Khu vực Đông Nam Á - Cái nôi của chuyển đổi số
Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators” bản tiếng Anh tại: Vietcetera Podcast | Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.
Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators (Tiếng Việt)” tại: Vietcetera Podcast | Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.
Việt Nam cùng Đông Nam Á bứt phá chuyển đổi số
Thời gian vừa qua, Đông Nam Á được xem là khu vực dẫn đầu về chuyển đổi số. Theo báo cáo của SYNC Southeast Asia, cuối năm 2022, sẽ có 350 triệu người tiêu dùng số (trên 15 tuổi), tương ứng với 80% người tiêu dùng trên toàn khu vực.
Anh Khôi Lê - Giám đốc Kinh doanh Toàn cầu tại thị trường Việt Nam cũng cho biết thêm, tại khu vực Đông Nam Á, trong năm 2020-2021, do tác động của đại dịch, đã có gần 100 triệu người chuyển qua tiêu dùng số. Riêng tại Việt Nam, theo ước tính, có khoảng 53 triệu người Việt đã chuyển sang tiêu dùng số trong vòng 2 năm vừa qua.
Những con số trên là bàn đạp cho sự phát triển bùng nổ của thị trường thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á, với số lượng giao dịch tăng trưởng gấp 1,4 lần so với các năm trước. Đến cuối năm 2026, doanh số của thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ tăng trưởng gấp đôi, tương đương khoảng 250 tỉ USD.
Tại Việt Nam, doanh số thương mại điện tử trong năm 2021 cũng tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Việt Nam cũng được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực (x4,5 lần trong vòng 5 năm tới), tương ứng với 56 tỉ USD vào cuối năm 2026.
Đó là những con số chứng minh sự phát triển mạnh mẽ của thị trường Đông Nam Á. Hơn nữa, đại dịch vừa qua đã góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng. Vì thế, các thương hiệu cần cân nhắc tất cả các điểm chạm kỹ thuật số (digital touchpoints) mà khách hàng có thể sẽ tương tác trong quá trình mua hàng online của mình.
Anh Khôi cho biết, mạng xã hội chính là cầu nối giữa các thương hiệu và người tiêu dùng. Trách nhiệm của mạng xã hội nằm ở việc hỗ trợ thương hiệu tiếp cận đến các đối tượng khách hàng phù hợp. Với sự tăng trưởng nhanh về chuyển đổi số, bài toán ở đây không còn là việc thu hút mà nằm ở việc giữ chân khách hàng, gia tăng tỉ lệ chuyển đổi.
Thị trường thương mại điện tử năm 2021: Ngành hàng nào tăng trưởng 15-20 lần?
Khánh Nguyễn - Phó tổng giám đốc Tiki chia sẻ, người tiêu dùng số đã cởi mở với việc mua sắm nhiều ngành hàng hơn trong thời gian đại dịch. Những ngành hàng thiết yếu như “đồ gia dụng”, “thực phẩm” và “đồ tươi sống” trên các sàn thương mại điện tử cũng có sự tăng trưởng gấp 15-20 lần so với trước thời gian giãn cách. Điều này đã khiến cho doanh nghiệp phải giải quyết bài toán lớn về chuỗi cung ứng để kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh đại dịch.
Khi nhu cầu mua sắm tăng cao, trải nghiệm mua sắm không thể bị giới hạn với một hay vài hình thức đơn sơ như trước. Với Tiki, tỷ lệ khách hàng lựa chọn phương thức thanh toán COD sụt giảm đáng kể trong thời gian vừa qua; thay vào đó, hình thức thanh toán không tiền mặt ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục, từ 30-40% đến đỉnh điểm 90%.
Anh Khôi cũng cho biết thêm, đây là lần đầu tiên chúng ta chứng kiện một sự sụt giảm trong việc sử dụng tiền mặt để thanh toán tại thị trường Việt Nam (từ 60% còn 42%). Vì lẽ đó, ví điện tử (e-wallet) sẽ là một phương tiện thanh toán thay thế phổ biến trong thời gian tới.
Hơn thế nữa, nhu cầu về dịch vụ giao hàng nhanh hoặc lắp đặt khiến Tiki bắt đầu triển khai những dịch vụ hướng đến khách hàng. Việc chu cấp thêm những dịch vụ mang tính giá trị gia tăng cho khách hàng - bên cạnh tính năng giao dịch cơ bản - giờ đã trở thành địa phận cạnh tranh mới cho nhiều những sàn thương mại điện tử.
‘Digital-first' - Hướng đi doanh nghiệp nhất thiết phải cân nhắc
Anh Khánh chia sẻ, khi nền kinh tế số đã không còn là một xu hướng mà doanh nghiệp có thể đi ngược, các doanh nghiệp cần phải có những phương án triển khai mới, nhằm đáp ứng nhu cầu đang chóng thay đổi của người tiêu dùng. Để thực hiện các mô hình kinh doanh số hóa, doanh nghiệp cần chú trọng vào hoạt động chăm sóc khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Hơn nữa, đợt dịch vừa qua là một minh chứng cho thấy doanh nghiệp luôn cần có một mô hình kinh doanh đa kênh, linh hoạt để phòng trừ các rủi ro trong môi trường vĩ mô. Anh Khôi gợi ý một số hình thức kinh doanh kết hợp giữa online và offline, kết hợp cùng thương mại điện tử để tận dụng hệ thống phân phối, hoặc qua các kênh mạng xã hội...
Công cuộc chuyển đổi số không ngừng góp phần thay đổi hành vi người tiêu dùng, thì mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng sẽ luôn là giá trị trường tồn mang tính quyết định. Theo anh Khôi, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quen với mối quan hệ 1:1 với người tiêu dùng. Nếu chúng ta tập trung phát triển mối quan hệ giá trị này, cuối cùng, nó sẽ là cái mỏ neo giữ chân khách hàng cho dù công nghệ có phát triển ra sao.