Biên Nguyễn - Khi kinh doanh mang tính nghệ thuật và chất thơ
Nhà sáng lập CHC Hospitality Biên Nguyễn và những chia sẻ của anh về cách điều hành một tập đoàn F&B, quản lý nhân viên và những bài học trong cuộc sống.
Biên Nguyễn từng theo học ngành Thực phẩm và Đồ uống (F&B) ở Perth, Úc, đây cũng là nơi anh bắt đầu làm việc toàn thời gian ở tuổi 15. Đến năm 2004, anh mở nhà hàng đầu tiên của mình tại Sài Gòn.
Ngày nay, khi mà các món ăn Việt Nam đang trở thành hiện tượng toàn cầu và khẳng định được dấu ấn của mình trên bản đồ ẩm thực thế giới, các nhà hàng trong và ngoài nước không ngừng khám phá và khai thác nét đẹp hiện đại của ẩm thực Việt, thì Xu Restaurant Lounge đã bắt đầu hành trình cách tân hương vị Việt từ 14 năm trước.
Xu Restaurant Lounge thuộc CHC Hospitality do Biên điều hành. Tập đoàn này còn mở một trường dạy nấu ăn ngay cạnh chi nhánh của nhà hàng Xu tại quận 2, đồng thời phát triển nhiều dự án, sự kiện F&B khác, tiêu biểu là NOSH Food Week.
Từ một đầu bếp, Biên trở thành một CEO với bộ óc kinh doanh nhạy bén. “Tôi học được rằng, khía cạnh kinh doanh của ngành này cũng đầy tính nghệ thuật và thi vị như những gì diễn ra trong bếp vậy,” Biên chia sẻ. “Nên tôi nghĩ đúc kết lớn nhất của mình là: yếu tố kinh doanh chính là điều tiên quyết trong quản lý nhà hàng và quán bar,” anh cho biết thêm khi chúng tôi cùng ngồi xuống tại Xu Restaurant Lounge và bắt đầu buổi trò chuyện về phong cách quản lý của anh.
Ba từ miêu tả phong cách quản lý của anh?
Tôi có thể chọn năm được không? Đó là thẳng thắn, đồng cảm, khích lệ, kiên nhẫn và tôn trọng.
Ai là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của anh?
Không chỉ có một, mà nhiều người ở từng cột mốc khác nhau trong suốt chặng đường sự nghiệp. Ví dụ như cha tôi, ông là một quản lý nhà hàng. Suốt những năm tháng niên thiếu, tôi luôn theo cha đến những nhà hàng, quán bar mà ông làm việc, đó là cách để bắt đầu hiểu về công việc kinh doanh trong lĩnh vực này.
Vào năm 17 tuổi, tôi làm cho một nhà hàng Pháp cao cấp ở Perth tên Hilite 33. Chính tại nơi đây, cặp đôi người Pháp Joel và Eli đã hướng dẫn tôi những bước đầu tiên về ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn. Khi làm việc ở đó, tôi học được rất nhiều, tiêu biểu như tinh thần trách nhiệm. Phải có trách nhiệm đối với công việc của mình từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Và họ cũng dạy tôi rằng khi làm điều gì đó, hãy làm nó bằng hết khả năng của mình… và còn nhiều điều khác nữa.
Họ còn giúp tôi hiểu về sự liên kết trong điều hành — để tổng thể “bộ máy” hoạt động trơn tru thì một cái máy rửa chén cũng quan trọng không thua gì so với một người quản lý. Ngoài ra, giao tiếp cũng vô cùng cần thiết. Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, phân tích vấn đề và tìm ra giải pháp chính là yếu tố mấu chốt để vận hành nhà hàng một cách hiệu quả nhất.
Tôi cảm thấy bản thân mình rất may mắn, sau này trong quá trình dựng nghiệp, tôi nhận được lời khuyên từ cố vấn đồng thời cũng là một người bạn quý, anh ấy vốn rất nổi tiếng trong giới, nhưng tôi sẽ không nêu tên anh ở đây. Đó là khi anh nhìn thấy tôi đang lặp lại sai lầm tương tự mà anh đã từng mắc phải trong quá khứ. Ở lĩnh vực này, cái tôi luôn có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát và anh dạy tôi phải tiết chế.
Cuốn sách hay tác giả nào đã góp phần định hướng bước đường kinh doanh của anh?
Đó là Outliers của Malcolm Gladwell (được xuất bản ở Việt Nam dưới tựa “Những Kẻ Xuất Chúng”). Cuốn sách đó cũng không hẳn định hướng đường lối kinh doanh của tôi nhưng nó cung cấp cho tôi một quan điểm nhất định về thành công và cách để đạt được điều đó.
Mô tả người nhân viên lý tưởng của anh.
Điều này phụ thuộc rất nhiều vào vị trí và mục đích. Một số tính cách sẽ phù hợp với vài vị trí nhất định. Nhìn chung, ứng cử viên tôi tìm là những người có khả năng giải quyết vấn đề một cách thông minh, có sự đồng cảm, tự tin và sở hữu đức tính trung thực đối với vai trò mà mình đảm nhận.
Anh có lời khuyên nào dành cho các tân quản lý?
Tôi sẽ khuyên họ rằng thực ra phạm sai lầm cũng là một điều tốt, với điều kiện đó là loại sai lầm chính đáng. Cứ va vấp rồi rút kinh nghiệm một cách nhanh chóng, nếu không thì cũng vô dụng.
Điều gì anh thấy khó khăn nhất trong công việc của mình?
Tìm kiếm nhân tài… cũng tương tự như ở bất kỳ lĩnh vực nào hiện nay.
Trong kinh doanh, anh nghĩ quyền lực nên được trao cho mọi người hay phân chia theo cấp bậc?
Trả lời một cách ngắn gọn, với tôi, tôi thích một hệ thống phân cấp. Nhưng sự kết hợp giữa cả hai cấu trúc có lẽ sẽ hoàn hảo hơn.
Anh thường trao đổi với nhân viên mình như thế nào?
Chúng tôi trao đổi và chia sẻ với nhau hàng ngày — gặp mặt trực tiếp, qua tin nhắn riêng hoặc nhóm.
Trong những buổi họp, anh thường chia sẻ điều gì với nhân viên của mình?
Tôi thích các cuộc họp có mục đích rõ ràng và được dẫn dắt theo đúng trọng tâm, mở ra nhiều cơ hội để mọi người cùng chia sẻ ý tưởng.
Cách anh giải quyết các vấn đề nảy sinh giữa nhiều bên khác nhau là gì?
Điểm mấu chốt là phải nắm được tâm tính của từng người, hiểu được cái nguồn của mâu thuẫn xuất phát từ đâu. Kế tiếp là nắm được tiền đề dẫn đến sự bất đồng đó và tìm ra mục tiêu cuối cùng mà các bên muốn đạt được. Sau đó, tôi sẽ dẫn dắt cuộc thảo luận theo hướng không gây kích động nhất có thể. Cuối cùng là cố gắng hàn gắn hai phía, đưa họ đến sự đồng thuận, song song đó là khuyến khích và truyền năng lượng cho họ.
Anh có hay nghĩ về những mục tiêu dài hạn không?
Ngày nào tôi cũng nghĩ về mục tiêu thường niên của mình. Đối với các mục tiêu 5 năm, thì tôi suy xét mỗi năm một lần, khi đã đến lúc để xem lại và cân nhắc điều chỉnh. Tương tự với mục tiêu mười năm.
Tại sao anh lại chọn làm việc ở Việt Nam?
Việt Nam là một phần của tôi. Tôi không nói tôi không muốn có một ngôi nhà thứ hai ở Mỹ trong tương lai nhưng Việt Nam luôn luôn giữ một vị trí quan trọng.
Chúng tôi nên trò chuyện với ai tiếp theo?
Cựu sinh viên Harvard, luật sư Đào Nguyễn, làm việc tại Dao Nguyen Legal. Đối với tôi, cô ấy là một luật sư tuyệt vời, là một nhà tiên phong trong lĩnh vực của mình trong suốt hơn 20 năm.
Dịch bởi Kỳ Thơ.
Xem thêm:
[Bài viết] How I Manage: Max Bergman – CEO công ty phát triển phần mềm Thụy Điển Fram^