Lương tháng 13 có gì khiến ta không đành lòng nghỉ việc?
Ngoảnh đi ngoảnh lại, ta đã đứng trước thềm Tết Nguyên đán. Nhưng một câu hỏi đau đầu của những người làm công đang đứng giữa hai ngả đường là: “Cuối năm rồi, đi hay ở?”. Nhiều người qua năm mới thường muốn cắt đứt những muộn phiền của năm cũ bằng cách nghỉ công việc không còn phù hợp. Một số người lại không nỡ vì đồng lương “làm 12 tặng 1”.
Lương tháng 13 với mỗi người sẽ có ý nghĩa khác nhau. Dù vậy, chúng ta nhìn chung không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của nó lên tâm lý con người. Vậy khoản tiền này quyền lực đến mức nào mà khiến người lao động khó “dứt áo ra đi”?
Não nhận diện lương tháng 13 là cái kết xứng đáng
Vào năm 2008, nhà tâm lý học Daniel Kahneman đã thực hiện một thí nghiệm với 5 nhóm trẻ em đi xin kẹo trong Halloween. Mỗi lần nhận kẹo, các em được yêu cầu chọn một emoji để đánh giá trải nghiệm. Nhóm nghiên cứu nhận thấy, những em nhận chocolate sau cùng thể hiện phản ứng vô cùng rạng rỡ. Trong khi đó, nhóm nhận chocolate ngay từ đầu và kẹo cao su cuối cùng thì ghi nhận sự vui vẻ tụt giảm.
Thí nghiệm này cho thấy, kết thúc của một trải nghiệm có thể quyết định cảm xúc của cả một quá trình. Kahneman đặt tên cho hiện tượng là quy tắc đỉnh-kết (peak-end rule). Với những thời điểm kích thích cảm xúc mạnh như đỉnh điểm và kết thúc của sự kiện, não thường sẽ “nhớ dai” hơn so với những tình tiết vụn vặt.
Theo lối tư duy này, việc nhiều người cầm chừng chuyện xin nghỉ vì họ không muốn kết thúc năm cũ một cách lãng xẹt. Lương tháng 13 đem đến liều dopamine tức thời làm não bộ dễ dàng quên đi 12 tháng làm việc vất vả. Để khép lại chuỗi ngày ấy, khoản tiền “dôi ra” này sẽ là màn pháo hoa chúc mừng vang dội.
Một số công ty cũng đánh vào tâm lý trên để giữ chân người lao động. Không chỉ thưởng Tết, những đãi ngộ như tiệc liên hoan hay quà cáp cũng làm cho nhân viên tin rằng, quá trình làm việc ở đây “nhìn chung” là xứng đáng.
Tâm lý “khổ tận cam lai” khiến ta sung sướng
Ngoài Việt Nam, lương tháng 13 cũng được coi là một phần thưởng ở Pháp, Nhật, Bỉ và Trung Quốc. Việc để món quà này đến tận cuối sẽ làm gia tăng cảm giác sung sướng khi “khui” quà. Đây còn được gọi là khả năng trì hoãn sự thỏa mãn (delayed gratification) trong tâm lý học.
Cụ thể, khi ta cưỡng lại sự thỏa mãn trước mắt để đạt lợi ích lớn hơn, cảm giác hài lòng cũng tăng lên đáng kể. Thay vì đòi hỏi một khoản tiền mỗi tháng, nhân viên sẽ nghĩ về món thưởng “khủng” cuối năm mà chấp nhận những chật vật trong năm.
Theo nghiên cứu của giáo sư tâm lý Ying-Yao Cheng, viễn tưởng (prospect imagery) hay được hiểu là tư duy thiên hướng tương lai khiến ta sẵn sàng trì hoãn sự hài lòng hơn. Không cần đến lúc trao thưởng, quá trình làm việc cũng đủ vui khi ta tưởng tượng khoảnh khắc tiền về túi.
Khoảng thời gian này mang lại cảm giác giống như khi ta chuẩn bị đón Tết. Mặc dù chưa đến giao thừa, não bộ vẫn sản sinh dopamine - hormone của động lực và hạnh phúc.
Bẫy “chi phí chìm”: Lỡ rồi, cố thêm chút cũng chẳng sao!
Ngụy biện chi phí chìm (sunk cost fallacy) là tâm lý không dám buông bỏ một thứ đã dành nhiều thời gian và công sức, dù nó không còn phù hợp với hiện tại. Các nhân viên làm việc lâu năm thường rơi vào tình trạng này. Họ tiếc thời gian và công sức đã đầu tư cho công ty nên chấp nhận bỏ lỡ những cơ hội phát triển.
Điều này xuất phát từ tâm lý lo ngại mất mát (loss aversion). Theo đó, chúng ta thường có mối liên hệ cảm xúc mạnh hơn với những thứ đã mất so với những thứ đã hoặc sẽ đạt được. Nếu một người nghỉ việc, họ sẽ vô cùng tiếc nuối số tiền thưởng đáng lẽ phải được nhận cho công sức bỏ ra. Do đó, nhiều người thường chọn tiếp tục ở lại để hưởng đầy đủ phúc lợi.
Áp lực chi tiêu cho một cái Tết ấm no
Tết là khoảng thời gian mọi người mong muốn được tận hưởng, đoàn viên. Chỉ cách đây hai ba năm, đại dịch đã tước mất không khí rộn ràng và sum vầy của mùa xuân. Nhiều người muốn bù đắp khoảng thời gian đó bằng việc trang bị đầy đủ cho năm nay.
Nhưng điều này vô hình trung tạo nên áp lực về chi tiêu. Không chỉ những khoản tiền cho thờ cúng, ăn uống và đi lại, nhu cầu “làm mới bản thân” để chơi Tết cũng tăng cao.
Theo khảo sát của Q&Me về xu hướng tiêu dùng dịp Tết, 74,5% phụ nữ cho biết trang phục và mỹ phẩm là khoản chi bắt buộc. Ngoài ra, phụ nữ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng thường sắm sửa cho bản thân nhiều hơn trước mỗi dịp lễ.
Trước tình trạng bão giá, kinh tế biến động như hiện nay, không phải ai cũng dám “liều mình” nhảy việc cuối năm. Đặc biệt, nhiều người con cũng mong muốn “mang tiền về cho mẹ”. Vậy nên lương tháng 13 vẫn là một lựa chọn an toàn, giúp giảm bớt áp lực về ngân sách.
Cần lưu ý gì về lương tháng 13?
Tùy theo phong tục và chính sách của mỗi quốc gia, lương tháng 13 có thể là một phần thưởng hoặc khoản bồi thường bắt buộc cho người lao động. Tuy nghiên, cũng cần lưu ý rằng đây có thể là “chiếc còng giữ chân” (golden handcuffs) của một số công ty.
Hình thức tăng lương, tặng thưởng này thường đi kèm với điều kiện để đảm bảo nhân viên cốt cán không rời đi trong một khoảng thời gian nhất định. Hệ quả là nhiều người cảm thấy bị trói buộc trong chính công việc của mình, song bản thân họ cũng không dám rời đi vì lý do tài chính hoặc vì tâm lý e ngại.
Nếu bạn đang cân nhắc việc đi hay ở dịp cận Tết, có thể thực hiện bài tập nhỏ sau:
- Xác định giá trị cốt lõi của bản thân và các giá trị tương lai muốn theo đuổi trong sự nghiệp.
- Phân tích các mặt lợi và hại của việc ở lại vì lương tháng 13.
- Vạch ra kế hoạch tương lai cho từng lựa chọn và ứng với giá trị nền của bản thân.
- Kiểm tra “sức khỏe” tài chính: chi phí bắt buộc, cần thiết/không cần thiết, khoản tiết kiệm, khoản đầu tư.
- Nếu quyết định nghỉ việc, bạn nên tìm kiếm, nghiên cứu các lựa chọn công việc tiềm năng trước khi xin nghỉ.