Người Việt mình có phân biệt chủng tộc?
Systemic racism ở Việt Nam có tồn tại không? Chúng ta phải làm những gì để nạn phân biệt chủng tộc không còn tồn tại trên đất Việt nữa?
Bài viết thể hiện góc nhìn và trải nghiệm của tác giả, không phải của Vietcetera.
Trước khi đi vào vấn đề, mình có hai mẩu chuyện muốn kể.
Một.
Tháng trước mình về Việt Nam và vô tình gặp một người bạn đi cùng gia đình. Bạn này cũng đi du học, đang yêu một bạn Tây da trắng.
Bố mẹ bạn hỏi mình có đang yêu ai bên kia không. Mình trả lời bâng quơ là "chưa ạ".
Bố bạn ấy bảo mình, “Ừ, yêu ai cũng được. Cơ mà đừng yêu mấy thằng Tây da đen. Thấy trên phim ảnh chúng nó đầu đường xó chợ ghê lắm.”
Mình bối rối nhìn sang bạn mình, nó ái ngại nhìn xuống đất cũng chẳng biết nói sao.
Hai.
Mình có anh bạn là người Scotland sống ở Hà Nội. Anh kể, trong cộng đồng giáo viên tiếng Anh người nước ngoài, có một luật ngầm ở một số trung tâm: người nước ngoài da trắng được trả lương cao nhất, rồi tới người nước ngoài da màu, và cuối cùng là người Việt Nam.
Mức lương của người Việt thấp hơn có thể là dễ hiểu vì tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Hơn nữa, mức sống ở nước ngoài cao hơn nên các trung tâm cũng phải trả lương tương đương cho người nước ngoài để thu hút họ.
Tuy nhiên, chênh lệch mức lương giữa người nước ngoài với nhau, không dựa vào khả năng mà chỉ dựa vào màu da, thì khó tìm được lí do nào chính đáng.
Như vậy, một người đến từ Hà Lan, nói tiếng Anh không quá thuần thục vẫn có thể được trả cao hơn một người Mỹ gốc Phi với tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, chỉ vì làn da trắng.
Đối với bạn, hai câu chuyện trên có liên quan tới phân biệt chủng tộc?
Nếu câu trả lời của bạn là “không,” thì để mình lật lại định nghĩa nhé.
Phân biệt chủng tộc là định kiến, phân biệt đối xử hay thái độ hung hăng đối với người thuộc một chủng tộc khác dựa trên niềm tin rằng có một chủng tộc siêu việt hơn tất cả.
Tại sao phân biệt chủng tộc lại sai trái thì (mình hy vọng) đã quá rõ ràng, nhưng nếu bạn nào còn phân vân thì có thể đọc một bài chi tiết hơn mình đã viết ở đây.
Những câu chuyện trên không phải lần đầu mình trải nghiệm tư tưởng phân biệt của người Việt.
Không ít lần bạn bè của mình là người Mỹ gốc Việt kể rằng bố mẹ họ, hiện đang sống ở Mỹ, cấm họ giao du với người da màu.
Có lần, mình đang ngồi ăn vặt vỉa hè ở phố cổ Hà Nội thì một anh gốc Phi đi qua. Một loạt những người ngồi quanh mình bắt đầu xầm xì và chỉ trỏ, “Uầy thằng này đen thế,” “mà không thấy bặm trợn như trên phim nhỉ?”
Mình để ý thấy anh ấy liếc qua đám người một cái rồi ngượng ngùng rảo bước đi nhanh hơn.
Trong khi đó, người da trắng ở Việt Nam đi đến đâu cũng được xin chụp ảnh cùng, mọi người thi nhau nói “hello” rồi cười chào rất thân thiện.
Ở đây, rõ ràng có một sự thiên vị trong cách đối xử chỉ dựa trên chủng tộc. Nhưng tại sao?
1. Việt Nam là nước khá đơn chủng
Từ năm 2004 đến 2015, số lượng người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam đã tăng hơn 6,6 lần. Nhưng so với dân số hơn 90 triệu người thì mức độ đa dạng chủng tộc ở nước ta vẫn rất nhỏ.
Tính cả các dân tộc thiểu số thì Việt Nam vẫn là một nước khá đơn chủng (racially homogeneous), hầu hết là người châu Á.
Hằng ngày, những người ta tiếp xúc chủ yếu giống ta hoàn toàn — da vàng, tóc đen, nói tiếng Việt. Vậy nên việc tò mò khi thấy bằng xương bằng thịt một người từ chủng tộc khác là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, sự tò mò không nên là lý do để chúng ta soi mói, chỉ trỏ, hành động khiếm nhã với người da màu.
2. Kiến thức chủng tộc trong chương trình giáo dục nước ta còn hạn chế
Chúng mình từng được học qua về Apartheid, về nạn phân biệt chủng tộc ở một số nước tư bản. Nhưng chủ đề này được dạy như thể nó hoàn toàn thuộc về quá khứ và đã được xoá bỏ hoàn toàn.
Sự thật thì không phải vậy — phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại khắp mọi nơi, chỉ có phần ít trắng trợn hơn.
Đối với nhiều người Việt, hiểu biết về các chủng tộc khác đến từ phim ảnh, sách báo. Đa phần nội dung trong đó tôn vinh và lấy người da trắng làm trọng tâm (Euro-Americentrism). Các vai diễn bạo lực ở nước ngoài đa số chọn người da màu, gây nên một góc nhìn lệch lạc và thiên kiến cho người xem.
Mọi tiêu chuẩn sắc đẹp trên đời này không phải tự nhiên mà có. Chúng được xây dựng và quyết định bởi chủng tộc, giai cấp có quyền lực trong xã hội.
Không phải tự nhiên chúng ta thấy da trắng, tóc vàng, mắt xanh là đẹp và da đen là xấu. Không phải tự nhiên trong mắt nhiều người Việt, màu da đen lại đi liền với tội phạm, băng đảng, súng đạn.
3. Nhiều người vẫn nghĩ tư tưởng/hành động của mình không phải phân biệt chủng tộc, hoặc ít nhất là chúng vô hại
Điều này dẫn sang câu chuyện thứ hai, là khi tư tưởng trọng da trắng khinh da màu tồn tại lâu năm và được bình thường hóa, nó bám gốc rễ vào mọi khía cạnh của đời sống.
Mình đã rất sốc khi nghe tới cái luật ngầm về chênh lệch mức lương cho giáo viên tiếng Anh ở Việt Nam. Nhưng ở một số xã hội đa chủng hơn, sự phân biệt chủng tộc còn thể hiện qua các chính sách về nhà ở, giáo dục, quy hoạch đô thị, hệ thống pháp lý và nhà tù – thể hiện rõ nét nhất qua cách cảnh sát đối xử bạo lực với người da màu.
Hiện tượng này được gọi là systemic racism – phân biệt chủng tộc có hệ thống.
Anh bạn mình bảo chuyện này ở Việt Nam nhiều người biết, nhưng chưa thấy ai lên tiếng phản đối gì. Mà có cầu nên mới có cung.
Nhiều phụ huynh chỉ muốn con mình học giáo viên da trắng, không cần biết trình độ sư phạm của họ tới đâu. Nhiều người quan niệm, phải da trắng mới là “Tây xịn.”
Với xu thế toàn cầu hoá, số lượng người nước ngoài ở Việt Nam sẽ ngày càng tăng nhanh. Người Việt sang nước ngoài sinh sống, và theo đó là gặp phải những rào cản, định kiến về chủng tộc và văn hoá, cũng ngày một nhiều.
Đã đến lúc xã hội Việt thay đổi góc nhìn và cách ứng xử với người nước ngoài, và với chính vị trí của bản thân chúng ta trong mối quan hệ này.
Chúng ta không vô can
Hồi xưa mình từng nghĩ, mình được giáo dục tốt, làm sao mà phân biệt chủng tộc được.
Nhưng một buổi tối, tầm 10h hơn ở Mỹ, đường khá vắng, mình đang đi bộ một mình thì quay lại và thấy một thanh niên người da đen đi đằng sau, cách vài mét.
Tự nhiên mình thấy sợ, tim đập nhanh và bắt đầu bước nhanh hơn. Được vài giây thì anh ấy bước vào một căn nhà ven đường.
Mình bắt đầu thở đều và nghĩ lại về trải nghiệm này, đặt cho bản thân một loạt câu hỏi. Anh này ăn mặc bình thường, chẳng có vẻ gì đe dọa hay rình rập, cách mình cũng khá xa, tại sao mình vẫn sợ?
Nếu mình ngoảnh lại và nhìn thấy một gương mặt da trắng, liệu mình có phản ứng khác không?
Câu trả lời là có, vì nó đã xảy ra vào nhiều lần khác và mình đã không sợ. Lúc đó mình mới nhận ra những định kiến về chủng tộc đã ăn sâu vào tiềm thức mình thế nào.
Bao nhiêu năm tiêu thụ văn hoá đại chúng với những gương mặt gốc Phi bị tội phạm hoá (criminalized) đã nhồi nhét vào đầu mình đủ các loại định kiến ngầm mà bình thường không bộc lộ ra.
Bản thân mình trong tiềm thức thỉnh thoảng cũng rơi vào cái bẫy này — tự động liên kết da trắng với sự đáng tin cậy, an toàn, trí tuệ, còn da màu với mối nguy hiểm, phẩm chất thấp kém hơn.
Vai trò của người Việt trong công cuộc xóa bỏ nạn phân biệt
Sau những trải nghiệm trên, mình ngộ ra rằng, tất cả chúng ta đều đóng một vai trò trong những bất công đối với người da màu, và đối với chính chúng ta — những người châu Á.
Chúng ta bị tẩy não để nghĩ rằng cứ phải mũi cao, da trắng, mắt hai mí mới là đẹp, tiêu tốn bao nhiêu tiền của và sức khỏe để thay đổi hình thể cho “giống Tây.”
Các hãng thời trang thi nhau dùng người mẫu da trắng cho các bộ sưu tập của mình, nhưng lại thường gửi đi thông điệp là “be effortlessly beautiful” (hãy đẹp tự nhiên).
Các áp phích, biển quảng cáo trên đường, từ nha sĩ, bán giày dép, tới buôn sim điện thoại, rao nhà bất động sản, đều sử dụng nhan nhản ảnh người da trắng lấy vô tội vạ từ trên mạng.
Đến mức bạn mình người Mỹ du lịch Hà Nội còn phải ngạc nhiên hỏi mình: tại sao nước cậu quảng cáo toàn dùng ảnh người da trắng tràn lan thế? Người Việt Nam thích da trắng đến thế à?
Nếu được hỏi người Việt mình có phân biệt chủng tộc không, câu trả lời của mình là: có. Cũng như người Mỹ, Pháp, Hàn, Nhật hay ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Hiếm có cộng đồng nào miễn dịch với hệ thống tư tưởng đã ăn sâu bao năm này. Điều quan trọng là ta nhìn ra vấn đề trong chính nhận thức của mình, chiêm nghiệm để thay đổi trước khi nó biến thành lời nói hay hành động gây tổn thương người khác.
Đừng giữ im lặng khi những người xung quanh mình vô tư lấy vấn đề chủng tộc ra làm trò đùa. Nếu được, hãy lịch sử thể hiện thái độ của mình và góp ý để họ dần thay đổi.
À, và đừng bao giờ nói N-word.
Kết
Tháng trước, mình được trải nghiệm ngày tưởng niệm Martin Luther King Jr. ở thành phố mình sống, Chicago, Mỹ.
Khắp nơi mọi người diễu hành, chiếu phim, tổ chức các buổi nói chuyện để ghi nhớ công lao đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của ông.
Mình đi một buổi hòa nhạc jazz mang tên "Ask Your Mama" ở Chicago Symphony Center.
Lần đầu tiên trong một không gian thính phòng danh giá từng chỉ dành cho người da trắng, mình thấy đến 80% khách là người gốc Phi. Lần đầu tiên mình thấy tất cả các nghệ sĩ khách mời và nhạc trưởng đều là phụ nữ da màu.
Cuối buổi hòa nhạc, tất cả mọi người bất kể độ tuổi, chủng tộc, đều đứng lên nắm tay nhau hát vang cùng dàn nhạc bài “We Shall Overcome.”
“We’ll walk hand in hand…
We shall live in peace…
We shall all be free…
We are not afraid…
Oh, deep in my heart,
I do believe
We shall overcome, someday.”
Mới hơn 53 năm trước, người gốc Phi ở Mỹ vẫn bị cô lập, phải học khác trường, uống nước khác bình, đi xe buýt riêng biệt khỏi người da trắng.
Mới hơn 28 năm trước, nạn Apartheid vẫn thống trị Nam Phi, người da đen vẫn bị từ chối vô số quyền con người.
Và ngay lúc này, hơn nửa triệu người Rohingya vẫn đang trốn chạy khỏi sự diệt chủng tàn bạo của quân đội Myanmar.
Ừ, một ngày nào đấy, chúng ta sẽ cùng sống trong hoà bình. Chúng ta sẽ vượt qua tất cả.
Mình nhớ cổ họng mình nghẹn lại.