Tóm Lại Là: Có hay không ngày sinh may mắn và đen đủi nhất?
1. Bảng xếp hạng ngày sinh may mắn là gì?
Mới đây, cộng đồng mạng truyền tay nhau một bảng xếp hạng may mắn. Theo đó, mỗi một ngày sinh trong năm ứng với một mức độ may rủi khác nhau. Tuy nhiên nguồn gốc của bảng xếp hạng chưa rõ ràng, các thống kê này cũng không nêu cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ may mắn.
2. Cơ chế đứng sau là gì?
Bảng xếp hạng được cho là có nguồn gốc từ website Medigaku - một chuyên trang tổng hợp các bài viết về văn hóa và xu hướng cuộc sống tại Nhật. Kết quả của bảng xếp hạng ngày sinh may mắn được thống kê theo 3 hình thức chính là:
- Mọi người tự bình chọn theo đánh giá riêng;
- Tham khảo ý kiến từ 10 thầy bói nổi tiếng;
- Dựa theo lịch của người Nhật xưa, theo đó mỗi thời điểm trong ngày đều có vận hạn tốt xấu khác nhau.
3. Ngày sinh nào may mắn và xui xẻo nhất năm ngoái?
Ngày sinh “nặng vía” nhất năm 2020 và 2021 lần lượt là 20/09 và 05/08. Nhưng đặc biệt, ngày 28 tháng 02 luôn giữ vị trí ngày sinh may mắn nhất trong cả hai năm này. Đây trùng hợp là ngày sinh của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
4. Cần hiểu gì về nhân số học?
Đánh giá số mệnh dựa trên sự kết hợp của ngày tháng năm sinh vốn là một nhánh của nhân số học (numerology) - môn học nghiên cứu ý nghĩa đặc biệt của con số.
Nhân số học được phát triển dựa theo nghiên cứu của nhà toán học, triết học Hy Lạp cổ đại, Pythagoras. Theo đó, sự dao động năng lượng của con số cũng ảnh hưởng đến vận mệnh con người.
“Cái xuất sắc của nhân số học là mọi tiêu cực đều có con đường để hóa giải, mà cách lớn nhất là thông qua tu sửa thân tâm, hoặc giáo dục tích cực” - Chuyên gia nhân số học Lê Đỗ Quỳnh Hương chia sẻ.
5. Vì sao ta muốn biết về tương lai?
Con người sợ những điều không chắc chắn. Thiếu kiến thức, ta mất khả năng kiểm soát sức khỏe, tình cảm, sự nghiệp. Nhằm khắc chế nỗi sợ, ta lao vào học hỏi để hiểu quy luật thế giới, phát minh ra công nghệ để dự báo thảm họa tự nhiên, và nghiên cứu chiêm tinh để tiên đoán số mệnh.
Thực tế, luôn suy nghĩ về tương lai là cơ chế có lợi, nó giúp con người bám vững vào các mục tiêu và đưa ra các quyết định thận trọng. Tuy nhiên trong kỷ nguyên số, đôi khi ta “bội thực” với hàng ngàn thông tin tiêu cực từ truyền thông. Càng nhiều bi kịch xảy ra, ta càng hoang mang về tương lai.
6. Có thể tin tưởng vào bảng xếp hạng này?
Hầu hết các hình thức tiên đoán thường đi theo quy trình cơ bản: tìm kiếm ý nghĩa dựa trên một hiện tượng ngẫu nhiên, có thể lặp đi lặp lại. Một giấc mơ lặp lại? Ta tin ông bà đang cố gửi đi một thông điệp. Châu chấu bay vào nhà? Có thể một người khách quý sẽ tới thăm.
Không phải mọi hiện tượng đều có ý nghĩa, nhưng não người thường cố gắng hợp lý hóa những sự kiện ngẫu nhiên dựa vào kiến thức ta có sẵn về thế giới. Điều này lý giải cho hội chứng pareidolia - ảo giác nhìn thấy khuôn mặt trong không gian tĩnh.
Với nhân số học, một vài người thường xuyên bắt gặp các con số một cách trùng hợp, ví dụ người có ngày sinh tương ứng với số 5 sẽ nhìn thấy số 5 khắp nơi. Khuynh hướng này được gọi là thiên kiến xác nhận (confirmation bias), một dạng nhận thức khiến con người chỉ tập trung tìm kiếm và ghi nhớ những thông tin giúp củng cố cho niềm tin ban đầu của mình.
Khi nhìn vào bảng xếp hạng may mắn, trải nghiệm của một số người lại không giống với những gì thống kê đưa ra. Mai Nguyễn, một độc giả có thứ hạng 355 (gần chót bảng), kể lại: “Năm vừa rồi là năm đầu tiên em phải nhập viện, em cũng phải gác lại một số nguyện vọng tương lai. Nhưng nhìn chung, em vỡ ra nhiều bài học quý giá, có được nhiều niềm vui hơn nỗi buồn. Nếu chấm điểm, em nghĩ 2020 được 8, nhưng sau khi nhìn vào bảng trên và nhớ lại ký ức không vui, chắc điểm 7 sẽ phù hợp hơn”.
Thay vì đặt nhiều niềm tin vào bói toán, thần học, mỗi người chỉ nên coi chúng như một hình thức tham khảo, chiêm nghiệm, từ đó tìm hướng đi phù hợp nhất để cải thiện chất lượng sống.
7. Cách bạn nhìn nhận cuộc sống có ảnh hưởng đến số mệnh?
Não bộ con người đôi khi rất ưu ái suy nghĩ không vui (thiên kiến tiêu cực). Vì thế lời tiên tri tồi tệ càng khiến bạn cảnh giác, và cuối cùng có khả năng trở thành thật (lời tiên tri ứng nghiệm). Nhưng nếu thay đổi cách nhìn nhận sự việc, ta có thể biến nỗi sợ thành công cụ xây dựng sự tự tin.
Ví dụ, khi bạn tham gia một bữa tiệc và nghĩ bản thân kém cỏi, bạn thu mình và mất cơ hội kết nối với người mới. Nhận định “tôi không giỏi xã giao” càng được củng cố. Ngược lại, nếu tự tin bắt chuyện, bạn có khả năng nhận được lời khen về sự thân thiện và có thêm niềm tin vào bản thân.
Gạt bỏ định kiến về bản thân là bước đầu để tạo ra những ảnh hưởng tích cực.