Lê Mai Anh — Giám đốc Quốc gia tại PR Newswire Việt Nam
PR Newswire, một công ty của công ty Cision Ltd., là nhà cung cấp hàng đầu trên toàn cầu về phát hành, phân phối tin tức cũng như phần mềm và dịch vụ liên quan đến truyền thông lan truyền. PR Newswire phục vụ hàng chục nghìn khách hàng từ khắp các văn phòng ở Châu Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi và Châu Á - Thái Bình Dương.
Kể từ khi thành lập vào tháng 6/2018, PR Newswire Việt Nam đã xây dựng được một mạng lưới phân phối tin tức bao gồm hơn 867 đối tác trong nước cũng như kết nối với hơn 6200 người làm báo thường trực tại Việt Nam. PR Newswire là đơn vị truyền tải tin tức cho các doanh nghiệp Việt Nam từ nhiều lĩnh vực như du lịch, công nghệ và kinh doanh.
Đồng hành với sự phát triển của PR Newswire tại Việt Nam từ những ngày đầu tiên là Lê Mai Anh. Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông và PR, cô đảm nhiệm trọng trách Giám đốc Quốc gia. Cô lãnh đạo và đưa ra những chiến lược để nâng cao vị thế của công ty trong thị trường tiềm năng này.
Hãy cùng Vietcetera lắng nghe Anh chia sẻ những kiến thức cần biết khi theo đuổi ngành truyền thông và PR, cũng như những điều mà cô đã học được trong suốt sự nghiệp lãnh đạo của mình.
Các trọng trách của chị khi làm Giám đốc Quốc gia tại PR Newswire Việt Nam là gì?
Thực ra có một số người nó với tôi rằng Giám đốc Quốc gia nghe khá “ngộ nghĩnh”, nhưng đây một là chức danh phổ biến ở các công ty đa quốc gia.
Vị trí này cũng như bất cứ vị trí Giám đốc điều hành tại một công ty nào khác. Tôi thực hiện trọng trách vận hành bộ máy, tạo doanh số cũng như chịu trách nhiệm chung cho các hoạt động thúc đẩy thị trường, tiếp thị và xây dựng thương hiệu tại Việt Nam.
Khi phỏng vấn các ứng viên tương lai, chị tìm kiếm những phẩm chất gì? Đâu là các yếu tố kiến tạo nên một chuyên viên PR?
Cá nhân tôi luôn mong muốn các bạn ứng viên chủ động trong công việc. Điều này thực sự rất quan trọng bởi chỉ có các bạn mới có thể làm chủ nghiệp vụ, tiến độ dự án, chất lượng công việc và sự phối hợp giữa các đội nhóm của mình.
Người lãnh đạo muốn nhân viên của mình chủ động trong công việc, chủ động trong việc đề xuất ý kiến và giải pháp, giúp họ san sẻ bớt gánh nặng công việc. Tôi mong các bạn ứng viên tương lai đừng nghĩ sếp là người “đưa tay chỉ việc”, hành xử kiểu “thiên lôi” bởi vì trong bối cảnh hiện nay rất khó có thể làm điều đó, đặc biệt là trong những công ty hay tập đoàn toàn cầu.
Một điều nữa mà tôi mong đợi từ các bạn ứng viên trẻ đó là khả năng tự học. 70% kinh nghiệm có được là từ việc thực hành; 30% còn lại từ những gì các bạn được học tại trường lớp, sách vở. Dù có theo đuổi công việc gì thì các ứng viên cũng cần phải trang bị cho mình tinh thần khám phá và ham học hỏi trước khi bước chân vào con đường sự nghiệp.
Để trả lời vế sau của câu hỏi của bạn, tôi nghĩ dùng từ kiến tạo thì có phần hơi đao to búa lớn. Đối với tôi, những yếu tố cơ bản để trở thành một chuyên viên truyền thông chính là:
- Khả năng giao tiếp: Chắc chắn bạn phải là người có khả năng giao tiếp khi quyết định theo con đường này. Bạn không nhất thiết phải là rất khéo ăn khéo nói, nhưng ít nhất bạn nên thành thạo và chủ động trong giao tiếp để có thể truyền tải được những thông điệp mình mong muốn đến người nghe tốt hơn.
- Khả năng viết: Cho dù được team hỗ trợ thì mỗi chuyên viên PR cũng cần phải có và tự rèn luyện cho mình kỹ năng này.
- Khả năng thích nghi: Công việc của một chuyên viên PR đòi hỏi khả năng thích nghi cao. Tính chất công việc truyền thông thay đổi liên tục nên bạn cần phải học cách thích ứng nhanh, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ và mạng xã hội phát triển như hiện nay.
- Khả năng tự học hỏi: Như tôi đã đề cập bên trên thì để thành công trong công việc này, chúng ta luôn cần trau dồi kiến thức. Cả kiến thức trong lĩnh vực mà chúng ta theo đuổi lẫn kiến thức liên ngành. Làm sao để tạo nội dung thú vị, làm sao thiết kế được 1 poster, chạy Ads, SEO, hay CRM (Customer Relationship Management — Quản lý quan hệ khách hàng). Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến công việc của 1 chuyên viên PR.
- Khả năng tự nhìn nhận bản thân: Bạn cần phải học cách chấp nhận những sai lầm của mình. Con người không ai hoàn hảo, và người làm truyền thông cũng vậy. Dân gian có câu “Sảy chân thì đỡ được sẩy miệng thì khó phai”. Đây là một áp lực thường trực trong ngành này. Việc vượt qua những khó khăn, những thất bại chỉ càng làm cho mỗi chuyên viên truyền thông và quan hệ công chúng vững vàng hơn mà thôi.
Một ngày làm việc của chị thường như thế nào?
Một ngày làm việc của tôi cũng bắt đầu như mọi người vào lúc 8h sáng và kết thúc vào khoảng 6h chiều. Tuy nhiên, PR Newswire là một tập đoàn toàn cầu nên chúng tôi cũng khá linh động về thời gian, miễn là đảm bảo được hiệu suất công việc.
Thái độ làm việc cũng là điều rất quan trọng. Hãy tập làm việc mà không cần ai giám sát. 15 năm qua tôi đều như vậy vì các lãnh đạo của tôi đều đóng quân tại các nước khá xa và rất ít khi có mặt tại Việt Nam.
Số liệu ít khi nói sai, và những con số cuối ngày là minh chứng tốt nhất cho chất lượng công việc của tôi.
Chị đưa ra những lời khuyên gì cho các sinh viên mới ra trường muốn theo đuổi sự nghiệp PR ở Việt Nam?
Luôn luôn chịu khó học hỏi. Đừng sợ và đừng từ chối. Lời khuyên này tôi dành cho tất cả các bạn sinh viên nào muốn theo đuổi công việc mơ ước của mình, không chỉ trong ngành truyền thông mà còn rất nhiều ngành nghề khác. (Cười)
Có những điểm khác biệt nào giữa ngành truyền thông và PR của Việt Nam và thế giới?
Thực ra không có sự khác biệt nào giữa ngành truyền thông và PR của thế giới và Việt Nam. Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào cũng phải theo những tiêu chuẩn toàn cầu của ngành nghề này.
Cái mà chúng ta cần lưu tâm đó là cách áp dụng các chiến lược, và chiến thuật toàn cầu ra sao cho phù hợp với thị trường Việt Nam mà thôi. Quan trọng nhất là phải thấu hiểu sự khác biệt về văn hóa và con người. Để làm được điều đó buộc phải am hiểu và nghiên cứu thị trường bản địa cụ thể. Tập trung vào những nguồn lực có thể / hoặc khả năng thực hiện được tại Việt Nam chứ không áp dụng nguyên quy mô và phạm vi của một chiến dịch quốc tế.
Có những chiến dịch thành công tại thị trường quốc tế nhưng không có nghĩa sẽ thành công tại VN và ngược lại. Vậy nên, làm truyền thông không chỉ đơn giản là có mối liên hệ tốt với báo chí, với những người có tầm ảnh hưởng, với cơ quan chính phủ. Điều quan trọng hơn là cần có sự am hiểu thị trường bản địa để bất cứ chiến dịch nào cũng đạt “chuẩn” và được người xem, người nghe địa phương đón nhận.
Chị đã tích lũy hơn 15 năm kinh nghiệm khi chỉ mới làm việc tại ba công ty. Điều gì đã truyền cảm hứng và giúp chị ở lại khá lâu tại Reuters News Agency và giờ ở PR Newswire?
Số doanh nghiệp mà tôi từng đầu quân cho không nhiều, nhưng trong 10 năm ở Reuters tôi đã được làm việc tại tận 4 vị trí. Việc thuyên chuyển (tiếng Anh người ta hay nói là rotation) trong cùng 1 công ty là việc rất cần thiết. Nó giúp mỗi cá nhân có thể học và hiểu thêm được kỹ năng và kiến thức tại từng mảng lĩnh vực khác nhau. Hơn hết, điều này cũng có lợi cho doanh nghiệp vì không ai có thể hiểu doanh nghiệp của mình bằng chính những nhân viên làm việc lâu năm .
Nói về truyền cảm hứng thì tôi rất thích 1 câu nói này của Richard Branson: “Nếu ai đó trao cho bạn một cơ hội thú vị và bạn chưa chắc có thể thực hiện nó. Hãy trả lời Có và học để bắt đầu”. Đây chính là lý do mà mỗi khi được nhận một công việc mới tôi không bao giờ từ chối và lưỡng lự. Tôi luôn luôn say YES, khi bắt đầu vị trí điều hành của PR Newswire cũng vậy.
Tôi vẫn còn nhớ như in các sếp nói với tôi rằng họ không biết phải giao cho tôi làm gì nên tôi được quyền đề xuất và quyết định mọi việc. Tôi chỉ biết họ chọn tôi vì tôi là người Việt Nam thôi!
Chị có thể có chia sẻ lời khuyên gì về việc đi tìm bến đỗ sự nghiệp của mình?
Thực ra rất khó để tìm được một bến đỗ sự nghiệp. Bất cứ ai cũng có thể bị sa thải, ngay cả vị trí CEO nếu công việc không đạt được kết quả tốt. Điều đó cũng không có gì là lạ. Cái quan trọng là trên bước đường sự nghiệp của mình, mình đã luôn cố gắng, luôn nỗ lực.
Tôi xin nhắc lại những gì tôi đã chia sẻ với các bạn sinh viên trong một lần gần đây: “Những gì đang tới chúng ta khó lòng có thể kiểm soát hết. Ta chỉ có thể không ngừng nỗ lực, không ngừng học hỏi, không ngừng thay đổi qua từng ngày. Chỉ có như vậy chúng ta mới không thấy tiếc nuối cho những gì đã qua”. Tôi tin chỉ cần giữ vững tinh thần này, bất cứ ai cũng sẽ tìm được thành công trên con đường sự nghiệp của riêng mình.
Về PR Newswire:
PR Newswire, một công ty của công ty Cision Ltd., là nhà cung cấp hàng đầu trên toàn cầu về phát hành, phân phối tin tức cũng như phần mềm và dịch vụ liên quan đến truyền thông lan truyền.
Cùng với bộ sản phẩm truyền thông dựa trên nền tảng đám mây của Cision, các dịch vụ của PR Newswire cho phép marketer, bộ phận truyền thông doanh nghiệp, và các nhân viên quan hệ nhà đầu tư có thể xác định những người có tầm ảnh hưởng lớn, thu hút khách hàng mục tiêu, lên và phân phối nội dung chiến lược, cũng như đo lường những tác động hiệu quả tới mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
Kết hợp mạng lưới phát hành nội dung đa kênh, đa văn hóa lớn nhất thế giới với các công cụ và nền tảng quy trình làm việc toàn diện, PR Newswire tạo sức mạnh cho câu chuyện của các doanh nghiệp, tổ chức trên toàn thế giới. PR Newswire phục vụ hàng chục nghìn khách hàng từ khắp các văn phòng ở Châu Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi và Châu Á - Thái Bình Dương.