Để nạn nhân xâm hại tình dục được lắng nghe | Vietcetera
Billboard banner
19 Thg 04, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Để nạn nhân xâm hại tình dục được lắng nghe

Tôi được phỏng vấn trong một căn phòng tối, đèn chỉ chiếu vào hai bàn tay co cụm. Trước hàng triệu khán giả, tôi kể về sang chấn tuổi thơ.
Để nạn nhân xâm hại tình dục được lắng nghe

Nguồn: Keith Fox/Unsplash. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Bài viết chia sẻ câu chuyện thật của nạn nhân bị xâm hại tình dục nên có thể gây kích động tâm lý.

Khi mới vào lớp 1, tôi hay sang nhà một người thân. Cậu con trai nhà này hơn tôi 6 tuổi, hay rủ tôi lên phòng đọc truyện tranh, rồi tắt đèn, kéo quần áo tôi ra, và bảo tôi cùng “diễn phim”.

Chuyện kéo dài trong 1 năm, đứa trẻ non nớt là tôi không hiểu cậu ta đã làm gì. Đến năm lớp 8, có chút hiểu biết về tình dục, tôi bần thần nhận ra: tôi đã bị xâm hại.

Theo UNICEF, khoảng 90% các em gái từng bị ép quan hệ tình dục nói rằng thủ phạm của vụ xâm hại đầu tiên là người quen của mình.

10 năm sau đó, tôi mới dám kể chuyện này cho một người bạn, trong đầu nghĩ, “Chắc chẳng ai hiểu đâu.” Bạn tôi nhìn tôi với ánh mắt kinh ngạc rồi bật khóc nức nở. Con bé từng bị xâm hại bởi một người thân trong gia đình, ròng rã suốt 2 năm trời.

Khi mẹ tôi biết chuyện, bà nhìn tôi sững sờ, “Tại sao lúc đấy con không kể cho mẹ?” Tôi gào lên, “Lúc đấy con đâu có biết!”

Chúng tôi lớn lên mà không có giáo dục giới tính. Các cuộc hội thoại về tình dục là cấm kỵ.

Tấn công tình dục: Một trạng thái bình thường cũ

Thời niên thiếu của chúng tôi có quá nhiều hạt sạn.

Có hôm đang đi học, một thanh niên đi xe máy vụt qua, bóp ngực tôi. Có hôm thấy một lão già đang thủ dâm trước ngõ nhà mình. Có một cậu sinh viên trường khác bám theo (stalk) tôi nhiều lần.

Năm lớp 11, bạn tôi đứng đợi xe buýt bị một phụ nữ trung niên "nhìn đểu" rồi nói to, “Khiếp, ngực to như cái bát canh.”

Người ta nói: “Xã hội này nó cứ như vậy đấy, nên cố mà mặc cho kín vào.” Vậy chẳng nhẽ chúng ta cứ sống trong một thế giới mà cái ác là nghiễm nhiên?

Để tránh bị xâm hại, họ bảo phụ nữ không được mặc quần áo hở hang - tôi bị quấy rối ở bến xe buýt khi đang mặc bộ đồng phục mùa đông của trường cấp 2.

Họ bảo chúng tôi không nên đi một mình ở nơi vắng vẻ - một gã sờ soạng tôi ở hội sách trong khi bạn trai tôi đứng cách đấy 1 mét.

Họ cảnh báo không nên tin người lạ - bạn tôi bị cưỡng hiếp bởi hai người bạn đã quen lâu, một nam một nữ, sau một buổi xem phim.

Chúng tôi chỉ đang cố sống cuộc sống bình thường. Lỗi không ở chúng tôi, mà chính ở văn hóa cưỡng hiếp (rape culture) - nơi xã hội đang đổ lỗi cho nạn nhân bị tấn công tình dục, và bình thường hóa tội ác tấn công tình dục.

Một chiếc váy ngắn, vài ly rượu hay một lần đi chơi đêm một mình - tất cả không phải là lý do. Nguyên nhân của tấn công tình dục luôn là ở thủ phạm.

Mỗi lần mở lòng là một lần đau

Cách đây 5 năm, qua một dự án xã hội, tôi kể câu chuyện của mình trên mạng và những sự kiện offline - cả về sang chấn tuổi thơ của tôi, cũng như những năm tháng dậy thì đã nhiều lần bị quấy rối.

Hàng trăm người bình luận, nhắn tin đến fanpage - họ động viên tôi, hoặc kể câu chuyện của họ. Nhiều người nói rằng, đấy là lần đầu tiên họ thổ lộ về sang chấn, họ sợ điều tiếng và sợ bị trả thù. Họ đã sống trong tủi nhục, ám ảnh và cảm giác bất lực.

Thông qua dự án xã hội này, một chị tìm thấy câu chuyện của tôi và mời phỏng vấn. Buổi ghi hình giấu mặt được phát sóng trực tiếp, ngay khung giờ vàng trước Thời Sự tối.

Tôi được phỏng vấn trong một căn phòng tối, đèn chỉ chiếu vào hai bàn tay co cụm. Rồi trước hàng triệu khán giả, tôi kể về sang chấn thơ bé, về cả một tuổi niên thiếu vừa giấu diếm nỗi đau, vừa phải đối mặt với những tấn công tình dục diễn ra thường xuyên.

Bắt xe về nhà, trời mùa hè oi ả, tôi đứng khóc như nước rút, rồi đổ bệnh 3 ngày.

Xâm hại tình dục - Hành trình chữa lành còn dài lắm

Tôi đau buồn khi phải sống lại những ám ảnh cũ. Nhưng chị động viên: ngoài kia, có những đứa trẻ chưa tìm được từ ngữ để lý giải những sang chấn chúng đã trải qua.

Có những người lớn vẫn bảo thủ tin rằng con cái họ còn quá nhỏ để học giáo dục giới tính. Có nhiều người vẫn tin lỗi là ở nạn nhân.

Nếu cứ sống trong bóng tối mãi, chúng ta sẽ đều không tìm thấy ánh sáng.

Hành trình vượt qua sang chấn của tôi cũng nhiều may mắn. Tôi tìm được sự thanh thản nhờ vào trị liệu, qua việc chia sẻ với những người thân bạn bè luôn thương yêu. Tôi cảm thấy an toàn trong tình dục nhờ có những người bạn tình tôn trọng và thấu hiểu. Nỗi đau buồn vẫn còn, nhưng sang chấn tuổi thơ không còn định nghĩa tôi nữa.

Buồn thay, có lẽ tôi là số ít. Không nhiều nạn nhân tìm được sự thông cảm và tôn trọng ấy.

Hãy để chúng tôi được lên tiếng

Tôi bắt đầu gõ những dòng đầu tiên của bài này trong lúc đỉnh điểm của vụ việc du học sinh bị xâm hại tập thể, trong lúc giận sôi máu trước những lời nhục mạ, đặt điều nạn nhân.

Văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân (victim-blaming) là rào cản khiến các nạn nhân không dám lên tiếng và tố cáo, tạo điều kiện cho nạn xâm hại tình dục tiếp tục hoành hành.

Nếu như thuở bé, tôi tìm được sự giúp đỡ sớm hơn, có ai đấy từ sớm khẳng định rằng “Lỗi không ở con!”, thì chắc tôi đã không bị giày vò quá lâu.

Tôi mong rằng không còn nạn nhân nào phải giấu diếm sang chấn vì sợ bị đổ lỗi. Tôi mong rằng chúng ta giáo dục công khai, minh bạch về tình dục.

Và hơn hết, tôi mong rằng ngay từ đầu, không có một ai bị xâm hại nữa.

Bài viết được chấp búp bởi Kamelia