Hơn 30 tuổi xem One Piece và 8 bài học cuộc sống

Phiên bản live action của One Piece gợi lên nhiều bài học mà khi đọc truyện lúc còn bé mình đã không nhận ra.
Hoàng Nguyễn
Nguồn: Netflix

Nguồn: Netflix

Mình là một người đam mê manga từ nhỏ, thậm chí ngành học đại học đầu tiên của mình còn là Thiết kế phim hoạt hình Manga Nhật tại trường Hồng Bàng. Dù sớm nhận ra bản thân không có năng khiếu vẽ đủ để bén duyên với nghề, nhưng mình vẫn ấp ủ mong muốn trở thành một biên kịch truyện.

Nhiều bộ truyện manga đã cùng lớn lên với mình, One Piece là một trong số đó. Thậm chí như luật hấp dẫn, những vòng tròn bạn bè xung quanh từ công ty, quán rượu quen của mình đều có nhiều thứ liên quan tới nó. Khi xem phiên bản live action của One Piece trên Netflix, mình đã bị cuốn vào một cơn lốc cảm xúc, từ bồi hồi đến xúc động.

Hôm nay, mình muốn chia sẻ với các bạn những điều mình cảm nhận từ series này. Đây là những bài học mà khi đọc truyện lúc còn bé mình đã không nhận ra.

* Bài viết có tiết lộ nội dung phim.

1. Những vết sẹo và trải nghiệm “có nghĩa”

Với mình mối quan hệ giữa Shanks và Lù (cách gọi thân thương của các fan Việt Nam hay gọi Luffy, thuyền trưởng mũ rơm) là hình ảnh của một người cha, người anh hùng và một đứa con trai luôn đặt cha mình làm tấm gương học tập.

Shanks đã hy sinh cánh tay trái để cứu Lù, tự nhận đó là “khoản đầu tư” cho thế hệ mới, nhưng với mình, tình tiết này tượng trưng cho sự gửi gắm giấc mơ của Shanks vào đứa con không máu mủ.

Còn với Lù, người có tuổi thơ vắng bóng sự quan tâm của cả cha lẫn mẹ, thì Shanks là một hình mẫu đàn ông hoàn hảo để cậu noi theo. Ông là một thuyền trưởng hải tặc bản lĩnh, đủ sức mạnh để cho một đám sơn tặc ra bã bất cứ lúc nào, nhưng lại luôn bình thản trước mọi lời trêu chọc, dè bỉu.

Trong tập đầu tiên, vì muốn Shanks sẽ cho cậu gia nhập băng hải tặc cùng ra khơi mà Lù đã chứng minh sự dũng cảm của mình bằng cách dùng dao rạch lên mặt. Dưới lăng kính của một đứa trẻ, cậu cho rằng dũng cảm là có thể chịu đau, là nhận nhiều vết thương mà không bật khóc, là phải trả đũa lại bất cứ hành vi đối địch nào từ bên ngoài.

Khi khâu lại vết thương cho Lù, Shanks đã dạy cậu một trong những bài học lớn đầu tiên:

“Những vết sẹo không làm nên một người đàn ông, Luffy. Mà là bài học đằng sau vết sẹo đó, và nhóc chẳng học được gì từ lần này.”

Mình thì không đồng ý với vế sau của câu nói lắm, vì nhờ vết sẹo này mà Lù đã nhận được một bài học về “vết sẹo”.

Bài học: Những trải nghiệm khó khăn như bị tổn thương hay thất bại không đủ để định hình nên một con người. Vì không phải ai cứ trải qua khó khăn đều trở nên mạnh mẽ và khôn ngoan. Quan trọng là những gì chúng ta học được từ những trải nghiệm đó.

Một người có thể trải qua nhiều khó khăn nhưng nếu không rút ra được bài học gì từ chúng thì những trải nghiệm đó cũng trở nên vô nghĩa.

2. Không có chung ước mơ không có nghĩa là không thể ủng hộ nhau

Khi ra khơi, người bạn đầu tiên Lù gặp là Koby, người có một ước mơ mà cậu tự nhận là ngu ngốc: “Trở thành hải quân để có thể giúp đỡ những người không thể tự bảo vệ chính mình”.

Mình đã cực kỳ ấn tượng với thái độ của Lù – cậu thể hiện sự tôn trọng hoàn toàn với ước mơ của bạn mình. Nếu là một người lý trí, ngay lúc đấy ai cũng sẽ dễ thấy:

- Hải quân là phe đối địch với Hải tặc, là ước mơ của Lù.

- Koby thậm chí còn chưa đủ sức để tự bảo vệ bản thân, làm sao có thể bảo vệ được người khác?

Chỉ với 2 dữ kiện này thôi, người bình thường như chúng ta hoặc sẽ khuyên can, hoặc sẽ chỉ im lặng rồi dần lảng tránh người bạn có ước mơ “ngu ngốc” này. Thế mà Lù đã vỗ vai, hứa sẽ giúp Koby thực hiện nó, chỉ với lý do đơn giản:

“Chúng ta đã cùng chia sẻ bữa ăn.”

Bài học: Tôn trọng ước mơ của người khác, dù cho nó có viển vông thế nào đi nữa dưới góc nhìn của mình. Chỉ cần đã có với nhau sự gắn kết, tin tưởng thì nó đã đủ để ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau.

3. Con đường dễ dàng và lựa chọn sai lầm

“Nếu con đường dẫn tới điều cậu muốn trông có vẻ dễ dàng, thì cậu đã chọn sai đường.”

Lù trích dẫn câu Shanks thường nói để trả lời khi thuyền phó Zoro hỏi: “Bộ ngày nào với cậu cũng điên cuồng thế này à?”

Câu nói này đã đủ hay nên mình nghĩ không cần phải nói thêm gì nhiều nữa. Nhưng với góc nhìn cá nhân, mình xin mở rộng bài học này thêm một ý.

Bài học: Nếu con đường dẫn tới điều mà bạn muốn trông có vẻ dễ dàng, thì hoặc là bạn đã chọn sai đường, hoặc là bạn đã chọn mong muốn chưa phù hợp với năng lực của bản thân.

4. Thứ lớn nhất cản trở ước mơ của bạn có thể là lời biện hộ từ chính bạn

Tuổi thơ của Zoro ngập tràn sự tranh đấu với ước mơ trở thành kiếm sĩ vĩ đại nhất thế giới, nhưng cậu lại luôn thua bạn đồng môn khác, một người con gái.

Kuina là cô gái có đam mê kiếm thuật, nhưng bị ám ảnh vì cha cô nói rằng, cô sẽ không thể trở thành kiếm sĩ mạnh nhất thế giới vì giới tính nữ của mình. Tuy luôn dành chiến thắng Zoro, nhưng khi bắt đầu nhận ra khoảng cách đang được thu hẹp dần trong lần đấu thứ 2001 (theo truyện), Kuina bắt đầu thể hiện thái độ tiêu cực:

“Trong một trận chiến, phụ nữ không thể thắng đàn ông.”

Nhưng đối với Zoro, đây chỉ là một lời biện hộ. Cậu cho rằng mọi người đều có cơ hội nỗ lực và đạt được ước mơ ngang nhau.

Mình không muốn lạm bàn về vấn đề giới tính, tuy vậy xin mượn một ý mình từng viết trong bài Để chủ động trong thế giới biến động:

Một trong những lý do khiến chúng ta bị động là tâm lý đổ lỗi cho những điều như gen di truyền (tôi nổi nóng vì sinh ra đã thế), tâm lý (tôi đã từng bị bạo hành, nên tôi nổi nóng để tự bảo vệ mình), hay môi trường (người ta làm thế nên tôi cũng làm thế).

Bài học: Đừng để bất kỳ lý do nào cản trở ước mơ của bạn, kể cả những lời biện hộ từ chính bản thân.

5. Từ bỏ là khi bạn chọn ở lại vùng an toàn

Nếu Shanks hy sinh cánh tay trái để cứu Lù, thì đầu bếp Zeff chân đỏ đã hy sinh chân phải của mình cho Sanji (sau này là đầu bếp trên tàu của Lù).

Zeff là một hải tặc chiến đấu bằng các kỹ thuật dùng đến chân (đối với đầu bếp thì đôi bàn tay là đáng quý và chỉ dùng để nấu ăn), máu của kẻ thù luôn nhuộm đỏ đôi chân của ông, nên người ta vì sợ hãi mà gọi ông là Zeff chân đỏ.

Đôi chân, biểu tượng của sức mạnh và tự hào, đã bị Zeff hy sinh cho thế hệ sau vì ước mơ tìm kiếm All blue, một vùng biển đầy những nguyên liệu mơ ước của mọi đầu bếp.

Nhưng cũng chính sự hy sinh này đã vô tình kìm hãm việc thực hiện ước mơ của Sanji. Dù cơ hội đã tới, cậu vẫn muốn ở lại để giúp ông quán xuyến quán ăn, để trả ơn nghĩa người đã cứu mạng mình.

Tình tiết này làm mình liên tưởng với những áp lực thế hệ trong gia đình, nơi cha mẹ thường dùng ơn nghĩa sinh thành để muốn con cái thực hiện ước mơ thay mình. Và mình mong sẽ có nhiều hơn những trường hợp như Zeff, người đã nói với Sanji rằng:

“Từ bỏ là khi con ở lại đây.”

Bài học: Ở lại trong vùng an toàn, thoải mái có thể tương đương với chọn bỏ cuộc. Đôi khi vùng an toàn này được “phủ ngọt” bởi thứ gọi là trách nhiệm gia đình.

6. Làm một việc xấu không có nghĩa bạn là người xấu

Nami là hoa tiêu của băng. Cô có một tuổi thơ bất hạnh – không có bạn bè, mẹ nuôi bị hải tặc giết, còn ngôi làng nơi cô sinh sống lại bị bọn chúng sưu thuế nặng nề.

Lúc nhỏ, cô có một tật xấu là ăn cắp vặt, nhưng điều mình ấn tượng là cách người lớn đã đối xử với hành động này. Khi mẹ dắt Nami đi trả lại cuốn sách về hàng hải cho trưởng làng, ông nói:

“Con không phải là một đứa trẻ xấu, con chỉ lỡ làm một điều xấu mà thôi.”

Bài học: Chúng ta thường dễ “dán nhãn” ai đó chỉ vì một, hai hành động của họ. Điều này dễ khiến ta đánh giá sai hoàn toàn một người, và thậm chí còn có thể làm tổn thương người đó.

7. Người khác đôi khi cần được ta nhắc nhở về việc họ tốt như thế nào

Trên hành trình đi tìm Nami đưa cô trở lại băng, Zoro vẫn còn hoài nghi liệu Nami có phải là một đồng đội phù hợp không, vì cô đã trộm bản đồ Đại hải trình và bỏ rơi nhóm khi anh bị thương.

Trong khi đó, Lù vẫn giữ vững niềm tin vào bản chất tốt đẹp của cô:

“Tôi biết Nami là người tốt. Cô ấy cũng cần phải biết được điều đó.”

Bài học: Hiểu rằng mỗi người đều đang phải vật lộn với những cuộc chiến của riêng mình. Đôi khi, chỉ cần một lời động viên, một lời khen ngợi đã có thể giúp người khác nhận ra giá trị của bản thân.

Khi ta thấy những phẩm chất tốt đẹp ở người khác, chúng cũng sẽ hiện diện ở trong chính ta.

8. Theo đuổi ước mơ tới cùng

Xuyên suốt cả series mùa một của One Piece, mình cảm nhận có một thông điệp được nhấn mạnh, đó là:

“Theo đuổi điều gì đó tới cùng, hoặc chết khi đang tìm thứ đó.”

Chẳng hạn, Luffy muốn trở thành vua hải tặc tìm ra One Piece, Zoro muốn trở thành kiếm sĩ vĩ đại, Zeff và Sanji muốn tìm ra All blue, còn dân làng Coco thì sẵn sàng hy sinh cho sự tự do.

Điều này có vẻ hơi cực đoan, nhưng mình đoán nó lại tương đối bình thường với văn hóa của người Nhật. Có lẽ nó tương tự với việc sự kiên trì sẽ xuất hiện một khi ta tìm ra được việc có ý nghĩa, mình có nhắc tới trong podcast tuần rồi: Điều gì giúp chúng ta kiên trì?

Tuy nhiên ở phân cảnh cuối, khi cả băng cùng tuyên thệ mục tiêu của mình, Usopp tỏ ra lưỡng lự vì dường như chưa tìm ra ước mơ lớn của mình. Cậu quyết định tập trung vào việc vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để trở thành “một chiến binh dũng cảm”.

Bài học: Thật tuyệt nếu có thể tìm thấy một ước mơ với ý nghĩa vĩ đại để theo đuổi cả cuộc đời, nhưng nếu chưa có, hãy thử bắt đầu bằng nỗi sợ lớn nhất của bạn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục