Easter Egg - Trứng Phục Sinh là gì mà ai cũng đi tìm?
Nếu bạn là một người hâm mộ những bộ phim hoạt hình đến từ Pixar, hay là một “fan 20 năm” của Marvel, chắc hẳn bạn đã vài lần nghe đến cụm từ này.
Hãy để Vietcetera giải thích cho bạn về thứ gọi là “Trứng Phục Sinh” này.
1. Easter Egg là gì?
Easter Egg (trứng Phục Sinh) khi được dùng trong văn hóa đại chúng, nó là những chi tiết và thông điệp được các nhà sáng tạo cố tình đưa vào trong tác phẩm của họ. Đó có thể là một mã số ẩn giấu trong quang cảnh đằng sau diễn viên, hoặc một chi tiết ngầm chỉ về một bộ phim khác.
Cụm từ này bắt nguồn từ một truyền thống của ngày Lễ Phục Sinh, nơi những đứa trẻ sẽ đi tìm những quả trứng chocolate được giấu xung quanh sân vườn. Những quả trứng ấy được gọi là Easter Egg.
2. Easter Egg bắt nguồn từ đâu?
Cụm từ này được dùng lần đầu tiên vào năm 1979 để miêu tả một căn phòng được ẩn giấu trong tựa game Adventure của hãng máy chơi game Atari 2600.
Nhà sáng lập của tựa game này, Warren Robinett, đã bị hãng Atari từ chối ghi nhận tên anh vào phần credit của game. Bức xúc vì đứa con tinh thần của mình bị tước đi một cách trắng trợn, Robinett đã tạo ra một căn phòng bí mật với dòng chữ “Được tạo ra bởi Warren Robinett” trong bản phát hành chính thức của game.
Sau khi nhà phát triển game này rời Atari, mánh khóe cúa anh đã được một người chơi 15 tuổi phát hiện ra. Atari ban đầu muốn thu hồi lại các bản game đã bán ra và tái phát hành tựa game này. Nhận ra mức độ tốn kém của kế hoạch này, Giám đốc phát triển phần mềm của Atari, Steve Wright, thay vào đó đã khuyến khích người chơi tìm ra căn phòng này, đồng thời gọi nó là một “quả trứng Phục Sinh” mà hãng tặng cho người chơi.
3. Vì sao chi tiết này phổ biến?
Những người sáng tạo làm ra Easter Egg với nhiều mục đích khác nhau. Đôi lúc nó là một câu đùa ngầm của những người sáng tạo với nhau. Chẳng hạn như con số A113 thường được xuất hiện trong các bộ phim hoạt hình Pixar. Đây là một lời tri ân mà những sinh viên cũ của học việc CalArts dành cho nhau (Tim Burton, John Lasseter, Brad Bird,...)
Đôi khi những chi tiết ẩn giấu này lại được các nhà sáng tạo sử dụng để thể hiện sự bức xúc của mình với công ti mẹ. Họa sĩ truyện tranh Ethan Van Sciver, nổi tiếng với việc đã bí mật ẩn giấu từ “sex” vào gần như tất cả các trang truyện trong cuốn New X-men #118. Khi được hỏi về mục đích của việc làm này, Ethan trả lời, “Hồi đó tôi bực mình Marvel chuyện gì đó mà tôi quên rồi, tôi thấy trò đùa nó vui nên cứ làm thôi.”
Dù cho mục đích sáng tạo của Easter Egg có là gì đi nữa, có một điều chắc chắn là chúng yêu cầu khán giả phải bỏ công sức ra để tìm chúng. Cộng hưởng với việc để hiểu được các chi tiết ẩn giấu này đôi khi yêu cầu họ phải hiểu rất rõ về tựa game, bộ phim, truyện mà họ đang tiêu thụ.
Vì thế, cảm giác khi tìm được một Easter Egg như một minh chứng rằng họ là fan cuồng của sản phẩm đó. Chúng như những thành tựu trong game vậy, những chi tiết vô thưởng vô phạt, nhưng bất kì người hâm mộ nào cũng muốn đạt được.
Biết được tâm lí này, những công ti lớn như Pixar và Marvel đã liên tục giấu rất nhiều trứng Phục Sinh vào các bộ phim và trailer của họ. Phần phim “chắc là cuối cùng” của Người Nhện Tom Holland vừa ra trailer trong hai tuần vừa qua và ngay lập tức trở thành một hiện tượng để các fan mổ xẻ và tìm trứng Phục Sinh.
Hay như Pixar, với một mạng lưới dày đặc các quả trứng Phục Sinh được rải đều trong 24 bộ phim, đã cho những fan hâm mộ cuồng nhiệt của hãng phim này chứng minh “thuyết Pixar” (The Pixar Theory). Một thuyết chứng minh rằng 24 bộ phim của Pixar, từ bộ phim kể về những chiếc xe biết nói (Cars) đến một nàng công chúa người Scotland thời trung cổ (Brave), tất cả đều tồn tại trong cùng một vũ trụ điện ảnh.
Ví dụ:
Những Easter Egg thú vị trong điện ảnh:
Cameo của Stan Lee trong Vũ trụ điện ảnh Marvel
Những biểu tượng Mickey ẩn giấu trong mọi thứ liên quan đến Disney
Những đôi bàn chân trần trong các bộ phim của đạo diễn Quentin Tarantino
Tiếng hét Wilheim trong các Star Wars, Indiana Jones, Toy Story,...