Intellectual bully: Khi tri thức trở thành vũ khí dìm người khác
1. Intellectual bully là gì?
Intellectual bully, hay bạo hành tri thức, là hành vi sử dụng những kiến thức và kỹ năng của một cá nhân để dè bỉu, công kích, hay bắt nạt người khác. Những người thực hiện hành vi này thường có trí thông minh và có kiến thức sâu rộng ở một lĩnh vực nào đó, nhưng lại vận dụng những tri thức ấy để hạ bệ người khác.
Một ví dụ gần đây là những phê bình nhắm vào nhà văn Hiền Trang. Từ một phát ngôn bị tước khỏi văn cảnh gốc, nhiều nhà văn, nhà báo, nhà phê bình đã nhân danh tri thức văn chương để mạt sát và thóa mạ cô. Sự việc đi xa tới mức kéo theo những lời bình phẩm và miệt thị về ngoại hình và tình dục, khiến cho chính nhà văn phải lên tiếng phản đối.
Là một dạng bạo lực tâm lý và bạo lực cảm xúc nhưng intellectual bully chưa nhận được sự quan tâm lớn như các dạng thức bạo hành khác. Thậm chí, truyền thông và các văn hóa phẩm như điện ảnh, văn chương còn có xu hướng lãng mạn hóa hành động này thành sự thể hiện tài năng và cá tính cá nhân.
2. Nguồn gốc của intellectual bully?
Intellectual bully đã xuất hiện như một cụm từ có tính miêu tả trong những công trình tiểu sử học, hay trong văn chương từ hai thế kỷ trước. Bản thân hành vi sử dụng tri thức làm vũ khí chống lại người khác đã xuất hiện nhiều ở các tác phẩm văn học, hay là giai thoại về một số danh nhân.
Lần xuất hiện xưa nhất của cụm từ này có lẽ là năm 1857, trên tờ báo The Economist tại Anh. Từ giữa thế kỷ 20 trở đi, intellectual bully xuất hiện nhiều hơn trong các công trình nghiên cứu của nhóm ngành khoa học xã hội, cũng như những nghiên cứu liên ngành về văn chương, chính trị, và văn hóa xã hội.
Không dừng lại ở đó, những nghiên cứu này còn xác định intellectual bully như một hành động chính trị có chủ ý của những đảng phái. Cuối cùng, cụm từ này xuất hiện trong một số sổ tay dành cho phụ nữ về các vấn đề tâm lý, cũng như về việc tự bảo vệ bản thân trước những dạng thức bạo hành khác nhau.
3. Tại sao intellectual bully phổ biến?
Một trong những lý do khiến bạo hành tri thức xảy ra thường xuyên nhưng ít được đề cập tới là quan niệm của xã hội về tài năng, nhân cách, và địa vị xã hội. Theo đó, tài năng của một người trong một hay nhiều lĩnh vực sẽ tỉ lệ thuận với nhân cách và địa vị xã hội của người đó. Vì thế, những người thông minh hay giỏi giang hơn người khác tự cho mình vị thế “cửa trên” để chỉ dạy và áp đặt những người ở “chiếu dưới.”
Hiện tượng này cộng hưởng với những khoảng cách về giai cấp và thu nhập tạo thành một hệ thống thứ bậc về tri thức, thể hiện qua điểm số và bằng cấp. Từ góc nhìn này, việc học không còn là để tích lũy kiến thức, mà là để tích lũy các loại vốn xã hội và có thể là cả vốn kinh tế. Hay giống như một quan niệm mà nhiều người Việt hay dùng để dạy con cái mình: học thì ấm vào thân.
Mặt khác, một số người thực hiện hành vi bạo hành tri thức như một cách phản ứng với những mẫu rập khuôn mà người khác gán cho họ. Ví dụ, những học sinh giỏi thường bị coi là “mọt sách” và bị bắt nạt vì điều đó. Do đó, họ biến tri thức thành vũ khí để chống lại hành vi bắt nạt bằng cách… bắt nạt ngược lại người khác.
Thông thường, intellectual bully diễn ra tại các cơ sở giáo dục, giữa học sinh với nhau hay giữa giảng viên với sinh viên. Ngày nay, với sự phát triển của mạng xã hội, thì bạo hành tri thức có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi.
4. Cách dùng intellectual bully
Tiếng Anh:
A: I saw Đức crying while running out of the teacher office yesterday. What happened?
B: He was asking for guidance on his thesis, but got intellectually bullied by his teacher.
Tiếng Việt:
A: Hôm qua thấy bạn Đức vừa khóc vừa chạy ra từ phòng giáo viên. Có chuyện gì thế?
B: Bạn ấy xin hướng dẫn làm khóa luận, nhưng cuối cùng lại bị bạo hành tri thức bởi giảng viên.