Kỹ thuật hình sự - Nghề giải oan cho người chết

Một cán bộ kỹ thuật hình sự như anh Thành tiếp xúc với trung bình 30 - 40 xác chết mỗi năm. Anh không sợ xác chết, trong nghề của anh có những thứ khác còn đáng sợ hơn rất nhiều.
Tammy Trương
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Thành (tên nhân vật đã được thay đổi) gần 30 tuổi, anh mới kết hôn và có niềm yêu thích đặc biệt với du lịch. Thế nhưng trong điện thoại Thành chẳng có mấy hình thiên nhiên cây cỏ hay cô vợ mới cưới, thay vào đó là hàng trăm bức ảnh chụp tóc, vệt máu, và cả tử thi. Đó có lẽ là lời giải thích sinh động và rợn tóc gáy nhất nếu có ai đó hỏi anh đang làm nghề gì.

Kỹ thuật hình sự là một trong 12 lực lượng hợp thành ngành Cảnh sát nhân dân Việt Nam. Họ đứng ở hiện trường vụ án và góp phần làm sáng tỏ sự thật đằng sau, dù ít ai trong chúng ta từng nghe chuyện nghề của họ.

Làm kỹ thuật hình sự, anh sẽ làm những gì?

Bạn có nhớ series phim CSI từng chiếu trên TV không? CSI là đội điều tra hiện trường của Mỹ, ở Việt Nam cũng có đội ngũ này nhưng chia thành 2 là đội đảm nhận khám nghiệm hiện trường và điều tra.

Khám nghiệm hiện trường là phần công việc thường xuyên nhất của lực lượng kỹ thuật hình sự. Trong các vụ việc như đánh nhau, gây thương tích, giết người, trộm cắp, chúng tôi sẽ đến đo vẽ và chụp ảnh lại hiện trường.

Công việc thứ hai là khám nghiệm tử thi, bao gồm xem xét dấu vết bên ngoài, tìm hiểu nguyên nhân tử vong của nạn nhân. Cuối cùng, một lĩnh vực ít ứng dụng hơn, kỹ thuật phòng chống tội phạm. Các hệ thống cảnh báo trộm cướp ở ngân hàng thuộc lĩnh vực này.

Anh có thể ví dụ một lần khám nghiệm hiện trường

Thành phố nơi tôi làm việc có đặc thù nghề than. Bên trong các lò than, người ta sẽ cho nổ mìn để mở đường hầm khai thác. Tôi còn nhớ một vụ tai nạn lao động thương tâm diễn ra ở đây, một cậu sinh viên thực tập bị các mảnh đá lớn bắn vào người và tử vong. Tôi phải xuống vị trí âm 300 - 400m dưới lòng đất để ghi nhận hiện trường vụ đó.

Chúng tôi thu thập các vết máu và mô bộ phận cơ thể bắn ra xung quanh, sau đó vẽ sơ đồ, mô tả bằng biên bản.

Những bằng chứng này cộng với lời khai sẽ giúp cơ quan điều tra xác định được tai nạn là lỗi chủ quan của cậu sinh viên đó hay lỗi của doanh nghiệp. Nếu là lỗi quản lý của doanh nghiệp thì có thể dẫn đến trách nhiệm hình sự.

Công việc của anh yêu cầu điều gì?

Kỹ thuật hình sự là một bộ môn khoa học. Nó yêu cầu sự tỉ mỉ, chính xác. Ngoài ra, công việc này cũng giúp chúng tôi có được hướng tư duy khoa học hơn.

Hướng tư duy khoa học là như thế nào?

Hãy tưởng tượng khi bước ra hiện trường, bạn ngay lập tức phải định hướng khám nghiệm từ đâu đến đâu để không tự mình phá hỏng các dấu vết.

Trong một vụ trộm cắp, bao giờ kẻ trộm cũng phải có lối vào lối ra. Cần xác định xem lối đó ở đâu để tìm dấu vân tay, dấu vết cạy cửa hoặc dụng cụ nó vứt lại hiện trường, rồi thì rà soát camera theo hướng vào hướng ra.

Ở vị trí được trình báo tài sản bị mất, còn phải tư duy xem tài sản có thực sự ở đấy không. Bởi vì trong rất nhiều trường hợp, chủ nhà tự "bịa" ra chuyện mất tài sản để báo công an. Có thể họ đã tiêu xài tài sản hoặc dùng để trả nợ nần mà không dám nói với người nhà. Những vụ việc như thế không phải hiếm.

Điều gì làm anh tự hào nhất trong công việc?

Ở một khía cạnh nào đó, tôi cảm thấy công việc mình đang làm có thể giúp giải oan cho người chết. Qua việc khám nghiệm tử thi, mình có thể xác định nguyên nhân chính xác khiến người ta tử vong. Từ đó có thể loại trừ đi án giết người nhưng ngụy trang thành tai nạn hay tự sát.

Những tử thi ngụy trang khác tử thi thông thường ở đâu?

Có nhiều vụ giết người mà hung thủ sau đó treo cổ nạn nhân lên hay vứt nạn nhân xuống dưới nước. Những sự biến đổi bên trong phủ tạng hay vết thương, vết tụ máu của con người trước khi chết và sau khi chết nó khác nhau.

Ví dụ như một vụ treo cổ, người treo cổ khi còn sống sẽ có vết tụ máu khi rạch ra có máu đỏ tươi. Còn nếu người tử vong trước rồi mới bị hung thủ treo cổ lên thì không có dấu hiện này.

Hẳn anh đã tiếp xúc với rất nhiều tử thi?

Trong một năm, tôi tiếp xúc với khoảng 30 - 40 xác chết với đủ mọi nguyên nhân và thời gian tử vong. Có khi chỉ là những bộ xương.

Loại xác chết nào là đáng sợ nhất?

Là xác chết trôi lâu ngày.

Tử thi thường bị phình to nên phải có thủ thuật để khí trong cơ thể xì ra từ từ, làm mạnh tay thi thể có thể phát nổ như một quả bóng. Đôi khi, để nhận dạng tử thi, chúng tôi cần lột phần da đầu các ngón tay của xác sau đó lồng vào ngón tay mình để lấy dấu vân tay.

Anh có còn sợ tử thi?

Từ những ngày đầu đi làm tôi đã không sợ tử thi. Nhưng càng làm lâu tôi càng thấy trong nghề của mình có những thứ còn đáng sợ hơn tử thi.

Tôi nhớ một lần đi làm một vụ tai nạn giao thông rất nghiệm trọng. Xe khách đi từ trên cầu xuống mất lái đâm lên vỉa hè, có 3 người tử vong tại chỗ. Lúc đó tôi được phân công lên bệnh viện để kiểm tra người chết vừa lúc người nhà nạn nhân đến nơi. Tôi nói với họ:“Cô chú bình tĩnh, trước khi nghe cháu nói cô chú bình tĩnh, thân nhân của cô chú đã tử vong rồi”.

Lúc đó người ta gào khóc vang cả bệnh viện. Mình thì giống như vừa tuyên án tử cho con nhà người ta. Tiếng khóc xé lòng, nó làm tôi có cảm xúc hơn cả đối mặt với xác chết.

Công việc này có khiến anh có cái nhìn khác về cuộc sống?

Có. Nó làm tôi thấy ranh giới giữa sống và chết không xa nhau lắm nên tôi quý trọng người thân hơn, cố gắng làm được càng nhiều thứ mình thích càng tốt.

Nếu một bạn nhỏ đọc bài viết này và muốn làm nghề giống anh, anh sẽ khuyên điều gì?

Để làm nghề này, thứ nhất em phải tập cho mình sự tỉ mỉ và tinh thần trách nhiệm rất cao. Thứ hai là... không được sợ ma đâu nhé! (cười).


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục