Vietcetera search icon

Mẹ đã dạy tôi trở thành một người đàn ông như thế nào?

Theo phỏng đoán của tôi, mẹ sẽ mãi là điều tốt đẹp nhất tôi có được trên cuộc đời này.
Lê Lang
Tất Sỹ @tatsy.wip cho Vietcetera

Tất Sỹ @tatsy.wip cho Vietcetera

Tôi thật sự không nhận thức được mối quan hệ giữa tôi và mẹ bắt đầu từ lúc nào.

Chỉ biết từ lần đầu tiên biết mẹ là ai, bà trong mắt tôi đã là một người phụ nữ giỏi giang, bảo thủ, lạnh lùng, quyết liệt, và quan trọng (tới sự sống còn của tôi).

Bà không chỉ chu toàn sắp xếp việc gia đình, rèn giũa con cái, nấu ăn ngon, mà còn giỏi tư duy logic và vun vén tài chính. Mẹ tôi không đi làm, nhưng tiền bạc ba kiếm được, bà làm nó nở ra gấp 3, gấp 4.

Trong nhà, lời của mẹ gần như là lời sấm truyền vì những lập luận đanh thép và khó phản bác (điều này áp dụng với những đứa con lóc nhóc và cả người đàn ông vạm vỡ ngủ cạnh bà).

Tuy lúc lớn lên, tôi dần nhận ra những tố chất kể trên của mẹ có nhiều tác dụng phụ, nhưng trong đầu tôi vẫn in hằn suy nghĩ rằng: bà là một người phụ nữ mang tiêu chuẩn mà mọi đàn ông trên thế giới đều phải đạt được, chí ít là tôi cần phải đạt được.

Tiêu chuẩn này vẫn hiện diện trong từng lời khuyên răn, la mắng của bà với tôi cho tới ngày hôm nay. Nhưng chúng được gieo mầm và thành hình trong tư duy non nớt của tôi qua một số khoảnh khắc nhất định mà tôi sẽ không bao giờ quên.

Đây là 3 bài học của mẹ đã định hình người đàn ông trong tôi.

Người đàn ông phải là chỗ dựa, nhưng không được dựa dẫm vào bất cứ ai

Bạn biết mấy tấm thẻ Pokémon hình tròn chứ? Năm lớp Lá tôi được bạn mầm non cho một tấm nó có dư. Tôi hí hửng đem về khoe mẹ. Và rồi tôi bị la, mẹ không muốn tôi nhận bất cứ thứ gì từ ai. Bà luôn nói rằng chỉ có cha mẹ mới cho con cái mà không màng đến việc được trả ơn. Tấm thẻ bài được trả lại ngay ngày hôm sau.

Bà đã gieo trong tôi hạt mầm của sự tự tôn từ lúc ấy. Và đó cũng là lúc nỗi sợ bị “mang ơn” được hình thành.

Khi lớn tôi rất sợ việc phải nhờ vả bất cứ ai, tôi thấy mình thấp kém khi không tự làm được những việc mình cần phải làm.

Lớn lên, khi rời xa vòng tay mẹ, tiếp xúc với nhiều người trong xã hội, tôi nhận ra những người mạnh mẽ đôi khi là những người vượt qua được lòng kiêu hãnh để lên tiếng xin sự giúp đỡ.Tuy vậy, dù chẳng bao giờ vay mượn, nhờ vả ai, mẹ luôn sẵn sàng đứng ra giải quyết khó khăn, hoặc đưa tay giúp đỡ người khác. Tôi mặc định rằng, để trở thành một người đàn ông tốt, tôi phải vững chãi, đừng nhận gì cả, và cứ cho đi.

Nhưng những điều mẹ dạy không sai, bà đã cho tôi một nửa của sự thật. Nửa kia tôi phải tự đi tìm.

Người đàn ông không được nổi nóng

Năm đó tôi 7 tuổi, thường xuyên đạp xe lòng vòng con hẻm nhỏ cùng đám trẻ hàng xóm. Con hẻm dài chưa đến 200m mà ngày xưa chúng tôi thấy nó to như đường quốc lộ. Mạnh đứa nào đứa nấy chổng mông đạp bằng cạn sức. Và rồi “Rầm!”, tôi tông phải một con bé lúc nó phóng xe khỏi cổng nhà. Nó hét lớn: “Không có mắt hả?!”.

“Gì chứ? Nó từ trong nhà lao ra đường, chẳng phải nó mới là đứa phải nhìn trước ngó sau sao?”, tôi nghĩ, và rồi tôi quát “Đồ mặt heo!”, dựa vào thứ đầu tiên tôi liên tưởng tới khi nhìn mặt con bé đó.

Vừa hay, lúc đấy cô hàng xóm “loa phường” nghe thấy, bải hải: “Giời ơi, động giời, động giời!” rồi chạy về hướng nhà tôi.

Từ hôm đấy, tôi tự cho rằng tức giận, hay tất cả những cảm xúc thuộc hàng “tiêu cực” là không nên tồn tại. Kể từ hôm đấy, tôi không cho phép chúng chi phối lời nói của tôi cho dù có phẫn nộ tới đâu.Rõ ràng là ngày tàn sắp đến, tôi trốn vội vào một ngõ hẻm cụt, nhưng mẹ vẫn lôi ra và xách về nhà mắng. Tôi ăn mắng vì những lời xúc phạm của mình, trong sự ấm ức. Tôi không có cơ hội để giải thích vì sao tôi tức giận và muốn quát con bé đó. Nhưng lời mẹ là lời sấm, nên hẳn là tôi sai.

Dù sau này, việc không biết cách đối mặt và giải quyết cảm xúc tiêu cực đã đem đến cho tôi nhiều rắc rối, nhưng mẹ đã dạy tôi một việc còn khó hơn nhiều, đó là giữ được sự bình tĩnh và tử tế trong mọi tình huống.

Bà đã cho tôi một nửa của sự thật. Nửa kia tôi phải tự đi tìm.

Người đàn ông không được khóc

Mẹ tôi là một người có cái tôi rất lớn. Dù là phụ nữ, nhưng mẹ hầu như không bao giờ bộc lộ sự yếu đuối. Lúc tôi lớn lên, mẹ luôn xuất hiện trong hình ảnh một người cứng như đá. Bà ít nói lời yêu thương, bà cũng ít than phiền khi gặp khó khăn. Bà chỉ suy nghĩ và giải quyết vấn đề.

Và sau nhiều năm, việc đó cuối cùng đã xảy ra. Ngày cậu tôi, em trai mẹ, qua đời bất ngờ trong cô độc vì chứng nghiện rượu, mẹ đã khóc.

Mẹ đứng trước di ảnh cậu, nhìn hồi lâu, rồi nhỏ hai giọt nước mắt. Lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến một chuyện kỳ lạ đến vậy.

Dù chỉ là hai giọt lệ bị gạt đi rất nhanh, nhưng đó là lần duy nhất mẹ cho tôi nhìn thấy rằng bà cũng biết đau, rằng con người mẹ, ngoài vẻ cứng rắn bề mặt, vẫn có sự yếu mềm.

Nhưng rõ ràng bà không cho phép sự yếu mềm đó kéo dài được 30 giây. Bà vội dập tắt nó ngay khi nó chực trào khỏi tâm can.

Nhưng tôi nghĩ, hẳn bà đã khóc thầm nhiều, vì có người em tự hủy hoại bản thân, vì đã từ mặt một đứa con (chị gái đầu của tôi) vì quá hư hỏng, và có thể còn vì nhiều việc khác mà tôi không biết.

Từ hôm đám tang cậu, tôi tự dặn mình sẽ không bao giờ khóc trước mặt người khác. Nếu mẹ tôi không khóc, thì nước mắt là thứ tốt nhất không nên tồn tại. Tôi cũng không cho phép mình được buồn vì bất cứ điều gì.

Dần dà, con người tôi mất đi khả năng tạo ra nỗi buồn một cách tự nhiên. Tôi trở nên vô cảm trước nỗi buồn. Việc này thực sự đã khiến cho tuổi thơ của tôi êm đềm và nhiều niềm vui hơn so với những người bạn đồng trang lứa.

Và cũng vì thiếu hụt, nỗi buồn trở thành một cảm giác tôi thèm khát. Sau này tôi đã tìm ra cách có được nỗi buồn qua âm nhạc, chất kích thích và cho mình thưởng thức nó bằng phương pháp này trong một thời gian rất dài.

Cho tới khi chia tay người bạn gái đầu tiên thì cơ chế cảm xúc của tôi mới bắt đầu tìm về trạng thái tự nhiên của nó. Từ lúc đó, tôi nhận ra giá trị chữa lành của việc cho phép mình được buồn.

Nhưng tôi cũng biết ơn mẹ, vì bài học của mẹ đã giúp tôi vững chãi hơn trước những tin xấu đã và sẽ tới trong cuộc đời.

Mẹ đã cho tôi một nửa của sự thật. Nửa kia tôi phải tự đi tìm.

Kết

Trong lòng con cái, bố mẹ thường là những tượng đài. Họ là thước đo của sự đúng đắn và thành công trong hầu hết những tình huống mà chúng ta trải qua.

Nhưng khi nhìn họ bằng một con mắt khách quan, tôi thấy được rằng họ không hề hoàn hảo, họ cũng là con người với vô số những thiếu sót. Việc nhận thức được điều này khiến họ, đặc biệt là mẹ tôi, trở nên gần gũi và thân thương hơn rất nhiều.

Dù chưa làm bố, nhưng dưới góc nhìn của một đứa con được mẹ kèm cặp từng lời ăn tiếng nói, tôi tin rằng việc giáo dục con cái và xây dựng tính cách con người cũng giống như điêu khắc một bức tượng. Một bức tượng cần sự chung tay của cả phụ huynh và chính người con.

Mẹ đã đục đẽo bên phải, khắc nên những nét đầu tiên mẹ muốn.

Nhiều năm sau, tôi nhìn thấy sự bất cân xứng và đục đẽo bên trái để vừa mắt mình.

Tôi tin rằng, chúng ta sẽ trưởng thành và tự biến mình thành một người tốt nếu có thể nhận ra được bố mẹ đã ảnh hưởng chúng ta như thế nào, ở khía cạnh nào. Chúng ta cần nhìn thấy cái sai, cái đúng của họ để từ đó phát huy và khắc phục chính mình.

Họ chỉ có thể cho bạn một nửa sự thật. Nửa kia bạn phải tự đi tìm.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục