Emotional numbness: Khi cảm xúc bỗng trở nên tê liệt

Đã bao giờ bạn cảm thấy rằng mọi cảm xúc của mình bỗng dưng biến mất?
Trà Nhữ
Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Trong những giai đoạn căng thẳng, có bao giờ bạn cảm thấy "trống rỗng” như thể mình đã đánh mất toàn bộ cảm xúc? Đây là trạng thái mà nhiều người đã từng trải qua trong đời, được gọi là tê liệt cảm xúc (emotional numbness).

Tê liệt cảm xúc - một cơ chế đối phó thường thấy

Tê liệt cảm xúc (emotional numbness) là khi một người cố kìm nén những cảm xúc và ký ức tiêu cực, nhưng đồng thời chặn cả khả năng cảm nhận niềm vui hoặc những tương tác có ý nghĩa.

Nhiều nghiên cứu cho thấy tê liệt cảm xúc có thể là một cơ chế đối phó (coping mechanism) trước sự căng thẳng tột độ. Việc ngăn chặn cảm xúc giúp con người tránh bị quá tải khi xử lý các thông tin gây sốc.

Tê liệt cảm xúc không phải bệnh lý và thường là một cảm giác tạm thời. Nhưng nếu kéo dài và làm mất kết nối với cuộc sống, nó có thể là triệu chứng của một rối loạn tâm thần phức tạp hơn.

Tê liệt cảm xúc có các biểu hiện khác nhau

Một số người miêu tả emotional numbness là cảm giác “chán nản”, “trống rỗng” hoặc “bị cô lập”, số khác lại thấy như “một người ngoài đang chứng kiến cuộc đời của mình diễn ra”. Họ có thể mất cảm giác về thời gian hoặc không thấy tương lai tồn tại. Một số biểu hiện của tê liệt cảm xúc còn bao gồm:

  • Mất gắn kết với cuộc sống thường ngày
  • Mất hứng thú với những hoạt động từng quan trọng với mình
  • Cảm thấy bị xa lánh
  • Không thể đánh giá cảm xúc của chính mình
  • Cảm thấy “trơ lì” cả về thể chất lẫn tinh thần
  • Không cảm nhận cảm xúc tích cực
  • Muốn được ở một mình thay vì với những người khác

Nguyên nhân

Phản ứng của cơ thể trước căng thẳng kéo dài

Hormone căng thẳng (như glucocorticoids) ảnh hưởng đến hệ viền não bộ (limbic system) - có chức năng điều tiết cảm xúc, cũng như điều chỉnh hành vi và trí nhớ dài hạn. Trong tình trạng căng thẳng mãn tính, cơ thể và não bộ không kịp hồi phục, hệ viền não bộ trở nên quá tải dẫn đến cảm xúc tê liệt.

Hệ quả của biến cố trong quá khứ

Cảm thấy trống rỗng trước một biến cố, như khi người thân mới mất hoặc bị tai nạn, không đồng nghĩa với việc bạn có thiếu sót về cảm xúc. Thực tế, tê liệt cảm xúc là một phản ứng phổ biến trong hoàn cảnh này. Đây là cách mà não bộ giữ cho bạn an toàn và tỉnh táo.

Ngoài ra, một nghiên cứu theo dõi quá trình trưởng thành của gần 3,500 trẻ em từng trải qua bạo lực cũng cho thấy biểu hiện của tê liệt cảm xúc.

Triệu chứng của một số bệnh tâm lý

Tê liệt cảm xúc phổ biến với người mắc rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (post traumatic stress disorder - PTSD). Trước những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực mãnh liệt sau sang chấn, họ có thể vô ý hoặc cố tình hình thành tê liệt cảm xúc như một cơ chế đối phó.

Những người mắc chứng rối loạn lo âu có thể bị tê liệt cảm xúc như một phản ứng trước căng thẳng cực độ, nỗi sợ hãi hoặc lo lắng quá mức.

Lúc này, trị liệu tâm lý sẽ giúp họ bộc lộ và giải tỏa cảm xúc trong một môi trường an toàn, tìm hiểu nguồn cơn và những tư duy đã định hình cảm xúc.

Tác dụng phụ của thuốc điều trị trầm cảm

Nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy có từ 46% đến 71% người sử dụng thuốc chống trầm cảm (antidepressant) trải qua tê liệt cảm xúc trong quá trình điều trị.

Nếu bệnh nhân cảm thấy thuốc điều trị đang gây tình trạng tê liệt cảm xúc, họ không nên dừng thuốc đột ngột, mà cần trao đổi với bác sĩ để thay đổi loại thuốc hoặc liều lượng, cùng với các điều chỉnh lối sống và trị liệu tâm lý.

Bài tập để đối phó với tê liệt cảm xúc

Trước tình trạng tê liệt cảm xúc, nhà trị liệu Imi Lo gợi ý một bài tập tâm lý với 4 bước:

1. Giã từ nỗi xấu hổ

Bước đầu tiên là loại bỏ sự xấu hổ hoặc chỉ trích bản thân trước trạng thái tê liệt cảm xúc của mình. Ví dụ, những người thân (hoặc chính bạn) có thể đã chỉ trích bạn lạnh nhạt, phòng vệ hoặc xa cách. Nhưng bạn cần nhớ rằng sự tê liệt bạn trải qua là một cơ chế đối phó, một nỗ lực chật vật để đối mặt với các cảm xúc tiêu cực.

2. Chấp nhận nỗi buồn

Vượt qua giọng nói phê bình trong chính mình, bạn có thể đối mặt với sự tê liệt cảm xúc với lòng trắc ẩn. Lúc này, nỗi buồn sẽ vô cùng lớn khi bạn phần nào mất đi khả năng cảm nhận cuộc sống. Thay vì kìm chế nỗi buồn, bạn nên chấp nhận và quan sát nó.

3. Thấu hiểu tê liệt cảm xúc

Bạn có thể sử dụng trí tưởng tượng của mình. Nếu sự tê liệt cảm xúc của bạn là một lớp vỏ bảo vệ, hoặc một bức tường:

  • Nó dày chừng nào?
  • Được làm bằng vật liệu gì? Đất đá, gỗ hay thủy tinh?
  • Khi chạm vào, bạn cảm thấy ấm nóng hay lạnh lẽo?
  • Lớp vỏ này thay đổi theo năng lượng của bạn hoặc tình huống xung quanh, hay nó luôn giữ nguyên?
  • Nếu lớp vỏ là một giọng nói, bạn nghe thấy gì?

4. Chuyển hóa sự tê liệt

Bạn có thể bắt đầu bằng việc tự nhủ “Cảm ơn vì đã bảo vệ tôi suốt thời gian qua. Tuy nhiên, tôi đã mạnh mẽ hơn và tôi không cần đối phó bằng sự tê liệt này nữa.”

Mục tiêu không phải để triệt tiêu sự tê liệt cảm xúc, mà là để cảm hóa và thấu hiểu nó. Trong tương lai, bạn có thể phải sử dụng lớp vỏ này để vượt qua những hoàn cảnh khó khăn. Khi có nhận thức và thấu cảm với sự tê liệt cảm xúc của chính mình, bạn có thể chuyển hóa lớp vỏ và sử dụng nó một cách chủ động.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục