Thử thách 1 tuần sống dưới 44.000 VND/ngày như 10% dân số thế giới hậu COVID-19

Chuyện gì xảy ra khi tập sống dưới 44 ngàn/ngày như 60 triệu dân số sau đại dịch.

Đan Tâm
Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Gần đây, một tin làm mình rất trăn trở là theo World Bank, dịch COVID-19 sẽ đẩy từ 40-60 triệu người vào tình trạng nghèo đói cùng cực (extreme poverty) có mức sống dưới 1.9$/ngày (khoảng 44.000 VND). Tại Việt Nam, những ảnh hưởng của COVID-19 tới kinh tế cũng được thấy khá rõ ràng khi mà nhiều người đang phải ra sức cắt giảm chi tiêu

Vì thế, mình quyết định tham gia thử thách sống dưới 44.000 VND/ngày trong 1 tuần để xem bản thân sẽ xoay xở ra sao nếu cũng bị đặt vào hoàn cảnh này. 

Kết quả sau 1 tuần vượt qua kỳ vọng của mình. Không chỉ hoàn thành thử thách mà mình còn rút ra các bí quyết quản lý tài chính cực kỳ hiệu quả và áp dụng được lâu dài. 

Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm thì chẳng hề dễ dàng! 

1. Mình đã thực hiện thử thách này như thế nào? 

Trước khi đi vào thử thách, mình đã liệt kê các mục chi tiêu thông thường của bản thân để có thể dễ dàng so sánh sau 1 tuần thử thách. 

Đang là một sinh viên và làm một số công việc bán thời gian, mình không có thời gian tự nấu ăn nên hạng mục “đau ví” nhất của mình là ăn uống bên ngoài. Bên cạnh đó, là một tín đồ mua sắm, mình thường bị cám dỗ mua hàng trên mạng, nhất là vào lúc ở nhà rảnh rỗi trong dịch COVID-19.  

Như bạn có thể thấy, tổng số tiền chi tiêu của mình thường dao động từ 1.500.000 VND - 1.900.000 VND/tuần (hay thỉnh thoảng là 2.400.000 VND/tuần). 

Mức chi tiêu này chênh lệch rất lớn so với thử thách mình sắp thực hiện: 44.000 x 7 = 308.000 VND/tuần. 

Vì thế, “tồn tại” với 44.000 VND/ngày rất thách thức và đòi hỏi mình phải thay đổi rất nhiều thói quen của bản thân. Do đó, việc đầu tiên mình làm trước khi thực hiện thử thách là chuẩn bị tâm lý và kế hoạch hành động rõ ràng.

Về tâm lý 

Để tạo động lực và ràng buộc trách nhiệm cho bản thân, mình bắt đầu bằng câu hỏi: “Tại sao phải thực hiện thử thách này và ý nghĩa mà nó mang lại cho mình?”. 

Lý do mình tham gia thử thách là để học cách chi tiêu hợp lý. Từ đó, sống tự lập hơn và ít phụ thuộc bố mẹ hơn trong năm học mới. 

Về kế hoạch hành động

Đầu tiên, mình lên danh sách những hạng mục nào thật sự cần chi tiền và chưa cần trong 1 tuần tới. 

Với mình, những nhu cầu thiết yếu như thức ăn và tiền xăng di chuyển là không thể bỏ qua. 

Còn để xác định được hạng mục không cần chi tiêu, mình tự hỏi bản thân nhiều lần các câu như: “Tại sao mình phải tiêu tiền cho nó?”, “Thứ đó có thể ứng dụng được trong những dịp gì?”. 

Từ đó, mình lọc được những thứ không hữu dụng hay chưa cần thiết phải chi tiêu.

Tiếp theo, mình bắt tay lên kế hoạch cho các hạng mục cần chi tiêu. 

Mình chọn tính tổng tiền chi tiêu trong tuần là 44.000 x 7 = 308.000 VND rồi chia nhỏ ra cho từng hạng mục riêng. Bằng cách này, mình sẽ thấy được bức tranh tổng thể của quỹ chi tiêu và điều chỉnh số tiền cho từng hạng mục dễ dàng hơn. 

Vì quãng đường đi làm không thể thay đổi nên tiền xăng phải giữ nguyên 50.000VND/tuần. Theo đó, mình còn 308.000 - 50.000 = 258.000VND/tuần cho hạng mục thức ăn. 

Để tiết kiệm hết mức có thể, mình lập chiến lược tự mua thực phẩm và nấu ăn ở nhà thay vì mua đồ ăn ngoài như trước. Mình lên thực đơn cụ thể cho các ngày trong tuần để ước tính được thực phẩm nào ngon - bổ mà không quá quỹ tiền. 

Để thực đơn vừa đa dạng vừa hợp túi tiền, mình đã tham khảo từ một số kênh YouTube như Feedy, Giang Ơi, Món Ăn Ngon Nhà Nấu, hoặc các bài chia sẻ trên mạng,... 

Dưới đây là thực đơn trong tuần thử thách và số tiền mình mua nguyên liệu:


Mình là người kén ăn và muốn giảm cân nên khẩu phần ăn của mình cho mỗi bữa khá ít. Và để tiết kiệm thời gian mình thường nấu một lần cho cả 3 bữa.

Ngoài ra, mình cũng thử áp dụng một số mẹo quản lý tài chính khác như dùng phương pháp Bullet journal (ghi chép công việc) để ghi lại chi tiêu hàng ngày hay đợi 24 tiếng trước khi quyết định mua những thứ không cần thiết.

2. Những trở ngại khi trải nghiệm thử thách?

Mình có thói quen lướt các trang mạng xã hội, cũng như đã like và follow nhiều cửa hàng trên Instagram nên News Feed của mình tràn ngập hình ảnh các món đồ thời trang xinh xắn. Tuy nhiên, chúng lại thuộc vào hạng mục không cần thiết và mình đã phải tốn kha khá thời gian cân nhắc, thuyết phục bản thân lý do không nên mua. 

Bên cạnh đó, bởi trước đây không có thói quen ghi lại các khoản chi tiêu, mình cảm thấy việc ghi chép vào sổ và tính toán chi tiêu rất nhàm chán. 

Ngoài ra, mình cũng gặp nhiều khó khăn khi từ chối những lời hẹn đi cà phê của bạn bè. Vì đang trong bối cảnh dịch COVID-19 căng thẳng nên mình có thể lấy giãn cách xã hội làm lý do huỷ hẹn hợp tình.

Tuy nhiên, mình bối rối không biết phải ứng xử sao trong những tình huống bình thường khác. Không chỉ vậy, mình cũng thấy buồn bởi phải ở nhà nhiều hơn. 

3. Khắc phục các khó khăn này như thế nào?

Để thoát khỏi “cám dỗ” của mua sắm trực tuyến, mình đã unfollow các cửa hàng trên tài khoản Instagram cá nhân. Sau đó, mình tạo 1 Instagram khác và follow lại tất cả những cửa hàng đó. 

Phải thừa nhận là cách này khá tốn thời gian. Tuy nhiên, bằng việc tạo ra chức năng riêng cho mỗi tài khoản Instagram, mình có thể liên lạc với bạn bè trên Instagram mà vẫn không “chạm mặt” các cửa hàng trực tuyến. Và khi cần mua món gì, mình vẫn có thể truy cập vào tài khoản dành cho mua sắm kia. 

Mình cũng tắt phần hiển thị thông báo của các ứng dụng mua sắm và đặt đồ ăn như Shopee, Lazada, Grab,… Nếu bạn đang sử dụng trình duyệt iOS như mình, bạn có thể vào Settings (Cài đặt) -> Notifications (Thông báo) -> Tắt Allow Notifications (Cho phép thông báo) là tạm biệt đám thông báo phiền phức trong một nốt nhạc!

Thay vì sử dụng Bullet journal, mình chuyển qua sử dụng ứng dụng điện thoại Money Lover. Dù vẫn phải điền thủ công các khoản chi tiêu nhưng mình thấy tiện lợi hơn rất nhiều. 

Ứng dụng đã có sẵn các hạng mục chi tiêu như: Food & Beverage (Đồ ăn & Thức uống), Transportation (Di chuyển),… nên mình chỉ cần điền số tiền thôi là được chứ không cần chú thích gì thêm. 

Bên cạnh đó, mỗi khi mình ghi chú các khoản thu chi, ứng dụng sẽ tự động tính trừ/cộng vào quỹ ban đầu của mình luôn. Rất thích hợp cho những bộ não lười tính toán như mình. 

Đặc biệt, ứng dụng cũng sẽ có bản báo cáo tổng hợp chi tiêu, giúp mình biết được mình đã chi bao nhiêu và cho những hạng mục nào nhiều nhất hoặc ít nhất. Từ đó, mình có thể điều chỉnh kế hoạch chi tiêu nhanh gọn hơn.  

Để lấp đầy những khoảng thời gian trống vì hủy hẹn cà phê với bạn bè, mình thử tham gia các hoạt động thú vị miễn phí khác. Ví dụ, mình “cày” một vài bộ phim hấp dẫn trên Netflix như: The Kissing Booth 2, The Umbrella Academy,... hoặc đọc sách. Nhờ đó, mình dần làm quen với việc ở nhà sinh hoạt và làm việc hơn. 

Mình cũng chia sẻ thẳng thắn với bạn bè về thử thách mình đang tham gia. Do đó, họ thông cảm sự vắng mặt của mình trong các buổi hẹn hơn. Đặc biệt, họ còn thường xuyên hỏi thăm về tình hình thử thách của mình, giúp mình không quên nhiệm vụ. 

4. Thực hiện thử thách thất bại hay thành công? 

Dưới đây là bảng chi tiêu thực tế của 1 tuần thử thách:

Như bạn có thể thấy, mình đã thất bại thử thách vì vượt qua số tiền tổng là 308.000 VND dù đã cố gắng thay đổi nếp sống rất nhiều. 

Ngoài ra, để sống được với mức chi tiêu 44.000 VND/ngày, mình cũng đã hưởng thụ một số đặc quyền khác có sẵn như: không cần trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tài khoản Netflix,... Vì vậy, mình rất khâm phục gần 10% dân số thế giới đang có thể sống chỉ với 44.000 VND hay 1.9$/ngày. Và mình càng biết ơn những gì mình đang có và được tạo điều kiện. 

Dù thất bại nhưng mình tin thử thách này đã cho mình một cái nhìn mới về việc thắt chặt chi tiêu, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19: thực sự thách thức và nhiều công sức nhưng không phải là không thể! 

Mình khá tự hào vì đây là số tiền nhỏ hơn so với mức chi tiêu hàng tuần của mình trước thử thách. Tuy nhiên, mình sẽ không tiếp tục thử thách vì nó không phù hợp với việc học và đi làm của mình. Nhưng nhờ thử thách này, mình được tiếp thêm động lực để quản lý tài chính và tiết kiệm tốt hơn trong tương lai tới, ví dụ: tự nấu ăn ở nhà, ghi lại chi tiêu vào ứng dụng Money Lover,…

Mình không khuyên các bạn chưa rơi vào hoàn cảnh nghèo vì COVID-19 sống theo thử thách 44.000VND/ngày. Bởi mình nghĩ nó có thể sẽ làm ảnh hưởng tới thói quen sinh hoạt của các bạn, và không phải ai cũng sẵn sàng cho điều đó

Tuy nhiên, bạn có thể trải nghiệm thử thách này trong thời gian ngắn hạn như 1 tuần hoặc điều chỉnh một chút để phù hợp với bản thân hơn. Ví dụ, bạn thách thức mình chỉ tiêu dưới 100.000VND/ngày thay vì chỉ 44.000VND. 

5. Nếu muốn thử sống dưới 44.000 VND/ngày, bạn nên chuẩn bị gì?

Thắt chặt chi tiêu không phải là không thể như mình tưởng. Nhưng để hiệu quả thì phải biết quản lý thời gian nữa. Vì để duy trì những thói quen ghi lại chi tiêu hay tự nấu ăn hàng ngày, bạn phải đảm bảo sắp xếp thời gian thật tốt để có thể hoàn thành tất cả mọi việc. 

Đặt ra mục đích thực hiện thử thách rõ ràng. 

Tập hài lòng với những thứ mình đang có, tận dụng những thứ đang có sẵn để bớt chi tiêu. Ví dụ, phối những món đồ đang có sẵn thay vì mua đồ mới. 

Thường xuyên tự hỏi bản thân tại sao phải mua những món đồ trong hạng mục chưa cần thiết. 

Tìm một đứa bạn đang có cùng mục đích thắt chặt chi tiêu để tạo động lực, nhắc nhở lẫn nhau. 

6. Nên làm gì sau khi hoàn thành thử thách sống với 44.000 VND/ngày trong 1 tuần? 

Tự đánh giá và chiêm nghiệm lại những bài học, thay đổi thói quen sau thử thách này. 

Bắt đầu những thử thách chi tiêu dài hạn hơn, ví dụ: có thể áp dụng phương pháp Kakeibo cho thử thách 1 tháng.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục