"Gặp được người tốt thì cưới, không thì cũng chẳng sao con ạ"
Đâu đó giữa những buổi nói chuyện cùng bà, bà lại nhắc tôi về việc cưới xin. Đây là chủ đề bà hay nhắc đến mỗi khi tôi có bạn trai, miệt mài từ năm 20 tuổi cho đến năm 25 tuổi. Đối với bà, chuyện “dựng vợ gả chồng" cho các con, các cháu được coi là quan trọng bậc nhất. Giống như nhiều người ở thế hệ của bà, bà quan niệm, có gia đình rồi tính đến chuyện xây dựng sự nghiệp cũng chưa muộn. Bà không hiểu, và cũng không muốn hiểu khái niệm “yêu cho vui”.
Việc “không cưới chồng" được coi là một điều “không tưởng” trong thế giới của bà. Biết vậy, một hôm tôi trêu bà, “Nếu con gặp được người phù hợp thì con cưới, không thì chẳng tội gì mà cưới bừa một người nào đó chỉ vì ai cũng nghĩ mình nên lập gia đình”.
Ấy thế mà bà ngẩn người, bà nói, “Chết dở, kiểu gì cũng phải cưới con ạ!” Tôi phản đối, “Con thấy ở một mình rất vui, rất hạnh phúc. Bao nhiêu người ở một mình, chăm chó mèo, cây cảnh cũng vui, có vấn đề gì đâu”
Bà ngỡ ngàng, “Sư bố mày, mày cưới thì mày cũng chăm cây cảnh, chó mèo được chứ sao!”. Tôi biết bà đã hơi bực nên chuyển chủ đề, nói chuyện thêm một lúc nữa, tôi đi về, bỏ hoàn toàn cuộc nói chuyện cùng bà ra khỏi đầu. Trước đó, tôi cũng kịp luyên thuyên về việc mỗi người có một sứ mệnh, giả dụ người ta thích học cả đời mà cứ bắt người ta cưới là không công bằng. Bà thốt lên, “Nhưng mày lười học bỏ mẹ”.
Nhưng tuần sau đó, khi tôi sang thăm bà, bà trầm ngâm nói rằng, “Thực ra gặp được người tốt thì cưới, không thì cũng chẳng sao con ạ”. Suy nghĩ thêm một chút, bà nhăn nhó, “Gớm, kiểu gì chẳng gặp được người tốt, kiểu gì chẳng cưới”. Thoạt tiên, tôi định ba hoa thêm về chuyện “tốt” và “phù hợp” là 2 phạm trù khác nhau. Nhưng may thay, tôi đã kịp im lặng.
Bởi tôi phát hiện ra một điều. Bà là một người trân trọng giá trị truyền thống, là người chỉ có một tình yêu “vĩnh viễn” từ khi trẻ đến lúc về già. Vậy mà bà nói với tôi, dù ngập ngừng, dù chẳng chắc chắn là “không cưới cũng được”. Cái lý luận đó, khi tôi nửa đùa nửa thật nói với những đứa bạn cũng sống trong thời đại “tình yêu mì ăn liền”, cũng tiếp xúc đủ với những định nghĩa về “open relationship” hay “complicated relationship”, chúng nó bĩu môi: “Ai rồi cũng phải cưới!”.
Tôi biết hẳn là bà yêu tôi lắm nên mới suy nghĩ cả tuần trời vì câu nói vu vơ của đứa cháu thích lý sự. Bà cho tôi thêm một định nghĩa mới mẻ về tình yêu. Yêu là khi người kia tình nguyện suy nghĩ, tình nguyện “bị thuyết phục” bởi những triết lý và những quan điểm rất “kỳ lạ” của người còn lại.
Hy vọng ai trong chúng ta cũng có một người như thế trong đời.