15 Thg 06, 2024Sáng TạoÂm Nhạc

Năm 2024, bạn đã nghe những album nhạc US-UK này chưa? [Cập nhật tháng 6]

Các nghệ sĩ nữ tiếp tục “thống trị thế giới” âm nhạc đại chúng.
Phan Linh
Nguồn: Atlantic, Elektra, Interscope, Republic, 4AD

Nguồn: Atlantic, Elektra, Interscope, Republic, 4AD

Nửa năm đầu 2024 vẫn là cuộc cạnh tranh của những ngôi sao nữ hàng đầu, khi các album thú vị liên tiếp được tung ra. Bên cạnh những Orquideas (Kali Uchis), Eternal Sunshine (Ariana Grande), Cowboy Carter (Beyoncé)... người hâm mộ đón nhận những sản phẩm xuất sắc không kém đến từ phái nữ gần đây từ Billie Eilish, Charli XCX.

Bên cạnh đó, những sản phẩm âm nhạc độc đáo đến từ những nghệ sĩ Indie, Rock, R&B, Rap/Hiphop như Vampire Weekend, Cindy Lee, Usher... vẫn quyến rũ mọi đôi tai trên toàn thế giới trong những tháng qua.

Cập nhật lần cuối vào 11/06/2014.

BRAT (CHARLI XCX)

Brat, album phòng thu thứ 6 của Charli XCX là minh chứng cho thấy thể loại nhạc mới mẻ Hyperpop đã đạt tới độ hoàn thiện. Câu chuyện cá nhân của Charli XCX được đẩy lên cao, trong khi phần âm thanh kết hợp giữa Electronic, Pop, Synth và Auto-tuned tạo nên những khía cạnh đặc sắc, nhưng cũng rất bắt tai.

Brat lôi kéo người nghe bằng những thanh âm cách tân, mà dù bạn là fan Kpop, US-UK hay Vpop vẫn thấy được hơi thở thời đại của nó. Nhưng Brat không phải là một đĩa nhạc Pop thông thường khi Charli XCX vẫn gửi gắm câu chuyện sâu sắc trong đó, một cô gái trẻ đầy sốc nổi nhưng vẫn có chính kiến cùng sự đa chiều, phức tạp trong biểu hiện.

Trên tất cả đó, còn gì tuyệt vời hơn khi nghe Brat của Charli XCX trong năm 2024 nhưng tâm hồn lại được trôi về thập niên 2000 với những nhịp Synth từ Britney Spears hay Electropop của Lady Gaga đầu thập niên 2010.

CLANCY (TWENTY ONE PILOTS)

Kể từ khi “tụt quần lên sân khấu” nhận giải Grammy, Tyler Joseph và Josh Dun của Twenty One Pilots dường như cũng “tụt hẳn” khỏi đường đua âm nhạc. Nhưng với Clancy, bộ đôi đã phần nào mang lại được âm hưởng của chính họ mà khán giả vốn yêu thích từ đầu. Cảm giác xa lạ, bối rối và cô đơn trong lời ca, kèm thứ âm nhạc đầy bản sắc đã được Twenty One Pilots thể hiện đầy đủ trong album này.

Suy cho cùng, Clancy chẳng có sự đột phá nào quá mới mẻ về mặt âm thanh lẫn câu chuyện nhưng là sự trở lại gốc rễ của Twenty One Pilots. Và vẫn còn đó tiếng trống dồn dập cùng phần lời ca đầy tính đối thoại của Joseph, thứ “hợp chất” đã làm nên âm nhạc của họ và được công chúng yêu thích.

HIT ME HARD AND SOFT (BILLIE EILISH)

Khi Billie Eilish tung ra album phòng thu thứ 3 - Hit Me Hard and Soft, một “cuộc chiến” đã nổ ra. Cuộc chiến đó không phải là giữa Swifty (fan của Taylor Swift) và người hâm mộ Billie Eilish, mà là sự cạnh tranh của những nữ ngôi sao nhạc Pop hàng đầu.

Hit Me Hard and Soft đưa người nghe trở lại góc tăm tối của Billie như thuở đầu của When All We Fall Asleep, Where Do We Go? Nhưng ở album này, ta thấy những khía cạnh mới trong câu chuyện mà Billie Eilish muốn nói với người hâm mộ, từ xu hướng tính dục đến những tò mò, nỗi lo lắng, niềm vui cũng như nỗi buồn và cái giá của sự nổi tiếng.

Cả Billie Eilish và người anh họ, nhà sản xuất “ruột” FINNEAS không tự giới hạn bản thân trong sản phẩm âm nhạc lần này. Hai anh em tiếp tục tạo ra sự đa dạng nhưng vẫn dung hòa các yếu tố đối lập, làm nên một đĩa nhạc vừa ấn tượng về mặt âm thanh lại đầy chiều sâu trong cách kể chuyện.

Đọc chi tiết về của Billie Eilish trên Vietcetera.

THE TORTURED POETS DEPARTMENT (TAYLOR SWIFT)

Sau nửa đêm (Midnights), Taylor Swift mời người nghe nhạc của mình đến với hội thi ca đoạ đày The Tortured Poets Department. Với 31 bài hát cho bản mở rộng, khán giả có thể ngồi lại lắng nghe thế giới đổ vỡ, đầy bi kịch của một nhà thơ cải trang ngôi sao nhạc Pop. Ở đó, Swift tỉ tê mọi chuyện trên đời, từ cảm giác bị phản bội đến nỗi đau của một “người yêu nhiều nhận lại chẳng bao nhiêu”.

Trên tất cả đó, The Tortured Poets Department của Taylor Swift cho thấy một sự tự do, phóng khoáng mà mọi nghệ sĩ đều muốn đạt được trong sự nghiệp. Khi có một cộng đồng người hâm mộ đông đảo, bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn, theo cách bạn thích. Và Swift đã chứng minh điều đó chỉ qua album The Tortured Poets Department.

Đọc chi tiết về The Tortured Poets Department của Taylor Swift trên Vietcetera.

BRIGHT FUTURE (ADRIANNE LENKER)

Có người cho rằng, lắng nghe âm nhạc của Adrianne Lenker giống như tìm thấy những bức thư tình cũ đã bị bỏ quên từ lâu. Những bức thư nhiều đau khổ nhưng cũng đầy bí ẩn, với những nếp gấp thời gian mãi mãi không liền lại nơi nỗi nhớ của kẻ tình si.

Bright Future bắt đầu bằng những tiếng piano chậm rãi, dịu dàng. Nhưng khi giọng hát của Lenker cất lên “người còn nhớ không,” mọi thứ dần thay đổi. Nữ nghệ sĩ kéo người nghe về quá khứ, “gặm nhấm” những ký ức ngọt ngào và buồn bã. Sự vụn vỡ len lỏi vào từng âm tiết mà Lenker ngân lên biến Bright Future càng nghe càng trở nên thổn thức.

Lắng nghe album Bright Future giống như chìm vào một thế giới khác, nhuộm phủ thời gian, để cảm nhận vị ngọt và đắng. Tiếng piano chậm rãi, tiếng guitar vương vãi, tiếng đàn dây du dương… Và trên những thanh âm “từ tốn” đó, Lenker kể những chuyện tình yêu liên tu bất tận.

BLUE LIPS (SCHOOLBOY Q)

Việc bỏ qua album Blue Lips (ra mắt tháng 03/2024) của ScHoolboy Q trong lần cập nhật đầu tiên của danh sách này là một sai lầm của người viết. Bởi khi nghe lại, đĩa nhạc và ScHoolboy Q thực sự xứng đáng là một trong những album Rap/Hiphop hay nhất năm như nhiều tạp chí uy tín đã bình chọn.

Vì sao đĩa nhạc này xứng đáng? Trước hết, bởi vì kỹ thuật viết lời của ScHoolboy Q đã được tinh chỉnh tới tiệm cận đỉnh cao của tinh tế. Bên cạnh đó, những đoạn “chuyển tông đổi giọng” của chàng rapper cũng đã đầy những biến ảo, không chỉ ở cách trình diễn mà ở cảm xúc của bài hát.

Và cuối cùng, Blue Lips còn mang đến một bữa tiệc của âm thanh. Trong đó, màu sắc của Blues/ Jazz như trong track Bluesides với tiếng đàn dây du dương trĩu nặng đầy hoài niệm. Nhưng ngay sau đó, những nhịp beat cháy bỏng cùng lời rap “sắc lẹm” của ScHoolBoy Q lại tiếp tục “đốt cháy” mọi đôi tai.

ORQUÍDEAS (KALI UCHI)

Kali Uchi chưa từng “đánh rơi nhịp nào” trong suốt hành trình sáng tạo âm nhạc của mình. Với ORQUÍDEAS, cô lại một lần nữa mang đến vẻ đẹp trong cả ngôn ngữ (tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha) lẫn âm thanh (R&B, Latin, Pop) - Thứ âm nhạc thậm chí còn cuốn hút và gợi cảm hơn cả Red Moon in Venus mà cô phát hành 1 năm trước đó.

ORQUÍDEAS đưa người nghe đến một thành phố du lịch nào đó của Nam Mỹ, cảm nhận sự nóng bỏng đầy nồng nàn, vẻ đẹp và sự gợi cảm ẩn chứa trong mọi vật. Khán giả trở thành một nhà du hành thực thụ, lắc lư nhún nhảy trong cảm giác chếnh choáng bởi thứ men say được Kali Uchi “ủ” sẵn nay mang ra tiếp đãi.

WHAT NOW (BRITTANY HOWARD)

Khi ở trong ban nhạc Alabama Shakes, Brittany Howard là nghệ sĩ chơi guitar, là giọng ca đầy nội lực. Khi đứng một mình, Brittany là chính cô, tiếp tục đi sâu vào nội tâm để suy tưởng, ngay cả khi vụn vỡ đớn đau. What Now là một hành trình vào sâu tâm hồn, nơi Howard cố đặt ra nhiều câu hỏi và tìm cách trả lời ngay cả khi không thể.

Đặt giọng ca nội lực vào đúng khoảng tâm trạng, Brittany Howard cố tình làm đậm những khối âm thanh và nhạc cụ để mô tả thế giới phức tạp của nội tâm. Càng nghe Howard thể hiện trong What Now, khán giả càng vỡ lẽ ra sức mạnh của âm nhạc trong cách kể chuyện, giãi bày; và âm nhạc cũng là cứu cánh của một người nghệ sĩ.

COMING HOME (USHER)

Usher là một biểu tượng nhạc Pop, người có thể cùng lúc vừa khoe chất giọng R&B quyến rũ, vừa trổ tài vũ đạo uyển chuyển. Nếu Super Bowl Halftime Show 2014 là “màn chào sân” thì Coming Home là sự trở lại của Usher với âm nhạc.

Với Coming Home, Usher hát lên những “bức thư tình” về trải nghiệm đã tạo nên người đàn ông được lấp đầy bởi sự lãng mạn bên trong anh. Vẫn phong cách đậm chất “old-school”, Usher khoe giọng ca quyến rũ từ track này qua track khác, cứ như thể đưa người nghe trở về với thập kỷ nhạc Soul/R&B của những năm 2000.

ETERNAL SUNSHINE (ARIANA GRANDE)

Nếu đạo diễn Quentin Tarantino cùng bộ phim Kill Bill đã cho SZA chất liệu để tạo nên bản hit Kill Bill và một trong những album hay nhất 2023 - SOS, thì tác phẩm điện ảnh đã mang đến nguồn cảm hứng bất tận để Ariana Grande tạo nên Eternal Sunshine.

Ngay cả khi được dựa trên những sự kiện không có thực, album này vẫn đủ khiến người nghe thấu đến tâm can nỗi đau của một trái tim tan vỡ, ngập ngừng chìm trong đau đớn để rồi sau cùng bước ra. Ariana Grande chưa bao giờ thành thực, vụn vỡ, và lấp lánh đến vậy trong âm nhạc cho đến khi Eternal Sunshine được chào đời.

THE COLLECTIVE (KIM GORDON)

Tôi yêu giọng ca Stevie Nicks (Fleetwood Mac) như yêu cách sử dụng tiếng hát độc đáo của Kim Gordon (Sonic Youth). Và năm nay, Kim Gordon đã trở lại, mang đến một tuyển tập âm nhạc đầy ma lực có tên The Collective. Đĩa nhạc không chỉ gợi đến Sonic Youth mà còn là một thời kỳ âm nhạc Indie cuối thập niên 1990, đầu 2000, những tưởng “rác rưởi” mà thực ra là sáng tạo đầy thú vị.

Vẫn những âm thanh điện tử độc đáo mang màu sắc Alternative, Experimental và tinh thần của nhạc Punk, Kim Gordon tiếp tục tạo ra những thanh âm cuốn hút ở tuổi 70. The Collective không phải là đĩa nhạc phù hợp để nghe đi nghe lại, nhưng mỗi lần bật lên, bạn lại thấy một thế giới âm thanh cuốn hút và mê đắm lạ thường.

COWBOY CARTER (BEYONCÉ)

Khi người hâm mộ lột bỏ phần giấy bóng kính bao lấy đĩa nhạc, lần giở phần nội dung bên trong của , họ sẽ biết Beyoncé lại vừa tạo ra một siêu phẩm. 27 ca khúc với nhiều màu sắc âm nhạc khác nhau đã tạo nên một trong những album phức tạp và giàu có bậc nhất trong địa hạt nhạc Pop.

Trong bài Spaghettii thuộc Cowboy Carter, Beyoncé đóng vai Thanos. Nếu có điểm nào đó giữa Beyoncé và kẻ phản diện này giống nhau, thì có lẽ Cowboy Carter chính là cú búng tay của Thanos, bởi khả năng chia rẽ và đoàn kết mà hành động của mỗi người mang lại cho cộng đồng và vũ trụ sau đó.

ONLY GOD WAS ABOVE US (VAMPIRE WEEKEND)

Indie Rock luôn có những phép màu riêng, thứ âm nhạc luôn biết cách khiến bạn mê mẩn và dễ dàng “chìm sâu”. Nếu như Arctic Monkeys trở lại vào 2023, thì Vampire Weekend cũng đã chính thức trở về làng nhạc với Only God Was Above Us. Và một lần nữa, họ đã không làm người hâm mộ thất vọng.

“Thời gian” trở thành một đại lượng tạo nên sự khác biệt để Vampire Weekend đào sâu cày xới, rồi lại vứt bỏ, tái cấu trúc nền âm nhạc của mình. Tiếng saxophone phiêu lãng ở ca khúc Classical cho đến tiếng piano rượt đuổi trong âm thầm và tiếng trống dồn dập dịu dàng ở Hope khiến ta mê đắm. Và Only God Was Above Us còn chứa nhiều khoảnh khắc tuyệt vời nữa, chỉ khi bạn dành thời gian để lắng nghe.

DIAMOND JUBILEE (CINDY LEE)

Bạn sẽ không tìm thấy đĩa nhạc Diamond Jubilee của Cindy Lee trên bất cứ nền tảng nghe nhạc trực tuyến nào như Apple Music, Spotify hay Bandcamp… nhưng lại có thể nghe nó miễn phí trên YouTube. 32 ca khúc với thời lượng hơn 2 tiếng, Cindy Lee mời bạn vào một thế giới âm nhạc lạ thường, thế giới của nhạc Rock n' Roll tưởng như đã biến mất.

Từ những tiếng guitar mảnh và khô cho đến những nhịp synth tối tăm, từ tiếng trống “nhè nhè” cho đến tiếng đạp pedal guitar đều tạo nên một điều gì đó thanh lịch nhưng lại mạnh mẽ. Giọng hát folky trôi vào tai khiến mỗi âm thanh bạn nghe được thực sự là một “ân huệ”. Và Diamond Jubilee của Cindy Lee, lạ lùng thay, có thể khiến bạn cảm thấy như mới nghe lần đầu khi bạn tưởng không còn gì khám phá sau nhiều lần thưởng thức trước đó.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục