Chuyến thăm của tàu sân bay: Xây dựng và bồi đắp niềm tin giữa hai quốc gia
Khắc phục hậu quả chiến tranh là giải pháp quan trọng nhằm củng cố lòng tin giữa hai quốc gia, và cũng là một hành động đúng đắn.
Trong nhiệm kỳ Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 2014 đến năm 2017, tôi đã tiếp tục đảm nhiệm công tác khắc phục hậu quả của chiến tranh, bao gồm tìm kiếm hài cốt binh sĩ tử trận, tìm gỡ bom mìn chưa nổ, và khắc phục hậu quả dioxin. Khắc phục hậu quả chiến tranh là giải pháp quan trọng nhằm củng cố lòng tin giữa hai quốc gia, và cũng là một hành động đúng đắn.
Vào năm 2017, Hoa Kỳ chuyển giao cho Việt Nam con tàu tuần duyên lớn nhất, nguyên là tàu tuần duyên Morgenthau của Cảnh sát biển Hoa Kỳ, sau đổi tên thành CSB 8020. Tàu CSB 8020 giữ vai trò ‘soái hạm’ tuần tra Biển Đông, và là một biểu tượng đầy tự hào của quan hệ hợp tác an ninh hàng hải Hoa Kỳ - Việt Nam.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng trao tặng Cảnh sát biển Việt Nam các con tàu tuần tra ven biển. Hai quốc gia đã cùng tham gia vào nhiều hoạt động trao đổi hải quân, trong đó có 8 chuyến thăm nhân đạo hàng năm tới Việt Nam trong khuôn khổ “Chương trình Đối tác Thái Bình Dương” (Pacific Partnership), một hoạt động mang ý nghĩa thiết thực có sự tham gia của Hải quân Hoa Kỳ.
Những hoạt động kể trên đã góp phần xây dựng và củng cố lòng tin, cũng như sự tín nhiệm lẫn nhau giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Vào tháng 03/2017, tôi đề xuất với Chủ tịch nước Trần Đại Quang về ý tưởng cho chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay Hoa Kỳ. Hai tháng sau đó, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng gặp mặt tại Nhà Trắng và thảo luận về ý tưởng này, nhưng Việt Nam khi đó chưa hoàn toàn sẵn sàng đảm bảo cho chuyến thăm ấy.
Một tháng sau ngày Đô đốc Scott H. Swift và tôi tham quan Di tích Bạch Đằng Giang, Tổng thống Trump đã đến thăm Thủ đô Hà Nội. Cũng trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đồng thuận với kế hoạch về chuyến thăm đầu tiên của tàu sân bay Hoa Kỳ tới cảng biển Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc. Theo tôi đánh giá, chuyến tham quan Di tích Bạch Đằng Giang của Đô đốc Swift cùng sự tôn trọng dành cho truyền thống quân sự Việt Nam đã góp phần tạo nên bước đột phá này.
Vào tháng 03/2018, tàu sân bay USS Carl Vinson cập bến cảng thành phố biển Đà Nẵng, là chuyến thăm cảng Việt Nam đầu tiên của tàu sân bay Hoa Kỳ kể từ sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Một số quan sát viên đã nhận định ý nghĩa chiến lược sâu xa của chuyến thăm là một tín hiệu đối với Trung Quốc, nhưng đây cũng là chuyến thăm mang ý nghĩa biểu tượng cho niềm tin vào mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
5.500 thủy thủ trên tàu Carl Vinson tiến vào bờ, là lực lượng quân đội Hoa Kỳ lớn nhất từng đặt chân đến Việt Nam kể từ sau năm 1975. Trong chuyến cập bến cảng kéo dài 4 ngày, các thủy thủ Carl Vinson đã ghé thăm hai trung tâm dành cho trẻ em khuyết tật Việt Nam, trong số đó có nhiều em được cho là đang gánh chịu hậu quả của chất độc da cam. Chuyến thăm của tàu sân bay Carl Vinson không chỉ thể hiện sự thừa nhận hậu quả chất độc dioxin, mà còn còn thể hiện lòng trung thực của Hoa Kỳ đối với quá khứ.
Chuyến thăm của tàu Carl Vinson cũng là biểu hiện của việc thực hiện khuyến nghị từ Thứ trưởng Bộ ngoại giao Hà Kim Ngọc, rằng hai quốc gia nên cùng hợp tác trong các vấn đề có ý nghĩa trong khu vực và trên toàn cầu. Trên thực tế, tàu Carl Vinson đã được triển khai ở Biển Đông một tháng trước khi cập bến cảng Đà Nẵng.
Chuyến thăm của tàu sân bay Carl Vinson đã nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong việc đối mặt với một thách thức chung: hòa bình và tự do hàng hải tại Biển Đông. Hai năm sau chuyến thăm của tàu Carl Vinson, tàu USS Theodore Roosevelt là tàu sân bay thứ hai của Hoa Kỳ cập bến cảng thăm Việt Nam.
Trong tương lai, chúng ta vẫn cần phải tiếp tục xây dựng lòng tin, tiếp tục lắng nghe lẫn nhau và tôn trọng lịch sử. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể củng cố niềm tin song phương thông qua các hoạt động có ý nghĩa diễn ra hàng ngày.
Hiện cuốn sách tự thuật của Ted Osius, “Nothing is Impossible: America's Reconciliation with Vietnam”, với lời nói đầu được chấp bút bởi ông John Kerry (Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, hiện là Đặc phái viên khí hậu của Hoa Kỳ), sẽ được Nhà xuất bản Đại học Rutgers (Rutgers University Press) cho ra mắt bản tiếng Anh vào tháng 10/2021, và bản tiếng Việt sẽ được phát hành trong năm 2022.
Sử dụng mã RFLR19 để được giảm giá 30% cho cả hai phiên bản sách in (miễn phí giao hàng tại Mỹ) cũng như bản ebook khi preorder tại website của Rutgers University Press.
Để biết thêm thông tin về sách - bao gồm cả những phần quà tặng đặc biệt - bạn có thể truy cập trang web www.tedosius.com và đăng nhập bằng địa chỉ email.