George Orwell: Viết phải rõ, chắc và đơn giản

Với George Orwell, câu chữ chỉ có giá trị khi ai đọc cũng có thể hiểu được.
Nguyễn Xuân Long
George Orwell "1984" | Nguồn: History Things

George Orwell "1984" | Nguồn: History Things

#GócQuote là series về những triết lý sáng tạo và phương pháp làm việc của những cái tên lớn.


Là một người viết, việc xây dựng được khả năng diễn đạt và truyền tải thông tin đến người đọc luôn là điều tiên quyết, nếu không muốn lâm vào cảnh “viết dài, viết dai, viết dại”. Tuy nhiên, không phải cây viết nào cũng hoàn thiện được những kỹ năng cần thiết để giải quyết được vấn đề này.

Eric Arthur Blair, nổi tiếng với bút danh George Orwell, là một tiểu thuyết gia, nhà tiểu luận, viết báo và nhà phê bình văn học người Anh.

Di sản của ông trải dài từ những tác phẩm kinh điển như 1984, Animal Farm, The Road to Wigan Pier đến hàng trăm bài tiểu luận mang giá trị thời đại.

Phong cách của George Orwell được nhận xét là cực kỳ trực diện và mang tính báo chí. Ông không bao giờ sử dụng cách viết ám chỉ hoặc ẩn dụ, cũng như không bao giờ đưa vào bài những hình ảnh không cần thiết hay những câu văn rườm rà, hoa mỹ.

Trái lại, George Orwell tập trung vào việc mô tả tốt các bối cảnh và nhân vật với ngôn ngữ trực diện và ngắn gọn nhất có thể.

Ý nghĩa nằm ở sự đơn giản

Năm 1946, George Orwell viết tiểu luận “Politics and the English Language”. Tác phẩm thể hiện rõ quan điểm của ông trong việc chống lại những bài văn xuôi được viết theo cách mà tác giả cho là cẩu thả, khó hiểu và không rõ ràng.

George Orwell lập luận rằng ngôn ngữ là một phần quan trọng trong việc nâng đỡ một nền văn minh, vì vậy nếu một nền văn minh trở nên suy đồi thì bản thân ngôn ngữ phải chia sẻ trách nhiệm trong sự suy đồi đó.

Trong bài tiểu luận, George Orwell liệt kê những thủ phạm làm che mất ý nghĩa của câu văn, khiến cho cách hành văn khoa trương và trống rỗng. Những “thủ phạm” mà ông nhắc đến là cách hành văn như văn nói, những phép ẩn dụ tối nghĩa, những giả thuyết được ngụy trang và những từ ngữ nông cạn.

George Orwell tóm gọn vấn đề này với nhận xét:

“Điều quan trọng hơn hết là để cho ý nghĩa quyết định ngôn từ, chứ không phải là ngược lại. Khi viết văn xuôi, người viết không bao giờ nên thỏa hiệp với ngôn từ.”

“What is above all needed is to let the meaning choose the word, and not the other way around. In prose, the worst thing one can do with words is to surrender to them.”

Văn học là để truyền tải sự thật

Trong bài tiểu luận của mình, Orwell tin rằng sự mơ hồ có thể được sử dụng như một công cụ mạnh mẽ để thao túng người đọc bằng thông tin sai lệch.

Tuy khẳng định phong cách viết của mình hạn chế tối đa việc bày tỏ cảm xúc để chú trọng vào việc truyền tải sự thật, George Orwell cũng thừa nhận rằng có những thời điểm ông phạm phải những sai lầm mà chính mình chỉ ra.

Để hạn chế tối đa việc phạm phải những sai lầm dẫn đến sự mập mờ trong văn chương, George Orwell đề ra 6 quy tắc để giúp cách hành văn dễ đọc và mang lại nhiều ý nghĩa hơn. Những quy tắc này bao gồm:

  • Không bao giờ sử dụng phép ẩn dụ, ví von hoặc các hình thức văn nói mà bạn thường thấy trên báo in.
  • Không bao giờ sử dụng một từ dài khi mà một từ ngắn hơn cũng làm được việc đó.
  • Nếu có thể bỏ đi một từ, hãy luôn luôn bỏ nó ra.
  • Không bao giờ viết câu bị động khi bạn có thể viết câu chủ động.
  • Không bao giờ sử dụng một cụm từ nước ngoài, một từ khoa học hoặc một biệt ngữ nếu bạn có thể thay thế được với một từ bằng ngôn ngữ đang dùng để viết tác phẩm.
  • Hãy phá vỡ bất kỳ quy tắc nào trong số này trước khi bạn định làm điều gì đó độc ác.

Quy tắc thứ 6 mà George Orwell đề cập không nên được hiểu như một hướng dẫn, mà nên được nhìn nhận như thái độ nghiêm túc của ông trong việc tuân theo những quy tắc trên.

Theo quan điểm của Orwell, văn học đẹp nhất khi nó đơn giản và rõ ràng đối với người đọc đại chúng - những con người tiêu thụ sản phẩm truyền thông hàng ngày.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục