"Mình học cách yêu thương người đàn ông trong mình"

Chuyển giới vốn không phải là một khoảnh khắc mà là một hành trình cả đời. Ở đó, mình không chỉ học cách thể hiện giới, kiến thức về sức khỏe mà còn về quyền của mình trong xã hội. 
Diệp Khoa
Nguồn: Bảo Châu

Nguồn: Bảo Châu

Khi có nhận thức đầu tiên về giới, mình đã luôn nghĩ bản thân không phải là một cô gái. Vì vậy mình cũng không trải qua giai đoạn gọi là “nhận ra bản thân” hay gì cả.

Khi học mẫu giáo, mình hay tham gia các trò chơi đóng vai và luôn chọn những vai con trai mới chơi được như kỹ sư, cảnh sát… Khi chơi trò gia đình, mình cũng luôn đóng vai Bố. Cô giáo lúc đó hỏi sao hay đóng vai Bố thế, mình lại chỉ nghĩ là con trai thì sao làm Mẹ được.

Đến khoảng lớp 1, lớp 2, mình tin vào thế giới có phép thuật khi đọc Harry Potter. Mình tin mình là Harry Potter. Mình nghĩ là mình sống trong thế giới phép thuật và bị bắt đến nơi của dân Muggle và biến hình thành con gái như thế này.

Cho đến năm học lớp 8, mình mua quyển “Mẹ ơi, con đồng tính” của Nguyễn Ngọc Thạch và biết được khái niệm về những người sinh ra với cơ thể nữ nhưng cảm nhận mình là nam.

Lúc đó thì mình mới vỡ lẽ ra là mình chẳng phải Harry Potter, cũng không phải là bị bắt tới thế giới của Muggle rồi được bác Hagrid xuất hiện và trả lại “cái trym” cho nó đến Hogwart học. Mình từ bỏ niềm tin không có thế giới phép màu nào cả, và nhận ra mình được gọi là người chuyển giới từ đó.

Bức bối giới và ai cũng cần sự tôn trọng

Khi dậy thì, mình gặp một cuộc khủng hoảng liên quan đến thời trang. Quần áo lúc đó do mẹ mua và tất nhiên là đồ nữ. Còn mình thì tìm mọi cách để nam tính hóa những bộ đồ thành quần bò, áo phông.

Đến lớp 9, mình bắt đầu cắt tóc ngắn lần đầu tiên, nhưng vẫn là kiểu ngắn dành cho con gái. Cho đến lớp 11, mình để tóc undercut, công khai hoàn toàn với gia đình. Bố mẹ mình cũng chẳng vui vẻ gì, nhưng mình muốn gia đình biết vì lúc đó đã không thể chịu đựng hơn.

Mình hay nói là mình nhìn cơ thể của mình hay nhìn cơ thể sinh học. Dù cho mình có tất cả đặc điểm nữ tính này thì việc của người xung quanh là cần tôn trọng nó. Mình luôn luôn nghĩ bức bối giới là trải nghiệm cá nhân và phụ thuộc vào môi trường sinh sống.

Nếu bạn sống trong một xã hội rất khắt khe, bị gò mình, càng nhiều định kiến về giới thì càng kinh khủng. Mình vẫn nghĩ một số bạn nam mập mạp một chút, và ngực có to thì vẫn được nhìn nhận là nam giới thì việc mình có ngực thật ra cũng chẳng sao cả.

Phần lớn mọi người ở ngoài kia có bức bối giới. Thậm chí có những bạn chuyển giới nam bị ảnh hưởng bởi nam tính độc hại do mong muốn chứng minh mình là đàn ông thật. Vì vậy, học cách yêu thương người đàn ông trong mình là chuyện mình luôn làm mỗi ngày. Bởi vì đây là một hành trình có nhiều thử thách và định kiến.

Song song đó, mình vẫn cùng cộng đồng đề cao giáo dục toàn dân. Khi được xã hội thảo luận cái nào là nam tính độc hại, cái nào là định kiến giới thì những khó khăn này mới có thể giảm bớt.

Để yêu thương đi cùng với sự an toàn

Gần đây mình bắt đầu dùng thuốc mọc râu và nghĩ đến chuyện dùng Testosterone. Testosterone thật ra là thuốc nên muốn sử dụng cần phải cẩn trọng. Đó có thể là một phần trong quá trình chuyển giới, để mình có cơ thể như mong muốn nhưng đi cùng với nó nên là sự hiểu biết.

Trong quá trình tìm hiểu, mình nhận ra đây là thời điểm mà người dùng có thể gặp nhiều khó khăn. Bởi không có nhiều cơ sở y tế có thể cung cấp dịch vụ tiêm hormone Testosterone và hướng dẫn sử dụng hormones cho nhóm người chuyển giới. Thậm chí ngày nay, Testosterone còn được bán tràn lan trên mạng xã hội với nhiều câu rao hàng rất vô trách nhiệm với cộng đồng.

Với mình, định giới là chuyện hệ trọng cả đời, nếu đã bắt đầu thì gần như không quay lại được. Chuyển từ cơ thể một người nữ sang nam thậm chí còn nhiều rủi ro hơn là chuyển từ nam sang nữ.

Trên hành trình này, mình mong sẽ không còn ai sử dụng những can thiệp y tế thiếu an toàn. Nếu bạn cảm thấy cần lời khuyên và sự giúp đỡ, mình và các thành viên trong cộng đồng luôn sẵn sàng.

Quyền thể hiện của mình cũng chẳng ảnh hưởng đến ai

Nếu ai đó hỏi mình cộng đồng LGBTQ+ có đang làm quá không, mình sẽ hỏi lại rằng làm quá khi so với điều gì? Nếu nhìn quy chuẩn xã hội là một chiếc thước đo, tụi mình cũng đâu phải là không mặc quần áo để ra ngoài đường.

Mình có một người bạn người Philipines và sống trong một quốc gia mà phần lớn người dân theo đạo Công giáo. Nhưng cậu bạn ấy chọn cách để râu và mặc váy xòe. Khi được hỏi về chuyện làm quá, mình thật sự ấn tượng với cách cậu ấy diễn giải chủ đề này.

Cậu vẽ một vòng tròn nhỏ và gọi đó là sự cởi mở của xã hội. Mình chính là người đứng ngoài vòng tròn đó, thay vì cố gắng chui vào trong thì ta tìm cách nới rộng sự cởi mở đó ra.

Nhiều năm trước đây, mình dùng thời trang như một lời giải cho mong muốn được nhìn nhận đúng giới. Đến hiện tại, mình nhận ra thời trang vốn không có giới hạn về giới và là một thể hiện đầy tự do của con người trước xã hội.

Việc thể hiện giới thật ra không ảnh hưởng đến ai, nhưng sự kì thị, phân biệt đối xử lại gây ra bạo lực và nỗi sợ. Với mình, quyền thể hiện bản thân là chuyện của mỗi người. Miễn là, quyền của mình không xâm phạm vào quyền lợi của ai thì đều có thể được xem là điều bình thường. Mà bình thường thì có gì để bàn cãi hay gièm pha nữa đâu.

Lời kể của Bảo Châu (Nhà hoạt động vì cộng đồng LGBTQ+)


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục