Học cách ghi chú từ năm 12 tuổi như Kendrick Lamar
Có nhiều bạn muốn viết về chủ đề mình quan tâm, nhưng không có ý tưởng. Sự bí ý tưởng (hay còn gọi là Writer’s block) mang nhiều hình dạng khác nhau. Có người rặn mãi cũng không được những chữ đầu tiên. Có người viết được một chút thì tịt. Và thường chúng ta hay đổ lỗi cho sự thiếu sáng tạo, hoặc thiếu đam mê.
Rapper Kendrick Lamar đã chứng minh điều ngược lại: vấn đề nằm ở sự nhẫn nại và cảm xúc.
Tính đến nay, Kendrick Lamar đã nhận tới 14 giải Grammy danh giá, một giải Pulitzer âm nhạc, lọt vào danh sách 100 người có tầm ảnh hưởng nhất hành tinh năm 2016 và được đánh giá là một trong những rapper vĩ đại nhất mọi thời đại.
Điều hay nhất ở chỗ, Kendrick Lamar công khai chia sẻ bí quyết anh sáng tác được những album đỉnh cao như thế: ghi chú.
Thói quen ghi chú, sự nhẫn nại, và cảm xúc
Trong cuộc trò chuyện với Rick Rubin (một nhà sản xuất nhạc người Mỹ nổi tiếng), Kendrick Lamar đã kể về cách anh lưu trữ lại ý tưởng cho mọi bài rap của mình.
[…] definitely, all the time, lots of my inspiration comes from me meeting people or, going outside the country, going around the corner neighborhood… I have to remember these things, I have to write them down.
"[...] Hầu hết thời gian, cảm hứng của tôi tới khi gặp gỡ mọi người, khi đi công tác, hoặc đơn giản là đi dạo trong khu nhà mình. Tôi phải ghi nhớ những điều này, tôi phải viết chúng ra."
Và khi sáng tác nhạc, anh có sẵn nguồn tài liệu dồi dào mà không phải tự vắt óc đẻ ra cái gì mới.
Sau khi viết lại, anh thường đợi 3-5 tháng sau mới lục lại những ghi chú này, và xem xem “thứ cảm xúc nào” đã khiến anh viết lại những thứ như thế.
Lúc xem lại các ghi chú cũ, cảm xúc cũ luôn ùa về với anh. Kendrick Lamar giải thích rằng, vì trong ghi chú của anh luôn lưu lại những từ khóa mà anh gọi là “killer words” giúp khuấy động cảm xúc.
Sau đó, khi làm việc ở studio, việc đầu tiên anh làm – hay chính xác hơn là bước cuối cùng trong chuỗi sáng tạo – đó là tìm giai điệu có thể gợi dậy chính xác cảm xúc hoặc ý tưởng mà anh đã cảm nhận vài tháng trước.
Và khi anh được hỏi “Liệu anh sáng tác nhạc dựa trên rất nhiều ý tưởng cùng một lúc, hay từng ý tưởng một?,” anh đã trả lời rằng, “Anh thuộc trường phái thứ hai, và luôn luôn là như vậy.”
Học viết thông qua cách Kendrick Lamar làm nhạc ra sao?
1. Hoàn thành mọi công việc từ nguồn tư liệu dồi dào
Kendrick Lamar đã ứng dụng “Getting Things Done” và tư duy “Writing from abundance.”
Getting Things Done (tạm dịch: Hoàn thành công việc) là phương pháp đẩy toàn bộ suy nghĩ ra khỏi đầu để tinh thần chúng ta luôn ở trong trạng thái thoải mái, tập trung nhất.
Để ghi lại mọi cảm xúc, suy nghĩ trong cuộc sống như Kendrick Lamar, chúng ta cần Getting Things Done. Đây sẽ là hệ thống phù hợp giúp chúng ta nhanh chóng “bắt” được mọi ý tưởng, sắp xếp, và lưu trữ chúng để sau này tìm lại.
Phương pháp này có thể áp dụng đối với cả giấy bút (như Kendrick Lamar đang làm), hay cả với bàn (như Eminem), hoặc với cả các thiết bị điện tử như mình và các bạn đang sử dụng.
Ứng dụng Getting Things Done vào việc viết lách được gọi là cách tiếp cận “Writing from abundance.” (Tạm dịch: Viết từ nguồn tư liệu dồi dào) Với tư duy này, chúng ta giống như một người đầu bếp, đi thu thập nguyên liệu khắp mọi nơi, để khi nào cần nấu là đã có sẵn mọi thứ để biến tấu. Chúng ta sẽ không bao giờ phải ngồi đối diện tờ giấy trắng và vắt óc xem nên viết cái gì.
Cách tiếp cận này được David Perell – một cây viết đỉnh cao – ủng hộ và chia sẻ, và được mô tả rất cẩn thận trong cuốn sách How to take smart notes.
2. Nuôi dưỡng suy nghĩ và sự kiên nhẫn
Kendrick Lamar luôn đợi từ 3-5 tháng mới quay trở lại xem những ghi chú cũ, nhưng anh chỉ tìm những ghi chú phục vụ một concept hoặc một cảm xúc nhất định.
Thời gian dài sẽ giúp Kendrick Lamar, hay chúng ta – người làm sáng tạo – tích cóp đủ thông tin, minh chứng, quan sát, cảm nhận, đánh giá, trải nghiệm cho một ý tưởng nào đó.
Những dữ liệu này (data), cần được chúng ta chọn lọc, tổng hợp, tóm tắt để trở thành thông tin (information). Sau đó, chúng ta so sánh, phân tích, khái quát hóa dựa trên chuyên môn cá nhân, để biến nó trở thành kiến thức (knowledge), hoặc ý tưởng (idea).
Quá trình này không thể xảy ra một sớm một chiều được. Nó xảy ra trong lúc chúng ta ngủ, lúc đi tắm, ăn, xem phim, trò chuyện với bạn bè, hoặc đơn giản là lúc chúng ta ngồi dưới một cây táo.
3. Giai điệu khơi nguồn cảm hứng
Kendrick Lama đến phòng thu và nghe nhiều loại giai điệu khác nhau để khơi dậy những cảm xúc xưa cũ, rồi sau đó anh mới tìm lại những ghi chú ngày xưa để sáng tác lời.
Vậy thì “giai điệu” khi viết là gì?
Đó là khi mình tìm thấy một quan điểm, hoặc một phương pháp trái ngược với mình. Mình luôn đi tìm sự đối lập, hay đúng hơn, là một chút “bất thường” trong suy nghĩ đại chúng.
Trên thực tế, có nhiều cây viết cũng đi theo hướng này như Coding Horror (chuyên viết về cuộc sống của lập trình viên), hay Benn Stancil (chuyên viết về Data Analytics), và họ vẫn có một lượng độc giả lớn.
Đôi khi cũng không nhất thiết phải đối lập, mà chỉ cần một góc nhìn khác về cùng một vấn đề mà chúng ta quan tâm cũng để kích thích chúng ta suy nghĩ và viết.
Tóm lại là gì?
Việc viết lách là một con đường dài, vì vậy chúng ta nên tiếp cận nó với tư duy dài hạn. Mặc dù bí ý tưởng chỉ là vấn đề nhất thời, nhưng nó lại yêu cầu quá trình lưu trữ ý tưởng, khám phá giai điệu, tìm lại ý tưởng trong một thời gian rất dài.
Và đó là cách Kendrick Lamar có được vinh quang như hiện tại.
Anh ghi chú từ năm 12 tuổi.
(Bài viết lần đầu được đăng tải tại Many One Percents)