Làm gì khi những tòa nhà bạn ở “góp vui” 42% khí thải CO2 toàn cầu?
Bạn có biết các đô thị, hay cụ thể là những tòa nhà mà ta đang sống, là nguồn phát thải carbon chủ lực trên toàn cầu?
Hàng năm, chỉ riêng các hoạt động xây dựng, bảo trì và phá hủy các tòa nhà đã tạo ra 42% lượng khí thải CO2 toàn thế giới, chưa kể đến lượng khí thải từ hoạt động sinh hoạt thương mại. Phương tiện giao thông tại thành thị cũng "góp vui" 22% lượng khí thải ra môi trường.
Dự báo diện tích xây dựng trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2060. Nghĩa là cứ mỗi tháng trôi qua, Trái Đất lại "kết nạp" thêm một thành phố có diện tích tương đương thành phố New York, liên tục như vậy trong vòng 40 năm tới.
Phát triển đô thị, và gì nữa?
Sự phát triển của các đô thị rõ ràng đang đe dọa hệ sinh thái tự nhiên và môi trường sống của con người trong tương lai. Hơn bao giờ hết, con người cần cân nhắc yếu tố bền vững trong tất cả hoạt động sản xuất, sinh hoạt và xây dựng đô thị của mình.
Việt Nam cũng là một trong số quốc gia có tốc độ đô thị hoá cao. Tại diễn đàn "Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023”, Ông Nguyễn Thanh Nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, tính đến tháng 9/2023, tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%. Không chỉ có TP.HCM và Hà Nội, các đô thị loại 2 cũng ngày càng thu hút dân cư, làm gia tăng thêm sức ép dân số lên hạ tầng cơ sở.
Dù vậy, chất lượng đô thị hoá tại Việt Nam lại không cao: kết cấu và chất lượng hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển dân số và kinh tế ở các khu vực đô thị, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cũng chưa được chú trọng trong quá trình phát triển.
Tính tới năm 2022, khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng là 2 khu vực có tốc độ đô thị hoá cao nhất cả nước, với tỷ lệ đô thị hoá lần lượt là 66,9% và 37,6%. Với tốc độ phát triển này, nếu không có sự đổi mới trong xây dựng và quy hoạch thì sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về bền vững và sức khỏe người dân. Đặc biệt là ở các đô thị dễ bị tác động bởi rủi ro thiên tai như mực nước biển dâng cao, bão và lũ lụt.
Trong bài phát biểu về "Các tiêu chuẩn đầu tư ESG ở Việt Nam dành cho các nhà đầu tư tổ chức" tại Hội nghị các nhà đầu tư ESG 2023, ông Craig Martin - Chủ tịch Dynam Capital cho biết:
"Việt Nam là một trong 5 quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu như mực nước biển dâng cao và bão lũ. Vì vậy, điều cấp thiết là phải phát triển mô hình đô thị carbon thấp để không những ứng phó được với biến đổi khí hậu mà còn tăng tính bền vững cho môi trường và bảo vệ thế hệ mai sau."
Đô thị Carbon thấp, thế nào là đủ chuẩn?
Theo Học viện Nghiên cứu Khoa học Môi trường Trung Quốc (Chinese Research Academy of Environmental Sciences), mô hình đô thị carbon thấp thúc sẽ giúp thúc đẩy 2 yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững. Đó là:
- Kinh tế carbon thấp: Sử dụng năng lượng và nguồn nước hiệu quả, sử dụng tài nguyên một cách tối ưu và áp dụng công nghệ xanh để giảm lượng khí thải carbon.
- Tiêu thụ carbon thấp: Thúc đẩy việc giảm phát thải carbon trên mọi phương diện sống từ việc tái chế, bảo vệ và mở rộng không gian xanh tự nhiên cũng như tăng khả năng loại bỏ khí nhà kính ở đô thị.
Nhiều quốc gia và thành phố trên thế giới như Malaysia và thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) đã phát triển Khung đánh giá đô thị carbon thấp với những tiêu chí và hướng dẫn cụ thể. Trong các khung đánh giá này, có 10 yếu tố cơ bản được được chia làm 2 nhóm.
Nhóm nền tảng cốt lõi:
- Khử cacbon trong môi trường nhân tạo: Chuyển đổi sang vật liệu và công nghệ xây dựng xanh để giảm lượng khí thải từ quá trình xây dựng và vận hành.
- Tận dụng năng lượng tái tạo: Khai thác năng lượng mặt trời, gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác để cung cấp cho đô thị.
- Di chuyển và Giao thông: Chuyển sang các loại hình di chuyển ít phát thải như phương tiện công cộng, đi xe đạp, đi bộ và xe điện.
- Quản lý chất thải: Thực hiện các chương trình tái chế và đề ra chiến lược giảm thiểu chất thải.
- Bảo vệ môi trường tự nhiên: Bảo tồn đa dạng sinh học và tăng cường không gian xanh cho đô thị.
Nhóm yếu tố hỗ trợ quan trọng:
- Quy hoạch thành phố carbon thấp: Ban hành luật quy hoạch và chiến lược quy hoạch để phát triển bền vững.
- Sự tham gia tích cực của cộng đồng: Thu hút cư dân tham gia vào các sáng kiến bền vững để thúc đẩy ý thức tự giác bảo vệ môi trường.
- Các chính sách và quy định hỗ trợ phát triển bền vững: Xây dựng các chính sách bắt buộc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và khuyến khích các hoạt động xanh.
- Sinh kế kinh tế: Cần đảm bảo công ăn việc làm cho người dân và phát triển kinh tế song song với phát triển bền vững.
- Tài chính xanh: Đầu tư vào các dự án có tác động tích cực đến môi trường thông qua các mô hình tài chính đổi mới sáng tạo
Thách thức và điểm sáng
Dù quá trình chuyển đổi sang mô hình đô thị carbon thấp không phải dễ dàng, nhưng Việt Nam đang đạt được những tiến bộ đáng kể.
Về mặt giao thông, hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay. Có thêm một phương tiện công cộng hiện đại sẽ giúp giảm thiểu việc sử dụng xe máy, từ đó giảm đáng kể lượng khí phát thải nhà kính.
Về việc khử carbon trong xây dựng, theo một nghiên cứu của McKinsey, trong một danh mục bất động sản thương mại thì chỉ có 10% số bất động sản đó tạo ra 80% nguy cơ liên quan đến biến đổi khí hậu. Quá trình khử carbon trong xây dựng toà nhà thương mại cần khoản đầu tư không nhỏ, nhưng đây cũng là cơ hội để giảm chi phí năng lượng và vận hành cho tòa nhà. Chủ đầu tư cũng có thể thu thêm phí bảo hiểm xanh khi cho thuê. Do đó, các nhà phát triển bất động sản và các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải ưu tiên lên chiến lược để thúc đẩy việc xây dựng các tòa nhà carbon thấp.
Ngoài ra, Việt Nam đã trở thành một trung tâm tài chính xanh, thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững. Tài chính xanh ở Việt Nam, đặc biệt là năng lượng tái tạo và các dự án bền vững, đang phát triển nhanh chóng. Theo McKinsey, vốn tài trợ các dự án xanh đã tăng mạnh từ 3 tỷ đô la vào năm 2018 lên 38 tỷ đô la vào năm 2021. Điều này cho thấy nỗ lực của cả khu vực công và tư nhân để hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo nghiên cứu của ngân hàng HSBC, 95% công ty bất động sản cho biết rằng Net Zero có ảnh hưởng quan trọng về mặt thương mại với doanh nghiệp của họ. Ngoài ra, những vấn đề như tài chính, chính sách và khung pháp luật vẫn còn là rào cản trong việc thi hành chiến lược hướng tới Net Zero.
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc của HSBC Việt Nam, cho biết: "Là một trong những ngân hàng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, HSBC nhận thức được rằng để cùng đất nước hướng tới mục tiêu Net Zero thì lĩnh vực bất động sản cần nhanh chóng tích hợp các giải pháp phát triển bền vững.
Với kinh nghiệm tích lũy từ những thị trường khác, HSBC có thể giúp doanh nghiệp thiết lập các mục tiêu và hành động để giảm lượng khí thải, hỗ trợ khử khí phát thải, cũng như góp ý để xây dựng các quy trình hợp lý hơn về xây dựng và cải tạo tòa nhà."
Trong Kế hoạch Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế cacbon thấp.
Việc tích hợp phát triển carbon thấp vào mọi khía cạnh của quy hoạch đô thị không chỉ là mục tiêu chính sách mà còn là một bước phát triển cấp thiết để xây dựng môi trường đô thị bền vững, lành mạnh và khả năng chống chịu trước những thách thức của thế kỷ 21.
Về Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2024
Do Vietnam Innovators by Vietcetera và Raise Partners đồng tổ chức, hội nghị đã mang đến những cuộc đối thoại và câu chuyện ESG mang tính chuyên môn cao và hữu ích từ các chuyên gia, nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện từ các tổ chức chính phủ quốc tế, và các công ty khởi nghiệp startup định hướng ESG trong và ngoài nước.
Thời gian: 8:30 AM - 4:30 PM, ngày 16-17/05/2024
Địa điểm: Khách sạn New World Saigon Hotel - 76 đường Lê Lai, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Thông tin chi tiết về sự kiện: tìm hiểu thêm tại ĐÂY
Chân thành cảm ơn các nhà tài trợ: Dynam Capital and Vietnam Holding (Title Sponsor), Australian Department of Foreign Affairs and Trade (Leading Government Partner), British University Vietnam, HSBC Vietnam (Major Sponsor), New World Saigon Hotel (Venue Sponsor), S&P Global, DEEP C Industrial Zones (Expert Content Partner), Vero Asean (Official Communications Partner), Aden Services (Booth Sponsor),Eurocham, Nordcham, and AmCham (Promotional Partner), Marou, Cricket One and Every Half Coffee (In-Kind Partners).
Chuyển ngữ bởi Bích Trâm