Nếu rác là một môn học, bạn sẽ được điểm mấy?
Cùng Vietcetera và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam giải bài toán khó nhất thế giới: rác.
Việt Nam sắp cán mốc 100 triệu dân. Song song với cơ hội phát triển kinh tế và xã hội, áp lực lên môi trường ngày càng lớn. Chúng ta sẽ làm gì với lượng chất thải do 100 triệu người tạo ra?
Vietcetera và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã hỏi cộng đồng về vấn đề này. Chúng tôi thiết kế một khảo sát để xác định mức độ nhận thức về rác thải, cũng như thói quen phân loại rác của người dân các thành phố lớn.
Đây là những điều quan trọng nhất chúng tôi học được từ thử nghiệm xã hội này.
Nếu rác tái chế là một môn học, chúng ta đang được khoảng hơn 6 điểm
Phần lớn những người tham gia khảo sát thuộc nhóm tuổi 18-25, ⅓ thuộc nhóm tuổi 25-35, còn lại là từ 35 tuổi trở lên. Có thể nói, Gen Z và millennials đặc biệt quan tâm đến vấn đề rác thải và môi trường hơn những nhóm tuổi còn lại.
Trong môn “rác học” này, điểm trung bình của các “sĩ tử” là 6,2/10, tức thuộc khoảng trung bình - khá. Theo bạn, chúng ta đã hiểu đúng và đủ về rác? Làm sao để tất cả chúng ta thành học sinh giỏi?
Bạn đã bao giờ “soi” xem trong túi rác của mình có những gì?
Tuy mỗi nước có một hệ thống xử lý rác khác nhau, nhìn chung đều đồng ý rằng “đại gia đình” rác thải sinh hoạt được chia thành ít nhất 3 gia đình nhỏ:
- Rác hữu cơ dễ phân hủy (vỏ rau củ quả, thức ăn thừa, lá cây…) để mang đi làm phân bón cho cây trồng;
- Rác có khả năng tái sử dụng (vỏ chai nhựa, vỏ lon nhôm, vỏ hộp sữa, giấy…) để mang đi tái chế;
- Các loại còn lại (tã, vải, cao su…) để mang tới khu xử lý như bãi thải hoặc lò đốt.
Bạn đã bao giờ “soi” xem trong túi rác của mình có những gì?
Nghe có vẻ cực đoan, nhưng đây là điều hàng triệu người Nhật làm mỗi ngày - quốc gia này yêu cầu người dân phân loại rác tại nguồn. Nếu bạn lỡ để một cái chai nhựa vào túi rác đốt được, nhân viên môi trường sẽ đến tận nhà trả lại rác cho bạn.
Đến 92.6% những người tham gia khảo sát ý thức được rằng phân loại rác tại nguồn là mô hình khả thi nhất. Đây là một tín hiệu đáng mừng: rác đang bắt đầu được nhìn nhận theo một cách khác, không phải cứ vứt đi là xong!
Cho đến khi rác thải tìm được về đúng “gia đình” của mình, rác vẫn là chuyện của tôi và bạn.
Cho rác thải bao bì một cuộc sống mới là nghĩa-cử-cao-đẹp
Lon nhôm, hộp sữa giấy và chai nhựa đều có thể có một “cuộc sống mới” thay vì bị chôn hoặc đốt. Đó là nếu chúng ta không vứt thẳng chúng vào thùng rác cùng tất cả các loại rác khác.
Rác bao bì gần như không thể tái chế nếu còn chất thải thực phẩm bên trong - một điều mà 34,3% người tham gia khảo sát không biết. Để được “tái sinh”, những chiếc lon nhôm, chai nhựa và hộp sữa giấy cần bạn giúp phân loại và vệ sinh.
Điều gì xảy ra khi chúng ta giúp rác tái sinh? Năng lượng được tiết kiệm, nguyên liệu được quay vòng, và lượng chất thải bị chôn hoặc đốt giảm.
Tái chế nhôm tiết kiệm tới 95% năng lượng so với khai thác nhôm mới. Vỏ hộp sữa giấy có thể tái chế thành giấy vệ sinh hay tấm lợp nhôm. Và chai nhựa có thể quay về làm áo phông, nội thất, hoặc chai nhựa mới.
Cuộc sống mới của rác tái chế bắt đầu từ chính bạn, khi bạn phân loại rác.
Chúng ta chưa phân loại rác, không phải vì không muốn
Mà là vì chưa biết điểm thu gom rác tái chế ở đâu - hơn một nửa số người tham gia cho biết.
Họ cũng chia sẻ rằng những tập thể xung quanh mình như công ty, trường học, hoặc khu dân cư hiện chưa tổ chức thu gom rác thải bao bì.
Động lực lớn nhất để một người chịu khó phân loại rác là…
Sự quan ngại về vấn đề môi trường (69,2%).
⅔ số người tham gia nói rằng thỉnh thoảng họ phân loại rác. Chỉ 13,8% luôn luôn phân loại.
Chúng ta có xu hướng bi quan về các vấn đề môi trường
Trong hầu hết các câu hỏi về tình hình môi trường, những đáp án càng tiêu cực càng có lượt chọn cao. Tuy không phải lúc nào chúng cũng là đáp án đúng.
Tại Việt Nam, khoảng ⅓ số rác thải nhựa được tái chế mỗi năm, nhưng đáp án này chỉ được 19% người tham gia chọn. Phần lớn những người còn lại tin vào viễn cảnh tệ nhất: chỉ 1/10 số rác này được quay vòng.
“Nhựa” là một trong những từ khóa nóng nhất khi nhắc đến ô nhiễm môi trường trong những năm qua. Bao bì nhựa dùng một lần chiếm khoảng 40% tổng số rác thải nhựa, nhưng hơn một nửa câu trả lời cho rằng chúng chiếm tận 80%.
Sự bi quan này có hai mặt
Nếu những tin xấu dồn dập về môi trường khiến bạn cảm thấy hoảng sợ, rất có thể nó đã kích hoạt phản ứng chiến-hay-chạy (fight-or-flight) trong não và khiến bạn chỉ nghĩ đến trường hợp xấu
Và nỗi sợ này có hai mặt. Nó có thể là động lực để bạn google cách phân loại rác ngay lập tức. Nhưng nó cũng có thể khiến bạn buông bỏ nỗ lực vì không nghĩ mình có sức mạnh thay đổi tình hình.
Có lẽ điều khó nhất là bi quan một cách lý trí: lắng nghe số liệu thực tế, nghiên cứu khoa học, và cùng nhau tìm lời giải cho vấn đề.
Giải Rác: Cùng nhau giải bài toán khó nhất thế giới
Tất cả những đồ vật chúng ta sở hữu đều sẽ trở thành rác một ngày nào đó. Rác “muôn màu muôn vẻ” như chính xã hội tạo nên nó.
Vì vậy, hiểu về hành trình của rác là hiểu về chính bản thân chúng ta.
Nhu cầu tiêu dùng của chúng ta đa dạng như thế nào? Chúng ta có thông thái trong việc xử lý hậu quả mình để lại? Có nhất thiết phải đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế? Làm thế nào để xử lý rác thải một cách bền vững?
Giải Rác là series nội dung Vietcetera cùng PRO Việt Nam thực hiện nhằm trả lời những câu hỏi cấp thiết này, trước khi em bé thứ 100 triệu chào đời.
Hãy đón đọc Giải Rác trong những tuần tiếp theo!