Giữa mình và mẹ đã từng chỉ có “tiếng người ở ngưỡng 100db”, và nước mắt

Qua hơn chục năm ở cùng mẹ, mình hiểu được rằng yêu không chỉ là "hy sinh".
Bích Hồ
Nguồn: Eldar Nazarov/Unsplash

Nguồn: Eldar Nazarov/Unsplash

* Bài viết được chấp bút qua lời kể của bạn Cookie.

Mình sống cùng mẹ từ năm cấp 2. Sống chung với nhau hơn chục năm, nhưng chỉ sau khi không còn gặp nhau nữa thì hai mẹ con mới thực sự nói chuyện với nhau. Trước đó hầu như giữa mình và mẹ chỉ có “tiếng người ở ngưỡng 100db”, và nước mắt.

Năm 17 tuổi mình đi Mỹ du học. Mỗi ngày sau những lời thăm hỏi hôm nay làm gì, học gì, mẹ sẽ hỏi mình có gặp gỡ ai mới không, có đang hẹn hò ai không. “Qua đó chịu khó có đi làm như người ta là được rồi. Nếu may mắn gặp được ai thì tốt.”

Mẹ chẳng bao giờ nói trực tiếp ra, nhưng mình vẫn hiểu việc mình được sang Mỹ du học không chỉ là để học. Mẹ muốn đời mình khác đi với mẹ, tức là có thể cưới một tấm chồng và định cư ở trời Tây.

Lúc đó mình quá trẻ để hiểu rằng làm một đứa con ngoan không có nghĩa là phải làm theo lời mẹ, (và tới Mỹ không có nghĩa là đổi đời). Mình chỉ biết mẹ đã hy sinh nhiều cho mình, và mình cũng muốn cho bà điều gì đó, dù chỉ là một chút hy vọng.

Khi mình chưa đầy 1 tuổi, mẹ đã một mình bươn chải ở Sài Gòn để gửi tiền về cho ông bà nuôi mình. Còn bố mình lúc đó, theo lời kể của mọi người, cứ vài tháng lại vào trại cai nghiện.

Cả đời mẹ luôn đi tìm một người đàn ông chở che cho mình. Bà chọn nhiều lần, nhưng chẳng lần nào đúng. Cũng có lần mẹ gặp được người cho bà cảm giác an toàn, nhưng người đó lại đang có gia đình. Mẹ yêu người đó đến mức yêu cầu mình gọi ông là “bố” – còn mình, lần đó không muốn gọi mẹ là mẹ nữa.

Nhưng điều buồn cười là gì bạn biết không? Mình thường nhìn vào bố mẹ để biết mình không muốn điều gì, nhưng tới một lúc mình nhận ra, trong vô thức mình đã trở thành người giống mẹ – Khi yêu, mình “hy sinh”.

Mối tình sâu đậm nhất của mình kéo dài 3 năm và kết thúc bằng một tin nhắn. Người ta nói “không xứng” với tình yêu của mình. Thậm chí còn không một lần gặp mặt để nói lời cuối.

Sau hơn một tuần nhốt mình trong phòng tự dằn vặt, rằng tại sao bản thân cho đi nhiều như vậy nhưng vẫn không có được tình yêu, mình tìm tới nhà người ta. Đứng từ xa mình nhìn anh bên người mới, để xác nhận cuộc tình đã chấm dứt. Trong tận cùng của nỗi tuyệt vọng, mình nhớ tới mẹ. Mình nhớ tới thứ tình yêu đã “bóp nghẹt” mình của bà.

Trong một cuộc yêu không thành thì lỗi không chỉ đến từ người “không xứng”, mà còn đến từ người đã cho phép những điều “không xứng” xảy ra với họ.

Sau tất cả mình không chắc bản thân sẽ yêu tốt hơn lần trước, hay tốt hơn mẹ mình. Như việc mình bỏ du học Mỹ về Việt Nam, mình không chắc bản thân sẽ sống tốt hơn kế hoạch mẹ đã vạch ra.

Nhưng ít nhất thì cuối cùng mình cũng đang sống cuộc đời của mình - một cuộc đời mà ở đó mình nghĩ yêu là chuyện “có qua, có lại”. Điểm xuất phát là học yêu bản thân. Khi mình yêu bản thân, mình nuôi tình yêu để cho đi. Khi mình cho đi, mình nuôi tình yêu mà bản thân xứng đáng được nhận. Không ai phải cho đi đến mức quên bản thân, hay nói cách khác là hy sinh, ngay cả giữa bố mẹ và con cái.

Người ta vẫn hay nói rằng tình yêu bố mẹ dành cho con cái là vô điều kiện. Thế nhưng liệu có thể gọi đó là tình yêu vô điều kiện không, khi trong hầu hết trường hợp, các bố mẹ chỉ yêu con cái hết mình với điều kiện chúng là máu mủ ruột rà của họ.

Các nhà nghiên cứu vẫn còn đang tranh cãi về chuyện đó. Mình, tất nhiên, cũng không đủ khả năng để đưa ra câu trả lời. Nhưng việc họ tranh cãi về sự tồn tại của tình yêu vô điều kiện, kỳ lạ thay, phần nào khiến những tiếng nói trong đầu mình dịu lại.

Trên hành trình này có lẽ mình vẫn còn phải nhìn vào bố mẹ nhiều lần nữa. Mình nhìn họ để né . Nhưng mình biết nếu chỉ thế thì cuối cùng mình sẽ trở thành vận động viên né red flag, chứ không đảm bảo giúp mình có một cuộc yêu trọn vẹn hơn.

Thế nên điều quan trọng không kém là biết nhận diện . Green flag là thế nào thì mình vẫn đang học thôi.

Còn hôm nay, giữa mình và mẹ có một cái hẹn ăn tối.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục