Đến Nơi Rồi - Phần 1: Với đôi giày Nike, tôi sẽ được tái sinh
Bài viết là đoạn trích từ cuốn hồi ký Đến Nơi Rồi của nhà văn, luật sư, chuyên gia huấn luyện cấp cao và nữ doanh nhân Cát Thảo. Đến Nơi Rồi là chuyến hành trình đi tìm ánh sáng tại nơi đất khách của cô và gia đình.
Bạn có thể đặt mua tác phẩm tại:
- Tiki
- Shopee
- TikTok Shop
Khi vào học tại trường Bethany College, tôi là học sinh gốc Việt duy nhất trong lớp. Đây cũng là một trường Công giáo khác dành riêng cho nữ sinh nhưng phần lớn các gia đình đều giàu có hơn nhiều so với những gia đình ở MacKillop.
Tôi sẽ đi bộ đến trạm xe buýt gần ga xe lửa Punchbowl và bắt xe buýt đến ga Hurstville. Bốn mươi phút sau, tôi đến nơi và lên một chiếc xe buýt khác để đến Bethany. Một người bạn của tôi từ MacKillop chuyển đến Bethany không lâu trước đó. Tôi tham gia chơi cùng nhóm bạn của cô ấy, gồm những cô gái Úc gốc Mã Lai, Hy Lạp và Nam Tư.
Tôi vẫn là một cô gái hay kìm nén bản thân, nhạy cảm và rụt rè. Tôi vẫn mang đôi giày ở tiệm Best & Less, và đa số quần áo tôi mặc vẫn là do mẹ may cho. Nhưng tôi đã bắt đầu có lông chân và mụn trứng cá. Tôi nhanh chóng nhận ra một thực tế, tôi là người duy nhất trong toàn trường không có một đôi giày hàng hiệu.
Ngày hội thể thao là một cực hình. Tôi không biết cụ thể là gì nhưng một số học sinh thỉnh thoảng lại đưa ra những nhận xét chế giễu tôi. Tôi thấy mình như bị ra rìa. Vậy là tôi quyết định, cần phải mua một đôi giày Nike. Trên tờ báo địa phương có tin tuyển dụng của một cửa hàng McDonald’s mới mở ở Punchbowl.
Ba chở tôi đến buổi phỏng vấn. Mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Nhưng cuối cùng, người phỏng vấn nhận ra tôi còn thiếu ba tháng mới đủ mức tuổi lao động hợp pháp. Thật không thể tin được. “Hãy quay lại sau ba tháng nữa,” cô ấy nói. Nhưng tôi làm gì có được ba tháng! Mấy cái mụn của tôi sẽ không biến mất, triệt lông thì rất đắt và trong khoảng thời gian ba tháng tới, tôi thậm chí sẽ bị cô lập và bắt nạt nhiều hơn nữa. Tôi phải tìm một nơi không ngại thuê lao động trẻ em và trả lương bằng tiền mặt. Chỉ có một lựa chọn: chú Thanh và tiệm bánh của vợ chú ở Matraville.
Tôi làm việc chăm chỉ vào các ngày cuối tuần, quét sàn nhà, cắt bánh mì, làm bánh mì thịt và gói bánh ngọt. Cuối cùng khi đã kiếm đủ tiền mua một đôi Nike Airwalk, mẹ tôi và anh Văn đã cùng tôi đến cửa hàng Rebel Sports trên đường cao tốc Hume ở Bankstown.
Mùi của dụng cụ tennis mới, quần thể dục cotton và polyester, áo thun bằng vải dry-fit và những chiếc máy chạy bộ mới tinh làm mê đắm lòng người. Mùi của cái mới, ôi thật là thơm quá! Các quầy trưng bày giày mở ra trước mắt tôi như một ngôi đền thờ huy hoàng của vị thần Nike. Tôi lướt dọc theo các lối đi cho đến khi tìm thấy đôi giày: màu trắng, xanh lá cây và dấu móc cong màu hồng. Khi cầm đôi giày trên tay, tôi vui sướng tột độ. Đó là một trải nghiệm rất tôn giáo. Với đôi giày Nike, tôi sẽ được tái sinh. Tôi sẽ được cứu rỗi.
Hôm sau là ngày hội thể thao. Trong buổi họp hội đồng ở trường, một vài cô gái cùng lớp chưa bao giờ nói chuyện với tôi trước đây đã khen đôi giày của tôi tuyệt như thế nào. Màu trắng không tì vết của đôi giày mới tỏa sáng rực rỡ dưới chân tôi. Tôi bay lâng lâng.
Còn tiếp...
Đọc các đoạn trích khác tại đây.