Air Jordan 1 đã tạo ra ảnh hưởng văn hoá thế nào?
1. Air Jordan 1 có từ bao giờ?
Mọi chuyện bắt đầu khi Nike ngỏ lời mời hợp tác cùng Michael Jordan. Michael, lúc bấy giờ, chỉ mới là một rookie — tân binh trong làng bóng rổ chuyên nghiệp. Anh tham gia Chicago Bulls và là một trong những cái tên tiềm năng cho sự nghiệp của đội bóng.
Ban đầu, Michael Jordan đã có ý định từ chối lời đề nghị từ Nike, bởi đế giày của Nike quá dày, khiến anh không thể cảm nhận sàn đấu. Hiểu được điều này, Nike quyết định thiết kế dòng Air Jordan theo đặc điểm của đôi chân anh.
Nhưng mọi chuyện chỉ trở nên thú vị vào ngày 18 tháng 10 năm 1984, khi Michael bị NBA cấm vào sân vì đã mang đôi Air Ship màu đen trong giải đấu với đội New York Knicks — màu vi phạm luật trang phục của giải. Tận dụng sự kiện này, Nike đã dùng hai sắc đen - đỏ táo bạo làm ý tưởng lớn để quảng bá cho Air Jordan.
Bật lên giữa những đôi giày bóng rổ trắng, Air Jordan 1 nhanh chóng trở thành một thành công lớn. Đôi giày cũng đã giúp Nike có những bước đầu lấn sân vào giày bóng rổ, đứng cạnh Adidas và Converse.
Michael lần đầu mang đôi Air Jordan 1 vào giải NBA năm 1984-1985, cũng là năm bắt đầu sự nghiệp bóng rổ chuyên nghiệp của anh. Giải NBA năm ấy cũng là khởi đầu cho 6 lần quán quân NBA của Michael sau đó, đánh dấu tên anh vào danh sách những tay bóng rổ lẫy lừng nhất mọi thời đại.
2. Điều gì làm nên Air Jordan 1?
Điều lớn nhất làm nên Air Jordan chính là nhân vật đằng sau nó — Michael Jordan. Xét về thiết kế, ta vẫn không thể lẫn Air Jordan 1 với những đôi sneakers khác, nhờ:
- Đế giày ‘Nike Dunk’: Cha đẻ của Air Jordan 1, Peter Moore, cũng chính là người làm ra đế giày ‘Nike Dunk'. Vì được thiết kế riêng cho Michael, đế giày này tạo ma sát tốt và hỗ trợ cầu thủ tối đa trong việc di chuyển. ‘Nike Dunk’ đã được sử dụng cho nhiều dòng giày sau đó của Nike, cho đến khi ‘Air-sole’ — đế đệm khí ra đời.
- Logo ‘Swoosh': Jordan 1 là dòng đầu tiên và duy nhất của các thế hệ Air Jordan mang dấu ‘swoosh' kinh điển của Nike.
- Logo đôi cánh: Ngoài ‘Swoosh', ta cũng có thể phân biệt Jordan với những đôi Nike khác nhờ logo trái bóng rổ với đôi cáng và dòng chữ ‘AIR JORDAN' chạy dọc phía trên.
3. Air Jordan 1 đã tạo ra những ảnh hưởng gì?
Văn hoá bóng rổ
Năm 1985, Nike đã tái hiện hình ảnh ‘Jumpman’ của Michael để quảng bá cho Air Jordan. Tuy bức ảnh này không minh hoạ khoảnh khắc anh nhảy đến vòng bóng và chuẩn bị dunk, nó vẫn truyền cảm hứng cho những thế hệ cầu thủ bóng sau này.
Mãi đến Air Jordan 3, logo ‘Jumpman' mới xuất hiện trên thiết kế, giúp nó trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng cho cộng đồng bóng rổ khắp nơi, thậm chí là tại sân nhà Việt Nam.
Văn hoá Chicago
Bức ảnh ‘Jumpman’ của Nike được chụp trên nền trời Chicago rực lửa. Chicago cũng là cái nôi cho sự nghiệp của Michael, vì vậy điều này càng trở thành niềm tự hào cho người dân nơi đây. Thắng lợi của anh và Chicago Bulls cũng chính là tiếng vang cho thành phố.
Vì vậy, được mang lên chân đôi giày của chàng cầu thủ ‘anh hùng’, với họ, là một phép màu mà chỉ cộng đồng này mới hiểu. Sắc đen-đỏ huyền thoại cũng trở thành một phần văn hoá của Chicago nói chung và đội Chicago Bulls nói riêng.
Văn hoá chơi giày
Tuy gắn liền với bộ môn bóng rổ, Air Jordan 1 là đôi giày đầu tiên khiến mọi người muốn sở hữu ngoài sân, với niềm thích thú vượt xa một đôi giày thể thao bình thường. Đây cũng là một trong những đôi giày khởi nguồn cho văn hoá sneaker và phát triển cộng đồng sneakerhead.
Nếu là người sở hữu và đam mê giày, Air Jordan 1 sẽ là một trong những đôi giày đắt giá nhất bạn có thể sưu tập. Air Jordan 1 cũng chính là một trong những cái tên không thể bỏ qua khi nhắc đến giày thể thao retro, bởi những giá trị văn hoá mà nó bao trùm.
Sau nhiều bộ sưu tập Jordan tiếp nối, những đôi Jordan 1 với các phiên bản màu “Chicago”, “Black Toe” và “Bred” quanh 3 sắc trắng-đen-đỏ vẫn là những thiết kế nguyên bản nhất với cộng đồng sneaker. Với họ, Jordan 1 thể hiện rõ nhất tinh thần của thời trang đường phố, mang đậm bản sắc của chàng tân binh NBA sớm trở thành GOAT nhờ những kỳ tích của mình.
Tại Việt Nam, màu sắc của Jordan và những thiết kế tiếp nối của thương hiệu cũng được các sneakerhead lan toả mạnh mẽ. Chính nhờ các nền văn hoá đại chúng (pop culture) — hip-hop, sự phổ biến của các fashionista và influencer, hay gần đây nhất là Rap Việt và King of Rap — mà câu chuyện của Air Jordan và Michael lại trở thành nền tảng cho thời trang đường phố Việt Nam.
4. Bây giờ có còn mua Air Jordan 1 được không?
Được! Nhưng Nike chỉ tiếp tục ra mắt các tái bản của thiết kế này, với nhiều phiên bản màu hiện đại hơn. Nếu muốn tìm kiếm những đôi Jordan nguyên bản, bạn sẽ cần lục sùng tích cực nhiều hơn.
Hãy tích cực ‘nằm vùng’ trong những trang mua bán giày của cộng đồng sneakerhead, ví dụ như StockX. Biết đâu bạn sẽ đủ may mắn và gặp được một dealer uy tín và tậu về được đôi Air Jordan 1 chính hiệu!