Meritocracy: Tư duy "nhân tài làm chủ xã hội" có những vấn đề gì?
Hình minh hoạ của bài viết là một ví dụ điển hình nhưng có phần hơi trớ trêu về triết lý trọng dụng nhân tài. Sau 21 năm bị Trung Quốc vượt mặt, vào kỳ thi Olympic Toán Quốc tế (IMO) năm 2015 tại Chiang Mai, Thái Lan, đội tuyển Mỹ đã giành chức vô địch. Họ đã vô địch thêm một lần nữa vào năm 2016 ở Hong Kong.
Điểm khiến cộng đồng mạng chú ý ở bức ảnh chụp các "tuổi trẻ tài cao" người Mỹ là, những người này đều là người châu Á. Nhiều cư dân mạng Việt Nam trêu đùa rằng nếu đội tuyển Mỹ không cầm quốc kỳ, họ sẽ bị tưởng nhầm là đội tuyển Việt Nam hoặc Trung Quốc. Và dĩ nhiên, định kiến "người da vàng học giỏi toán" thêm một lần nữa lại nổi lên.
Tiến sĩ Po-Shen Loh, phó giáo sư bộ môn Toán học, Đại học Carnegie Mellon (CMU) kiêm huấn luyện viên quốc gia đội tuyển Olympic Toán học Mỹ phải thanh minh rằng học sinh của ông đoạt thành tích hoàn toàn nhờ đam mê, chứ không học hành nhồi nhét căng thẳng như các học sinh quốc tịch châu Á khác.
Đội tuyển Toán toàn người da vàng của Mỹ thể hiện một logic của chế độ nhân tài (meritocracy), đó là bất kể bạn là ai và đến từ đâu, miễn có tố chất giỏi giang, bạn có thể gặt hái thành công. Là một đất nước (được cho là) vận hành theo logic này, nước Mỹ không từ chối nhân tài nào, bất kể xuất thân của họ có là gì. "Hãy nhìn vào sự đa dạng sắc tộc của tuyển Toán mà xem, hẳn không có ai biếu xén quà cáp ở đây!"
Vậy chế độ nhân tài là gì, và những lời hứa của nó có thực sự được đáp ứng? Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu qua bài Triết Xuất sau đây.
Chế độ nhân tài là gì?
Chế độ nhân tài là một niềm tin trong đó tài sản và các nguồn lực xã hội có thể dồn về những cá nhân có tài năng xuất sắc mà không dựa vào hoàn cảnh xuất thân, theo định nghĩa của nhà xã hội học Michael Young.
Tư tưởng này thực tế đã tồn tại trong một khoảng thời gian dài trong các xã hội Á Đông, nơi các kỳ khoa cử được tổ chức thường niên đã tồn tại trong hàng thiên niên kỷ. Tại đây, con em của các gia đình bình dân, hay thậm chí người nghèo khó, mồ côi... cũng được tham dự các kỳ thi tuyển. Nếu đỗ đạt, họ trở thành quan chức trong hệ thống nhà nước, quê hương họ được chính quyền tôn vinh, còn tên tuổi họ được khắc lên bia đá.
Đến khoảng thế kỷ 20, chế độ nhân tài mới bắt đầu có ảnh hưởng ở phương Tây và được định nghĩa lần đầu tiên vào năm 1958. Lý do rất đơn giản là hệ thống giáo dục phổ thông, được áp dụng cho toàn bộ xã hội mới chỉ bắt đầu được xây dựng ở đây vào cuối thế kỷ 18. Trước đó, tri thức chủ yếu được truyền đạt xoay vòng trong giai tầng tinh hoa, hoặc truyền đạt phân mảnh qua nhà thờ của từng giáo xứ. Nhưng với nguồn lực dành cho giáo dục khổng lồ và quyền lực mềm, ngày nay chúng ta nghe đến "chế độ nhân tài" như một khái niệm rất "Tây."
Chế độ nhân tài hứa hẹn những gì?
Câu thần chú đầy hiệu nghiệm của chế độ nhân tài, mà hẳn tôi và bạn đã được nghe đến ở mọi bài quảng cáo về giáo dục khai phóng, là sự bình đẳng về cơ hội.
Quả thực, chúng ta không mảy may cho rằng nhận định này bất hợp lý. Giống như những châm ngôn về "gặp thời," tài năng của chúng ta chỉ "như diều gặp gió" khi ta nắm bắt được cơ hội. Như vậy chúng ta sẽ không bao giờ phải nhắc lại vấn đề về bất bình đẳng nếu như ai cũng được trao cho cơ hội như nhau, thông qua các bài thi chuẩn hoá.
Chế độ nhân tài hiện thực hoá lời hứa bình đẳng của mình qua hai triết lý sau, được nhà giáo dục Jo Littler đúc kết:
(1) Nó đề cao năng khiếu và nghị lực để thành công xuất phát từ con người cá nhân.
(2) Nó ấn định rằng xã hội giống như một chiếc cầu thang, người có tài năng nhất sẽ leo nhanh hơn bằng cách gặt hái được nhiều cơ hội hơn, và từ đó giành được vị trí cao hơn người khác, nhưng về tổng thể, tất cả đều bình đẳng dựa trên quyền được leo thang.
Phiên bản lý tưởng của chế độ nhân tài vô cùng hứa hẹn đối với các nhà quản lý, từ quản lý đất nước cho đến quản lý đơn vị kinh doanh. Họ không phải đầu tư tiền của để giáo dục người tài, phát triển thêm năng lực của họ, cũng chẳng phải mất nguồn lực để chọn lọc nhân tài, vì nhân tài đã tự "lọc" lẫn nhau trên cùng một con đường tiến tới lý tưởng thành công.
Nhưng khác với lý tưởng tươi đẹp như trên, chế độ nhân tài thành công như một ý tưởng kinh doanh, và thất bại như một ý tưởng phúc lợi xã hội. Nó biến nhiều hệ thống giáo dục thành các cỗ máy kiếm tiền khổng lồ, nhưng đồng thời lược khả năng đi học của nhiều học sinh. Chế độ nhân tài chia đều cơ hội học tập, nhưng không cân nhắc đến việc người đi học cần bao nhiêu nguồn lực (tiền học, thời gian, quan hệ xã hội, v.v.) để nắm bắt cơ hội đó.
Vì sao chế độ nhân tài không thành công?
Dù sống trong một xã hội trọng dụng nhân tài, song ông cha ta cũng có câu:
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa đi quét lá đa.
Những lý do sau đây phần nào giải thích vì sao các cụ nói hiếm khi sai.
Bám chấp vào khái niệm "năng khiếu"
Có hai cách hiểu về năng khiếu trong chế độ nhân tài:
Cách hiểu đầu tiên, năng lực con người là thứ được định đoạt sẵn trong bản chất sinh học của chúng ta, từ khi ta được sinh ra. Vì lẽ này, nhiệm vụ của hệ thống giáo dục chỉ là phát triển và củng cố thêm những gì học trò đã có sẵn. Đáng chú ý, con người sinh ra với vô vàn năng lực, nhưng chỉ một vài trong số đó được xã hội ghi nhận. Như vậy các nhà trường sẽ chỉ nhìn thấy sự tài giỏi của một số người, và bỏ qua phần còn lại.
Câu hỏi sâu xa hơn, hệ thống giáo dục có khả năng đưa ra các bài kiểm tra đánh giá thực sự khách quan và công bằng hay không? Với nhà giáo dục Aimee Howley, cách ra đề thi phụ thuộc vào thiên kiến của người ra đề, còn người ra đề thì chịu ảnh hưởng bởi nhóm người có ưu thế về quyền lực trong xã hội. Đây là thực trạng dễ hiểu, vì giáo dục sẽ định hình xã hội tương lai, vì thế nó bị chi phối bởi người đứng đầu. Kết quả là, các bài thi có xu hướng "công bằng" hơn với những ai thuộc về nhóm có thể quyết định xã hội tương lai trông như thế nào.
Cách hiểu thứ hai, như các cụ nói, "văn ôn võ luyện," tài năng và tư chất thực tế đến từ sự rèn luyện, hay nói cách khác, đến từ bản thân giáo dục chứ không có sẵn. Chế độ nhân tài hiểu rằng có thể cách học định hình tài năng, chứ không phải bản chất sinh học. Nhưng, nó chỉ hiểu một nửa.
Chế độ nhân tài đẩy trách nhiệm rèn luyện thành tài lên vai cá nhân và chỉ cá nhân mà thôi. Đó là lý do vì sao ngày nay người ta hay dặn dò nhau câu "đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh!" nhiều đến vậy. Nhưng phương pháp rèn luyện thế nào và nguồn lực để rèn luyện ra sao thì không được quyết định bởi cá nhân, mà bởi xã hội. Chẳng hạn, chế độ nhân tài hiếm khi nhận diện sự tồn tại của lớp học thêm hay các cuộc "chạy chọt" vào trường điểm.
Thật thiếu công minh nếu nói một đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh thiếu thốn về nguồn lực giáo dục kém cỏi hơn những đứa trẻ khác. Nhưng với logic "đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh!," lối hiểu trên ngày càng phổ biến, vì việc bạn (tình cờ) được sinh ra với nhiều nguồn lực hơn cũng sẽ được tính là một kiểu năng khiếu.
Nhìn xã hội như một chiếc thang duy nhất
Khi đặt những câu hỏi như "làm sao để thành công?" hay "làm sao để tất cả mọi người có cơ hội thành công như nhau?," ta ít khi nghĩ "thế nào là thành công?" và "ai đặt ra tiêu chuẩn thành công đó?"
Lý do cho sự thiếu sót này cũng khá đơn giản, chế độ nhân tài cho rằng chỉ có một kiểu thành công duy nhất trong xã hội, và vì thế mô hình xã hội chúng ta có giống như một chiếc cầu thang, hoặc một chiếc kim tự tháp duy nhất.
Nếu xã hội chỉ có một "chóp" duy nhất như vậy, chúng ta sẽ ở đâu trong xã hội nếu muốn tiến đến những chóp khác? Và nếu như gục ngã khi cố gắng chạm tay đến sự thành công duy nhất, liệu tất cả có thể vượt qua nỗi mặc cảm rằng mình là sự thất bại toàn tập? Đấy là chúng ta chưa liệt kê đến trường hợp những người bất chấp mọi phương pháp có thể để chạm tay đến đỉnh cao, thì ai chịu thiệu hại thay cho họ?
Kết luận: Không cạnh tranh không có nghĩa là cào bằng
Chế độ nhân tài ngày nay được xây dựng dựa trên sự cạnh tranh khắc nghiệt nhất: nếu bạn không giỏi tức là bạn dốt, nếu bạn không thành công tức là bạn thất bại, nếu bạn không thắng tức là bạn thua, v.v. Sự sàng lọc khắc nghiệt như vậy không tương đồng với sự phát triển, nếu sự phát triển đó hướng tới việc tất cả chúng ta tìm thấy sự hạnh phúc mình mong muốn.
Trong giáo dục, tôi cho rằng việc có điểm cao và điểm thấp và có sự xếp loại không nên vì mục đích đi tìm những người giỏi nhất và loại bỏ những ai không giỏi bằng, hoặc không có cùng hệ quy chiếu về sự giỏi giang đó. Giáo dục nên là sự mở toang mọi khả thể, để người học dám đi trên bất cứ chiếc cầu thang, hoặc triền đồi, hoặc con đường mòn, hoặc biển khơi nào họ thấy phù hợp.
Sự phản bác đối với chế độ nhân tài không có nghĩa là đồng ý rằng ai cũng giỏi (và dốt) như nhau. Tôi muốn chỉ ra rằng bản thân những thước đo chúng ta phát minh ra để định khuôn năng lực con người không hoàn hảo, và sẽ liên tục thay đổi theo thời gian và địa lý. Vì thế, công việc của nhà giáo dục không phải là triệt tiêu những năng lực lệch chuẩn của con người, mà khoan dung và tạo thêm không gian cũng như nguồn lực, để ai cũng được sống với tài năng của mình.