Mark Manson trả lời Vietcetera về năm 2020
Để có thêm một góc nhìn đặc biệt về năm 2020, Vietcetera đã đặt ra một số câu hỏi cho Mark Manson - nhà văn 2 lần đạt New York Times bestselling author với 13 triệu cuốn sách được bán ra trên toàn cầu.
Chỉ còn vài ngày nữa là năm 2020 kết thúc. Đây quả là một cột mốc kỳ lạ và đáng nhớ trong cuộc đời chúng ta, những thế hệ con người chứng kiến cả thế giới bị đảo lộn với đại họa COVID-19 “từ trên trời rơi xuống”.
Giữa bão đại dịch, ngoài những tổn thất nặng nề về sức khỏe và kinh tế toàn cầu, tâm lý con người cũng đã thấm đòn với những nỗi hoang mang: hoang mang về sự bất ổn trong các vấn đề xã hội như sự chia rẽ trong quan điểm, chính trị và phúc lợi cộng đồng, hệ thống y tế toàn cầu,...
Để có thêm một góc nhìn đặc biệt về tình trạng hiện tại, Vietcetera đã đặt ra một số câu hỏi cho Mark Manson - nhà văn 2 lần đạt New York Times bestselling author với 13 triệu cuốn sách được bán ra trên toàn cầu.
Và gần đây nhất, Mark Manson đã gia nhập đội ngũ contributor của Vietcetera. Anh là người viết những nội dung nhằm cải thiện chất lượng các cuộc hội thoại liên quan đến sức khỏe tinh thần và sự hạnh phúc.
Theo quan sát của anh, một trong những điều không đáng mà người ta đang làm trong bối cảnh đại dịch là gì?
Tại Mỹ, có rất nhiều sự phẫn nộ, tranh luận về những vấn đề như khẩu trang, việc phải ở nhà, hay việc đi lại bị quản thúc. Có rất nhiều người không thể nhìn vấn đề một cách rộng hơn.
Đơn cử như vấn đề cách ly. Người ta cần hiểu rằng chủ đích của việc này không hẳn là để bảo vệ sức khỏe của riêng ai. Cách ly làm chậm tốc độ lây lan của virus và ngăn không cho hệ thống y tế bị quá tải, đẩy cả xã hội đến một tình trạng nguy hiểm rộng khắp.
Dưới góc nhìn để bảo vệ sức khỏe cá nhân, việc ở nhà nghe có vẻ hơi không cần thiết. Nhưng để bảo vệ cả một hệ thống thì việc hạn chế đi lại trong 1, 2 năm là phương án hợp lý duy nhất.
Vậy năm 2020 đã ảnh hưởng đến thế giới như thế nào?
Tôi nghĩ năm nay đã đẩy nhanh một số xu hướng vốn đang trên đà. Các công ty công nghệ đã trở nên ngày càng quan trọng với cuộc sống chúng ta.
Dù năm 2020 nhìn chung là rất tệ trên nhiều phương diện, thế nhưng khoa học đã có những tiến bộ vượt bậc trong năm nay.
Trong cuốn Everything Is F*cked: A Book About Hope, tôi đã từng viết rằng “Khoa học rõ ràng là thứ tuyệt vời nhất mà nhân loại đem đến cho chính mình.” Vào năm 2020, khi chúng ta bị bao vây bởi những tranh cãi, trách móc, đổ lỗi lẫn nhau trong xã hội, thì các nhà khoa học vẫn thầm lặng từng bước phát triển. Ví dụ:
- Ở những vùng đất nhiều ánh nắng nhất trên thế giới, lần đầu tiên trong lịch sử, giá điện mặt trời đã thấp hơn giá năng lượng hóa thạch. Nếu năng lượng tái tạo được giảm giá thế này trên diện rộng, cuộc sống của tất cả mọi người sẽ thay đổi.
- Các nhà khoa học đã có thể “trẻ hóa” thị lực bằng cách tiêm vào tế bào thần kinh thị giác các mô được biến đổi gen.
- Vào tháng 5, hỏa tiễn có người lái đầu tiên của SpaceX được phóng vào không gian, với chi phí khoảng 62 triệu đô cho một chuyến bay. Trong khi đó một chuyến vào không gian của NASA tốn 1.5 tỷ đô. Với mức giảm chi phí đến 96% này thì chúng ta hoàn toàn có thể tưởng tượng những điều tuyệt vời cho công cuộc khám phá vũ trụ của loài người.
- Còn nữa, có không những một, mà là hai loại vaccine cho COVID-19 sẽ được cấp phép sử dụng. (của Pfizer và Morderna).
Chính khoa học đã giải quyết những xung đột gốc rễ giữa người với người về những tài nguyên khan hiếm. Chính khoa học là thứ tạo ra phần lớn những của cải của con người. Chính sự thông tuệ của tập thể những người làm khoa học đã đặt nền tảng cho sự tự do, sáng tạo và sức khỏe.
Tôi nghĩ một thế hệ loài người được cải thiện bởi tiến bộ khoa học là tiến trình tự nhiên để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo anh, chúng ta nên thay đổi kiểu tư duy cố hữu nào để cuộc sống này dễ thở hơn một chút?
Bối cảnh dịch bệnh đã tấn công điểm yếu lớn nhất của tâm lý con người: nỗi sợ những điều vô định. Đó là khi cuộc sống của tất cả mọi người bị “lật nhào” vào một vùng sương mù chưa rõ bao giờ mới tan. Con virus này có thể gây chết chóc tới mức nào? Chúng ta chẳng biết. Chuyện này bao giờ mới kết thúc? Không một ý niệm gì luôn. Những biện pháp xã hội khắt khe có hiệu quả không? Có thể. Hoặc có thể không.
Khi có quá nhiều điều vô định trôi nổi, con người ngay lập tức coi môi trường sống là một mối đe dọa. Khi tương lai có vẻ mịt mù, chúng ta coi nó là một mối đe dọa. Điều này có thể làm ta bồn chồn, stress và trầm cảm.
Để chống chọi với nỗi sợ vô định, chúng ta thường “tưởng tượng” ra một sự thật nào đó để bấu víu vào. Trong thời đại dịch, nhiều người bỗng khá chắc chắn là mình biết chuyện gì đang xảy ra. Người thì tin rằng COVID-19 chỉ nghiệm trọng hơn một dịch cúm đôi chút, người lại đinh ninh thế giới sẽ bị thay đổi mãi mãi, hoặc có thể tận thế luôn.
Mà con người nhìn chung đang ngày càng khó sẵn sàng thay đổi quan điểm, hoặc nghi ngờ niềm tin của mình. Bằng cách nào đó Internet đã nuôi dưỡng tư duy rằng “Nếu bạn không đồng tình với tôi, thì tôi đi tìm người khác để nói chuyện.” Theo tôi điều này chẳng tốt cho xã hội tí nào.
Và rồi tin giả và thuyết âm mưu trở nên đầy rẫy và ngày càng lố bịch.
Với thực trạng hiện tại, chúng ta phải chấp nhận rằng sự vô định là điều không thể tránh khỏi. Vậy nên điều quan trọng là phải làm thế nào để tập “sống chung với lũ”.
Có lẽ giải pháp là thay đổi nhìn nhận về sự kiên nhẫn. Đó là sẵn sàng ngồi im với những điều vô định, và không cần phải có nhu cầu nêu lên quan điểm về tất cả mọi thứ. Chẳng có gì sai khi nói “Tôi không biết.”. Chẳng có gì sai khi nói “Tôi đổi ý rồi.” Với nhiều thông tin hơn, lẽ ra chúng ta cần phải bớt chắc chắn với những định kiến của mình, chứ không phải đinh ninh hơn về chúng.
Một khi đã thừa nhận rằng thế giới này đầy rẫy sự vô định, thì chúng ta cũng nhận ra rằng “vô định” là thứ làm chúng ta cởi mở với những thay đổi, học hỏi được nhiều điều mới, và quan trọng hơn hết là thích nghi với những thử thách sắp tới.
Theo anh thì thế giới này sẽ đi về đâu? Tới một “utopia” nơi mọi việc đều hoàn hảo và mọi người đều hạnh phúc. Hay tới một “dystopia” hoàn toàn trái ngược?
Thế giới này sẽ luôn luôn nằm đâu đó ở giữa thôi.