Chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần: Khi nào gặp ai? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
17 Thg 04, 2022
Tâm Lý Học

Chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần: Khi nào gặp ai?

Dù đều làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần là hai nghề khác nhau.
Chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần: Khi nào gặp ai?

Nguồn: Phương Thảo @therabbit.archive cho Vietcetera

Ở Việt Nam hiện nay, sức khỏe tinh thần đang trở thành mối quan tâm của mọi người. Trên khắp các trang báo và mạng xã hội, những câu chuyện về sự lo lắng, bất an trong cảm xúc và suy nghĩ khiến việc đi khám tâm lý dần trở nên phổ biến hơn.

Nhưng chúng ta nên tìm tới chuyên gia tâm lý hay bác sĩ tâm thần? Câu trả lời là điều này tùy thuộc vào nhu cầu và mong muốn của mỗi người.

Vì vậy, hiểu về suy nghĩ, cảm xúc hiện tại của bản thân cũng như sự khác biệt giữa trị liệu tâm lý và điều trị tâm thần sẽ giúp bạn có sự lựa chọn hợp lý nhất cho riêng mình.

Chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần là ai?

Có lẽ điều khiến chúng ta dễ bối rối là sự nhầm lẫn về danh xưng. Chúng ta thường gọi chung những người chăm sóc sức khỏe tinh thần là bác sĩ tâm lý. Điều này vô hình trung khiến chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần được coi là một, dù đây là hai nghề nghiệp khác nhau.

Chuyên gia tâm lý (psychologist) là người được đào tạo từ ngành tâm lý học. Ngành tâm lý học chia thành hai hướng chính là tham vấn (counselling) và lâm sàng (clinical). Người có khả năng trị liệu tâm lý phải là người học chuyên ngành lâm sàng.

Tùy mức độ khó khăn nặng nhẹ khác nhau mà người tìm đến chuyên gia tâm lý (nay gọi là thân chủ) sẽ lựa chọn đi tham vấn hay trị liệu. Có nhiều quan điểm khác nhau để phân biệt tham vấn và trị liệu. Nhưng giới chuyên môn ở Việt Nam đồng tình rằng, nhà trị liệu tâm lý sẽ đảm nhận những trường hợp nặng hơn.

Còn bác sĩ tâm thần (psychiatrist) theo học ngành bác sĩ đa khoa, với chuyên ngành sâu là tâm thần. Vì vậy, bác sĩ tâm thần là người có bằng cấp y khoa, còn chuyên gia tâm lý thì không.

Quá trình đi khám khác nhau thế nào?

Trị liệu tâm lý

Khi tìm tới chuyên gia tâm lý, bạn và chuyên gia sẽ cùng thảo luận về những khó khăn trong tâm lý mà bạn gặp phải.

Ở một vài buổi đầu, chuyên gia sẽ không chẩn đoán bạn mắc chứng bệnh nào nhưng có đánh giá về tình trạng tâm lý hiện tại của bạn. Trong quá trình đánh giá, bạn có thể được làm một số trắc nghiệm về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi hay nhân cách.

Công cuộc tham vấn và trị liệu chuyên sâu sẽ diễn ra vào những buổi tiếp theo. Chuyên gia tâm lý sẽ sử dụng liệu pháp điều trị riêng, tùy vào trường phái lý thuyết mà họ theo đuổi.

Ví dụ bạn sẽ được thực hành liệu pháp chánh niệm, nhận diện những suy nghĩ sai lệch gây đau khổ hay cùng tham gia vào quá trình phân tích tâm lý.

16apr2022tlhintext1jpg
Chuyên gia tâm lý sẽ trò chuyện, gợi ý bạn thực hành chánh niệm hay cùng bạn phân tích tâm lý để tìm ra và giải quyết vấn đề gốc rễ của bạn.

Điều trị tâm thần

Đây sẽ là một hành trình hoàn toàn khác. Các bác sĩ tâm thần thường yêu cầu bạn làm một số xét nghiệm sinh lý, sinh hóa để kiểm tra tổng quát sức khỏe thể chất như xét nghiệm máu, điện não đồ…

Tương tự như tham vấn và trị liệu tâm lý, bạn có thể được làm các bài trắc nghiệm giúp bác sĩ tâm thần có cái nhìn tổng quan. Tuy nhiên thay vì trò chuyện về vấn đề tâm lý của bạn, họ sẽ kê cho bạn đơn thuốc theo chẩn đoán bệnh và mức độ rối loạn tâm thần.

Chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần tập trung điều trị khía cạnh nào?

Các chuyên gia tâm lý quan tâm tìm hiểu câu chuyện cuộc đời dẫn đến những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi đặc thù của từng cá nhân. Quá trình tham vấn trị liệu sẽ không chỉ tập trung vào riêng thân chủ, mà còn cả mối quan hệ xung quanh hay điều kiện xã hội họ đang sống.

Đồng thời, liệu pháp tâm lý họ sử dụng cũng tác động tới nhiều khía cạnh hơn là chỉ tập trung vào triệu chứng. Nói cách khác, triệu chứng suy giảm hay biến mất là kết quả sau khi giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.

Về phía bác sĩ tâm thần, họ tập trung vào những biến đổi chức năng trong não bộ gây ra rối loạn tâm thần. Như vậy, họ xác định nguyên nhân gây rối loạn dựa theo các yếu tố thể chất có thể đo lường chính xác. Và phương pháp điều trị chủ yếu là dùng thuốc làm giảm hoặc hết triệu chứng của bệnh.

16apr2022tlhintext2jpg
Các bác sĩ tâm thần tập trung xác định các nguyên nhân thể chất có thể gây rối loạn tâm thần, và kê thuốc giúp làm giảm hoặc hết triệu chứng của bệnh.

Chẳng hạn bạn gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống vì luôn thấy lo lắng khi ra ngoài. Nỗi lo khiến bạn tim đập chân run, toát mồ hôi dù không có chuyện gì thực sự đáng lo ngại xảy ra.

Nếu tới gặp chuyên gia tâm lý, họ sẽ cùng bạn phân tích xem do đâu mà triệu chứng này xuất hiện. Nguyên nhân có thể do bạn đã chứng kiến một vụ va chạm kinh hoàng, từ đó sợ ra đường vì lo mình bị tai nạn giao thông. Khi đó, quá trình trị liệu sẽ tập trung làm giảm nỗi sợ xung quanh nguyên nhân này.

Còn nếu tới gặp bác sĩ tâm thần, bạn có thể được chẩn đoán mắc rối loạn lo âu và được kê thuốc làm giảm triệu chứng. Tuy nhiên bạn vẫn có thể lo lắng khi ra ngoài, do nguyên nhân của việc này không được làm rõ.

Trong những trường hợp khẩn cấp thì nên đi đâu?

Nếu bạn hoặc người thân, bạn bè không thể tự chăm sóc bản thân, gián đoạn sinh hoạt, có suy nghĩ/hành vi tự sát hay tư tưởng hại người khác thì nên tới gặp bác sĩ tâm thần để được kê đơn thuốc phù hợp.

Khi suy nghĩ và các hành vi trên giảm bớt và tình trạng ổn định hơn, bạn có thể kết hợp uống thuốc và trị liệu tâm lý. Việc trị liệu sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn, để bạn có thể đào sâu tìm hiểu những khúc mắc của mình.

Dù lựa chọn ai, cũng cần tìm hiểu kỹ

Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi nên đi gặp chuyên gia tâm lý hay bác sĩ tâm thần. Trên thực tế, cả hai biện pháp này có thể kết hơp để chăm sóc sức khỏe tinh thần một cách toàn diện. Bạn có thể tham khảo ý kiến chuyên gia để xác định phương pháp điều trị tốt nhất cho mình.

Dù lựa chọn của bạn thế nào, có một nguyên tắc chung là cần đảm bảo rằng người chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bạn có uy tín và được đào tạo chính quy.

Cuối cùng, cho dù chuyện gì đã xảy ra, mong bạn luôn có sự bình an trong tâm hồn.