy ngược; hãy học yêu để trở thành điểm tựa của nhau.