Đừng tìm thêm động lực nữa, điều bạn cần là xây dựng thói quen

Để thành công cần xây dựng thói quen hơn là tìm động lực. Sau đây là 4 cách giúp bạn hạn chế trì hoãn và xây dựng "hệ thống" thói quen tốt.

Sơn Đặng
Đừng tìm thêm động lực nữa, điều bạn cần là xây dựng thói quen

Đừng tìm thêm động lực nữa, điều bạn cần là xây dựng thói quen

Tôi luôn có thể nghĩ ra một lý do nào đó để trì hoãn những công việc mình không muốn làm.

Đi tập gym? Mai tập bù cũng được, chả sao.

Phải dậy sớm? Thôi ngủ nướng thêm tí nữa, mình cũng đang cần nghỉ ngơi mà.

Việc cần làm? Bỏ luôn, cũng chẳng quan trọng tới mức ấy.

Vậy điều gì đã khiến tôi thay đổi?

Trì hoãn là một cuộc chiến, và việc thất bại khiến bạn phải gánh nhiều hậu quả hơn là thỉnh thoảng nghỉ tập gym hay trễ deadline.

Sáu năm trước, tôi đã từng cố gắng khởi nghiệp. Tôi tập tành viết lách, xây dựng trang web, nhận một số dự án về thiết kế và content marketing. Nhưng mặc cho bao nhiêu công sức bỏ ra, tôi vẫn không có được kết quả như ý muốn.

Lý do là vì tôi đã không thể rèn luyện bản thân làm những phần việc mà mình không thích – những công việc khô khan, tẻ nhạt nhưng lại cần thiết cho việc kinh doanh. Tôi cứ mãi lảng tránh những công việc ấy bằng cách xem tin tức hay ra ngoài làm một ly cà phê.

Bây giờ tôi đã tiến bộ hơn nhiều, mặc dù vẫn còn đó một chút trì hoãn. Tôi đang viết một quyển sách, mà công việc viết lách chẳng bao giờ là dễ dàng. Tôi luôn có một sự thôi thúc muốn trì hoãn nhưng vẫn có thể cố gắng để làm cho xong. Điều làm nên sự khác biệt của tôi thời đó và bây giờ là hiện tại tôi đã xây dựng được một “hệ thống” các thói quen tốt.

Tôi đã xây dựng “hệ thống” ấy như thế nào?

Để làm việc có năng suất, bạn không thể dựa dẫm vào công nghệ, các ứng dụng trên điện thoại hay những mẹo vặt tâm lý được. Tin tôi đi, tôi đã thử hết cả rồi. Cái bạn cần là một hệ thống những thói quen tốt làm nền tảng cho công việc chính của mình.

Những thói quen của tôi bao gồm:

1. Rèn luyện sức khỏe tinh thần

Trước đây tôi thường không để ý đến sức khỏe tâm lý của mình. Tôi không tin tưởng vào bản thân và dành rất nhiều thời gian để nghĩ ngợi lung tung. Sau đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về chủ nghĩa khắc kỷ, chủ nghĩa hành động và chánh niệm. Những kiến thức ấy giúp tôi quản lý tâm trí của mình tốt hơn và cải thiện sự dẻo dai của não bộ.

2. Rèn luyện sức khỏe thể chất

Tôi rất dễ bị phân tâm, thiếu tự tin và năng lượng làm việc nếu không tập thể dục hàng ngày. Vì vậy tôi bắt đầu luyện tập thường xuyên hơn. Những người lính cần được huấn luyện trước khi ra trận. Bạn cũng cần phải rèn luyện thể lực thật tốt thì mới có thể chiến thắng sự trì hoãn chứ, đúng không?

3. Tạo dựng một số thói quen hàng ngày

Chẳng hạn như viết nhật ký, đọc sách, lên danh sách những công việc cần làm, và không đọc báo lá cải. Tôi cũng cố gắng dành thời gian cho gia đình và người thân mỗi ngày nữa. Tất cả những thói quen này giúp tăng khả năng chống chịu và cho phép tôi được tận hưởng cuộc sống của mình.

4. Lên danh sách những phần việc nhỏ cần hoàn thành

Viết sách là công việc chính tôi cần làm, vì thế việc lên kế hoạch trước là vô cùng quan trọng. Hiểu rõ thói quen hay trì hoãn của mình, tôi thường chia việc viết sách thành từng phần nhỏ và lập kế hoạch để hoàn thành chúng mỗi ngày một cách dễ dàng hơn.

Bạn có thể thấy những điều trên chẳng liên quan trực tiếp gì tới công việc chính cả. Thế cũng không sao. Chủ yếu là những thói quen ấy giúp tôi luôn sẵn sàng để hoàn thành công việc. Chúng rèn luyện cho tôi tinh thần kỷ luật để có thể tập trung cho việc viết lách mà không bị phân tâm.

Ai cũng muốn trì hoãn cả. Nhưng khi bạn có một hệ thống các thói quen tốt, bạn sẽ làm việc năng suất hơn kể cả khi muốn trì hoãn. Vì vậy, hãy bắt đầu xây dựng một hệ thống cho riêng mình ngay từ hôm nay nhé!

Bài viết được thực hiện bởi Darius Foroux trên Forge, được chuyển ngữ bởi Sơn Đặng.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục