11 Thg 06, 2024Sáng TạoÂm Nhạc

Nhạc gay là nhạc hay

Từ Prove It On Me Blues của Ma Rainey đến One of Your Girls của Troye Sivan là cả một lịch sử giàu có, đa dạng phong phú giữa âm nhạc và văn hoá LGBTQ+.
Phan Linh
Nguồn: Hornet

Nguồn: Hornet

Tôi đã tự đặt câu hỏi liệu bản thân có đủ thẩm quyền để đào sâu vào chủ đề âm nhạc và ảnh hưởng qua lại của nó với văn hoá LGBTQ+? Điều khiến tôi suy nghĩ nhất, đó là bài viết này để làm gì? Liệu có cần thiết không? Và rằng tôi có thể truyền tải điều gì trong một bài viết ngắn ngủi, khi lịch sử âm nhạc và văn hoá LGBTQ+ đã phát triển trù phú cả trăm năm.

Rồi một buổi sáng đầu tháng 6, trên trời 7000 tia sét chớp loè, tiếng sấm đì đùng và mưa như trút nước, tôi đang suy nghĩ miên man thì trình phát nhạc trên laptop đã tự động “nhảy” qua bài hát John My Beloved của Sufjan Stevens từ bao giờ. Ngay khoảnh khắc đó, tôi nghĩ rằng mình có thể viết gì đó về âm nhạc và văn hoá LGBTQ+.

Gay love, trước hết là tình vui

Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc trở lại năm 1939, khi Thế chiến 2 chính thức nổ ra. Đồng tính luyến ái tại Mỹ vẫn bị xem là phi pháp. Để trao đổi thông tin, những người đồng tính nam đã sử dụng thuật ngữ “Friend of Dorothy” như một từ lóng để nhận diện nhau.

Các cơ quan điều tra đã sớm phát hiện ra điều này. Họ đã tiến hành một cuộc săn phù thuỷ (witch-hunt) trên quy mô lớn để tìm ra người phụ nữ tên Dorothy, hòng lợi dụng cô ấy để truy ra những quân nhân đồng tính.

Dorothy thì chẳng thấy đâu nhưng “bạn của cô ấy” thì vẫn bí mật trao đổi liên lạc với nhau. Có lẽ, những người điều tra không bao giờ biết rằng, Dorothy là nhân vật hư cấu trong bộ phim The Wizard of Oz. Và họ cũng không nhận ra, bài hát Over the Rainbow của Judy Garland từ bộ phim này được những người đồng tính nam đặc biệt yêu thích.

Nhưng 10 năm trước đó, Gay Love vẫn chưa phải là cách gọi tình yêu giữa những người đồng tính nam. Khi danh ca Bing Crosby (đúng rồi, White Christmas mà bạn nghe mỗi dịp Giáng sinh là của ông ấy) hát tình ca Gay Love vào năm 1929, thì “gay” vẫn có nghĩa là niềm vui. Vì thế “gay” lúc này chưa phải là đồng tính, và “gay love” là tình yêu nhiều niềm vui chứ chưa phải là tình yêu đồng tính.

Nhưng cùng thời điểm Bing Crosby hát Gay Love là thứ tình vui, chúng ta cảm nhận được những hương vị của âm nhạc LGBTQ+ đúng nghĩa từ một nơi khác. Người đó là Ma Rainey, nữ nghệ sĩ tiên phong của dòng nhạc Blues đã nói về tình yêu đồng giới.

Trong bản nhạc Prove It On Me Blues (1928), Rainey nói về trải nghiệm thích xuống phố đêm với phụ nữ bởi cô chả yêu đàn ông gì sất. Trong suốt sự nghiệp sau đó, Rainey cũng kết thân với Bessie Smith, một ca sĩ song tính chuyên hát nhạc Blues.

LGBTQ+ đi sâu vào mọi ngóc ngách âm nhạc

Nếu bây giờ bạn thử liệt kê danh sách những nghệ sĩ âm nhạc vĩ đại 100 năm qua, bạn sẽ kinh ngạc khi biết rằng, nhiều trong số đó là người đồng tính, song tính... không chỉ gây ảnh hưởng mà còn hát lên những khúc ca về văn hoá LGBTQ+.

Rock đâu chỉ “trắng” và “nam tính”

Nếu bạn nghĩ rằng, ngôi sao nhạc Rock phải là những người dị tính, nam tính xù xì thì quả cũng không có gì sai. Nhưng bạn cũng phải công nhận, có một lịch sử “nửa” bí mật của những nghệ sĩ đồng tính, song tính trong nhạc Rock.

David Bowie đã thẳng thắn nói ông là người song tính. Mick Jagger của Rolling Stone cũng “gian gian díu díu mập mờ” về xu hướng tính dục. Freddie Mercury của ban nhạc Queen huyền thoại thì thú nhận mình “đồng tính như một bông thuỷ tiên vàng.”

“Một ngôi sao nhạc Rock nghĩa là da anh ta phải trắng, và đặc biệt, anh ta phải dị tính?” Khi được phóng viên hỏi như vậy, Michael Stipe - thủ lĩnh của ban nhạc Indie Rock R.E.M đã thẳng thắn trả lời rằng: “Look… I yam what I yam” (Này… tôi là chính tôi).

Thực ra tính queer (ban đầu vốn là từ chỉ sự kỳ lạ, khác thường) đã tồn tại và ảnh hưởng đến Rock cũng như Indie Rock từ lâu. Từ nghệ sĩ phóng khoáng như Lou Reed (The Velvet Underground) cho đến Pete Shelley (Buzzcocks), The B-52 cho đến Grizzly Bear, Vampire Weekend... đều có những ảnh hưởng sâu sắc và đóng góp ít nhiều cho việc tái trình hiện cộng đồng và văn hoá LGBTQ+ đến đại chúng.

Quan trọng nhất không chỉ ở giới tính hay xu hướng tính dục của những ngôi sao vĩ đại kể trên mà ở những tác phẩm âm nhạc tuyệt đỉnh của họ, sự ảnh hưởng đến văn hoá đại chúng mà họ tạo ra. Đến ngày nay, âm nhạc họ biểu diễn, những phát ngôn mà họ chia sẻ vẫn tiếp tục cho thấy sự đa dạng, sự sáng tạo và là nguồn cảm hứng bất tận.

Ảnh hưởng đến/ từ Jazz, Blues, Disco…

Âm nhạc và văn hoá LGBTQ+ luôn có sự ảnh hưởng và tác động lên nhau, điều này không cần phải bàn cãi. Và hầu hết mọi ngóc ngách của âm nhạc từ cả 100 năm trước, văn hoá LGBTQ+ đã có những ảnh hưởng một cách sâu sắc.

Từng có một câu hỏi rằng, từ bao giờ mà nhạc Jazz lại “thẳng” đến vậy? Bởi có một thực tế là phần lớn những nghệ sĩ chơi nhạc Jazz thuộc cộng đồng người da đen gốc Phi và thuộc LGBTQ+. Đó là những nghệ sĩ tài năng, và cũng từng nhận về không ít tủi hổ như Tony Jackson. Nhưng nhạc Jazz vẫn luôn là ngôi nhà của mọi nghệ sĩ, kể cả những nghệ sĩ đồng tính.

Hay nhắc đến các sân khấu Cabaret, một loại hình giải trí gồm cả biểu diễn âm nhạc, lại càng nhiều điều thú vị hơn nữa. Đức từng là nơi có những sân khấu Cabaret thu hút đông đảo khán giả, và cũng là “cửa ngõ” cho những người thuộc cộng đồng LGBTQ+.

Trong tiểu thuyết Từ biệt Berlin, nhà văn đồng tính Christopher Isherwood đã từng ít nhiều nói về điều này. Ông còn là tác giả của một trong tiểu thuyết đề tình đồng tính nổi tiếng nhất, từng được Tom Ford dựng thành phim: A Single Man.

Các câu lạc bộ đêm, các buổi trình diễn Drag Queen tại các sân khấu Cabaret tại Mỹ cũng tạo nên một bối cảnh văn hoá đặc sắc và phi thường. Trong cuốn Middlesex của Jeffrey Eugenides kể về nhân vật mang lưỡng giới tính giả cũng nói để sự ảnh hưởng của Drag Queen, văn hoá LGBTQ+ và ảnh hưởng, tác động của nó lên âm nhạc, xã hội.

Dòng nhạc Disco từ các sàn nhảy cũng cho thấy một sự ảnh hưởng giữa âm nhạc và văn hoá LGBTQ+ từ thập niên 1970. Thậm chí đã từng có một lịch sử văn hoá thú vị giữa các câu lạc bộ đêm, các sàn nhảy, nhạc nghệ sĩ dòng Disco và cộng đồng người đồng tính.

Muôn màu văn hoá LGBTQ+ trong nhạc Pop

Từ Jazz đến Blues, từ Rock đến Disco, Rn'B, Hiphop đâu đâu cũng có bóng dáng và sự ảnh hưởng của văn hoá LGBTQ+. Và nhạc Pop cũng thế, thậm chí còn đa dạng, đặc sắc và trực diện hơn. Khán giả yêu thích Frank Ocean, Sufijan Stevens, Sam Smith, Kim Petra, Troye Sivan, Lil Nas X… trước hết là bởi thứ âm nhạc kỳ diệu mà họ tạo ra; và còn là tiếng nói mạnh mẽ về cộng động LGBTQ+ ngày nay.

Và trước đó nữa, những ngôi sao nhạc như Elton John, Ricky Martin, George Michael cũng là những thần tượng nhạc Pop được cộng đồng người đồng tính yêu thích. Âm nhạc và những sáng tạo của họ là nguồn độc lực mạnh mẽ cho mọi khán giả ngày nay.

“Katy Perry, Lady Gaga, Taylor Swift, Adele, Lana Del Rey, Ariana Grande… đã nuôi lớn cả một thế hệ gay.” Nhiều khán giả đã nhận định như thế trên Twitter. Những main-pop girls này ít nhiều dù là những ca sĩ dị tính nhưng đã tạo ảnh hưởng, cổ vũ và chia sẻ với cộng động LGBTQ+.

Và tất nhiên, chúng ta đều biết “nữ hoàng nhạc Pop” Madonna, Kylie Minogue, Bjork… cũng tạo nên những ảnh hưởng tích cực đối với bức tranh nhạc Pop và cộng đồng người đồng tính, ở khía cạnh tốt đẹp nhất.

Tạm kết

Những phong trào LGBTQ+ đã ảnh hưởng, tác động đến âm nhạc đại chúng và ngược lại. Bất cứ thời điểm nào hay ở bất cứ đâu cũng sẽ luôn có những tiếng hát mạnh mẽ về sự đa dạng, những nguồn cảm hứng bất tận. Âm nhạc LGBTQ+ có khi ngầm ẩn có khi thẳng thắn nhưng bao giờ cũng mang tính đấu tranh, nhân bản và sự bao dung ở trong đó.

Âm nhạc là sự đa dạng và âm nhạc còn truyền đi những điều tuyệt vời chừng nào sự đa dạng đó còn xuất hiện. Như thể vào sáng xám trời tịch mịch, bạn nghe một bản nhạc dân gian (folk) da diết và nhận thấy ra vẻ đẹp nguyên bản. Và bạn không cần phải giả vờ cảm nhận vị ngọt cho đến khi sự bí ẩn tan đi như Sufjan Steven hát trong John My Beloved. Sự bí ẩn luôn còn đó, bởi vì thế mà nó đẹp và hấp dẫn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục