Holiday spending ảnh hưởng gì đến sức khỏe tinh thần bạn? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
23 Thg 12, 2022

Holiday spending ảnh hưởng gì đến sức khỏe tinh thần bạn?

Trước một mùa lễ hội dồn dập và hai giải bóng đá, cách chi tiêu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần bạn.
Holiday spending ảnh hưởng gì đến sức khỏe tinh thần bạn?

Nguồn: Linh Thảo @in_prairie cho Vietcetera

Mùa lễ hội năm nay có phần đặc biệt, khi Noel-Năm mới và Tết Nguyên đán cách nhau chưa đầy một tháng. Điều này có nghĩa bạn sẽ gặp áp lực lớn hơn khi mua quà và sắm Tết, và dễ bị căng thẳng về tiền bạc.

Không ít người “vung tay quá trán” khi mua quà cho người thân, bạn bè. Số khác lại dành hàng giờ ngồi săn mã giảm giá, hoặc đi từ cửa hàng này đến cửa hàng khác để mua được món quà mình muốn với giá rẻ nhất.

Trong tiếng Anh, những khoản chi này được gọi chung là holiday spending (chi tiêu mùa lễ hội). Theo chuyên gia tâm lý tài chính Lindsay Tsang, dưới đây là 6 ảnh hưởng của chúng lên sức khỏe tinh thần của bạn, và một số bí quyết giúp bạn vượt qua các tâm lý trên.

Căng thẳng (stress)

Mùa lễ hội là thời điểm nhiều người căng thẳng vì danh sách số người cần tặng quà. Trong gia đình, bạn cần dành tiền sắm Tết và lì xì cho trẻ nhỏ. Ngoài xã hội, bạn có kế hoạch tặng quà Noel cho bạn bè, đồng nghiệp hoặc mừng tết cho thầy cô của con cái.

Đó là còn chưa kể 7749 các khoản chi khác cho hạng mục “làm mới mình” như mua quần áo mới, làm tóc, làm móng hay mua vé tàu, máy bay về quê ăn Tết.

Việc phân bổ ngân sách hạn chế của bạn cho toàn bộ các khoản chi này không hề đơn giản. Theo chuyên gia tâm lý Robin Edelstein, lượng cortisol (hormone sản sinh khi stress) trong cơ thể bạn tăng lên đáng kể trong suốt mùa lễ.

Lo âu (anxiety)

Bạn có thể lo lắng, bồn chồn khi nghĩ về những người bạn chưa mua quà, hoặc những thứ cần mua mà vẫn chưa mua được/chưa tìm được chỗ bán với giá hợp lý. Đây chính là hiệu ứng Zeigarnik - nó có thể khiến bạn “ngồi trên đống lửa” cả ngày mà không hoàn thành việc gì.

Bên cạnh đó, bạn còn có thể lo âu vì không chắc chắn người nhận có thích món quà bạn tặng họ hay không. Việc tìm được một món quà vừa hợp ý người nhận, vừa hợp túi tiền cũng là thử thách không hề nhỏ trong thời điểm bạn vốn có nhiều việc phải lo.

Ám ảnh (obsession)

Đây là biểu hiện thường gặp ở nhóm người đã lập gia đình. Nếu bản thân đã trót “vung tay quá trán” cho việc mua quà, họ dễ thắt chặt chi tiêu của vợ/chồng. Điều này trở thành nguồn cơn của những trận cãi vã, mà nhiều khi còn liên quan đến các thành viên khác trong gia đình (chẳng hạn vợ chồng mâu thuẫn về việc mua quà cho những ai ở từng bên gia đình)

Số khác chọn thắt chặt các chi tiêu khác của bản thân, chẳng hạn ăn ít bữa hoặc ăn mì tôm để tiết kiệm tiền. Trong trường hợp này bạn vẫn cần đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của bản thân, tránh lối ăn uống cực đoan ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thay đổi hành vi (behavioral changes)

Những ám ảnh trong chi tiêu và quản lý tiền bạc cũng dẫn tới nhiều thay đổi khác trong lối sống của bạn dịp lễ tết. Bạn có thể dành hàng giờ săn các mã giảm giá, khuyến mại… nhằm mua được món đồ mình cần với giá rẻ nhất. Một số người không ngại di chuyển qua nhiều cửa hàng, hoặc xếp hàng nhiều giờ để làm điều này.

Những cách làm trên có thể giúp bạn tiết kiệm tiền, nhưng lại tốn quá nhiều thời gian và khiến bạn thiếu đi những khoảng nghỉ cần thiết. Tệ hơn nữa, chúng sẽ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày khiến bạn mất ngủ và làm việc/học tập kém hiệu quả.

Chối bỏ (denial)

Khác với các hiện tượng trên, tâm lý chối bỏ xảy ra khi bạn tiêu tiền quá thoáng và không tính toán kỹ các chi phí dịp lễ tết. Bạn có thể thoải mái mua sắm, lì xì người khác hoặc đi du lịch, nhưng khi hết Tết bạn mới nhận ra mình đã “cháy túi”.

22dec2022hthmintext1jpg
Tâm lý chối bỏ xuất hiện khi bạn trót “vung tay quá trán” mà không tính toán kỹ.

Tình trạng này rất dễ khiến bạn quẹt thẻ quá tay, và nợ tín dụng tiếp tục tăng. Đây là một khởi đầu kém lý tưởng cho sức khỏe tài chính của bạn, và có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch khác trong năm mới.

Nghiện ngập (addiction)

Những ngày lễ tết năm nay không chỉ gần nhau, mà còn trùng lặp với hai mùa giải bóng đá liên tiếp là World Cup và AFF Cup. Điều này khiến các hành vi cá độ và đánh bạc tăng cao, đặc biệt khi đứng trước áp lực sắm Tết. Tình trạng nghiện cờ bạc vì vậy mà rất dễ xảy ra.

Bản thân việc mua sắm cũng có thể gây ra một kiểu “nghiện ngập” khác. Do mùa sale là thời điểm 7749 các loại mã giảm giá, khuyến mãi bao vây tứ bề, bạn khó có thể cưỡng lại “cơn” mua sắm của chính mình.

Làm sao để sắm Tết mà không “tổn hại” tinh thần?

Lên ngân sách và bám sát vào nó

Bước đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là lên ngân sách cụ thể. Bạn nên lên sẵn danh sách những người bạn muốn tặng quà, và bàn bạc kỹ với vợ/chồng (nếu có) trước khi chốt ngân sách quà tặng. Ngoài ra, bạn nên dành một khoản tiền nhất định cho các chi phí phát sinh nếu có, và áp dụng bí quyết sinh tồn mùa sale để tránh “vung tay quá trán”.

Nếu sửa sang nhà cho dịp Tết, bạn có thể làm “background check” toàn bộ ngôi nhà trước. Một khi đã xác định những món đồ cần thay mới và những khu vực cần sửa chữa, bạn sẽ tiết kiệm cả thời gian lẫn tiền bạc trong việc lên danh sách đồ cần mua.

Tận dụng đồ cũ hoặc handmade

Một bí quyết tiết kiệm trong việc mua quà tặng là lục tủ đồ của bạn trước. Bạn có thể tìm thấy một số đồ bạn được tặng nhưng không dùng tới, trong khi chất lượng còn tốt. Việc tặng lại chúng cho người khác có nhu cầu là cách xử lý hiệu quả mà tiết kiệm.

Một giải pháp khác là mua quà tặng second-hand. Có nhiều lựa chọn cho bạn ở những hội nhóm mua bán online hoặc các cửa hàng thrift shop.

Nếu khéo tay, bạn cũng có thể tự làm quà tặng cho người thân, bạn bè dịp lễ tết. Những món quà này chắc chắn sẽ khiến người nhận cảm động, bởi chúng không chỉ độc nhất vô nhị mà còn chứa đựng tình cảm chân thành của bạn dành cho họ.

22dec2022hthmintext2jpg
Có nhiều lựa chọn quà tặng đơn giản, không quá đắt nhưng ý nghĩa.

Tối giản hóa các bữa tiệc

Một bữa tiệc tất niên không nhất thiết phải linh đình, đặc biệt khi tình trạng lãng phí thực phẩm (food waste) khá phổ biến trong những bữa cỗ Tết. Để tiết kiệm và thân thiện hơn với môi trường, bạn có thể lên ý tưởng cho bữa tiệc đơn giản, không quá nhiều món mà vẫn ấm cúng.

Một ý tưởng giúp bạn thực hiện việc này là potluck party - kiểu tiệc mà mỗi người mang 1 món ăn tự mua/chế biến đến góp vui chung. Đây là cách đơn giản giúp các bạn vừa tiết kiệm chi phí, vừa có bữa tiệc ấm cúng và hiểu thêm nhiều về nhau.

Đi tư vấn tâm lý khi cần

Mùa lễ hội vốn là thời điểm phát sinh nhiều mối lo âu. Vì vậy nếu cần thiết việc đi tư vấn tâm lý có thể giúp bạn sắp xếp từng mối lo và giải tỏa, tránh hiện tượng cảm xúc tiêu cực chồng chất gây ảnh hưởng đến không khí chung.

Đặc biệt nếu cảm thấy bản thân có dấu hiệu mua sắm hoặc đánh bạc, cá độ mất kiểm soát, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn chuyên môn kịp thời, tránh “tiền mất, tật mang” trước thềm năm mới.