Cộng đồng startup ‘xanh’ tại Việt Nam: Non trẻ và cần được khai thác
Thời gian qua, câu chuyện các startup Việt nhận về những khoản đầu tư hàng triệu đô la không còn quá xa lạ trên các mặt báo. Điển hình là gần đây, ứng dụng đầu tư Finhay đã huy động được 25 triệu USD ở vòng series B. Trong quý đầu tiên của năm nay, đã có ít nhất 12 startup kêu gọi thành công nguồn vốn khổng lồ. Theo báo cáo của StartupBlink vào tuần trước, các startup Việt chủ yếu tập trung hoạt động ở 3 lĩnh vực chính: thương mại điện tử - bán lẻ, công nghệ giáo dục (edtech) và công nghệ thực phẩm.
Đây là dấu hiệu tích cực, giúp củng cố vị thế tiên phong của Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, có một lĩnh vực nhỏ nhưng đầy tiềm năng phát triển mà hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước cũng như các nhà đầu tư mạo hiểm đã bỏ qua: Các startup công nghệ “xanh”.
Theo Earth Venture Capital (EVC) – một quỹ đầu tư mạo hiểm mới thành lập, số lượng startup chú trọng đến vấn đề biến đổi khí hậu hay công nghệ năng lượng tái tạo không nhiều như kỳ vọng. Thậm chí, phần lớn các startup công nghệ “xanh” không phát triển mạnh bằng các startup ngành khác.
Nhiệm vụ của EVC là hỗ trợ các startup công nghệ Việt giải quyết bài toán khủng hoảng khí hậu. Nguyễn Ngọc Tiến, General Partner của EVC, cho biết: "Mục đích của đầu tư là mang lại sự thịnh vượng, nhưng sự thịnh vượng không thể tồn tại trên một hành tinh chết.”
Vậy, điều gì khiến các nhà sáng lập và đầu tư mạo hiểm chùn bước trước lĩnh vực bền vững? Trao đổi với Vietcetera, ông Tiến chia sẻ thêm về mục tiêu của Earth Venture Capital tại Việt Nam, và tầm quan trọng của việc hỗ trợ cũng như đầu tư vào các startup để giúp họ hiện thực hoá được sứ mệnh “xanh”.
EVC có nhiệm vụ gì tại Việt Nam?
Earth Venture Fund (EVC) là quỹ đầu tư mạo hiểm mới thành lập, tập trung hoàn toàn vào các giải pháp công nghệ số để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu. EVC tin rằng, khi phát triển và mở rộng quy mô những công nghệ xanh hiện có, chúng ta có thể tăng tốc quá trình đạt được mục tiêu lượng phát thải ròng bằng “0”.
Sứ mệnh của Earth Venture Capital là ủng hộ và nâng đỡ các startup “xanh” để giải quyết các thách thức về khí hậu, và đồng thời vẫn mang lại lợi nhuận tài chính hấp dẫn. EVC sở hữu một đội ngũ gồm các nhà đầu tư và doanh nhân công nghệ kỳ cựu, có thể mang lại sự hỗ trợ tài chính và chiến lược cho startup giai đoạn đầu. Bên cạnh quỹ đầu tư mạo hiểm có quy mô trung bình từ 300.000 đến 3 triệu đô la Mỹ, chúng tôi còn ra mắt Earth Venture Studio để đồng hành với các startup “xanh” từ những bước đầu tiên với tư cách là nhà đồng sáng lập.
Từ khi chính thức ra mắt, đã có bao nhiêu startup được EVC hỗ trợ, và với vốn đầu tư như thế nào?
Chúng tôi chính thức công bố thành lập EVC vào tháng 3 năm nay. Chỉ trong vòng 3 tháng đầu, EVC đã phát triển một hệ thống hơn 100 startup công nghệ chống biến đổi khí hậu trên toàn thế giới. Một trong số đó đang trong giai đoạn đàm phán điều khoản với EVC và hy vọng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận như ý trong tháng này. Quy mô đầu tư trung bình của EVC dao động từ 300.000 đến 3 triệu đô la Mỹ cho một startup.
Tại Việt Nam, chúng tôi đang hỗ trợ hơn 10 startup thuộc phạm vi Trung tâm Khởi nghiệp về Biến đổi Khí hậu (Climate Change Entrepreneurship Hub) - một chương trình đề xuất bởi EVC, được Đại sứ quán Ireland và tổ chức ‘Friends of Ireland in Vietnam’ hỗ trợ.
EVC lựa chọn startup đầu tư theo tiêu chí gì?
Chúng tôi đầu tư vào các startup giai đoạn đầu: Từ giai đoạn tiền hạt giống (pre-seed), hạt giống, cho đến series A. Quỹ đầu tư mạo hiểm EVC thường hướng đến các startup đã có vài thành tựu nhất định, còn Earth Venture Studio sẽ làm việc với các nhà sáng lập ngay từ giai đoạn lên ý tưởng startup.
Với 3 trụ cột chính là quỹ đầu tư mạo hiểm EVC, Earth Venture studio, và quỹ tài trợ EV Foundation, chúng tôi có thể sàng lọc ra các startup, nhà sáng lập và đội ngũ startup đạt tiêu chuẩn vàng ABC do EVC đề ra. Các tiêu chí của ABC chính là "Tham vọng" (Ambitious), "Đột phá" (Breakthrough), và "Cam kết" (Commiment).
Vì trọng tâm của EVC là giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, chúng tôi chỉ đầu tư vào những nhà sáng lập hiểu và có kế hoạch mang lại tác động đến môi trường ngay từ ban đầu. Tuy nhiên, EVC không yêu cầu đội ngũ quản lý phải có kiến thức nền tảng về biến đổi khí hậu, lĩnh vực bền vững hay phải có kinh nghiệm điều hành một startup công nghệ “xanh” trước khi đến với EVC.
Chúng tôi vẫn ưu tiên các startup có chuyên môn sâu rộng vì đây có thể trở thành một lợi thế cạnh tranh lớn, có lợi cho startup. Với EVC, biến đổi khí hậu là một chủ đề đầu tư liên quan đến rất nhiều ngành công nghiệp và lĩnh vực khác, bao gồm nhưng không giới hạn lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và thực phẩm; lâm nghiệp; tối ưu hoá hậu cần và chuỗi cung ứng; tăng hiệu quả sử dụng năng lượng; năng lượng tái tạo; phương tiên giao thông chạy chạy bằng điện; và tài chính khí hậu,..
EVC chỉ đầu tư vào một startup khi chúng tôi nhận thấy có thể mang lại cho họ nhiều giá trị khác ngoài khả năng tài chính. EVC có thể hỗ trợ startup vạch ra chiến lược thâm nhập thị trường, cố vấn, và kết nối startup với những mối quan hệ có ích. Còn với Earth Venture Studio, chúng tôi sẽ cùng sát cánh với nhà sáng lập trên con đường xây dựng startup từ con số “0”.
Các startup mà EVC đầu tư mang lại những sản phẩm và dịch vụ gì?
Chúng tôi đã thấy qua tất cả các loại sản phẩm và dịch vụ. Có thể kể đến là:
- Giải pháp công nghệ IoT (Internet of Things) và AI giúp tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, đo lường chất lượng không khí, tăng năng suất cây trồng, dự đoán thiên tai, theo dõi tình trạng rừng, tối ưu hóa hệ thống kho bãi
- Robot tự động hóa trong khâu giao hàng tới tay người tiêu dùng (last-mile delivery), giúp làm sạch hiệu quả các tấm pin mặt trời, và tạo ra điện
- Minh bạch thị trường tín chỉ carbon dựa trên hệ thống blockchain, giúp thúc đẩy việc trồng cây, bảo tồn nguồn tài nguyên rừng
- Các nền tảng giúp ổn định và tối ưu hóa lưới điện, kết nối các bên liên quan để tạo điều kiện và tăng cường áp dụng năng lượng tái tạo
- Công nghệ khử cacbon trong các ngành công nghiệp
- Vật liệu mới
- Nguồn protein mới
Các startup hoạt động trong những lĩnh vực này có thường xuyên được rót vốn đầu tư không?
Trong Thư gửi CEO 2022 của Larry Fink - CEO của Blackrock, ông có viết rằng: "Trong số 1.000 startup kỳ lân tiếp theo, sẽ không có startup nào đi theo lĩnh vực phát triển công cụ tìm kiếm hay truyền thông xã hội. Họ sẽ là những startup đổi mới sáng tạo hướng đến sự bền vững và có khả năng mở rộng. Đây là những startup giúp thế giới khử cacbon và mang đến cho người tiêu dùng giải pháp chuyển đổi năng lượng với giá phải chăng".
Phong trào đầu tư vào vào giải pháp chống biến đổi khí hậu đã bắt đầu khởi động trên thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á, các quỹ đầu tư “xanh” cũng xuất hiện nhiều hơn.
Cộng đồng startup “xanh” ở Việt Nam có quy mô như thế nào?
Cộng đồng startup “xanh” ở Việt Nam vẫn còn nhỏ, nhưng chúng tôi tin rằng mọi thứ sẽ khác đi rất nhiều trong tương lai gần.
Công chúng xem biến đổi khí hậu là một chủ đề phát triển thuộc trách nhiệm của chính phủ hoặc các tổ chức phi lợi nhuận. Tại EVC, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều cơ hội kinh doanh rất lớn có thể khai thác từ biến đổi khí hậu. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế “xanh” cũng đã bắt đầu trên quy mô toàn cầu.
Với chương trình Earth Venture Studio, chúng tôi hy vọng có thể tận dụng nguồn lực nhân tài công nghệ đông đảo và tay nghề cao tại Việt Nam và đồng sáng lập ra các startup “xanh”, góp phần giải quyết các vấn đề lớn trên toàn cầu.
Quy mô của cộng đồng đầu tư mạo hiểm “xanh” ở Việt Nam ra sao?
Tại Việt Nam, số lượng nhà đầu tư mạo hiểm đề cập rõ ràng về vấn đề "biến đổi khí hậu" trong luận điểm đầu tư như EVC vẫn còn rất ít.
Nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư mạo hiểm như EVC có ý nghĩa gì với các startup công nghệ “xanh”?
Nhận tài trợ từ vòng tiền hạt giống và hạt giống là một trong những thách thức lớn nhất đối với các startup công nghệ “xanh”. Có sự hỗ trợ của các nhà đầu tư, startup sẽ có thể thâm nhập thị trường quốc tế và mở rộng quy mô hoạt động trong phạm vi khu vực và toàn cầu.
Ở các nước phát triển, chính phủ làm rất tốt công việc hỗ trợ này cho các startup. Như vậy thì sau khi startup đã hoàn thành proof of concept (thử nghiệm một ý tưởng để chứng minh tính khả thi của nó trong thực tế) và tìm ra được product-market fit (tạo ra sản phẩm mà khách hàng mong muốn), họ sẽ cần tiếp cận với các nguồn vốn tư nhân từ các nhà đầu tư giai đoạn đầu để có thể tiếp tục phát triển doanh nghiệp.
Trong khi đó, hệ sinh thái hỗ trợ startup “xanh” tại Việt Nam và các nước đang phát triển khác vẫn còn non trẻ. Họ có thể cần sự hỗ trợ từ các “vườn ươm khởi nghiệp” (incubator) hoặc VC studio như Earth Venture Studio trước khi tiếp cận với các nhà đầu tư mạo hiểm.
Tương lai của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam sẽ ra sao?
Hiện Việt Nam đang là hệ sinh thái khởi nghiệp sáng giá ở khu vực Đông Nam Á. Bền vững sẽ sớm là xu hướng khởi nghiệp nổi bật tiếp theo tại Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Chuyển ngữ bởi Bích Trâm