Cyber-bystander có phải chỉ biết đứng nhìn?

Trong nhiều trường hợp, cyber-bystander có sức mạnh xoay chuyển tình thế, cứu giúp người trong cuộc.
Bích Hồ
Nguồn: Shvets Production/Pexels. Ảnh thiết kế bởi Hân Nguyễn cho Vietcetera.

Nguồn: Shvets Production/Pexels. Ảnh thiết kế bởi Hân Nguyễn cho Vietcetera.

1. Cyber-bystander là gì?

Theo UNICEF, cyber-bystander, hay cyberbullying bystander, là người quan sát thấy hoặc chứng kiến việc người khác bị đe doạ, quấy rối, hay bị cố ý làm tổn thương tinh thần trên các môi trường internet như mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, email, web/blog,...

Một số nghiên cứu còn cho rằng, chỉ cần một người nghe thấy hoặc có biết đến vụ việc bắt nạt trên mạng thì họ đã là cyber-bystander. Còn nhiều định nghĩa khác, tuy nhiên hầu hết đều thống nhất ở ý cốt lõi: cyber-bystander không phải là kẻ bắt nạt chính hay nạn nhân trong vụ việc.

Song điều đó không có nghĩa họ hoàn toàn là kẻ ngoài cuộc. UNICEF đã chia hành vi của các cyber-bystander thành 4 nhóm như sau:

  • Hùa theo kẻ bắt nạt chính, nói chêm khiến sự việc tệ hơn
  • Quan sát, cười nhạo nạn nhân
  • Bênh vực, can thiệp để bảo vệ hoặc an ủi nạn nhân
  • Quan sát nhưng không tham gia vào dưới bất kỳ hình thức nào

2. Nguồn gốc của cyber-bystander?

Xét về phương diện ngôn ngữ học, chưa có tài liệu chính thức nào ghi nhận thời gian “cyber-bystander” được đưa vào sử dụng lần đầu tiên.

Xét về phương diện xã hội, có thể nói cyber-bystander tồn tại từ khi hành vi bắt nạt qua mạng (cyberbullying) xuất hiện, tức là vào khoảng những năm 1990. Khi đó, máy tính cá nhân bắt đầu phổ biến. Người dùng internet kết nối và tương tác với nhau qua các diễn đàn.

3. Vì sao cyber-bystander phổ biến?

Cyber-bystander đông hơn khi mạng xã hội phát triển hơn

Hiện tượng “cyberbullying” cũng như hành vi “cyber-bystanding” chỉ thực sự thu hút sự chú ý của đại chúng và các nhà nghiên cứu cho đến giữa những năm 2000.

Đó là khi hàng loạt các nền tảng mạng xã hội ra đời, đẩy tính kết nối giữa con người với nhau lên một tầm cao mới. Việc bắt nạt có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, với sự chứng kiến của đám đông lớn hơn. Sức ép tâm lý vì vậy cũng tăng lên khiến nhiều thanh thiếu niên túng quẫn, đi đến quyết định tự làm hại mình.

Một trong những trường hợp đầu tiên làm dậy sóng cộng đồng lúc bấy giờ là vụ tự tử của nữ sinh 13 tuổi, Megan Meier. Cô bị một phụ nữ hàng xóm tạo tài khoản giả danh một chàng trai 16 tuổi để trêu đùa ác ý. Người này cũng lấy thông tin tạo tin đồn, rồi cùng với một số tài khoản mạng xã hội khác lăng nhục, kích động cô gái 13 tuổi.

Trong vụ việc, cha mẹ và em gái của Megan đều biết việc cô bị quấy rối trên mạng nhưng không nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề. Một số hàng xóm khác của Megan biết danh tính thật của tài khoản giả mạo kia, nhưng chỉ lên tiếng khi hay tin Megan đã tự tử.

Nói cách khác, họ đều là các cyber-bystander không can thiệp vào sự việc.

Tại Việt Nam, những trường hợp tương tự cũng bắt đầu xuất hiện nhiều từ khoảng đầu những năm 2010. Điển hình là vụ một nữ sinh 15 tuổi tự tử sau khi bị bạn trai tung clip sex lên mạng vào năm 2015.

Cộng đồng mạng đã từng tranh cãi “ai là mới là thủ phạm gây ra cái chết thực sự” - kẻ bắt nạt chính, người hùa theo hay người chứng kiến nhưng không có hành động ngăn chặn hậu quả.

Câu hỏi đó cứ chìm xuống, rồi lại nổi lên mỗi khi có một sự việc mới xảy ra, cho thấy rằng chúng ta vẫn có ý thức nhất định về hậu quả của việc “vô cảm”. Tuy nhiên, từ ý thức đến hành động can thiệp lại là một hành trình phức tạp.

Vì sao một bộ phận cyber-bystander chọn không lên tiếng?

Theo một nghiên cứu của ĐH Boiste State, việc các cyber-bystander chọn vai trò bị động có liên quan đến các yếu tố:

  • Sự buông thả về đạo đức (moral disengagement)
  • Sự phân tán trách nhiệm do hiệu ứng người ngoài cuộc
  • Sự thiếu tự tin, kiến thức hoặc kỹ năng để can thiệp

Còn nhiều yếu tố được nhắc đến trong các nghiên cứu khác như tuổi tác, giới tính, giá trị văn hoá, mức độ thấu cảm. Với các phạm trù khách quan, vẫn chưa có các đề xuất giải quyết rõ ràng. Nhưng với những thứ thuộc về lựa chọn cá nhân như kiến thức và kỹ năng, hầu hết chúng ta đều có khả năng kiểm soát.

Cyber-bystander có thể làm gì để giúp nạn nhân?

  • Nhận biết các hành vi bắt nạt trực tuyến
  • Rủ thêm người ngoài cuộc để có thể can thiệp theo nhóm
  • Nói chuyện riêng với người bị bắt nạt để giúp họ cảm nhận thấy mình được ủng hộ
  • Lưu lại các bằng chứng về hành vi bắt nạt
  • Báo với người quản lý, cơ quan có thẩm quyền

Tính ẩn danh của mạng xã hội ở trường hợp này hoàn toàn có thể được sử dụng để tạo thế mạnh, động lực cho các cyber-bystander.

4. Cách dùng cyber-bystander?

Tiếng Anh

A: That case finally closed... but how did they know that guy was guilty?

B: Well, they said the clue was from a cyber-bystander’s screenshot.

Tiếng Việt

A: Vụ đó cuối cùng cũng có kết án rồi… nhưng mà sao người ta biết ổng có tội?

B: Manh mối có từ ảnh chụp màn hình của một cư dân mạng chứng kiến á.

Plan International là tổ chức nhân đạo phát triển về quyền trẻ em và bình đẳng giới với hơn 80 năm kinh nghiệm và hiện đang hoạt động tại 75 quốc gia trên toàn thế giới. Chiến dịch Girls Get Equal (Em gái Bình đẳng) do Plan và thanh thiếu niên khởi xướng nhằm hỗ trợ các em gái tự tin học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển cuộc sống và tương lai của chính mình.

An toàn trên mạng cho trẻ em gái là mục tiêu năm 2021 của chiến dịch Girls Get Equal. Năm 2020, Plan International lắng nghe chia sẻ từ 26,000 em gái trên toàn thế giới về tác động của tin giả, tin sai lệch - 9 trên 10 em cảm thấy vấn đề này ảnh hưởng tới cuộc sống của mình và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch, khi phải dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động trực tuyến. Tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái cần kỹ năng và kiến thức để bảo vệ bản thân trước thông tin sai lệch trên không gian số. Chiến dịch #AnToànTrênMạng kêu gọi cộng đồng cùng nâng cao giáo dục kỹ thuật số cho trẻ em, góp phần xây dựng một môi trường an toàn để trẻ em được kết nối, học tập và chia sẻ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục