Vietcetera search icon

Đừng hiểu sai: Nữ quyền không phải là ghét nam giới

Điểm qua những ý kiến phổ biến dẫn đến sự bài trừ phong trào nữ quyền, và cùng xét xem những lập luận ấy vững chắc đến đâu.

Anastasia
Đừng hiểu sai: Nữ quyền không phải là ghét nam giới

Đừng hiểu sai: Nữ quyền không phải là ghét nam giới

Làn sóng nữ quyền được xem như chính thức bắt đầu vào năm 1848 và thế kỷ 21 là thời điểm phát triển mạnh mẽ, cuốn theo đó là vô vàn người ủng hộ cũng như phản đối. Trong bộ phận phản đối, có rất nhiều ý kiến cho rằng nữ quyền “đã biến tướng”, “độc hại”, “không cần thiết”. Vậy sự thật có phải là thế không?

Sau đây, hãy thử điểm qua những ý kiến phổ biến dẫn đến sự bài trừ phong trào nữ quyền, và cùng xét xem những lập luận ấy vững chắc đến đâu.

1. Ủng hộ nữ quyền là chống lại nam giới

Đây là quan điểm phổ biến nhất và cũng sai lầm nhất về phong trào nữ quyền. Nhiều người cho rằng nữ quyền là một zero-sum game (trò chơi có tổng bằng 0, tức một bên được lợi thì một bên phải bị thiệt).

Trái ngược, bản chất của nữ quyền là bình đẳng giới, mục đích là xóa mờ đi cách biệt về cơ hội và cách nhìn của xã hội đối với cả hai giới. Phong trào này đấu tranh cho tất cả mọi người, và không chống lại bất kỳ giới tính cụ thể nào. Nó chỉ chống lại những định kiến giới để giải phóng cho cả nam và nữ (từ đây, để thống nhất thuật ngữ trong cả bài, xin phép gọi là Phong trào Bình đẳng giới – gender equality).

Một báo cáo năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) đã xếp Iceland ở hạng 1 về mức độ bình đẳng giới, thế thì rõ ràng đây là thiên đường của phụ nữ rồi, vậy những người đàn ông ở đó bị chèn ép và đau khổ đến mức nào đây? Thực tế, nam giới Iceland có tuổi thọ trung bình cao nhất trên toàn châu Âu. Đồng thời, Iceland luôn là quốc gia có thứ hạng cao trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới (bảng xếp hạng năm 2019, Iceland xếp thứ 4).

Thật ra không có gì lạ cả, vì hiển nhiên là nam giới càng được trao nhiều quyền lực bao nhiêu thì trọng trách họ phải gánh vác càng nặng bấy nhiêu. Nếu có điều gì đang chèn ép những người đàn ông, thì đó chính là tính nam độc hại (toxic masculinity), những kỳ vọng của xã hội về địa vị, sự nghiệp, sự mạnh mẽ,… chứ không phải là phong trào bình đẳng giới.

Nếu coacute điều gigrave đang chegraven eacutep những người đagraven ocircng thigrave đoacute chiacutenh lagrave tiacutenh nam độc hại sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px

Và hậu quả là…

Năm 2016, dữ liệu toàn cầu của Tổ Chức Y Tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 793.000 vụ tự tử trên toàn thế giới, hầu hết là nam giới. Cứ 100.000 nam giới thì lại có 15 vụ tự tử tại gần 40% các quốc gia trên thế giới, nhưng tỷ lệ này ở nữ giới chỉ ở mức 1,5%.

Năm 2017, tỷ lệ tự tử trung bình của nam giới tại Anh là 10.1 vụ trên 100.000 người. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nữ giới chỉ bằng 1/3 nam giới — 4.9 vụ trên 100.000 trong suốt 10 năm qua. Tại nhiều quốc gia khác cũng vậy. So với phụ nữ, đàn ông có nguy cơ chết vì tự tử gấp 3 lần tại Úc, 3,5 lần tại Mỹ và hơn gấp 4 lần tại Nga và Argentina.

Thống kê khác của WHO cũng cho thấy, tuổi thọ trung bình của nam giới cũng thấp hơn so với nữ giới, dù rằng họ được xem là “phái mạnh”, những người “mạnh mẽ về thể chất lẫn tinh thần”. Báo cáo của WHO chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này, đó là:

  • Môi trường làm việc (nam giới thường tiếp xúc với các tác nhân vật lý và hóa học nguy hại hơn so với nữ giới).
  • Đàn ông thường chấp nhận đối mặt với các mối hiểm nguy (định kiến “đã là đàn ông thì phải có tinh thần xông pha, mạo hiểm”).
  • Họ thường không thoải mái với việc tư vấn và khám chữa bệnh (họ thường không đến gặp bác sĩ khi có các vấn đề về sức khoẻ, có xu hướng ít hoặc không muốn tiết lộ về các triệu chứng của bệnh).

Đặc biệt là khi gặp các vấn đề về sức khoẻ tâm lý, nam giới không muốn khám chữa, không chia sẻ hoặc thể hiện cảm xúc vì sợ bị cho là yếu đuối. Không còn cách nào khác, họ chỉ đành “tự chữa trị” bằng rượu, bia và chất kích thích.

Tóm lại, phụ nữ không phải là nạn nhân duy nhất của bất bình đẳng giới. Khi vai trò xã hội được phân chia bình đẳng thì không những phụ nữ có cơ hội để chứng tỏ và phát triển bản thân, mà đàn ông cũng bớt đi gánh nặng. Đó là mục tiêu duy nhất và xuyên suốt mà phong trào muốn hướng đến—bình đẳng cho cả hai giới, chứ không phải là hướng mũi dùi vào nam giới.

2. Bây giờ đã bình đẳng rồi, không cần thiết phải đấu tranh nữa

Đây là một luận điểm vô cùng chủ quan, vì những người sử dụng lập luận này mà tôi từng gặp đều không đưa ra được dẫn chứng cho việc “bây giờ đã bình đẳng rồi” mà chỉ là họ “cảm thấy vậy” hoặc “thấy xung quanh như vậy”.

“Báo cáo Thế giới về Triển vọng Xã hội và Việc làm: Những xu hướng cho phụ nữ năm 2018 – Báo cáo nhanh toàn cầu” của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy, năm 2018 tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động trên toàn thế giới là 48,5%, thấp hơn 26,5% so với nam giới. Tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ là 6% trong năm 2018, cao hơn nam giới khoảng 0,8%. Tính trung bình, cứ 10 nam giới có việc làm thì chỉ có 6 phụ nữ được tuyển dụng.

Theo bà Deborah Greenfield, Phó Tổng giám đốc Bộ phận Chính sách của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), triển vọng việc làm của nữ giới vẫn chưa bình đẳng so với nam giới. Những định kiến xã hội đã cản trở nữ giới tiếp cận với cơ hội học hành và tham gia các công việc được trả lương.

Tại nhiều nước Hồi giáo, phụ nữ không có tiếng nói trong gia đình và về mặt chính trị, bị bắt phụ thuộc nhiều vào đàn ông. Nạn nhân của nạn buôn người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái (71% trên tổng số, theo báo cáo năm 2016 của Liên Hợp Quốc).

Phụ nữ trên khắp thế giới trong độ tuổi từ 15 đến 44 có nhiều nguy cơ bị hãm hiếp và bạo lực gia đình hơn là ung thư, tai nạn xe cộ, chiến tranh và sốt rét (theo báo cáo của World Bank).

Và gần gũi hơn, tại các nước Đông Nam Á…

Một nghiên cứu của tổ chức Care International tiết lộ rằng một phần ba phụ nữ Campuchia làm việc trong ngành Dệt may bị quấy rối tình dục ngay tại nơi làm việc. Một nghiên cứu khác của tổ chức Better Factory Cambodia cho biết, 15% số người sử dụng lao động đã không trả đủ lương cho lao động nữ nghỉ thai sản. Đồng thời, 38% số lao động nữ không được phép nghỉ chế độ thai sản theo luật định.

Còn ngay tại Việt Nam…

Tại Việt Nam, phụ nữ chiếm hơn 57% số người trưởng thành thất nghiệp trên cả nước, theo tổ chức phi chính phủ CDI. Một nghiên cứu khác của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Công ty Navigos Search cho thấy, trong số 12.300 tin quảng cáo tuyển dụng trực tuyến từ 11/2014 – 1/2015 thì có một phần năm yêu cầu về giới tính, trong đó 70% yêu cầu ứng viên là nam. Nam giới được nhắm cho những công việc có chuyên môn, kỹ thuật cao hoặc những công việc đòi hỏi phải đi lại nhiều. Trong khi nữ giới thường được tuyển dụng cho các công việc văn phòng, hành chính.

Theo tổ chức Oxfam, nữ giới có mức thu nhập thấp hơn 24% so với nam giới. 75% nữ giới sống ở các khu vực đang phát triển không có các chính sách và điều luật bảo vệ quyền lợi, không được hưởng hợp đồng lao động thỏa đáng. Họ phải cáng đáng cả những việc không công như việc nhà và chăm sóc con cái. Do đó, nếu tính cả công việc được trả lương và không công thì trong suốt cuộc đời, quãng thời gian làm việc của nữ giới dài hơn nam giới 4 năm.

Do tâm lí trọng nam khinh nữ, chênh lệch giới tính khi sinh ở Việt Nam còn rất lớn, tỉ lệ sinh trẻ nam/nữ là 115,1/100, tăng 3% so với năm 2017 (theo Tổng cục Thống kê). Các chuyên gia lo ngại, nếu tỉ lệ này tiếp tục gia tăng và ngày càng lan rộng như hiện nay thì vấn đề về mất cân bằng giới của Việt Nam trong 20-25 năm sau sẽ rất nghiêm trọng.

Vậy, có phải phong trào đã trở nên thừa thãi, phụ nữ trên toàn thế giới đã được bình đẳng rồi? Tôi nghĩ câu hỏi này, mỗi người nên tự trả lời cho mình.

3. Bản chất nam và nữ khác nhau, bình đẳng là bất khả thi (Hay, không thể bắt phụ nữ làm “công việc của đàn ông” và ngược lại)

Trước tiên, cần phân biệt rõ giữa “bình đẳng” và “cào bằng”. Bình đẳng giới không phải là chối bỏ sự khác biệt trong giới tính, hay cố “nữ tính hóa” đàn ông. Bình đẳng giới là một phong trào nhân quyền nhằm giải phóng con người, để không phân biệt đối xử dựa trên giới tính, để mọi người trên thế giới này đều có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận các nguồn lực, nhằm trau dồi bản thân và cống hiến khả năng của mình cho xã hội.

Liệu nam và nữ có thực sự khác biệt đến thế không? Bài viết chỉ ra sai lầm lớn của luận thuyết “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” của PGS.TS Nguyễn Phương Mai, Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, phân tích rằng bản chất nam và nữ không khác biệt một trời một vực như đa số vẫn luôn nghĩ. Thực tế, những khác biệt đó được hình thành do định kiến và kỳ vọng của xã hội, môi trường sống và cách giáo dục.

Cũng có nghĩa, không thể nói chắc chắn được công việc nào là “việc của đàn ông” (tham gia thương trường, chính trường, kỹ sư, bác sĩ, có một sự nghiệp rỡ ràng,…) hay “việc của phụ nữ” (nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc con cái,…). Mỗi người nên được tự do chọn công việc mình muốn dựa trên đam mê và khả năng của bản thân.

Nếu bạn không quên, thì rất nhiều người đầu bếp xuất sắc trên thế giới là đàn ông. Hay ngay cả trong lĩnh vực lập trình thường được “đóng khung” cho nam giới vẫn có những gương mặt nữ giới giỏi giang.

Tóm lại, ta khó có thể đánh giá một người nam hay một người nữ có thể làm một công việc hay không nếu chưa trao cho họ đầy đủ cơ hội và điều kiện để làm công việc đó (hay “trao quyền”— empowerment). Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của phong trào bình đẳng giới, dù là ở thế hệ nào chăng nữa.

Kết

So với lịch sử phát triển 200.000 – 300.000 năm của xã hội loài người thì một phong trào mới ra đời chưa đến 200 năm, tương tự như một đứa trẻ vẫn đang còn thai nghén. Bằng chứng là vẫn còn rất nhiều người hiểu lầm về phong trào bình đẳng giới, hay nữ quyền, mà tiêu biểu là 3 điều đã nêu trên.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng nữ quyền, bản chất là bình đẳng giới và sẽ luôn luôn là bình đẳng giới. Đó là kim chỉ nam để hóa giải hầu hết những lầm tưởng về phong trào nữ quyền của thế kỷ 21 này.

Bài viết này được thực hiện bởi Anastasia.

Xem thêm:

[Bài viết] Cái giá của sự nam tính

[Bài viết] Phụ nữ có đang tự giới hạn bản thân mình?


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục