Không có IQ cao, bạn vẫn có thể thành công nhờ rèn luyện AQ và EQ
Mỗi người chúng ta sinh ra đều sở hữu một chỉ số thông minh – Intelligence Quotient (IQ). Kể từ khi ‘Thang đo thông minh Binet-Simon’ xuất hiện lần đầu vào năm 1905, chúng ta đã có thể đánh giá năng lực tư duy thông qua các bài kiểm tra IQ.
Theo bảng phân loại IQ, những người thông minh xuất chúng có chỉ số dao động từ 121 điểm trở lên, người có hiểu biết tốt (trên mức trung bình) rơi vào khoảng 111 – 120 điểm. Những ai có tư duy bình thường và dưới mức trung bình thuộc nhóm từ 110 điểm trở xuống.
Nếu bạn đang có chỉ số thông minh vượt trội hơn so với người khác, đó là một điều may mắn. Tuy nhiên, bạn cũng đừng nên tự ti khi chưa thể tư duy nhạy bén như bạn bè đồng trang lứa, vì vẫn còn nhiều loại hình trí tuệ khác ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi người.
Trong nghiên cứu về ‘Thuyết đa trí tuệ’ (Multiple Intelligences), nhà tâm lý học, tiến sĩ Howard Gardner cho rằng các bài kiểm tra IQ chỉ đánh giá khả năng tư duy ngôn ngữ và năng lực lập luận trong toán học chứ chưa đánh giá tổng quát năng lực trí tuệ của con người.
Cùng quan điểm trên, người Do Thái – dân tộc thông minh nhất thế giới, xác định có 3 chỉ số thông minh quan trọng, mà IQ chỉ là một phần trong đó. Cụ thể, họ trình bày cách giáo dục các thế hệ và đánh giá năng lực con người qua công thức thành công: 20% IQ + 80% (AQ+EQ) = 100%. AQ là viết tắt của Adversity Quotient (Chỉ số vượt khó) và EQ là Emotional Quotient (Chỉ số thông minh cảm xúc).
Dân tộc Do Thái cho rằng, những bảng điểm tốt, chứng chỉ đẳng cấp sẽ mang lại công việc tốt, nhưng chưa hẳn sẽ có sự nghiệp thành công nếu thiếu đi AQ và EQ. Hai chỉ số này hoàn toàn có thể rèn luyện được, nếu như bạn hiểu được bản chất và phương pháp tập luyện.
Chỉ số vượt khó – Adversity Quotient (AQ)
Nhà tâm lý học Paul G. Stotlz – người khởi xướng ra thuật ngữ này cho biết, AQ là chỉ số đánh giá khả năng vượt qua những thăng trầm, trở ngại của một người. Người có chỉ số AQ cao là người bản lĩnh, rắn rỏi trước những biến đổi khôn lường của xã hội, luôn tìm cách vươn lên giữa nghịch cảnh cuộc sống.
Với người học, AQ được thể hiện thông qua sự cố gắng ôn luyện trước các kỳ thi và cách chiến thắng những trở ngại trên con đường học vấn. Với người đi làm, hồ sơ xin việc (CV) là cơ sở khách quan ban đầu để nhà tuyển dụng đo lường khả năng vượt khó của ứng viên dựa vào khoảng thời gian làm việc cho từng vị trí trước đây.
Người có AQ cao thường có xu hướng tập trung vào ý nghĩ lạc quan và kiên trì. Nếu thất bại xảy ra, họ xem đó là kết quả của việc thiếu cố gắng hơn là đổ lỗi cho hoàn cảnh. Từ đó, họ tin rằng tìm tòi những phương án mới với sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn sẽ giúp họ vượt qua thách thức.
Với nhiều công ty khởi nghiệp (startup) trụ vững trên thị trường, điểm chung của họ là có một đội ngũ với quyết tâm cao độ cùng năng lực giải quyết vấn đề rất hiệu quả. Đôi khi, trước một dự án thất bại, sản phẩm ra mắt công chúng chưa đạt yêu cầu, họ luôn biết cách vực dậy tinh thần và tiếp tục tìm hướng đi mới.
Do đó, ngoài việc phù hợp với yêu cầu công việc, những ứng viên có kinh nghiệm từ 2 năm trở lên hay được nhà tuyển dụng cân nhắc lựa chọn vì ít nhiều họ đã có sự gắn bó với nghề nghiệp. Ngược lại, một người hay nhảy việc trong khoảng thời gian ngắn (dưới 1 năm) được đánh giá năng lực AQ không cao vì hời hợt khi đi làm.
Theo Ths. Anna Levina, một người bình thường có thể cải thiện được AQ nhờ vào công thức L.E.A.D (Listen – Explore – Analyse – Do). Hình dung bạn vừa bị đánh trượt trong kỳ thi tiếng Nhật, chúng ta sẽ ứng dụng vào tình huống này như sau:
- Lắng nghe (L): nhận diện những phản ứng tâm lý một cách trung thực. Bạn đang có cảm nhận ra sao về kết quả tệ hại vừa nhận được?
- Tìm hiểu (E): xem xét lý do dẫn đến kết quả đó. Vốn từ vựng, ngữ pháp, hay do kỹ năng nào còn thiếu sót? Có cách nào làm tốt hơn vào lần sau hay không?
- Phân tích (A): đánh giá tính thực tế của vấn đề. Bạn còn bao nhiêu cơ hội để tham gia kỳ thi này? Tiếng Nhật mang lại những cơ hội gì trong tương lai? Mất bao lâu để sửa chữa lỗi sai?
- Hành động (D): bắt tay vào thực hiện. Ai sẽ giúp bạn học tốt hơn? Có tài liệu nào đáng tin cậy không? Kế hoạch học tập cần bổ sung thêm yếu tố gì?
Nhớ rằng, sự vượt khó lúc nào cũng cần thiết trong mọi lĩnh vực để bạn chứng minh năng lực của mình. Chạm ngõ những kiến thức về AQ cũng là cách để khai phóng thêm một tiềm năng của chính mình.
Chỉ số thông minh cảm xúc – Emotional Quotient (EQ)
Về EQ, đây là chỉ số thể hiện năng lực nhận thức cảm xúc của bản thân và của người khác. Khả năng thấu hiểu cảm xúc giúp điều tiết mọi sự bất mãn, giận dữ trong tâm trí, nhờ đó mang lại kết quả tích cực trong giao tiếp.
Theo tiến sĩ Daniel Goleman – tác giả quyển sách “Trí tuệ xúc cảm” (Emotional Intelligence), EQ là một trong những yếu tố giúp người không thông minh trở nên thành đạt trong cuộc sống. Một người có thể quản lý tốt cảm xúc trong các cuộc thương thuyết, đàm phán sẽ được lòng đối phương hơn người chưa học được cách quản lý cảm xúc.
Trí tuệ cảm xúc không phải là một năng lực bẩm sinh mà phát triển dựa trên trải nghiệm trong cuộc sống. Hiểu về EQ trong việc duy trì các mối quan hệ là mấu chốt mang đến hạnh phúc, không chỉ với bạn bè, đồng nghiệp mà còn với gia đình, người yêu.
Những người có chỉ số EQ cao có thể định hướng cuộc tranh cãi theo hướng ôn hòa, văn minh, không đẩy cảm xúc của hai bên lên cao trào. Họ biết tiết chế cảm xúc giận dữ, khó chịu để đối thoại trở về trạng thái bình tĩnh, sáng suốt, cũng như xoa dịu khi tình huống dần căng thẳng, tránh “giận quá mất khôn”.
Cải thiện chỉ số EQ không khó khi bạn biết được 5 giá trị sau:
- Self-awareness (Nhận thức xúc cảm): là khả năng thấu hiểu cảm xúc cá nhân và hiểu được tầm ảnh hưởng của bất kỳ cảm xúc nào khi bộc lộ ra bên ngoài.
- Self-regulation (Quản lý xúc cảm): là biết cách biểu hiện cảm xúc phù hợp với từng trường hợp. Điều này không đồng nghĩa với việc phải che giấu đi cảm xúc thật, mà là học cách điều hướng cảm xúc vào đúng thời điểm.
- Social skills (Kỹ năng xã hội): là sử dụng tổ hợp kỹ năng giao tiếp như lắng nghe, ngôn ngữ cơ thể, và khả năng quản lý cảm xúc để đạt được mục tiêu của buổi trò chuyện.
- Empathy (Sự cảm thông): là để cho cuộc hội thoại diễn ra nhịp nhàng, mạch lạc bằng một thái độ chân thành và cảm thông với câu chuyện của người kể.
- Motivation (Động lực): là nguồn sức mạnh xuất phát từ bên trong tinh thần, thúc đẩy bản thân xây dựng mối quan hệ và rèn luyện năng lực xúc cảm.
Tóm lại là…
Người biết vượt lên trên nghịch cảnh sẽ biết cách biến trở ngại thành cơ hội cải thiện. Có IQ cao sẽ thêm phần thuận lợi cho bạn trong cuộc sống, nhưng nếu IQ không như mong muốn thì bạn vẫn còn nhiều kỹ năng khác để bồi dưỡng, chẳng hạn như AQ và EQ.
AQ và EQ cũng đại diện cho hai giá trị quan trọng để hoàn thiện bản lĩnh và vốn sống. Người làm chủ được cảm xúc sẽ xây dựng được nền tảng các mối quan hệ xã hội vững chắc.
Bài viết này được thực hiện bởi Đình An.
Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.