Hành trang cần chuẩn bị trước khi “nhảy ngành”
Học chuyên ngành du lịch, ra trường trở thành lập trình viên. 3 năm làm trong ngành luật, năm thứ 4 chuyển sang truyền thông. Chúng ta đã nghe không ít những câu chuyện về chuyển việc, nhưng những “cú nhảy” sang một lĩnh vực mới hoàn toàn thì sao?
Đứng trước những trăn trở về chuyển ngành, các câu hỏi “Lĩnh vực này có phù hợp với mình?”, “Mình nên thay đổi định hướng không?” cứ xoay vòng liên tục trong tâm trí.
Đổi ngành có thể dễ dàng ở những năm đầu sự nghiệp, nhưng khi đã vươn tới một vị trí cao trong nghề, quá trình chuyển sang một lĩnh vực mới hoàn toàn và bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất có thể làm nản lòng bất cứ ai.
Chuẩn bị gì trước khi nhảy ngành?
Nghiên cứu mọi “ngóc ngách” của lĩnh vực mới
Lĩnh vực mới có thể ẩn chứa những áp lực, rủi ro không giống với bất kỳ những gì bạn từng trải qua. Hãy chắc chắn bạn đã nghiên cứu kỹ những yếu tố như thị trường, doanh nghiệp, kỹ năng yêu cầu, mức lương…
Các giá trị trong lĩnh vực mới cần phù hợp với định hướng tương lai của bạn, đây là yếu tố đầu tiên quyết định sự gắn bó lâu dài.
Tham khảo từ nhiều người
Đọc hiểu trên mạng thôi là chưa đủ, hãy kết nối với người có kinh nghiệm ở lĩnh vực đó, bắt đầu từ việc theo dõi chia sẻ của họ trên LinkedIn, hoặc gặp gỡ chuyên gia trong hội thảo hướng nghiệp. Cũng đừng bỏ qua mối quan hệ sẵn có. Bạn có thể xin lời khuyên từ đồng nghiệp cũ hoặc từ người hiểu rõ tính cách, năng lực của mình.
Một tip nữa là nếu sắp ứng tuyển vào một công ty, bạn nên tìm cơ hội để trò chuyện với những người đang làm việc tại đó. Hãy hỏi cả những người đã từng tiếp cận dịch vụ, sản phẩm của công ty này.
Việc thu thập ý kiến từ nhiều người sẽ định hình một góc nhìn khách quan nhất về hướng đi sắp tới.
Chị Nguyễn Ánh, hơn 7 năm làm việc trong ngành giáo dục, quyết định thực hiện một bước ngoặt mới trong lĩnh vực truyền thông.
Chị chia sẻ: “Trước khi làm việc cho công ty hiện tại, chị may mắn có cơ hội được trò chuyện với CEO và các nhân viên để hiểu hơn về môi trường làm việc. Sau khi tham khảo ý kiến từ người quen và từ chính khách hàng của doanh nghiệp, chị biết mình có đủ thế mạnh để làm tốt vai trò mới ở đây”.
Chi trả cho các khóa học
Dấn thân sang một lĩnh vực mới không đồng nghĩa với phải kiếm thêm một tấm bằng Cử nhân hay Thạc sĩ. Có rất nhiều các khóa học online linh động thời gian hoặc những khóa học chuyên sâu ngắn hạn.
Nhưng đôi khi, các khóa học hay tài liệu nghiên cứu đòi hỏi một khoản phí không nhỏ. Khi chưa chuẩn bị tài chính đủ tốt, hãy tiếp tục làm công việc hiện tại để duy trì nguồn thu nhập ổn định.
Đỗ Minh Thảo từng là sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch tại Đại học Kinh tế Quốc dân, sau khi ra trường, Thảo làm về Marketing. Đến năm 24 tuổi, chị rẽ hướng trở thành lập trình viên. Ban đầu chị bỏ ra 3 tháng để học lập trình cơ bản, sau đó tham gia khóa đào tạo nhân tài kéo dài 6 tháng của một công ty công nghệ Nhật.
“Từ trainee lên junior web developer là một quá trình dài với một ‘kẻ ngoại đạo’, nhưng chị thấy những gì bỏ ra đều xứng đáng”, Thảo tâm sự về hành trình 9 tháng chuyển ngành.
Viết CV và trả lời nhà tuyển dụng
Một resume xin việc tiêu chuẩn thường liệt kê, nhấn mạnh kinh nghiệm làm việc theo dòng thời gian. Nhưng người “nhảy ngành” nên tập trung vào functional CV - loại CV nhấn mạnh kĩ năng và kinh nghiệm. Rất nhiều kỹ năng bạn học được từ công việc cũ có thể áp dụng cho lĩnh vực mới này.
Khi đối diện với nhà tuyển dụng, bạn cần cho thấy quyết định chuyển ngành của mình không phải nhất thời, vì bạn đã dành đủ thời gian nghiên cứu cũng như học khóa học nền tảng.
Nếu công việc vẫn yêu cầu kinh nghiệm làm việc, bạn nên thử các cơ hội tình nguyện hoặc nhận công việc freelance trước đó.
Đừng nản lòng, có lúc ứng viên “nhảy ngành” lại ấn tượng hơn ứng viên thông thường nhờ khả năng thích ứng và tinh thần ham học hỏi. Biết đâu, nhà tuyển dụng đang cần tuyển ứng viên có tư duy khác biệt, ít bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ của người làm việc lâu năm trong lĩnh vực đó.
Những rủi ro có thể xảy ra?
Mức lương thấp
Rủi ro đầu tiên (có thể là lớn nhất), bạn bắt đầu từ vị trí trainee/junior và nhận được mức thù lao thấp hơn nhiều so với công việc cũ. Một lần nữa, sự chuẩn bị về tài chính từ trước là cần thiết.
Về mặt tích cực, nhà tuyển dụng cho bạn một môi trường để học hỏi, trong khi năng lực ban đầu của bạn có thể thua xa ứng viên khác. Nhìn nhận việc này như một sự trao đổi sòng phẳng sẽ gỡ bớt những “mặc cảm” thu nhập.
Hai tháng thử việc là cơ hội để bạn chứng minh năng lực của mình có thể được định giá cao hơn, sau đó hãy thử “deal lương” lại với quản lý bộ phận.
Sự tự ti đeo bám
Chuyển ngành tuổi 30 và chứng kiến đồng nghiệp tuổi 20 tài năng, hầu như ai cũng ít nhiều cảm thấy kém cỏi. Rào cản sẽ lớn hơn nữa nếu bạn giữ vai trò giám sát, quản lý nhóm người trẻ xuất chúng này.
Charlene Briganty, Trưởng bộ phận Truyền thông và Nội dung của công ty viễn thông Intraway nói rằng, điều quan trọng là phải nắm rõ những kỹ năng bạn đang có và biến chúng thành thế mạnh cho công việc ở lĩnh vực mới. Cô định nghĩa: “Một nhà quản lý giỏi vẫn sẽ là một nhà quản lý giỏi dù làm việc trong lĩnh vực gì”.
Một số công ty sẵn sàng thuê nhân viên quản lý không có nhiều kinh nghiệm chuyên ngành, vì họ đem đến những tư duy và góc nhìn mới. Đôi khi họ cũng là những nhà lãnh đạo tài năng nhất.
Nỗi thất vọng từ gia đình, bạn bè
Khi bạn đã làm đủ lâu trong một lĩnh vực và đang trên đà thăng tiến, quyết định dừng lại để khởi đầu ở một lĩnh vực hoàn toàn khác có thể làm người thân, bạn bè bất ngờ.
Có lúc những áp đặt, kỳ vọng của họ là nguyên nhân chính làm bạn nghi ngờ bản thân, cuối cùng quyết định chọn phương án an toàn nhất: ở yên một chỗ.
Lê Hùng Luận, Social Media Manager tại Vietcetera, là một trường hợp đặc biệt. Anh học chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Khi còn là sinh viên và làm cho câu lạc bộ media của trường, Luận nhận ra mình phù hợp với "thế giới social media" hơn. Anh dấn thân sang ngành truyền thông và giữ vai trò Chuyên viên Mạng xã hội (Social Media Executive) ngay từ khi ra trường.
Tất nhiên, 6 năm học y không uổng phí, Luận học được tính kỷ luật và khả năng tự tìm tòi, khám phá. Kiến thức y khoa cũng giúp anh dễ tiếp cận các mảng nội dung về sức khỏe, dinh dưỡng.
Đến giờ, ba mẹ Luận vẫn phản đối và mong anh trở thành bác sĩ. Nhưng sau cùng, anh biết mình đã đi đúng con đường và chứng minh điều đó bằng những thành tựu đã đạt được.
Nếu bạn thật sự chọn sai?
Khi tìm hiểu một ngành nghề, lĩnh vực mới, một người có thể đánh giá sai về tình huống khi nhìn vào sự thành công của những trường hợp nổi bật. Hiệu ứng tâm lý này được gọi là thiên kiến kẻ sống sót (survivorship bias).
Mark Zuckerberg bỏ học và thành công trong lĩnh vực công nghệ, không có nghĩa bạn bỏ lĩnh vực giáo dục để sang công nghệ và cũng hái được trái ngọt tương tự.
Khi chọn chuyển ngành, vẫn có xác suất bạn quyết định sai lầm, sau cùng bạn phải chọn quay trở lại lĩnh vực cũ. Đây là tình huống xấu nhất, nhưng ít ra bạn biết rằng chuyển ngành không dành cho mình.
Chọn sai vẫn hơn không chọn?
Khi chọn trèo lên đỉnh núi cao, có thể bạn sẽ bỏ cuộc và tìm đỉnh thấp hơn, nhưng ít nhất bạn đã thử để biết nó không phù hợp. Bạn đã không đứng trên đỉnh núi thấp và tự hỏi về điều mình đã không làm.
Đôi khi sự hối tiếc vì "không chọn" lại lớn hơn sự hối tiếc vì "chọn sai". Công việc cũng vậy, hãy tìm đến những phép thử mới khi đã sẵn sàng. Nghiên cứu về nó, túm lấy nó và dốc sức mình vì nó.
Trong một cuộc khảo sát tại Mỹ, “không trải nghiệm đủ các cơ hội nghề nghiệp” là một trong 8 điều người già cảm thấy hối tiếc nhất trước khi qua đời. Chúng ta gắn bó ⅓ cuộc đời cho công việc, vì vậy chọn đúng công việc, đúng lĩnh vực đem lại giá trị lâu dài cho bản thân là chìa khóa dẫn tới sự hài lòng, hạnh phúc lâu dài.