Hội chứng bất lực ngôn ngữ: Giao tiếp không còn là điều dễ dàng

Bất lực ngôn ngữ (aphasia) là một chứng rối loạn khi khả năng sử dụng, tiếp nhận ngôn ngữ bị suy giảm hoặc mất đi.
Thư Thư
Nguồn: vibra healthcare

Nguồn: vibra healthcare

Vừa qua, người hâm mộ đã bất ngờ khi nam tài tử Bruce Willis thông báo rời bỏ nghiệp diễn. Nguyên nhân tiết lộ là vì ông được chẩn đoán mắc hội chứng bất lực ngôn ngữ. Ban tổ chức giải Mâm Xôi Vàng 2022 cũng quyết định hủy giải Diễn xuất tệ nhất của Bruce Willis với sự cảm thông về bệnh tình của nam diễn viên.

Có thể bạn chưa từng nghe nói đến chứng bất lực ngôn ngữ, nhưng nó còn phổ biến hơn cả bệnh Parkinson, bại não hoặc loạn dưỡng cơ. Chỉ tính riêng tại Mỹ, đã có khoảng 180.000 người được chẩn đoán mắc bệnh mỗi năm. Trong làng giải trí, nhiều người nổi tiếng khác như Emilia Clarke, Sharon Stone, Randy Travis cũng từng trải qua chứng bệnh này.

Bạn biết gì về hội chứng bất lực ngôn ngữ?

Hội chứng bất lực ngôn ngữ (aphasia) là một chứng rối loạn khi khả năng sử dụng, tiếp nhận ngôn ngữ bị suy giảm hoặc mất đi. Người mắc chứng bệnh này có thể gặp khó khăn khi nói, đọc, hiểu, viết, và tính toán.

Tuy nhiên, aphasia không ảnh hưởng đến trí thông minh. Họ biết mình muốn nói gì, họ có ý tưởng, những câu chuyện nhưng chúng bị mắc kẹt trong não bộ và không thể thoát ra ngoài như trước.

Aphasia có thể đi kèm với các rối loạn khác như dysarthria (mất kiểm soát các cơ ở miệng dẫn đến nói chậm hoặc nói ngọng) hoặc apraxia (mất khả năng phối hợp môi/lưỡi để phát âm). Đối tượng bị bệnh đa số ở độ tuổi trung niên trở lên, nhưng bất kỳ ai cũng có thể mắc phải, kể cả trẻ nhỏ.

Bất lực ngôn ngữ cũng có nhiều dạng khác nhau

Thất ngôn biểu đạt (expressive aphasia)

Thất ngôn biểu đạt còn được gọi là rối loạn ngôn ngữ vận động, không trôi chảy hoặc Broca. Chứng bệnh này ảnh hưởng đến các khu vực phía trước của vỏ não, bao gồm vùng Broca - nơi chịu trách nhiệm tạo tín hiệu ngôn ngữ.

Người mắc bệnh vẫn có khả năng thông hiểu tốt nhưng gặp khó khăn để diễn đạt lưu loát, kết hợp từ ngữ, cấu trúc câu. Ngay cả với câu đơn giản, họ vẫn cần nhiều thời gian xử lý hơn bình thường. Ví dụ, họ có thể nói những cụm từ ngắn, rời rạc như “muốn ăn” hoặc “đi bộ sáng”.

Các từ chức năng (liên từ, giới từ) sẽ hay bị bỏ sót, ngữ pháp có thể lộn xộn nhưng người nghe thường vẫn nắm được ý chính. Cùng với rối loạn ngôn ngữ, một số người có thể bị yếu hoặc liệt nửa người, khiến họ càng chật vật hơn trong giao tiếp.

Thất ngôn tiếp nhận (comprehensive aphasia)

Trái với thất ngôn biểu đạt, người mắc chứng thất ngôn tiếp nhận (hay rối loạn ngôn ngữ trôi chảy, Wernicke) không thể hiểu được người khác nói gì. Điều này là do họ bị tổn thương vùng Wernicke của não - nơi có chức năng phân tích tín hiệu âm thanh nhận được, giúp ta hiểu lời nói, ngôn ngữ.

Những người mắc bệnh này có thể nói trôi chảy, dễ dàng nhưng câu cú lại không có ý nghĩa. Lời nói của họ, được ví như "món salad từ ngữ" vì có xu hướng trộn các từ và cụm từ ngẫu nhiên lại. Chẳng hạn như họ muốn nói “Cho tôi ly nước cam” nhưng câu họ nói ra lại thành: “Tô hum ma xì xồ.”

Thất ngôn toàn thể (global aphasia)

Thất ngôn toàn thể là rối loạn ngôn ngữ cả về khả năng diễn đạt lẫn lĩnh hội ngôn từ (tức là kết hợp cả thất ngôn thất ngôn biểu đạt và thất ngôn tiếp nhận). Những người mắc chứng này sẽ nói ngắc ngứ và khả năng hiểu vị suy giảm. Họ gần như mai một toàn bộ khả năng ngôn ngữ (nói, đọc, hiểu, viết). Đây là hệ quả từ việc mạng lưới ngôn ngữ của não bộ bị tổn thương nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây nên chứng bất lực ngôn ngữ?

Chủ yếu những nguyên nhân của chứng bệnh này đến từ các tổn thương tại não. Hiện tượng phổ biến nhất là tai biến mạch máu não - di chứng hậu đột quỵ. Quá trình lưu thông bình thường của máu trong não bất ngờ bị phá vỡ, có thể xảy ra theo hai cách: mạch máu bị tắc nghẽn (nhồi máu não) hoặc mạch máu bị vỡ (xuất huyết não). Sự gián đoạn này khiến não bộ mất máu, dẫn đến các tế bào hoại tử hoặc tổn thương ở những vùng kiểm soát ngôn ngữ.

Các chấn thương nặng ở đầu, khối u, nhiễm trùng hoặc quá trình thoái hóa có thể gây ra chứng mất ngôn ngữ tiến triển. Đây là thuật ngữ chỉ tình trạng khả năng ngôn ngữ diễn biến xấu dần đi. Do các tế bào não tổn thương nằm trong mạng lưới ngôn ngữ nên bệnh nhân dần đánh mất khả năng viết và nói. Đôi khi chứng bệnh này sẽ tiến triển thành chứng sa sút trí tuệ (suy giảm trí nhớ).

Ở một số trường hợp, có thể xảy ra giai đoạn thất ngôn tạm thời. Đây có thể là do chứng đau nửa đầu, động kinh hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA). TIA xảy ra khi động mạch cấp máu cho vùng não bị nghẽn lại trong một thời gian ngắn. Những người từng bị TIA có nguy cơ đột quỵ cao hơn trong tương lai gần.

Làm sao để nhận biết một người mắc bất lực ngôn ngữ?

Dễ nhận ra nhất chính là việc người mắc bất lực ngôn ngữ gặp khó khăn trong việc diễn đạt. Bạn có thể thấy những dấu hiệu như là: tìm mãi không ra từ thích hợp, sắp xếp từ ngữ không đúng ngữ pháp, không thể ghép các từ thành câu, xáo trộn các âm tiết trong từ (như “bánh mì” thành “mánh bì”).

Nghiêm trọng hơn đó là không hiểu được cuộc trò chuyện, gặp khó khăn trong việc đọc và đánh vần. Ngoài ra, họ sẽ thường bỏ sót những liên từ, phụ từ (thì, là, mà, và, nhưng), hoặc không gọi được tên đồ vật, địa điểm, sự kiện, những người quen thuộc.

Thậm chí, họ có thể nói sai hoàn toàn hoặc thay thế bằng những từ không liên quan (nói "quả bóng" thay cho "điện thoại").

Người gặp bất lực ngôn ngữ cần được thấu hiểu

Tùy vào độ tuổi, vị trí và mức độ chấn thương của não bộ, và dạng aphasia, những người mắc bệnh sẽ có triệu chứng và khả năng hồi phục khác nhau. Dù có thể cải thiện dần theo thời gian, nhưng điều này còn tùy thuộc vào tình trạng mỗi người.

Có người có thể khôi phục hoàn toàn, có người sẽ không thể lấy lại khả năng ngôn ngữ như trước đây.

Nhưng một điều chắc chắn là hầu hết những người mắc chứng bất lực ngôn ngữ đều phải tập làm quen với sự đảo lộn trong cuộc sống. Những việc từng rất đơn giản và dễ dàng thì nay phải bỏ ra nhiều công sức và thời gian, như diễn viên gạo cội Bruce Willis phải giã từ sự nghiệp diễn xuất của mình.

Khả năng ngôn ngữ tưởng chừng như sẽ sống mãi với chúng ta nhưng không phải vậy. Nhiều người bệnh đã cô lập bản thân vì sợ rằng không ai hiểu và dành thời gian để lắng nghe họ.

Nếu người thân/người quen của bạn mắc chứng bệnh này, bạn có thể làm những điều như: tham gia các buổi trị liệu cùng họ, dành thời gian lắng nghe, chia sẻ, sử dụng câu từ dễ hiểu và những hình thức giao tiếp phù hợp (ngôn ngữ hình thể, thiết bị hỗ trợ). Cho họ gặp gỡ những người mắc bệnh khác cũng giúp ích rất nhiều. Họ thấu hiểu nhau ngay cả khi không dùng ngôn ngữ.

Bằng việc cho họ thêm thời gian và điều kiện để giao tiếp, bạn có thể giúp họ mở cánh cửa ngôn ngữ một lần nữa, vượt lên những giới hạn của bất lực ngôn ngữ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục