Xu hướng phát triển bền vững: Đầu tư cũng phải ‘xanh' | Vietcetera
Billboard banner
28 Thg 04, 2022
Sự NghiệpXu Hướng Kinh Doanh

Xu hướng phát triển bền vững: Đầu tư cũng phải ‘xanh'

Trước sự đình trệ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong việc đạt các Mục tiêu Phát triển bền vững năm 2030, nhiều quỹ đầu tư mạnh tay rót vốn vào các startup ‘xanh’ có khả năng mở rộng nhanh chóng.
Xu hướng phát triển bền vững: Đầu tư cũng phải ‘xanh'

Nguồn: Shutterstock

ISEV x Vietcetera

Sau sự bùng nổ của ngành Fintech (công nghệ tài chính) khi chiếm tới hơn 70% vốn đầu tư trong nước vào năm ngoái, các nhà đầu tư bắt đầu chuyển sang một thị trường tiềm năng mới: Các startup công nghệ xanh.

Cuối năm 2021, bốn startup Việt Nam gồm Wiibike, IoTeamVN, Hachi, và PLASTIC People Company đã tham gia chương trình AsiaBerlin Summit tổ chức tại Đức để giới thiệu các giải pháp công nghệ thân thiện với môi trường. Điều này càng chứng tỏ xu hướng công nghệ xanh đang dần hình thành và mang lại những tác động tích cực.

Theo ông Ngô Đình Đạt, Giám đốc điều hành của ITI – quỹ đầu tư khởi nghiệp giai đoạn đầu – chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với trang Vietnam Investment Review, “Xu hướng khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay là tập trung vào các dự án góp phần phát triển cộng đồng và tính bền vững như năng lượng sạch, tái chế, giảm tiêu thụ năng lượng và tạo việc làm cho người khuyết tật.”

Dù ông Đạt không nói rõ rằng các quỹ đầu tư mạo hiểm hiện đang chú trọng tìm kiếm các startup có ý thức bảo vệ môi trường và đề cao tính bền vững, nhưng sự nổi lên của nhiều startup trong lĩnh vực này đã cho thấy đây là một xu hướng gần như tất yếu tương lai gần.

Trong một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết với tốc độ hiện tại, khu vực châu Á - Thái Bình Dương khó đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030, thậm chí là phải đợi tới 2065 mới có thể hoàn thành. Từ năm 2016, dù khu vực có ghi nhận các tiến bộ trong lĩnh vực xóa nghèo, giảm bất bình đẳng, sức khỏe và hạnh phúc, tuy nhiên những vấn đề về khí hậu vẫn còn đình trệ. Điều này rất đáng quan ngại, đặc biệt là khi Đông Nam Á là một trong những khu vực thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi thiên tai do biến đổi khí hậu.

Trong bài báo cáo, bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký LHQ kiêm Thư ký Điều hành Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), đã kêu gọi tất cả các bên liên quan “Nỗ lực gấp đôi để đạt được các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững”.

Nguồn Shutterstock
Nguồn: Shutterstock

Khi đầu tư mạo hiểm bắt tay với các nhà hoạt động xã hội về khí hậu

Earth Venture Fund (EVC) là quỹ đầu tư mạo hiểm mới thành lập, tập trung hoàn toàn vào các giải pháp công nghệ số để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu.

Gần đây, EVC thông báo đã huy động thành công quỹ đầu tiên và bắt đầu giai đoạn đầu tư vào startup. EVC sẽ tập trung vào mô hình kinh doanh công nghệ cao và có khả năng mở rộng nhanh nhằm đối phó với biến đổi khí hậu. Thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như sự ra mắt của ​​Earth Venture Studio, EVC với đội ngũ gồm các nhà đầu tư và doanh nhân công nghệ kỳ cựu có thể mang lại sự hỗ trợ tài chính và chiến lược cho startup giai đoạn đầu (từ pre-seed cho đến Series A).

Khả năng mở rộng của doanh nghiệp rất quan trọng. Dù các startup quy mô nhỏ với nỗ lực mang lại lợi ích cho xã hội là rất đáng khen, nhưng để có thể tạo ra sự khác biệt và ảnh hưởng lâu dài thì phải cần một cuộc chuyển đổi kinh tế, công nghiệp, và văn hoá sâu rộng hơn. Và, chìa khoá để chuyển đổi thành công chính là vốn đầu tư khổng lồ vào một tiềm năng lợi nhuận trong tương lai – biến các dự án kinh doanh ‘xanh’ thành nguồn thu lợi nhuận.

Tại Việt Nam, xe điện hiện đang là một thị trường có tiềm năng rất lớn. Các startup nổi bật của làn sóng sản xuất xe máy điện trong những năm gần đây là DatBike, WiibikeSelex Motors, chưa kể đến dòng xe VinFast gồm cả xe hơi và xe máy của tập đoàn Vingroup.

Ngoài xe điện, sự nổi lên của các công ty IoT (Internet of Things: mạng lưới kết nối các thiết bị kết nối thông qua Internet, cho phép các thiết bị thu thập, trao đổi, xử lý dữ liệu với nhau) mang lại giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả hơn cho đô thị và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đô thị. Hai cái tên đại diện cho mô hình công nghệ này là IoTeamVNHachi.

Nguồn Shutterstock
Nguồn: Shutterstock

Tiềm năng của blockchain và game hóa trong vấn đề môi trường ở Việt Nam

Ngoài các giải pháp công nghệ viễn thông – tin học (ICT) và AI & Machine Learning (Trí tuệ nhân tạo và khả năng tự học hỏi, cải thiện của máy tính), trên trang web của EVC cũng đề cập đến hai lĩnh vực đầu tư thú vị - sử dụng blockchain và game hoá (Gamification: ứng dụng các tính năng của game vào các lĩnh vực khác) để bảo vệ môi trường.

Tác động của blockchain đối với môi trường vốn là một chủ đề tranh luận sôi nổi trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, ý tưởng sử dụng blockchain làm công cụ chống lại khủng hoảng khí hậu đang ngày càng phổ biến - thậm chí còn được nhắc đến trong Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc vào tháng Một năm nay.

Việt Nam đang là quốc gia dẫn đầu về ngành blockchain trong khu vực và toàn cầu. Vừa qua, AEX vừa khởi động quỹ đầu tư có quy mô tới 100 triệu đô la Mỹ nhằm thúc đẩy sự phát triển của blockchain ở Việt Nam. Với động thái đầu tư mạnh tay này, có thể mong trong tương lai gần, sẽ xuất hiện thêm nhiều startup làm về nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi), chú trọng đến vấn đề bền vững.

Game hoá cũng có thể là lĩnh vực mang lại các giải pháp tích cực cho các thách thức về môi trường ở Việt Nam. Game hoá áp dụng cơ chế của game vào các lĩnh vực khác nhau như marketing, để thúc đẩy hành động, từ đó tăng tương tác của người dùng. Giá trị của thị trường game hoá toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua, đạt gần 12 tỷ đô la Mỹ. Ở Châu Á Thái Bình Dương, con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng chóng mặt với tốc độ tới 27% mỗi năm.

Ví điện tử MoMo, với mức định giá 2 tỷ đô la Mỹ, là một trong những startup thuộc lĩnh vực fintech thành công lớn nhất của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Hiện, MoMo đang dẫn đầu xu hướng game hoá khi tích hợp các dịch vụ trên ứng dụng dưới hình thức trò chơi như Học viện MoMo, Thành phố MoMo, và MoMo Jump. Nhờ đó, mức độ tương tác của khách hàng MoMo đã tăng một cách đáng kể.

Loship, ứng dụng đặt và giao đồ ăn trực tuyến, cũng không nằm ngoài cuộc chơi game hoá với các tính năng như Truy tìm nhiệm vụ trên ứng dụng. Không khó để thấy xu hướng game hoá đã rất thịnh hành ở Việt Nam. Nhờ khả năng tiếp cận và tăng tương tác với một lượng lớn người dùng, game hoá có thể giúp khuyến khích các hành động bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu của mỗi cá nhân.

Từ các nhà đầu tư như EVC và những doanh nghiệp mong muốn tạo ra lợi nhuận từ các dự án ‘xanh’, cho đến sự xuất hiện của các startup quan tâm đến vấn đề bền vững, cùng với sự nổi lên của game hoá và blockchain trong ngành công nghệ. Có thể thấy, tất cả các yếu tố cần thiết để tạo một làn sóng chuyển đổi có quy mô sâu rộng trong lĩnh vực kinh tế, công nghiệp, và văn hoá đều hội tụ, mở ra một xu hướng đầu tư vào phát triển công nghệ xanh và tính bền vững trong tương lai gần.

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm