Khi giả thuyết thế giới công bằng cho phép ta đổ lỗi nạn nhân

Dù vô tình hay cố ý, suy nghĩ “họ bị thế là đáng” cho phép chúng ta đổ lỗi nạn nhân với những hậu quả họ nhận được.
Kim Nguyễn
Khi giả thuyết thế giới công bằng cho phép ta đổ lỗi nạn nhân

Khi giả thuyết thế giới công bằng cho phép ta đổ lỗi nạn nhân

Dưới dòng tin về cô gái bị cướp giật, nhiều bình luận cho rằng lỗi của cô là "đã về muộn mà còn đi một mình". Một số người thất nghiệp bị đánh giá là thiếu ý chí, không cầu tiến, chưa đủ nỗ lực.

Những suy nghĩ “họ bị thế là đáng” như thế chính là kết quả của "giả thuyết thế giới công bằng". Nó thúc đẩy chúng ta dùng cách đổ lỗi cho nạn nhân để tránh khỏi nỗi sợ của chính mình, đến mức chối bỏ sự bất hạnh của những người trong cuộc. Giả thuyết thế giới công bằng là gì và làm sao để không rơi vào cái bẫy niềm tin đó?

Giả thuyết thế giới công bằng là gì?

Giả thuyết thế giới công bằng (just-world hypothesis) miêu tả niềm tin rằng thế giới này là công bằng và chúng ta chỉ lãnh nhận những gì mà ta xứng đáng. Nó cho chúng ta cảm giác được làm chủ cuộc sống, nhưng cũng đẩy ta vào phản ứng đổ lỗi cho nạn nhân (victim blaming). Ta nhìn nhận mọi sự bất hạnh là hậu quả mà nạn nhân phải gánh chịu bởi hành động của họ, thay vì suy xét các yếu tố khác như thủ phạm hay hoàn cảnh.

Niềm tin này còn khiến chúng ta đánh giá thấp những ai “xấu số” hơn mình, chẳng hạn nếu bạn không kiếm được việc làm là do bạn lười biếng không chịu tìm việc. Góc nhìn này làm ta bỏ qua các yếu tố ngoại cảnh khác như tỷ lệ thất nghiệp trong năm cao hơn bởi dịch bệnh.

Nguồn gốc của giả thuyết

Giả thuyết thế giới công bằng được phát triển bởi nhà tâm lý học Melvin Lerner, khi ông nghiên cứu lại một thí nghiệm trước đó của Stanley Milgram về “quyền lực và sự tuân phục”.

Trong nghiên cứu của Lerner, ông cho các nhóm tình nguyện chích điện một cô gái nếu cô phạm lỗi khi làm những việc được yêu cầu. Nhưng thực chất cô gái đó là một nhà nghiên cứu khác đóng vai, kể cả nguồn điện cũng là giả.

Trong suốt nghiên cứu, một số người đồng cảm với cô gái và chủ động giúp cô giảm đau. Nhưng một số khác vẫn tiếp tục chích điện vì cho rằng cô nên chịu đau đớn bởi lỗi lầm của mình.

Vì sao chúng ta lại có niềm tin này?

Thạc sĩ tâm lý Kendra Cherry đề ra 2 lý do khiến chúng ta dễ rơi vào niềm tin thế giới công bằng:

1. Nỗi sợ đối mặt với sự yếu đuối

Chúng ta có nỗi sợ bị phơi bày sự yếu đuối, khuyết điểm của mình, vì nó chứng tỏ rằng ta là một người dễ bị bắt nạt. Vậy nên ta tránh nỗi sợ hãi đó bằng cách đổ lỗi cho cách hành xử của nạn nhân.

Như khi gặp một người bị bắt nạt trong trường, ta cho cho rằng họ quá yếu đuối để đứng lên và chống trả. Điều này bao bọc cho nỗi sợ hãi “trở thành nạn nhân” của chúng ta, với suy nghĩ “nếu tôi là họ, tôi sẽ không nhu nhược để bị bắt nạt thậm tệ như thế”.

2. Giảm mức độ lo lắng khi gặp trường hợp xấu

Một lợi thế của niềm tin này là nó giúp ta giảm nỗi lo âu nếu rơi vào tình huống xấu, vì ta tin rằng mình sẽ được luật pháp bảo vệ một cách công bằng. Điều này cũng cho phép ta bớt lo sợ về một thế giới nguy hiểm, nơi bất công liên tục xảy ra.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên áp dụng góc nhìn này trên mặt pháp luật chứ không phải cái nhìn đổ lỗi lên nạn nhân.

Hai mặt của niềm tin

Khi ta tin rằng thế giới công bằng theo hướng tích cực, ta sẽ:

  • Không sợ bị đối xử bất công.
  • Tăng hy vọng trong cuộc sống: ta sẽ nhận những gì xứng đáng nếu ta làm điều tốt và cố gắng hoàn thiện bản thân.

Nhưng kèm theo đó là những mặt tối của niềm tin khi nó khiến ta:

  • Đổ lỗi nạn nhân với suy nghĩ họ đáng bị như thế.
  • Khó cảm thông với những người trong cuộc khi tai nạn xảy ra.
  • Tự lừa bản thân thế giới này luôn công bằng dù thực tế không phải lúc nào cũng vậy, làm ta dễ chủ quan và thiếu chuẩn bị nếu rơi vào trường hợp tương tự.

Thái độ đổ lỗi nạn nhân thường bắt nguồn từ những nhận xét lệch lạc mang tính chủ quan. Để tránh được điều đó, chúng ta có thể tự rèn luyện khả năng đánh giá của mình theo 3 gợi ý sau:

1. Không vội phán xét

Nghiên cứu của Đại Học New York cho thấy não bộ sẽ lập tức phán xét người khác thông qua ngoại hình để đánh giá họ có đáng tin hay không. Điều này vô thức khiến ta dễ đưa ra nhận định sai đối với nạn nhân. Đặc biệt là qua mạng xã hội, khi ta chỉ "biết" nạn nhân dựa trên góc nhìn của người khác như trang đăng tin, cộng đồng mạng, chứ không được trực tiếp tiếp xúc.

Vội vã phán xét nhân vật chính trong câu chuyện dễ dẫn đến cách cư xử cực đoan như lăng mạ, hạ nhục, đổ lỗi, trong khi ta vẫn chưa biết rõ họ là người như thế nào và chi tiết tình huống ra sao. Vì thế ta không nên đưa ra kết luận sớm khi chưa biết rõ nguyên nhân ẩn chứa đằng sau.

Tìm hiểu 10 thiên kiến làm lu mờ nhận định để bạn có thể “giảm tốc độ” trước khi đưa ra nhận xét cuối cùng.

2. Xem xét trường hợp ở nhiều khía cạnh.

Có nhiều nguyên nhân bên ngoài khiến sự việc xảy ra như địa điểm, thời gian, yếu tố kích động,... Xem xét tình huống ở nhiều khía cạnh sẽ giúp bạn có góc nhìn toàn diện hơn.

Như một anh chàng bị thất nghiệp không có nghĩa là anh lười biếng, bạn không biết được liệu có phải vì dịch bệnh khiến các công ty cắt giảm nhân sự và anh là một trong số nhân viên đó hay không. Nhiều người cũng đi trên con đường đó khi trời đã tối nhưng không bị cướp giật, và cô gái này chẳng may lại đi ngang ngay thời điểm mà những tên cướp đang rình mò.

Luyện tập cho mình một tư duy cởi mở hoặc áp dụng tư duy phản biện sẽ giúp bạn xem xét tình huống một cách đa chiều hơn.

3. Chia sẻ thấu cảm cùng nạn nhân.

Hãy thử tưởng tượng nếu chính bạn rơi vào trường hợp đó, và bị đổ lỗi cho những hậu quả dù bạn không hề muốn nó xảy ra, bạn sẽ cảm thấy thế nào?

Có được sự đồng cảm nhất định sẽ giúp chúng ta phần nào hiểu được những gì nạn nhân đã trải qua và lý do buộc họ phải hành động như vậy. Không những thế, bạn còn rút ra được nhiều bài học khác, nhờ đó biết cách xử lý tốt hơn nếu thật sự rơi vào hoàn cảnh tương tự.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục