Enneagram là gì? 9 loại tính cách theo Enneagram

Hiểu bản thân và cách điều chỉnh hành vi phù hợp với từng kiểu người.
Eira
Thanh Trúc cho Vietcetera

Thanh Trúc cho Vietcetera

Để giúp con người trong quá trình tìm hiểu bản thân, đã có rất nhiều bài trắc nghiệm tâm lý và tính cách khác ra đời, Enneagram là một trong số đó. Tương ứng với chín điểm trên biểu tượng Enneagram, mô hình này chia tính cách con người làm chín nhóm:

Enneagram là gì? Nguồn gốc bí ẩn của Enneagram

Enneagram là bài trắc nghiệm tâm lý và tính cách. Nguồn gốc của Enneagram có thể có từ thời Hy Lạp cổ đại, mặc dù lịch sử chính xác của nó vẫn còn tranh cãi. Có ý kiến cho rằng Enneagram là sự tổng hợp của các truyền thống tâm linh khác nhau, bao gồm: Cơ đốc giáo, Do Thái giáo, Phật giáo và Ấn Độ giáo.

Hai triết gia G.I Gurdjieff và Oscar Ichazo là người đã có công nghiên cứu và đem khái niệm này đến với gần với đại chúng hơn. Sau đó, nhà tâm thần học Claudio Naranjo đã đưa Enneagram vào ứng dụng trong lĩnh vực tâm lý.

Enneagram hoạt động như thế nào?

Theo Enneagram, con người được sinh ra với một kiểu tính cách chi phối, sau đó có thể được định hình bởi môi trường sống và trải nghiệm.

Mỗi loại trong số chín kiểu tính cách được cấu thành bởi tập hợp các hành vi, động cơ và nỗi sợ hãi. Mục tiêu của hệ thống này là để hiểu rõ hơn về kiểu người của bạn, từ đó tận dụng điểm mạnh và giải quyết điểm yếu để đạt được toàn bộ tiềm năng của mình.

Mỗi câu hỏi của bài trắc nghiệm sẽ cho bạn hai đáp án để lựa chọn và bạn sẽ phải chọn mệnh đề nào đúng nhất với mình ở hiện tại. Kết quả sẽ không phân loại bạn thuộc kiểu người nào một cách tuyệt đối, mà là sự kết hợp của các tính cách khác nhau. Ví dụ, tính cách của bạn có thể là sự kết hợp của Người trung thành, Người nhiệt tình và Người ôn hòa.

9 loại tính cách theo Enneagram

Theo chuyên gia tâm lý xã hội Kendra Cherry, chín kiểu người theo Enneagram được giải thích như sau:

1. Người cầu toàn (Reformer/ Perfectionist)

Nguyên tắc, có mục đích và tự chủ là những từ miêu tả về Người cầu toàn. Đây là người sống dựa trên các tiêu chuẩn nhất định và vững chắc về đúng và sai. Họ luôn nỗ lực để duy trì những tiêu chuẩn cao nhất .

Tuy nhiên, nhóm người này có thể trở nên phán xét và khó thỏa hiệp với những điều nằm ngoài tiêu chuẩn của họ.

2. Người giúp đỡ (Helper/ Giver)

Họ là những người rộng lượng, chân thành và biết cách lắng nghe. Người giúp đỡ có khao khát được yêu thương mãnh liệt và đặt nhiều tình cảm vào mối quan hệ.

Nhưng mong muốn được chấp nhận và yêu thương khiến họ đôi lúc thích làm hài lòng người khác mà quên đi nhu cầu của bản thân. Bên cạnh đó, họ cũng có tính chiếm hữu cao.

3. Người tham vọng (Achiever/ Performer)

Đây là kiểu người có động lực, chăm chỉ và dễ thích nghi. Sự công nhận từ xã hội là động lực thúc đẩy họ trở nên thành công. Họ có tài ngoại giao và rất quan tâm đến hình ảnh của bản thân.

Nghiện công việc và tính cạnh tranh cao cũng là một đặc điểm nổi bật của tuýp người này.

4. Người cá tính (Individualist/ Romantic)

Sáng tạo, tiên phong và biết bộc lộ bản thân là những từ để miêu tả người cá tính. Họ có ý thức mạnh mẽ về bản sắc cá nhân và phong cách khác biệt với mọi người.

Do xu hướng thích trở thành trung tâm nên tính khí họ có phần thất thường và đôi khi quan tâm thái quá đến cảm xúc của bản thân.

5. Người lý trí (Investigator/ Observer)

Khả năng nhận thức và lý luận là điểm mạnh của những người lý trí. Nhóm người này cấp tiến, thông minh và thường suy nghĩ thấu đáo về mọi thứ.

Tuy nhiên, do xu hướng thích tĩnh lặng và suy tư nên họ có phần tách biệt và hạn chế trong việc bộ lộ cảm xúc

6. Người trung thành (Loyalist/ Loyal Skeptic)

Họ là người có trách nhiệm, đáng tin cậy và tận tụy. Người trung thành thường có những mối quan hệ rất vững chắc.

Do là người ưa thích sự an toàn, những tình huống bất ổn sẽ dễ khiến họ trở nên lo lắng và suy nghĩ tiêu cực.

7. Người nhiệt tình (Enthusiast/ Epicure)

Tích cực, hướng ngoại, linh hoạt là đặc điểm nổi bật của những Người nhiệt tình. Họ không thích sự gò bó, luôn tìm kiếm những chuyến phiêu lưu và được yêu thích bởi sự hài hước của mình.

Vấn đề mà người nhiệt tình có thể gặp phải đó là thiếu kiên nhẫn, bốc đồng và dễ bị xao nhãng. Điều này có khả năng hạn chế họ trong việc đạt được mục tiêu.

8. Người thách thức (Challenger/ Protector)

Đây là tuýp người được đánh giá là thành công trong vai trò lãnh đạo do sự thẳng thắn, tự tin và quyết đoán.

Tuy nhiên cũng vì tính cách thích thống trị mà họ được nhận xét là khá hung hăng, độc đoán và khiến người khác phải dè chừng.

9. Người ôn hòa (Peacemaker/ Mediator)

Như tên gọi đây là kiểu người cởi mở, dễ chịu và biết đồng cảm. Họ thường là nhân tố quan trọng trong việc duy trì hòa khí của cả nhóm.

Tính cách dễ thỏa hiệp này cũng là điểm yếu của Người ôn hòa khi họ có xu hướng né tránh việc va chạm. Để tối thiểu các mâu thuẫn, họ có thường bỏ quên nhu cầu của bản thân.

Ứng dụng Enneagram vào cuộc sống như thế nào?

Enneagram sẽ cho bạn biết điểm yếu cũng như điểm mạnh của tính cách. Từ đó, bạn có cơ sở để tự hoàn thiện bản thân cũng như liên hệ với người khác.

Ví dụ, là Người cầu toàn, bạn sẽ tỉ mỉ và cẩn thận với công việc được giao. Đức tính này giúp bạn nhận được sự tín nhiệm của đồng nghiệp và cấp trên. Tuy nhiên, mặt trái là bạn dễ bị quẩn quanh ở những tiểu tiết để đảm bao mọi thứ phải hoàn hảo. Việc này sẽ gây ảnh hưởng đến tiến độ công việc cũng như mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp.

Lời khuyên dành cho bạn là vạch ra kỳ vọng thực tế cho bản thân và người khác. Hãy thoải mái và luôn tâm niệm: hoàn thành tốt hơn là hoàn hảo, bởi vì khái niệm hoàn hảo chỉ là tiêu chuẩn của mỗi cá nhân.

Tương tự đối với Người giúp đỡ, mong muốn được chấp nhận khiến bạn hiếm khi nói “không”. Sự tận tâm này giúp bạn luôn được mọi người yêu quý. Nhưng nếu không biết tiết chế, bạn sẽ dễ trở nên quá tải do phải ôm đồm nhiều thứ.

Để cải thiện tình trạng này, bạn nên tự đặt ranh giới cho bản thân. Khi làm việc, hãy vạch ra thời gian và không gian của riêng mình. Thực tế, công việc của bạn cũng rất quan trọng, đừng quá lãng phí thời gian vào việc làm hộ người khác.

Kết

Enneagram sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về tính cách của mình nhằm phát huy điểm mạnh và cải thiện điểm yếu, cũng như điều chỉnh hành vi để phù hợp với hoàn cảnh. Tuy nhiên, bạn chỉ nên coi bài trắc nghiệm là một hình thức tham khảo, tránh để thiên kiến xác nhận đóng khung tính cách của mình.

Bạn có thể làm bài trắc nghiệm tại đây.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục