Cuộc chiến giữa AI và chuyên gia tâm lý: Ai sẽ giành chiến thắng?
Với tư cách là người thực hành trong lĩnh vực tham vấn trị liệu tâm lý, tôi từng rất tự tin cho rằng, nếu có ngành nghề nào bị AI thay thế thì ngành tôi sẽ thuộc top cuối cùng. Nhưng hiện tại, trong bối cảnh thế giới có thể thay đổi sau một đêm, suy nghĩ này không hợp lý theo nhiều nghĩa.
Trải nghiệm với chatbot AI dành cho sức khỏe tinh thần
Một số chatbot AI như Woebot và Youper đã được chứng minh lâm sàng là hiệu quả, được các tổ chức như FDA, ISO và Đại học Stanford (Mỹ) công nhận. Khi trải nghiệm chúng, tôi đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.
Thứ nhất, chúng có thể mô phỏng như thật cuộc trò chuyện của con người. Thứ hai, chúng được đào tạo bài bản từ những triết lý và kỹ thuật của một số trường phái tâm lý đã được chứng minh, từ đó tích hợp thành bài tập đơn giản cho người dùng. Thực tế không ít nhà tâm lý sử dụng chính các kỹ thuật này khi tham vấn trực tiếp cho thân chủ.
Về số lượng người dùng, những app trên đạt tới hơn 1 triệu người tải và hơn 2 triệu số người dùng công khai trên trang chủ của nhà sản xuất. Rõ ràng việc sử dụng nhà trị liệu AI đang ngày một phổ biến, và không thể phủ nhận những ứng dụng này mang lại nhiều lợi ích khác nhau.
Lợi ích không thể chối từ
Chi phí thấp, dễ tiếp cận
Theo nhà nhân chủng học Barclay Bram chia sẻ trên New York Times, các chatbot AI đã giải quyết được một vấn đề phổ biến trên toàn thế giới: khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Chatbot có chi phí tương đối thấp, có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi. Điều này giống như “phao cứu sinh” cho những người không đủ khả năng chi trả, hoặc không thể tiếp cận dịch vụ dịch vụ tham vấn tâm lý.
Khả năng hồi đáp tức thì
Khi nói chuyện với chatbot, người dùng/thân chủ thường được hồi đáp nhanh chóng. Điều này tạo cảm giác họ luôn có người ở bên lắng nghe và hỗ trợ tinh thần ngay lập tức, đặc biệt khi cảm xúc không ổn. Đây là “điểm cộng” lớn của AI so với dịch vụ tư vấn tâm lý truyền thống, vốn chỉ gói gọn trong buổi hẹn kéo dài khoảng 1 giờ mỗi tuần.
Khả năng tự cải thiện ngôn ngữ
Về khía cạnh chuyên môn, “nhà tâm lý AI” cũng được đào tạo dựa trên kiến thức và kỹ thuật cơ bản đã được chứng minh. Vì vậy, bước đầu tiên trong quy trình “tham vấn” luôn là sàng lọc đánh giá để cá nhân hóa trải nghiệm. Kết quả là AI có thể “tâm sự”, hoặc gợi ý các bài tập phù hợp phần nào với tình trạng tâm lý bạn đang trải qua.
Theo chuyên gia kỹ thuật David Auerbach, AI có thể tự hoàn thiện ngôn ngữ theo cơ chế vòng lặp góp ý (feedback loop). Dựa trên các thuật toán và ý kiến phản hồi từ người dùng, AI sẽ lọc ra những câu từ họ thích nghe và lặp lại trong lần trò chuyện tiếp theo. Điều này khiến các cuộc trò chuyện ngày một hợp ý người sử dụng.
Liệu AI có thay thế được nhà tâm lý thật sự?
Câu trả lời là có, nhưng chỉ trong một số trường hợp chứ không phải tất cả.
Theo nhà tâm lý lâm sàng Neil Hunter, trò chuyện với AI có thể giúp giải tỏa cảm giác buồn và cô đơn ở mức độ nhẹ. Một số chatbot được tập huấn kỹ lưỡng còn có thể gợi ý cho người dùng các hoạt động xã hội, hoặc bí quyết giao tiếp với người khác. Tuy nhiên ở hiện tại, AI không thể thay thế hoàn toàn nhà tâm lý thật sự vì những nguyên nhân sau:
AI chẩn đoán tốt, song đây không phải mục tiêu chính của nhà tâm lý
AI được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán và xác định nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm cả rối loạn về tâm lý/tâm thần học. Với những đặc điểm như không có định kiến, khả năng đo lường chính xác các chỉ số sinh học hay trò chuyện như người thật, AI có tiềm năng chẩn đoán vượt lên các chuyên gia tâm lý.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, chuyên gia tâm lý khác với bác sĩ tâm thần. Và việc chẩn đoán nhìn chung không phải mục tiêu chính trong tham vấn trị liệu tâm lý. Một số liệu pháp còn coi việc này tương tự như xếp loại con người - điều cần tránh khi tiếp cận thân chủ.
Trong ngành tâm lý, mỗi thân chủ là một cá thể riêng biệt, mang những vấn đề riêng về bối cảnh sống, không ai giống ai. Do đó bất kỳ việc phân loại nào cũng bị coi là bóp méo cá nhân để vừa vào một “cái hộp” định sẵn.
AI không thể mô phỏng tương tác giữa người với người
Như phân tích ở trên, nhà tâm lý AI có thể giao tiếp với ngôn ngữ rất giống con người khiến đôi khi chúng ta khó lòng phân biệt. Nhưng suy cho cùng, thì AI cũng là do con người tạo ra.
Và cho tới hiện tại, những gì con người hiểu về cách tâm lý, cảm xúc hay suy nghĩ của chính mình vận hành vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, ta không thể kỳ vọng một chatbot bù trừ được những khuyết điểm ấy.
Bên cạnh đó, con người không chỉ giao tiếp bằng lời nói, mà còn qua những cử chỉ không lời, hơi thở, ánh mắt và sự thay đổi tông giọng. AI chưa thể mô phỏng những yếu tố này chính xác 100%, mà chỉ có thể hỗ trợ người dùng về nhận thức lý trí.
Các phản hồi của AI hiện vẫn phổ biến dưới dạng văn bản, hình ảnh và đôi khi là giọng nói. Vì vậy, nó chỉ tác động được tới người dùng qua hình thức đọc hiểu. Còn cảm xúc, hành vi hay môi trường - yếu tố cần thiết giúp nhà tâm lý tạo quan hệ với thân chủ trong quá trình tham vấn - là điều mà ngôn ngữ đơn thuần không thể đáp ứng được.
Không chỉ vậy, một số kỹ thuật trị liệu đòi hỏi tương tác trực tiếp để đạt hiệu quả cao. Thậm chí việc tham vấn trực tuyến vẫn còn gây tranh cãi, và cần được nghiên cứu sâu hơn để kết luận mức độ hiệu quả so với tham vấn trực tiếp truyền thống.
Dù vậy, để trấn an người dùng, một ứng dụng đã khẳng định AI của họ có thể tạo sự liên kết ở mức độ “con người”. Song bất chấp những bằng chứng nhà sản xuất đưa ra, vẫn còn quá ít nghiên cứu khẳng định chúng thực sự hiệu quả trên phần đông dân số.
AI cũng mang lại những rủi ro
Theo nhà khoa học đạo đức Margaret Mitchell, việc sử dụng nhà trị liệu AI có thể mang lại những rắc rối về bảo mật thông tin. Chẳng hạn đa phần các công ty AI sẽ sử dụng dữ liệu trò chuyện với người dùng để đào tạo chatbot của mình. Một khi những câu chuyện riêng tư, mang tính “người” nhất bị tách khỏi cá nhân, rút gọn thành dữ liệu để phân tích và phát triển công cụ công nghệ, con người sẽ lại bị phân mảnh hơn nữa.
Bên cạnh đó, người dùng có thể nghiện AI tới mức bỏ qua tương tác với thế giới thật, giống như mặt trái của mạng xã hội khiến người ta “chúi mũi” vào điện thoại. Lâu dần, vấn đề tâm lý của họ sẽ ngày càng trầm trọng, vì nguyên nhân gốc rễ của nó không được giải quyết.
Ngay chính khả năng hồi đáp tức thì của AI cũng có thể là con dao hai lưỡi. Để dễ hình dung, nó giống như liều thuốc an thần giúp xoa dịu tâm lý bạn ngay mà không phải chờ đợi. Nhưng khi “nhờn” thuốc, bạn sẽ phải uống nó liên tục mới có thể trấn an bản thân.
Tương tự, khi lạm dụng AI, bạn có thể bị phụ thuộc vào “nhà trị liệu” thay vì hình thành khả năng tự quản trị cảm xúc và suy nghĩ của bản thân. Điều này đi ngược với mục tiêu cuối cùng của trị liệu tâm lý, là giúp thân chủ đạt tới sự trưởng thành và độc lập nhất định trong cảm xúc và suy nghĩ.
Một nguyên nhân khiến người dùng không mấy chú ý đến những rủi ro này là thiên kiến hiện tại (present bias). Theo đó, con người thường bỏ qua những lợi ích lâu dài để đạt những phần thưởng ngắn hạn, tức thời. “Cạm bẫy” này khiến người dùng khó để ý đến những hạn chế trên, bởi chúng chỉ bộc lộ sau một thời gian dài sử dụng nhà tâm lý AI.
Tương lai nào cho việc ứng dụng AI vào sức khỏe tinh thần?
Hiện nay còn rất sớm để kết luận AI thay thế được dịch vụ tham vấn trị liệu tâm lý. Nhưng với sự đa dạng, phức tạp của tâm lý con người, AI đã, đang và sẽ có tiềm năng trở thành trợ thủ đắc lực cho các nhà tâm lý nếu được kiểm soát và tập huấn kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, sự phát triển chóng mặt của AI cũng đặt ra thách thức mới cho các nhà tâm lý, thúc đẩy họ phải liên tục nâng cấp năng lực của chính mình. Bởi khi phải “chạy đua” với AI, con người sẽ có động lực phát huy mạnh mẽ hơn. Đây cũng là tin mừng cho công cuộc cải thiện sức khỏe tinh thần - vấn đề ngày một phổ biến trên thế giới.