Nếu không phải là đứa con hoàn hảo của bố mẹ nữa thì tôi là gì?
Cuốn sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ của tác giả Đặng Hoàng Giang (Nhã Nam phát hành năm 2020) cho người trẻ cơ hội lên tiếng để kể về những vết thương tinh thần, những ẩn ức tâm lý của mình. Cuốn sách gây tiếng vang rộng rãi trong xã hội và là niềm động viên, khích lệ để bạn đọc các lứa tuổi, thường là lần đầu tiên trong đời, chia sẻ về cuộc đời mình.
Mời các bạn lắng nghe câu chuyện của Liên, 26 tuổi, giảng viên đại học.
Tuổi thơ chỉ sống theo kỳ vọng của bố mẹ
Hồi nhỏ tôi ốm yếu nhưng thông minh, học nhanh. Lớp Ba, tôi đoạt giải nhất thành phố hai môn tiếng Anh và Toán, đi đâu bố mẹ cũng khoe. Cô giáo kỳ vọng ở tôi, nhưng bố mẹ còn kỳ vọng nhiều hơn.
Năm sau, tôi vẫn đi thi nhưng chỉ được giải ba thành phố. Tới giờ tôi vẫn nhớ bát cơm chan nước mắt hôm đó, tôi nghẹn ứ ở họng, nuốt không nổi trong tiếng mắng chửi của mẹ. Ba ngày liền sau đó mẹ trừng phạt tôi bằng sự im lặng. Với đứa trẻ chín tuổi trong tôi, thế giới sụp đổ. Tôi thấy mình thất bại, vô dụng, mình gây ra đau khổ nhục nhã cho bố mẹ.
Tôi lao vào học, lại luôn đạt điểm cao nhất, lại đứng đầu đội tuyển. Bố mẹ lại yêu tôi, tôi lại là niềm tự hào của họ. Đến năm lớp Tám, do chủ quan hay gì không biết, tôi xếp thứ 18 của thành phố. Mẹ mắng, mẹ thất vọng, nhưng tôi bị ám ảnh hơn vì câu nói của bố. Bố bảo là cô X, người có con cùng thi và đoạt giải nhất, không thèm chào lại bố nữa. “Tất cả là tại con đấy!” Tôi tin bố và thấy mình là tội đồ của gia đình. Tôi đã khiến bố mẹ bị khinh thường.
Tôi lại học như điên, học đến muốn nôn ói ra. Tôi đoạt vị trí thủ khoa trường chuyên ở tỉnh, rồi đoạt giải Quốc gia. Tôi giành lại sự yêu thương và tin tưởng của bố mẹ. Sau lần vấp ngã thứ hai hồi lớp Tám đó, tôi thề với bản thân sẽ nỗ lực gấp một trăm lần người khác.
Cuộc sống cứ thế trôi đi, tới giờ thì tôi đã tốt nghiệp đại học và được giữ lại làm giảng viên được ba năm. Tôi cứ tưởng mình đã tạm có thể yên tâm, mình đã làm đủ rồi.
Nhưng không, tôi không bao giờ đủ. Tôi còn độc thân trong khi nhiều bạn bè đã lấy chồng. Một hôm, đang nấu cơm, tôi nghe trên nhà mẹ nói với chị tôi về đứa bạn tôi đang chuẩn bị kết hôn, “Đấy, con bé ấy biết cách ăn mặc, biết làm phụ nữ, không như con Linh nhà mình.” Tôi chùi nước mắt. Mẹ luôn ép tôi phải mặc váy, trang điểm, đi sửa lông mày, nối lông mi. Khi tôi chia tay người yêu vì người đó không quan tâm mà chỉ lợi dụng tôi, khi tôi hụt hẫng và buồn bã nhất, mẹ bảo, “Tại con không chịu ăn diện đấy, con đã thấy mình sai, không nghe lời mẹ chưa?”
Tôi không bao giờ kể thêm chuyện tình cảm gì của mình cho mẹ nữa.
Mọi cố gắng không bao giờ đủ
Tối hôm trước, nhân tôi ở nhà trong dịch cúm, bố mẹ lôi ra bắt bẻ tại sao tôi không gặp gỡ ai, không dẫn bạn trai nào về. Tôi đang cho mình giai đoạn tạm nghỉ để chữa lành sau hai mối quan hệ khiến tôi có nhiều đau khổ. Tôi đã đọc rất nhiều sách, cố gắng tìm sự bình an, học cách yêu thương bản thân. Nhưng mỗi lần về nhà gặp bố mẹ, mọi cố gắng của tôi lại tiêu tan. “Con đã 26 rồi, đã lỡ mất ba năm vàng rồi! Còn hai năm nữa, con định thế nào?” Họ chì chiết, “Sắp thành bà cô rồi đấy!”
Tôi cúi đầu khóc, không biết phải nói gì. Tôi mong dịch qua đi để có thể quay lại Hà Nội. Bố mẹ muốn nhiều thứ mà tôi không thể đáp ứng được, không thể đáp ứng kịp. Tôi là người nhạy cảm và sống nội tâm, tôi không giỏi giao tiếp, tôi luôn cần thời gian để thích ứng với mọi việc. Nhưng với bố mẹ thì tôi quá chậm chạp, không theo đúng lịch trình mà họ đặt ra. Họ sốt ruột.
Càng lớn tôi càng cảm thấy cuộc đời mình thiếu một thứ gì đó mà mình không thể nói ra. Cuộc sống “hoàn hảo” hiện tại như cái vỏ ngoài bằng kính, che đậy con người nhỏ bé, yếu đuối và đầy lỗi bên trong của tôi. Tôi rất sợ. Nếu tôi không thể lấy chồng trong hai năm tới, nếu tôi mất việc ở trường ĐH, bố mẹ sẽ nghĩ gì? Một ngày kia, khi cái vỏ ngoài vỡ tan, sự thật được phơi bày, sẽ có ai còn lại bên cạnh tôi? Nếu đời tôi không đúng như bố mẹ sắp đặt và mong đợi, họ sẽ từ mặt tôi?
Nếu không phải là đứa con hoàn hảo của bố mẹ nữa, thì tôi là cái gì? Tôi sẽ còn lại gì, khi từ nhỏ tới giờ, tôi sống là để chiều lòng bố mẹ?
*Tên và một số chi tiết cá nhân đã được thay đổi để bảo vệ sự riêng tư của nhân vật.