Người Vợ Cuối Cùng và "phát súng" đầu tiên của Victor Vũ
Sau 14 năm trở về nước làm phim, kể từ Chuyện tình xa xứ (2009), Victor Vũ chắn chắn giữ một kỷ lục chưa đạo diễn Việt kiều nào, thậm chí tính luôn cả đạo diễn trong nước vượt qua được: số lượng phim.
Không kể hai bộ phim thực hiện trước đó tại Mỹ, không kể mini-series Trại hoa đỏ, Victor Vũ đã cho ra mắt tổng cộng 14 bộ phim tại Việt Nam, tức tính bình quân một năm một phim. Không chỉ dẫn đầu về số lượng phim, với tôi, Victor Vũ cũng là đạo diễn chịu khó… thay đổi thể loại (genre film) nhất.
Việc được đào tạo bài bản tại Mỹ, có trải nghiệm làm phim với Hollywood trong giai đoạn đầu sự nghiệp cộng với sự nhạy cảm về thị hiếu của thị trường khiến anh thử nghiệm liên tục giữa các thể loại phim khác nhau.
Từ dòng kinh dị tâm linh của thời đầu ở Mỹ như Oan hồn và Buổi sáng đầu năm, đến kinh dị pha trộn hình sự với Quả tim máu. Từ dòng psychological thriller/horror (tâm lý hình sự/kinh dị) với Scandal – Bí mật thảm đỏ tới phim hài tình cảm với Chuyện tình xa xứ và Cô dâu đại chiến.
Từ phim dã sử/hành động (Thiên mệnh anh hùng) đến phim siêu anh hùng (Lôi Báo). Và còn cả chùm phim chuyển thể từ tiểu thuyết ăn khách (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc) đến phim chuyển thể kiểu “period drama film” (phim chính kịch/phim xưa)… Trong mỗi bộ phim này đều có sự pha trộn giữa vài thể loại/dòng phim khác nhau.
Sự bay nhảy giữa các thể loại cho thấy Victor Vũ là một đạo diễn rất tự tin với tay nghề và chuyên môn điện ảnh của mình. Anh nắm bắt được thị hiếu khán giả và gặt hái được nhiều thành công tại phòng vé, nhưng cũng có những bộ phim cho thấy sự xuống tay, hoặc phong độ thiếu ổn định. Hai phần tiếp theo của Scandal và Cô dâu đại chiến, Lôi Báo, Người bất tử và Thiên thần hộ mệnh là những ví dụ.
Vậy Người Vợ Cuối Cùng - bộ phim mới nhất của Victor Vũ - nằm trong nhóm phim thành công hay xuống tay của anh? Tôi nghĩ nó nằm ở… giữa.
Người Vợ Cuối Cùng và những điểm mạnh, yếu
Ở mặt ưu điểm, tôi có thể nhận thấy rõ bộ phim mới nhất này thỏa mãn về phần thị giác đối với dòng phim xưa, trong bối cảnh điện ảnh thương mại của Việt Nam hiện tại. Ê kíp sáng tạo đã dày công nghiên cứu và đồng thời cũng đầu tư rất công phu về phục dựng bối cảnh xưa.
Họ xây dựng ngôi làng cổ đậm chất Bắc Bộ xưa bên cạnh một kỳ quan thiên nhiên như hồ Ba Bể, làm nên một bối cảnh phim “nịnh mắt.” Bên cạnh những góc máy toàn cảnh để thiết lập bối cảnh, kéo ngược khán giả về quá khứ, đoàn làm phim làm rất tỉ mỉ những chi tiết kiến trúc, nội thất trong nội cảnh (nhà quan, nhà dân), cảnh chợ búa, sinh hoạt văn nghệ, v.v. Nhờ đó, phim thoát được việc thiết lập những bối cảnh xưa đầy giả tạo hoặc ẩu tả mà nhiều bộ phim Việt Nam cùng thể loại từng mắc phải.
Thế mạnh trong chỉ đạo diễn xuất của Victor Vũ cũng được phát huy trong bộ phim này khi có sự phối hợp nhịp nhàng giữa diễn viên hai miền mà không có sự chênh phô về diễn xuất. Quang Thắng, Kim Oanh – hai diễn viên kỳ cựu của sân khấu, truyền hình phía Bắc cùng Kaity Nguyễn, Thuận Nguyễn và Đinh Ngọc Diệp – diễn viên phim thương mại phía Nam đều làm khá tốt vai trò của họ trong phim.
Nhân vật nào cũng có màu sắc, tính cách riêng biệt đủ để “neo” cảm xúc của khán giả đến cuối hành trình số phận của mỗi người trong bọn họ. Vẻ đanh đá, cay nghiệt của bà vợ cả do Kim Oanh đóng, sự tưng tửng duyên ngầm của bà vợ hai do Đinh Ngọc Diệp đóng, và sự chịu đựng nhưng có một nội lực mạnh mẽ, quyết liệt bên trong của bà vợ cuối cùng do Kaity Nguyễn đóng làm nên ba bà vợ có ba tính cách và số phận khác biệt. Điều này cũng làm rõ được chủ đề phim – vốn đã được thể hiện ngay ở nhan đề.
Thế nhưng bên cạnh những điểm khá tốt đó, phim cũng bộc lộ vài điểm hạn chế về độ sâu của thiết lập bối cảnh văn hóa và cách xử lý nhịp phim hơi cũ, rề rà, nặng về melodrama trong nửa đầu. Những câu chuyện về thê thiếp trong thời phong kiến, chuyện “trọng nam khinh nữ” cổ hũ, chuyện tình yêu lãng mạn và khắc cốt ghi tâm trong hoàn cảnh ngang trái, nặng về bi thương… vẫn được xử lý và khai thác theo kiểu cũ.
Ngay cả ở những cảnh nóng, dù xử lý khá tinh tế, nhưng phim vẫn chưa thực sự đột phá. Trong khi đó, chất dân gian hay văn hóa truyền thống Bắc Bộ cũng chỉ mới dừng lại ở bề mặt của hình ảnh mà chưa khai thác những tầng sâu hơn.
Quả thật, xem nửa đầu phim, tôi hơi sốt ruột và tự hỏi sao tới bây giờ Victor Vũ vẫn làm phim… cũ thế này. Ơn giời, anh kịp tung ra một vụ án mạng được xử lý hấp dẫn như phim Hollywood. Vụ án kiểu “cắt cổ gà” này lập tức phá vỡ nhịp phim rề rà trong nửa đầu để bắt đầu rẽ sang một hướng mới, kịch tính và hấp dẫn hơn khi có sự xuất hiện của nhân vật thám tử tên Kiên (Quốc Huy).
Điểm sáng lớn của Người Vợ Cuối Cùng
Đây quả thực là một nhân vật thú vị, được đầu tư về kịch bản. Diễn xuất của Quốc Huy cũng là một điểm sáng, chiếm spotlight mỗi khi nhân vật này xuất hiện. Anh ta vừa có phẩm chất của một tay thám tử cáo già khôn ngoan, dựa vào chứng cứ và tâm lý để điều tra vụ án, nhưng đồng thời vẫn là kẻ biết trọng lẽ phải và phần nào đó trọng tình, đứng về phía những kẻ yếu thế.
Nó cũng làm nên sự khác biệt giữa nhân vật này với hai nhân vật có quyền có chức khác, dễ sa vào công thức trong phim là quan tri huyện (Quang Thắng) và thầy đề Thiện Lương (Anh Dũng).
Thám tử Kiên qua diễn xuất của nam diễn viên trẻ này (khiến tôi ngạc nhiên tới mức ngồi chờ xem credit để biết ai đóng) là một điểm sáng của bộ phim. Tôi nghĩ đây cũng là một gợi ý cho Victor Vũ ở những phim tiếp theo: phim điều tra án mạng thuộc dòng “whodunit” đang thịnh hành trở lại ở Hollywood với Murder On The Orient Express, Sherlock Holmes, Knives Out, v.v.
Nhân vật này dù xuất hiện ở nửa sau bộ phim, nhưng hoàn toàn có thể phát triển trở thành một nhân vật độc lập để tiếp tục khai thác những tiềm năng sâu hơn của dòng phim trinh thám phá án, mà tôi nghĩ Victor Vũ có đủ khả năng để hấp dẫn khán giả.
Vụ án mạng cùng thám tử Kiên làm tăng những yếu tố kịch tính, hấp dẫn trong nửa cuối với nhịp phim dồn dập hơn. Có kẻ chết cháy (mà khán giả vỗ tay rần rần vì… xứng đáng quá), có vụ lật kèo, có trả giá, có trừng trị bọn quan tham gian ác khiến khán giả thỏa mãn nhất định.
Dù vậy, bộ phim vẫn nặng về tư duy “melodrama” khiến những giọt nước mắt trên gương mặt sáng bừng của Kaity Nguyễn trong mỗi khung hình mất dần tác dụng trong phần cuối.
Tôi nghĩ với dòng phim xưa này, nếu biên kịch và đạo diễn dám… lật kèo tới cùng, dám mang cho nó một tinh thần mới và đương đại hơn, như kiểu The Handmaiden của Park Chan Wook chẳng hạn, thì Người Vợ Cuối Cùng có lẽ sẽ tốt hơn nhiều.
Nhưng tôi nghĩ Người Vợ Cuối Cùng cũng khá hợp thị hiếu khán giả đại chúng và khá ăn khách tại phòng vé. Còn bây giờ, tôi xin “đặt kèo” cho một bộ phim thuộc dòng “whodunit” của Victor Vũ với phát súng đầu tiên mà anh đã nổ trong bộ phim này.