Để sống trọn vẹn, cần tái tạo và trải nghiệm giá trị cá nhân

Theo Mark Manson, tái tạo bản thân là cách giúp bạn tìm những giá trị thật sự phù hợp với mình. Nhưng bạn cần trải nghiệm để gắn bó với chúng lâu dài.
Mark Manson
Nguồn: Yiran Ding @ Unsplash

Nguồn: Yiran Ding @ Unsplash

Tiếp nối bài viết “Làm sao để xác định giá trị cá nhân và tìm thấy chính bạn”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “Personal Values: How to Know Who You Really Are”, đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Cách để tái tạo bản thân

Đây là điều hầu hết mọi người không nhận ra về việc thay đổi giá trị: Bạn không thể cãi nhau với người khác về giá trị của họ. Bạn không thể khiến họ xấu hổ, để rồi theo đuổi một giá trị khác - làm như vậy thật ra sẽ phản tác dụng. Giá trị thay đổi theo cách tinh tế hơn nhiều.

Bước 1: Đánh đổ giá trị cũ

Giá trị được hình thành dựa trên trải nghiệm. Vì vậy, như tôi đã nói ở trên, bạn không thể cãi nhau với người khác về giá trị của họ. Bạn không thể khủng bố tinh thần để bắt họ từ bỏ những niềm tin sâu sắc nhất mà họ đã theo đuổi. Điều đó chỉ khiến họ phòng thủ hơn, thậm chí chống đối việc thay đổi bản thân. Thay vào đó, bạn phải tiếp cận họ bằng sự đồng cảm.

Cách duy nhất để thay đổi giá trị của một người là cho họ một trải nghiệm đi ngược với giá trị của họ.

Để từ bỏ một giá trị, nó phải được “chất vấn” qua trải nghiệm. Trong một vài trường hợp, bạn có thể làm điều này bằng cách đưa chính giá trị đến cái kết logic của nó. Tiệc tùng liên miên khiến đời bạn trống rỗng và vô nghĩa. Theo đuổi quá nhiều tiền bạc cuối cùng chỉ mang lại thêm sự phiền não và tách biệt. Và quan hệ tình dục quá nhiều sẽ khiến bạn nứt đùi và thâm đầu gối.

Bước 2: Tự nhận thức được rằng giá trị cũ đã mất đi

Ta hoảng sợ khi giá trị cũ của ta bị đánh đổ. Một quá trình đau buồn sẽ diễn ra. Bởi giá trị góp phần hình thành bản dạng và hiểu biết của ta về chính mình, việc mất đi chúng khiến ta có cảm giác như đánh mất một phần của chính mình vậy.

Vì vậy mà chúng ta chống đối sự mất mát đó. Ta tìm đủ mọi lý do để giải thích và phủ nhận nó.

Khi các giá trị cũ của ta bị đánh đổ, ta có hai cách biện minh: 1/ thế giới tệ hại hoặc 2/ chúng ta tệ hại.

Giả sử bạn dành cả cuộc đời chạy theo tiền bạc. Đến tầm 40 tuổi, bạn tích lũy được số tiền kha khá. Nhưng thay vì ngụp lặn phủ phê trong đống tiền đó, bạn cảm thấy căng thẳng nhiều hơn là hạnh phúc. Bạn phải tìm cách đầu tư nó. Bạn phải đóng thuế cho gần như mọi thứ. Người thân và bạn bè thì liên tục tìm đến bạn vay tiền.

Nhưng thay vì nhận ra rằng tiền bạc là một giá trị tồi và có điều gì lớn lao hơn để theo đuổi, đa số mọi người lại đổ lỗi cho thế giới quanh họ. Lỗi tại chính phủ trừng phạt sự giàu có và thành công. Tại thế giới này toàn kẻ ăn mày và lười biếng chỉ muốn ăn viện trợ. Tại thị trường chứng khoán không thể chiến thắng nổi.

Số khác lại tự trách chính mình. Họ nghĩ rằng “Mình có thể giải quyết được chuyện này, chỉ cần kiếm thêm nhiều tiền hơn nữa là mọi việc sẽ ổn”. Và thế là họ bị cuốn vào guồng quay, rồi theo đuổi giá trị tiền bạc ngày một điên cuồng đến mức cực đoan.

Rất ít người dừng lại để nhận ra rằng, lỗi nằm ở bản thân giá trị. Rằng chính việc tôn thờ tiền bạc đã đưa họ vào tình huống này, vì vậy không cách nào có thể khiến họ thoát ra.

Bước 3: “Chất vấn” giá trị đó và tìm xem có giá trị nào khác tốt hơn

Trưởng thành là quá trình mà các giá trị vật chất, cấp thấp được thay thế bằng những giá trị trừu tượng ở cấp cao hơn. Cho nên thay vì theo đuổi tiền bạc, bạn có thể theo đuổi sự tự do. Thay vì cố làm vừa lòng tất cả, bạn nên coi trọng việc trở nên thân thiết với một vài người. Thay vì cố gắng giành được mọi thứ, bạn chỉ cần tập trung vào nỗ lực hết mình.

Những giá trị cấp cao, trừu tượng này tốt hơn vì chúng tạo ra các vấn đề tốt hơn. Nếu giá trị chính trong cuộc sống của bạn là số tiền bạn có, thì bạn sẽ luôn cần nhiều tiền hơn. Nhưng nếu giá trị chính của bạn là sự tự do, bạn vẫn sẽ cần tiền, song sẽ có lúc bạn cần ít tiền hơn hoặc thậm chí không cần tiền. Bạn vẫn sẽ gặp vấn đề, đó là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nhu cầu cần tiền vô độ sẽ không còn là một trong số đó.

Sau cùng, những giá trị trừu tượng là điều bạn có thể kiểm soát. Bạn không thể kiểm soát việc người khác có thích bạn hay không, nhưng bạn luôn biết mình có đang trung thực hay không. Bạn không thể kiểm soát chuyện thắng thua trong một vấn đề, nhưng bạn luôn biết bản thân có nỗ lực hết mình hay không.

Trong sự nghiệp, không phải lúc nào bạn cũng kiểm soát được mức thù lao của mình. Nhưng bạn luôn biết bạn có đang làm điều bản thân thấy ý nghĩa hay không.

Cách để sống một cuộc đời thật tốt

Suy nghĩ về những giá trị tốt hơn để theo đuổi là tốt. Nhưng không có gì là chắc chắn cho đến khi bạn bước ra và thể hiện giá trị mới đó. Bởi giá trị đạt được và mất đi thông qua trải nghiệm sống, chứ không phải qua logic, cảm xúc hay niềm tin. Bạn phải “sống” với chúng, phải trải nghiệm chúng để gắn bó với chúng lâu dài.

Điều này thường cần đến sự can đảm. Sống theo một giá trị trái ngược với giá trị cũ của bạn không phải là một việc dễ dàng.

Chúng ta đã làm vậy trong suốt cuộc đời. Thật dễ để mong muốn có những mối quan hệ đích thực, nhưng thật khó để sống với chúng. Ta lảng tránh nó, vì nó đáng sợ. Ta nghĩ ra 7749 lý do để chờ đợi và trì hoãn đến lần sau. Nhưng “lần sau” chắc chắn sẽ là một thất bại khác, một niềm đau khác.

4 Bước để sống theo giá trị của bạn

  1. Lựa chọn một giá trị. Đây có thể là giá trị bạn thấy mình đã có, hoặc một giá trị mới bạn quyết định theo đuổi.
  2. Đặt những mục tiêu phù hợp với giá trị đó.
  3. Đưa ra các quyết định đưa bạn đến gần với những mục tiêu đó hơn.
  4. Tận hưởng những lợi ích về thể chất và tinh thần của những giá trị đó. Những lợi ích này sẽ truyền cảm hứng cho bạn theo đuổi giá trị đó hơn nữa.

Khi đã hoàn thành, chọn một giá trị mới và lặp lại các bước trên.

Bốn bước này đơn giản nhưng không hề dễ dàng. Nhiều khả năng chúng sẽ buộc bạn rời khỏi vùng an toàn và làm điều bạn chưa từng làm trước đây. Có thể bạn sẽ phải từ bỏ sự nghiệp bạn đã dành nửa cuộc đời gây dựng, thậm chí chọc giận một số người bạn vốn quan tâm.

Nhưng nếu bạn không làm, thì việc tìm kiếm hay tái tạo bản thân chẳng có ích gì cả. Bạn nên tiếp tục sống theo kiểu lập trình tự động và theo đuổi cái hạnh phúc mãi mãi lẩn tránh bạn. Bởi bạn biết mình nên muốn điều gì, nhưng lại quá sợ hãi để theo đuổi nó.

Khi bạn lấy hết can đảm để sống với những giá trị mới, điều kỳ diệu sẽ xảy ra: một cảm giác thật tuyệt. Bạn tận hưởng những lợi ích của nó. Lúc này bạn không chỉ thấy việc tiếp tục theo đuổi giá trị mới dễ dàng hơn, mà còn thấy tiếc nuối vì không làm nó sớm hơn. Điều này nghe có vẻ điên rồ, nhưng nó đúng.

Nó giống như cảm giác sảng khoái bạn có được sau một buổi đi chạy. Hoặc cảm giác nhẹ nhõm khi nói với ai đó một sự thật.

Giống như nhảy vào bể nước lạnh, nỗi sợ và sốc nhiệt ban đầu sẽ sớm qua đi, nhường chỗ cho cảm giác nhẹ nhõm tuyệt vời và hiểu biết mới, sâu sắc hơn về con người thật của bạn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục