Loay hoay tìm nguồn cơn và cách thoát khỏi hố đen trầm cảm

"Anh đã trèo lên được khỏi hố nhưng vẫn loanh quanh ở miệng nó mà không thể lết đi xa, và lúc nào cũng có thể tụt xuống."

TS. Đặng Hoàng Giang
Loay hoay tìm nguồn cơn và phương pháp thoát khỏi hố đen trầm cảm

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

“Đại dương đen,” dự án mới của tác giả Đặng Hoàng Giang, đi vào thế giới của người trầm cảm và người thân của họ. Thông qua các trải nghiệm cá nhân của người trong cuộc, dự án hy vọng có thể giúp cộng đồng hiểu hơn về các hình thái khác nhau của căn bệnh này, nó khác với “nỗi buồn thông thường” như thế nào, nó có thể gây tàn phế hay thậm chí thầm lặng sát hại ra sao, những cố gắng hỗ trợ nào nhiều thiện chí nhưng lại gây hại, và có những định kiến nào đang tồn tại.

Vì sao lại là Đại dương đen? Đây là một ẩn dụ mà nhiều người trầm cảm hay nhắc tới: có một khối chất lỏng khổng lồ, u ám màu đen hoặc xanh tím, và họ thấy mình chìm mãi, chìm mãi trong đó, trong sự sợ hãi và cô đơn, không có điểm dừng và không có hy vọng thoát khỏi.

Bạn đọc lưu ý, series này chia sẻ những câu chuyện thật của người trầm cảm nên có thể gây kích động tâm lý.

Trì hoãn bởi nỗi hoài nghi và sợ thuốc

Khi biết vợ mình có bầu, Thành hiểu rằng anh không thể trì hoãn được nữa. Đã tới lúc anh phải đặt được tên cho tình trạng của mình, phải hiểu mình bị làm sao. Anh cần biết liệu đứa con tương lai của mình có thể nhận được thứ gì đó “rác rưởi” từ anh hay không.

Chuyện đã bắt đầu từ sáu, bảy năm nay rồi, nhưng tới năm ngoái, khi anh hai bảy tuổi, thì nó trở nên trầm trọng.

Ngồi trong văn phòng, Thành phát hiện ra nhiều khi mình nín thở bởi một sự căng thẳng vô cớ, cho tới khi không chịu được nữa, anh ngoi ngóp như một con cá mắc cạn. Lại có những ngày anh bị nấc triền miên, khiến toàn bộ lồng ngực như bị bóp nát. Lên cầu thang, anh hụt hơi, trong các cuộc họp, anh hay xây xẩm mặt mày, tai ù đi và nhiều khi phải giấu tay xuống dưới đùi vì chúng cứ run lên. Có hôm, anh thấy mình ngồi ven hồ lúc trời mưa mà không nhớ được là mình đã tới đây như thế nào.

Anh trở nên béo bệu vì tích nước, đi ngoài liên tục và mất ngủ. Các bác sĩ bảo là anh bị rối loạn hệ thần kinh thực vật. Mỗi ngày, anh uống thuốc đi ngoài, men tiêu hoá, thuốc bổ xương khớp, vitamin, thuốc bổ mắt, thuốc bổ não, thuốc giảm đau và thuốc ngủ.

Thành âm thầm chịu đựng. Xung quanh, không ai nhận thấy gì, chỉ có vợ anh hay ngạc nhiên là nhiều chuyện mới xảy ra mà anh đã quên. Anh dùng thuốc lá và cà phê vô độ để kích mình lên.

Bên ngoài, anh vẫn họp hành, giao tiếp với khách hàng và tạo ấn tượng tốt. Bên trong, anh chìm ngập trong sự bực bội, khó chịu và tức giận vô lý và kỳ quái. Mỗi ngày là một cố gắng “đu dây” phi thường, một cuộc vật lộn không ngừng nghỉ để kiểm soát bản thân.

Thành có cảm giác mình sắp phát điên hoặc sắp chết vì một bệnh nan y kỳ lạ nào đó. Gần đây, trong một cuộc thảo luận ở công ty, anh giận dữ ném cốc nước vào tường, khiến mọi người sửng sốt. Anh gọi nó là một bùng nổ.

Cuối một buổi chiều, Thành tới Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương. Đã chuẩn bị tinh thần, nhưng khi nhìn thấy tấm biển trên cổng, anh vẫn khựng lại một giây. Tâm thần, cái chữ đó vang lên như tiếng kim loại trong đầu làm anh choáng váng. Lại còn ban ngày nữa chứ. Anh thoáng tức giận, chả nhẽ người ta chỉ được điên vào giờ hành chính thôi hay sao?

Người ta đưa cho Thành mấy bài test. Bà nhân viên ngồi bàn bên giục, “Khẩn trương, khẩn trương! Sắp hết giờ rồi… Đã bảo làm bài này trước, bài này cần nhiều thời gian…” Đoạn bà cho ví và điện thoại vào túi, kéo khóa kín, để nó lên lòng.

Khi có kết quả, bà bác sĩ nhìn vào rồi nói với người bên cạnh, cứ như ở đằng trước bà, Thành là một bao cát, “Ơ, nặng như thế này thì đáng lẽ phải mất kiểm soát chứ nhỉ? Sao vẫn tỉnh táo nhỉ?” Quay về phía anh, bà giương mắt lên, “Người nhà đâu, sao thế này mà không có người nhà đi cùng?”

“Cháu… bình thường mà,” Thành ấp úng, “hôm nay cháu nghỉ làm sớm để tới đây.” Anh nhấn mạnh chữ làm như muốn bà ta hiểu ngầm rằng mình vẫn ở trong cộng đồng, mình chưa bị loại ra ngoài.

Nhưng bà bác sĩ không nghe anh nói, bà cúi xuống, xoẹt xoẹt, kê một cái đơn thuốc dài. Trầm cảm nặng đi kèm rối loạn lo âu lan tỏa. Mua thuốc ngay, hết ba triệu, có bao nhiêu thì mua bấy nhiêu, thiếu thì mai quay lại mua nốt.

Ở ngoài cổng, Thành nhìn cái lưng của bà bác sĩ đang dắt xe trước mình và vứt cái đơn thuốc đi. Anh có cảm giác mình là một con bò bị đẩy lên cái băng chuyền không có đường xuống, anh không sẵn sàng uống thuốc.

Tuổi thơ chìm trong biển âm thanh hỗn tạp

Lần bùng nổ thứ hai của Thành xảy ra gần hai năm sau cái ngày anh tới Mai Hương. Tối hôm đó, anh định ra đường đưa đứa em trai say rượu về nhà thì bố anh ra chặn cửa, hơi rượu nồng nặc, “Để cho nó chết mẹ nó đi!” Trong một tích tắc, Thành đánh mất lý trí. Anh túm tóc bố, giúi ông xuống dưới.

Đến giờ, Thành vẫn tin rằng bố mình là người tốt, yêu thương vợ con. Ông âm thầm chăm sóc gia đình, vá săm, bơm lốp xe cho con, thay bóng đèn, sửa vòi nước. Nhưng cũng trong một thời gian dài, Thành mong bố chết, đó sẽ là một giải thoát cho ông và cho mọi người trong nhà.

Từ rất lâu rồi, anh đã thấy bố hầu như không ăn uống, nhưng ngày nào cũng có hai bữa bia đều như vắt chanh. Tốt nghiệp đại học, bỏ việc nhà nước vì không đủ sống, và sau một thời gian buôn lậu Bắc Nam bị phá sản, ông chuyển sang mở một cái xưởng tôn, sắt.

Giữa hai bữa bia, ông ngồi uốn sắt, gò tôn, bên cạnh lúc nào cũng là cốc rượu trắng để “chiêu.” Hai thứ mà ông không thể thiếu, hai thứ cho phép ông vùi đầu vào là công việc, mười mấy tiếng một ngày, và rượu. Sau này, khi đã bị ung thư, có thể sáng ông điều trị, tối ông vẫn lôi đồ nghề ra.

Ngày nào đi học về, cậu bé Thành cũng hồi hộp hít sâu như chuẩn bị lặn xuống một đầm lầy. Liệu hôm nay nhà cửa có tan hoang không đây? Nghe tiếng xe máy của bố từ xa, cậu có thể đoán được tình trạng của ông. Tay ga này nghe không đều, không ổn định, bố đang say, bố sẽ cố tình tông xe vào cửa, sẽ vào nhà mở nhạc ầm ĩ, sẽ khủng bố và đập phá.

Tuổi thơ của hai anh em là một biển âm thanh hỗn tạp. Chỗ làm việc của ông ở ngay bên trên phòng ngủ của Thành, ông hay gọi cậu lên phụ việc bằng cách đập búa hoặc những khung sắt xuống sàn. Có những đêm, hồi chỉ mới ngoài mẫu giáo, Thành bị dựng dậy để lắp mấy cái kệ. Tới tận bây giờ, bất kỳ một âm thanh chói tai nào cũng làm anh giật mình và lạnh run người.

Trong câu chuyện của mình, Thành trở đi trở lại với người bố như một ẩn số lớn của đời anh. Vì sao ông không thuê thêm người phụ việc, nhưng lại luôn đay nghiến vợ con, “Tao làm việc như một con chó, thế mà chúng mày…?” Vì sao ông bắt các con làm cùng, nhưng khi cậu đem về cái mặt nạ có màng lọc than hoạt tính vì không chịu được mùi sơn trong căn phòng kín, thì ông lấy hết sức bình sinh ném nó vào tường, rồi cầm kéo chĩa vào mặt cậu, “Mày định dạy khôn tao đấy à?” Vì sao ông đánh đập, chửi bới dữ dội chỉ vì cậu tháo cái giỏ trước xe máy mà không hỏi, nhưng hôm sau lại hào phóng đưa tiền, mày mua cái này, cái kia đi? Tại sao lại có một người vừa kiếm tiền, vun vén cho gia đình, vừa hành hạ người thân một cách toàn diện như thế?

Thành túm tóc bố, ghì xuống dưới, gào lên cái câu hỏi đã nằm trong đầu mình từ bao năm nay, “Bây giờ mày muốn gì?” Thành đấm như một cái máy. Anh không thể nào hiểu được sự bệnh hoạn này. Ông ấy muốn gì từ mẹ con anh? Cuối cùng thì ông ấy muốn gì ở cái gia đình này, ở cuộc đời này? Cùng với nhịp đấm là tiếng đầu bố anh đập xuống sàn và tiếng kêu uất ức của anh, “Mày chết đi! Mày muốn gì? Mày chết đi! Mày muốn gì?” Đó là những tiếng kêu của tuyệt vọng.

Sẵn sàng đối mặt một lần nữa

Sự kiện đánh bố xảy ra trong khoảng thời gian Thành hay gặp một chị tư vấn tâm lý. Chị ấy rất nhẫn nại, rất lắng nghe, và Thành cảm thấy dễ chịu khi có người giúp mình sắp xếp mớ bòng bong trong đầu. Ngay ngày hôm sau, hai vợ chồng anh tới gặp chị. Cả ba hiểu rằng anh đã vượt ngưỡng, và giờ đây cần một biện pháp khác. Việc anh vẫn tiếp tục sống trong môi trường độc hại khiến cho các cố gắng của chị tư vấn không đem lại nhiều kết quả.

Đó cũng là lúc Thành đã ở nhà được một năm, dù lúc đầu anh chỉ định nghỉ làm ba tháng để hồi sức trước áp lực ở công ty và sự hỗn loạn ở nhà. Con trai anh cũng đã một tuổi, nó cần có một người bố khỏe mạnh. Thành trở nên rất sốt ruột. Anh muốn chữa trị dứt điểm. Anh đã sẵn sàng vượt qua sự hoài nghi và nỗi sợ thuốc của mình.

Thành được giới thiệu tới một bác sĩ tâm thần, cây đa cây đề trong ngành. Hai tuần sau khi uống thuốc của ông ấy, anh trở thành một cái bịch không cảm xúc. Anh ngồi đờ đẫn trong phòng và ghi nhận hai thứ đang động đậy, ở góc nhà là cái quạt, trước mặt anh là đứa con. Anh nhận ra rằng mình nhìn hai thứ đó với cùng một cảm xúc - sự thờ ơ.

Mấy hôm trước, anh bế đứa con đứng trên vỉa hè, trong khi vợ anh lúi húi làm gì đó bên cạnh. Đứa bé khóc ngằn ngặt. Trong Thành dâng lên một sự khó chịu, anh nhìn cục thịt trong tay, nó dãy dụa và phát ra những âm thanh chói tai. Sự khó chịu lớn lên, chuyển thành nỗi tức giận. Trong đầu, anh thấy mình vứt toẹt đứa trẻ xuống dưới lòng đường, nơi xe cộ đang qua lại.

Thành gọi điện cho ông bác sĩ, người chưa bao giờ cảnh báo anh về các tác dụng phụ của thuốc. Anh kể là người anh bị chảy thượt ra, tay anh thõng xuống, bước chân anh lệt xệt. Rằng anh nằm mê mệt cả ngày trong phòng, chuông điện thoại báo giờ uống thuốc vang lên như từ chốn xa xăm. Nếu người thân vào phòng kéo rèm và bật đèn, anh sẽ sợ hãi và tức giận đuổi ra.

Ông bác sĩ cụt lủn, “Thế có muốn đổi thuốc không, loại sau sẽ mạnh hơn đấy nhé!”
Thành kể là buổi tối, mắt anh cứ trợn lên mà không đóng lại được. Tới bữa, anh cố nhét thức ăn vào mồm nhưng cảm giác như ăn rác. Anh mất khả năng điều khiển xe máy và nói chung không kiểm soát được cơ thể của mình nữa.

“Thế thì nhập viện nội trú đi thôi,” ông bác sĩ lại ngắn gọn.

Thành nói anh cảm thấy không thể tiếp tục được nữa.

“Cháu thích dừng thuốc thì dừng, đấy không phải là vấn đề của bác.”

Mấy lần sau, ông ấy cũng vẫn nghe điện thoại và vẫn trả lời y chang như vậy. Thành đã gặp nhiều người như thế. Trước người khác, họ thể hiện một biên độ cảm xúc hẹp như một người thợ cơ khí thể hiện với một cái xe máy. Những người như ông là những người thợ bốc thuốc.

Sau bốn tháng, anh dừng thuốc.

Cày xới lại quá khứ để tìm nguồn cơn

Đêm đã khuya, phòng bệnh im ắng, chỉ thỉnh thoảng có tiếng ú ớ mê sảng. Ngồi bên giường bố, Thành nhìn cái lưng gầy của ông. Ông thở đều, mặt chỉ cách bàn chân của người bệnh nằm ngược đầu đuôi cùng giường vài xăng ti mét.

Đâu là thời điểm tín hiệu đầu tiên xuất hiện ở anh? Thành nhớ lại cái buổi hội trường năm anh lớp Mười một. Đã mười mấy năm trôi qua, nhưng anh vẫn không thể nào quên. Hôm ấy, khi đang ở sân trường, xung quanh là cờ quạt, âm nhạc, đèn hoa, không khí ngày hội, bỗng nhiên bên trong cậu bé Thành có một cái hố sâu mở ra rộng ngoác. Mọi thứ mờ đi, thảm âm thanh lùi ra xa. Cậu đứng đó trơ trọi, không thể chạm được vào tụi học trò, vào cây cối, không gian xung quanh. Có một nỗi buồn thăm thẳm mà cậu không thể mô tả. Thành thấy mình rơi vào cái hố thăm thẳm đó, xa dần, xa dần sự sống mà không thể níu kéo được. Chính xác hơn, cậu để mình rơi và không muốn níu kéo gì cả.

Bố Thành khẽ cựa mình. Anh tin rằng các trải nghiệm tuổi thơ đã khiến bố anh trở thành như bây giờ. Cuối đời, ông nội của Thành bị điên. Ông trần truồng, cầm dao đuổi mọi người. Bà nội đưa các con lánh về quê, chỉ thỉnh thoảng lên thăm chồng. Bố Thành được thụ thai trong một buổi thăm đó.

Bố lớn lên trong một căn nhà nát, năm sáu mẹ con chen chúc nhau. Lần nào được bà cho về thăm ông, bố cũng bị ông đuổi đánh và một lần bị ông túm tóc dìm xuống dưới ao. Ông nội mất năm bố tám tuổi. Có vài lần, Thành hỏi bố, “Bố có nhớ mặt ông nội không?” Lần nào, bố anh cũng lắc đầu.

Hồi mẹ Thành yêu bố anh, nhiều người cảnh báo, “Bố thằng ấy bị điên đấy…” Bạn đại học của bố kể rằng bố vốn hiền, nhưng mà “lúc điên lên thì đánh hết, kể cả bạn gái.”

Liệu đó là nguồn cơn của các vấn đề của anh?

Thành nhớ tới một cuốn nhật ký mẹ viết trong lúc mang thai anh mà anh tìm được ở một xó xỉnh trong nhà. Trong cuốn sổ, mẹ tự hỏi, tương lai của đứa trẻ trong bụng mình sẽ ra sao. Liệu bà có hình dung được câu chuyện bây giờ?

Mẹ anh lớn lên với nhiều đòn roi từ bà ngoại mà lại ít sự chỉ bảo, và trở thành một kẻ phụ thuộc và nhu nhược. Đến khi đi lấy chồng, mẹ anh vẫn không phân biệt được các loại thịt. Cái điều khiển ti vi mẹ cũng chỉ biết duy nhất cái nút tắt bật và tiến lùi, và tới giờ bà vẫn không biết đi xe máy.

Sau mỗi trận đập phá của bố, hôm sau, mẹ lại làm như không có gì xảy ra. Bà là một suối nguồn bất tận của sự chịu đựng nhẫn nhục. Cách hành xử của hai người ăn khớp nhau, họ như hai bạn nhẩy của một điệu tăng gô bạo lực và phá huỷ.

Bố Thành xoay người, mở mắt, thấy Thành, ông yên tâm nhắm mắt lại. Ung thư đã thay đổi ông, ông rời được vòng xoáy của bạo lực, không rõ do sức lực không còn là bao, hay do ông thay đổi trong suy nghĩ. “Con đi cùng bố nhá, bố rất là bối rối,” ông nói với Thành khi căn bệnh gõ cửa.

Trong những đêm dài bên giường bố, Thành hiểu được rằng đằng sau sự giận dữ và bạo lực của ông là cái bất mãn, sự bế tắc trước cuộc đời và nỗi sợ mình vô giá trị. Ông giãy giụa trong tuyệt vọng và kéo mọi người chìm theo. Liệu đâu đó ông có ý thức được về trạng thái của mình? Khi Thành mang tờ chẩn đoán của bệnh viện về, ông phản ứng gay gắt, “Mày bị vậy là do mày hết! Mày điên là do lỗi của mày. Tao không điên! Không, tao không điên, tao không có lỗi!”

Sau này, khi tác dụng phụ của thuốc khiến anh không đi được xe máy nữa, ông đèo anh đi mua thuốc, nhưng khi về thì vẫn nhắc lại, “Bác sĩ bảo nó bị vậy là do nó, không phải do tôi.”

Trong những đợt điều trị ung thư, Thành chở ông đi về. Anh chạy xe chầm chậm, đằng sau, bố anh yếu ớt như một đứa trẻ. Giờ đây, ông chỉ là một người yếu đuối cần sự trợ giúp. Thành cảm thấy bình an. Những kỷ niệm của hai bố con hồi anh còn rất nhỏ và lúc bố chưa rượu chè trỗi dậy.

Hồi đó bố cũng đèo anh đi lang thang như anh đang đèo bố bây giờ. Anh bắt đầu kể lại với bố, chỗ này, bố đưa con đến thì gặp bác Hùng, bác ấy bị sắt cắt vào tay chảy máu. Chỗ này, bố đưa con vào chợ để mua cái xe đạp ba bánh, người bán hàng bảo màu này đẹp. Chỗ này, bố bế cho con tè vào gốc cây. Thành nghe thấy bố hắng giọng giấu sự xúc động.

Nhưng anh không nhắc lại cho bố là chỉ vài năm sau đó thôi, anh ngồi sau xe bố với sự sợ hãi tột cùng. Ông thường xuyên phóng như một người mất trí, lao vào người đi ngược chiều hay người sang đường sai chỗ với tất cả sự căm giận. Ông áp sát tới mức có thể huých tay vào họ và rồ ga khiến họ hoảng hốt. Trong đầu Thành vẫn còn đầy những tiếng la ó của người đi đường, “Điên à? Thằng khùng!” khiến anh vừa khiếp đảm vừa nhục nhã. Giờ đây, khi kể lại những chuyện này, giọng của anh vẫn lả đi vì căng thẳng và tay anh hơi run lên.

Ai cũng có thể là nạn nhân

Vậy là Thành đã ở nhà được bốn năm, từ tuổi hai mươi tám. Mất sức lao động, như người ta vẫn nói. Dễ bị căng thẳng và khó khăn để điều tiết cảm xúc, anh không ở trong môi trường văn phòng được nữa. Nếu sau một va chạm người bình thường có thể nhanh chóng lấy lại cân bằng, thì ở anh, dư chấn có thể kéo dài nhiều ngày và ám ảnh một cách kỳ quái.

Giờ đây, việc chính trong ngày của anh là đưa và đón con đi học, và anh cố gắng tận hưởng điều đó. Ai mà biết được là anh còn có thể chuyện trò bình thường với con bao lâu nữa.

Một vài lần trong tuần, anh cố gắng hẹn ăn trưa cùng vợ. Vợ anh là người níu anh lại với sự cân bằng, là bến bờ cuối cùng của anh, là người mà anh có thể kể ra hết. Dù tài chính không dư dả, chưa bao giờ cô ấy tỏ ra rằng anh không có giá trị vì anh không làm ra tiền, vì anh bất thường trong đầu.

Anh giúp vợ trong công việc marketing của cô ấy, góp ý về cái này cái kia, nhưng anh không ngồi được lâu trước máy tính, não anh nhanh bị trơ, các suy nghĩ trở nên ì ạch, và cố gắng tập trung khiến anh kiệt sức.

Thành tin rằng giữa anh và vợ có sự gắn kết và cảm thông sâu sắc vì họ đều là những kẻ bị tổn thương. Hồi ngoài hai mươi, cô được biết qua một người trong xóm là mình bị bỏ rơi và bố mẹ cô thực ra là bố mẹ nuôi. Không tỏ thái độ gì, nhưng mấy hôm sau, đang ngồi, cô bỗng tặc lưỡi, “Ôi xời, cái con mẹ mình chắc là chịch choạc lung tung. Thôi kệ mẹ nó đi, quan tâm làm đéo gì!”

Từ đấy trở đi, cô không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa. Duy mỗi khi làm hỏng cái gì đó, mỗi khi không hài lòng với bản thân, cô lại lẩm bẩm, “Đ. mẹ! Đúng là gene của con mẹ mình ngu, đúng là gene bẩn. Chắc cả con mẹ và thằng bố mình là loại chả ra gì nên mình mới vớ vẩn thế này.”

Bố mẹ nuôi của cô rất yêu thương, không bao giờ để cô thiếu thốn tình cảm, nhưng gần đây, có một lần, khi đã rất say, cô mê man bấu víu mọi người xung quanh, “Mẹ ơi đừng bỏ con.”

Nhiều lúc, Thành nhìn quanh và kinh sợ. Trời ơi, sao mà ai cũng là nạn nhân vậy? Ông bà nội anh này. Bố mẹ anh này. Anh và vợ này. Em trai anh này, dù hồi phổ thông học giỏi, giờ đây nó là một kẻ vất vưởng làm những việc “không chân chính” mà anh không muốn kể rõ hơn. Thành nhớ lại thời anh còn thực tập ở một công ty tin học nước ngoài danh giá, thời điểm duy nhất mà bố tự hào về anh. Một đêm, đã hai giờ sáng, mọi người vẫn đang cặm cụi cày cho một dự án triệu đô thì bỗng nhiên ông trưởng nhóm người Đức đẩy cái bàn phím ra, thở dài, “Mẹ! Cuộc đời tao như cứt… Tao chả biết nó sẽ đi về đâu.”

Hành trình tự chữa lành nhiều trắc trở

Sau khi dừng thuốc trầm cảm, Thành có cảm giác như được hồi sinh. Ăn uống lại được, cơ thể anh bắt đầu phục hồi, nó khao khát sự sống. “Mình phải tự cứu thôi, cứu mình, cứu gia đình,” Thành nhìn đứa con, tự nhủ.

Thành không may mắn với những phương pháp “phi chính thống,” như anh gọi. Đến đâu, người ta cũng khẳng định là họ sẽ giải quyết “tận gốc” vấn đề. Ông châm cứu nói, “Ối giời, trầm cảm cái gì, cậu yếu trong người nên đâm ra buồn, tôi châm cứu cho cậu khỏe lên là hết trầm cảm ngay ấy mà.” Ông bấm huyệt cũng bảo vậy, cô sắp xếp trường năng lượng cũng thế. Còn những người đi tìm trợ giúp như anh, anh thấy quá nhiều bị mụ mẫm hay phát cuồng với cái họ đang theo.

Những cơn lo âu quay trở lại. Anh cho rằng nó bắt nguồn từ việc đứa trẻ Thành luôn sống trong một môi trường phi logic, phi quy luật. Nếu như bố anh vừa vui vẻ chào con, “Bố ra ngoài một tí nhé,” thì chỉ một tiếng sau, ông trở về nhà như một con người khác, say xỉn, túm tóc, đánh đập. Hôm khác, ông về nhà với bịch lòng lợn, hào sảnh mời mọi người ăn, và tới cuối buổi thì đập cốc, đập bát, “Lũ chó lợn chúng mày cứ hốc đi! Sống là phải làm việc. Tao làm việc như trâu như chó là để cho chúng mày có cái mà hốc đấy.” Ba hôm trước ngày Thành cưới, ông vẫn không cho anh quét vôi lại phòng, “Nhà của tao, chúng mày là đồ mất dạy…” Tới ngày cuối, ông xắn tay áo lên dọn dẹp cùng rất chu đáo.

Thành tự ví mình với một con thú triền miên trong trạng thái bị săn đuổi, nhìn đâu cũng thấy mối nguy. Kìa, có mẩu váy lụa đen kẹp bên ngoài cửa của một chiếc ô tô hạng sang mà anh vừa vượt. Chắc hẳn sau tay lái là một phụ nữ, cô ta sẽ đi guốc cao gót, guốc sẽ vào mắc vào chân ga, xe lại có biển tứ quý nữa, cô ấy chắc sẽ coi trời bằng vung. Trong một tích tắc, tim anh loạn nhịp và anh hấp tấp tạt xe vào vệ đường, thở gấp.

Từ nãy tới giờ, cô chạy bàn ở quán cafe đã hai lần nhìn anh, toàn đúng lúc anh đang kể về ông bác sĩ vô cảm, khiến anh vô cùng hối hận mình đã nói tên ông ấy ra. Chẳng phải là cách đây mấy thập kỷ, khi mẹ anh làm lễ tân ở một khách sạn nhà nước, bà cũng được giao nhiệm vụ nghe trộm khách hay sao.

Rồi họ hàng nhà anh truyền nhau câu chuyện rằng không phải ông nội anh bỗng nhiên bị điên đâu, sau khi giải ngũ khỏi lực lượng tình báo, ông đã bị tiêm thuốc độc. Trong thế giới của cậu bé Thành non nớt, cái ác quá vẹn toàn và mạnh mẽ. Anh không chế ngự được cảm giác rằng mọi việc nằm ngoài sự kiểm soát, anh sẽ bị nghiền nát bởi cuộc đời.

Thành xoay người trên giường, ba tiếng nữa mới tới giờ anh đón con. Dần dần anh đánh mất cảm nhận về ranh giới giữa cái bình thường và cái bất thường, và quay ra hoài nghi bản thân. Ông bác sĩ hồi đó có thực sự là thờ ơ, vô cảm, hay đó chỉ là cảm nhận mang tính bệnh lý của anh? Khi anh dặn bạn không nên gửi địa chỉ nhà riêng cho mình qua tin nhắn, thay vào đó hãy đón anh cách nhà một con phố, thì đó là một sự cẩn trọng hợp lý, hay đó là một sự ngớ ngẩn? Thành hay nhìn vào mắt người tiếp chuyện và đau đáu chờ câu trả lời.

Cái điện thoại bỗng đổ chuông, anh hay cài chuông để thỉnh thoảng nó cắt anh ra khỏi luồng suy nghĩ miên man như sương mù trong đầu. Nếu không, mới vừa là buổi sáng mà ngẩng lên anh đã thấy thành hai, ba giờ chiều, anh quên cả ăn trưa.

Thành cảm thấy bế tắc và lạc lối, anh đã thử hết cách mà mọi thứ vẫn ngổn ngang. Anh đã trèo lên được khỏi hố nhưng vẫn loanh quanh ở miệng nó mà không thể lết đi xa, và lúc nào cũng có thể tụt xuống. Cuộc sống của anh sẽ mãi chỉ có đưa đón con và những giấc ngủ ban ngày chập chờn như thế này? Liệu một lúc nào đó anh có thể quay lại hành nghề kỹ sư tin học của mình? Liệu khi có cháu nội thì anh đã khoẻ mạnh bình thường chưa, anh có thể chơi với nó trong bình an không?

Hay ngược lại, một lúc nào đó anh sẽ mất kiểm soát? Và nếu vậy thì anh còn bao nhiêu thời gian? Lúc nào thì vợ anh không chịu đựng nổi anh nữa? Cơn khóc của con gái anh tuần trước, nó có bất thường không? Mỗi khi nỗi lo về con trỗi dậy thì nỗi căm ghét người bố lại bùng lên. Gen của anh có bẩn không? Nếu con anh bị làm sao thì người có lỗi là ông ấy!

Đầu năm nay, anh đốt hết các ghi chép, các chẩn đoán bệnh và đơn thuốc, và vứt tro ra gốc cây. Sau bao nhiêu năm nghiền ngẫm, cày xới quá khứ của mình và của bố mẹ mình để tự lý giải, Thành đã mệt mỏi. Nó chẳng đi đến đâu cả.

Tối hôm đó, anh dặn lại vợ một lần nữa, nếu một lúc nào đó anh không còn tỉnh táo, cô ấy phải cứng rắn và cách ly anh ngay lập tức, đặc biệt là cách ly với con.

*Tên và một số chi tiết cá nhân đã được thay đổi để bảo vệ sự riêng tư của nhân vật.

Nhận thấy nhu cầu lớn từ cộng đồng, tác giả Đặng Hoàng Giang cùng các cộng sự đang triển khai đường dây nóng mang tên Ngày Mai, một hoạt động phi lợi nhuận nhằm cung cấp miễn phí tham vấn tâm lý cho người trầm cảm, và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tâm thần.

Xin xem thêm thông tin tại fanpage: Đường dây nóng Ngày mai


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục