Grooming - Kẻ xấu tạo thiện cảm với trẻ em như thế nào?
1. Grooming là gì?
Grooming là chuỗi hành vi thao túng và xây dựng mối quan hệ với mục đích lạm dụng tình dục. Ai cũng có thể là nạn nhân của grooming, từ trẻ em độ tuổi nhi đồng, vị thành niên cho tới những người lớn yếu thế.
Các vụ án liên quan tới grooming thường có một điểm chung đó chính là sự chênh lệch quyền lực, được tạo ra bởi khoảng cách tuổi tác hay địa vị xã hội. Vừa qua, đã có một bạn học sinh đã từng học tại trường THPT Nguyễn Thiện Thành (Trà Vinh), tố cáo thầy giáo cấp 3 đã tấn công tình dục mình cách đây 6 năm.
Trong bài đăng tố cáo, bạn nam nhấn mạnh yếu tố chênh lệch quyền lực khi thầy giáo là một giáo viên uy tín ở tỉnh. Sau bài đăng, nhiều nạn nhân khác cũng bắt đầu lên tiếng.
Bên cạnh việc dỗ ngọt nạn nhân bằng hình thức dạy thêm tận tình, “thầy" cũng có các hình thức đe dọa và uy hiếp nạn nhân làm theo ý mình. Người này cũng thường xuyên đụng chạm vô ý và bình thường hóa hành vi này với học trò.
Đây đều là những đặc điểm phổ biến của một kẻ có hành vi grooming. Bên cạnh đó, môi trường học đường cũng yêu cầu giáo viên và học sinh phải tương tác cũng như tạo ra hệ thống thứ bậc rõ ràng. Chính điều này cũng tạo ra cơ hội thuận lợi hơn cho những kẻ tấn công.
2. Nguồn gốc của grooming?
Vào thế kỷ 13, chữ “groom" mang nghĩa các cậu bé hoặc người hầu. Tới thế kỷ 17, từ này lại được dùng cho những người chăm sóc ngựa. Đây cũng là lúc mà groom mang nghĩa chải chuốt. Bên cạnh đó, từ groom còn được dùng để chỉ sự chuẩn bị tham gia vào một cuộc thi.
Ngôn ngữ vốn là thứ thay đổi theo thời gian. Kenneth Lanning, một đặc vụ FBI nghỉ hưu cho rằng, từ “grooming" đã được một nhóm các nhà điều tra sử dụng để miêu tả về mô hình hành vi của kẻ tấn công tình dục vào những năm 1970. Bấy giờ, chưa có nhiều chuyên gia nghiên cứu về vấn đề này.
Năm 1985, tờ Chicago Tribune đã dùng “grooming” để nhắc tới phương pháp của những tên ấu dâm. Khoảng những năm 90, Internet bắt đầu phát triển là lúc các vụ việc liên quan tới dụ dỗ trẻ vị thành niên xuất hiện nhiều. Đây cũng là lúc từ grooming trở nên phổ biến.
3. Vì sao grooming phổ biến?
Tại Việt Nam, xâm hại trẻ em vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối và khó giải quyết. Bản thân các hành vi như quấy rối tình dục, sàm sỡ, cũng chưa có quy định chế tài và xác định rõ khái niệm cụ thể cho loại hành vi này.
Trong cuộc sống, các hành vi quấy rối hay dâm ô trẻ em còn bị đánh tráo khái niệm thành cưng nựng hay đùa vui. Khi các sự việc tương tự xảy ra trong một tổ chức như trường học thì cũng thường được giải quyết theo hướng người lớn đóng cửa bảo nhau.
Một phần lý do nằm ở việc tiêu chuẩn về quấy rối được bình thường hóa, điển hình như hành vì nựng vùng nhạy cảm của các em bé. Khi được hỏi nhanh, 5 phụ huynh cũng cho rằng việc để người xung quanh chạm vào vùng kín của trẻ không có gì sai.
Để phòng tránh cũng như nhận ra dấu hiệu của kẻ tấn công, chúng ta cần hiểu được cách thức hành động của những kẻ này:
Bước 1: Tiếp cận đối tượng
Tác giả sách và tham vấn viên tình dục Marlowe Garrison chia sẻ rằng, grooming là một quá trình chậm rãi và có chủ đích để biến một người trở thành nạn nhân. Những đối tượng dễ bị nhắm tới phụ thuộc vào các yếu tố như tôn giáo, dân tộc, văn hóa, mức độ nhẹ dạ và thiếu tự tin.
Trong môi trường giáo dục, những đối tượng này có thể là các em bị bắt nạt, cô lập, tự ti hoặc thiếu sự quan tâm của gia đình. Việc đột nhiên được quan tâm có thể đặt nạn nhân vào vị thể cảm thấy mình đặc biệt và buông lỏng cảnh giác.
Bước 2: Xây dựng mối quan hệ
Grooming có thể bắt đầu từ tình bạn hoặc một mối quan hệ lãng mạn. Thủ thuật như love bombing thường được sử dụng. Việc đối xử nhiệt tình, tặng quà, dành nhiều sự chú ý khiến nạn nhân cảm thấy mối quan hệ này đặc biệt.
Trong môi trường online, những kẻ này sẽ cố gắng chỉ ra những điểm chung của mình và đối tượng bằng các tương tác trên mạng xã hội. Còn nếu trong trường hợp như bạn nam tố giáo viên thì những kẻ này sẽ gợi ý học riêng, hỗ trợ học tập, đồng thời xây dựng mối quan hệ tốt với gia đình nạn nhân.
Trong giai đoạn này, kẻ tấn công cũng sẽ tập trung xây dựng niềm tin với nạn nhân. Thủ thuật thường thấy là giữ lời hứa với nạn nhân tạo lòng tin. Sau đó chào mời, đưa ra những trao đổi như im lặng sẽ được thưởng. Ban đầu thì các cuộc trao đổi này sẽ không có tình dục, nhưng rồi được nâng cấp dần bằng các hành vi như hôn, nắm tay và đụng chạm. Bản chất hành vi grooming cũng nằm ở quá trình thao túng tâm lý chậm rãi khiến nạn nhân cảm thấy bối rối.
Bước 3: Cô lập
Những kẻ thao túng này thường sẽ dụ dỗ nạn nhân giữ bí mật bằng những lời ngọt ngào. Việc sở hữu một bí mật cũng khiến các nạn nhân ở tuổi vị thành niên cảm thấy đặc biệt.
Sau đó, kẻ này sẽ dần khiến nạn nhân tách biệt cả về mặt cảm xúc và đời sống với những người có khả năng giúp đỡ và can thiệp.
Bước 4: Bạo hành tình dục và duy trì sự kiểm soát
Khi ở giai đoạn này, nhiều nạn nhân sẽ không nhận ra sự bất thường trong các hành vi xâm hại vì nghĩ rằng nó là một phần của mối quan hệ lãng mạn. Thậm chí, họ có khả năng bị thao túng, đe dọa dẫn tới guilt-trip nếu không đáp ứng kẻ bạo hành.
Nhiều nạn nhân lúc này cảm thấy quá xấu hổ và bất lực khi nhận ra bản chất của sự việc. Hoặc thậm chí họ đã bị phụ thuộc vào mối quan hệ, dẫn tới việc sợ phải đánh mất nó. Trong một mối quan hệ bất cân xứng quyền lực thì nạn nhân còn có thể bị đe dọa và không thể tự thoát ra.
Làm sao để giúp đỡ nạn nhân?
Trong những trường hợp này, sự quan tâm của người xung quanh là rất quan trọng khi không phải lúc nào nạn nhân cũng nhận ra mình cần giúp đỡ. Bên cạnh đó, các vụ việc grooming thường khó để lại bằng chứng cụ thể để tố cáo kẻ phạm tội.
Vậy nên, trong những trường hợp như thế này, người xung quanh nên tiếp cận sự việc một cách cẩn thận, lắng nghe những chia sẻ của nạn nhân để tìm ra hướng giúp đỡ phù hợp. Chúng ta nên tránh hành động một cách gấp rút, chủ quan chỉ để kéo nạn nhân ra khỏi mối quan hệ ngay lập tức, vì nó có thể ảnh hưởng tới sự an toàn của nạn nhân.
Ngoài ra khi bạn nhận thấy người thân của mình là nạn nhân của grooming, việc đầu tiên là hãy tin tưởng họ thay vì trách móc, sau đó cùng nhau đi tìm sự giúp đỡ tâm lý và can thiệp của pháp luật.
4. Cách sử dụng grooming?
Tiếng Anh
A: I heard that there is a teacher-student couple in our school right now.
B: Isn’t it called grooming? I think we should report it to our school.
Tiếng Việt
A: Hình như trong trường mình có một cặp giáo viên với học sinh quen nhau.
B: Cái đó gọi là grooming rồi nhỉ? Chắc phải báo lên nhà trường thôi.