4 giờ trướcSáng TạoÂm Nhạc

Nhất Bái Thiên Địa - tiếng ai oán đầy ám ảnh của phận người phụ nữ

Ngày 18/11, The Flob đăng tải MV Nhất Bái Thiên Địa - ca khúc đã được ấp ủ suốt 6 năm - để mở màn cho album sắp tới.
Ngạo Thuyên
Nguồn: Nguồn: The Flob & Phim Của Quạ

Nguồn: Nguồn: The Flob & Phim Của Quạ

Hành trình trưởng thành với 6 năm thai nghén

Năm 2022, may mắn được xem màn trình diễn Nhất Bái Thiên Địa của The Flob tại No Phone Show 4 - Hanoi Rock City, tôi đã hoàn toàn bị chinh phục. Biết đến The Flob qua những ca khúc Em Ơi, Sống Sai Rất Trẻ Trung Tươi Sáng, hay thậm chí là Vegas - một bản rock phối EDM vô cùng “ăn chơi, máu lửa”, trong suy nghĩ của tôi, The Flob là ban nhạc trẻ với phong cách quả thực rất “trẻ”.

Vì thế, màu sắc đầy u ám và uất ức, khác lạ hoàn toàn của Nhất Bái Thiên Địa - ca khúc thực chất đã “debut” trên sân khấu lần đầu từ năm 2018 - nổi bật lên cháy bỏng và để lại dấu ấn mãnh liệt.

Không khó hiểu khi ca khúc Nhất Bái Thiên Địa - và toàn bộ album sắp tới của The Flob - bị “ém hàng” lâu như vậy dẫu đã nhiều lần được đem lên sân khấu và nhận về phản ứng bùng nổ. Quả thật, Nhất Bái Thiên Địa là một tác phẩm khá “nặng đô” với The Flob. Ca khúc được viết từ khi các thành viên chỉ mới 18 tuổi, 2 guitarist lúc đó còn chưa tròn 16, tái hiện lại cảm nhận của ban nhạc khi nghe các câu chuyện của những người phụ nữ quanh mình. Đến khi trưởng thành hơn và có thêm nhiều trải nghiệm, ban nhạc nhận ra cần có một trách nhiệm lớn đối với thông điệp của bài hát.

Với tầm nhìn như vậy, họ sẵn sàng ấp ủ ca khúc trong suốt 6 năm cho đến khi tích lũy được đầy đủ vốn liếng cả về nhân sinh quan lẫn kỹ năng âm nhạc và khả năng sản xuất hình ảnh. Cũng vì vậy, màn ra mắt chính thức của Nhất Bái Thiên Địa có thể được coi là cột mốc trưởng thành của 6 chàng trai.

Các thành viên còn mặc đồng phục trong lần đầu tiên diễn Nhất Bái Thiên Địa. | Nguồn: Threads @lilkimloai

Guitarist Hồ Nam còn nửa đùa nửa thật chia sẻ trên trang cá nhân: “Vì tác phẩm được viết quá kỹ, nên vào thời điểm chấp bút đã tự sinh ra trí tuệ và rời bỏ trần gian đi thỉnh võ công, The Flob không tài nào giữ lại được để release. Cho đến cuối năm [2024], tác phẩm đã quay trở lại trước sự bàng hoàng của chính bậc sinh thành.”

Âm thanh của uất nghẹn và bi ai

Bản phối chính thức của Nhất Bái Thiên Địa là sự hòa quyện tinh tế giữa các nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, đàn bầu, cùng sự kết hợp với symphonic rock, dark metal. Với cách xử lý khéo léo, bản phối vừa đậm tính nghệ thuật, vừa thể hiện rõ nét cảm xúc nặng nề, uất nghẹn đầy bi ai. Từng nốt nhạc, từng thanh âm đều được chăm chút để tạo nên một không gian âm nhạc vừa sâu lắng vừa dữ dội, chạm đến trái tim người nghe và làm nổi bật thông điệp của ca khúc.

Âm nhạc của Nhất Bái Thiên Địa được chia thành hai phần rõ ràng, ngăn cách bởi đoạn solo guitar. Phần đầu trì trệ, chậm rãi có thể được xem là góc nhìn của người cha già: từ việc sửa soạn để đón vị khách quý giàu có, cho tới những lời dạy con gái về đạo làm con, đạo làm dâu. Tiếng nhạc dần được đẩy lên tới cao trào cũng đồng thời mở ra không gian câu chuyện.

Câu lyrics kết thúc phần kể chuyện của người cha mang ý nghĩa cho việc gặt hái thành quả nuôi nấng đứa con gái: đã có thể “bán” đi để đổi lấy tiền tài. Trong phong thủy, cây huyết dụ có ý nghĩa giữ tiền của và tài lộc cho gia chủ bởi màu đỏ của tán lá. Trong mắt người cha, “tác dụng” của đứa con gái chắc cũng chẳng khác gì trồng một cây huyết dụ trong nhà. Mặt khác, màu đỏ huyết dụ cũng như một lời dự báo cho những bi kịch ngay sau đó.

Phần điệp khúc được nhấn mạnh lại một lần nữa, cao trào như tiếng quát của người cha. Để rồi phần solo guitar đáp lại như những uất ức, dồn nén không lời đầy ai oán của người con gái, mở ra góc nhìn uất ức của người con.

Người con gái chỉ nhắc lại toàn bộ những lời răn dạy của cha, từ việc gằn nặng từng lời cho đến gào lên điên đảo. Cô gái không có một lời nói trực tiếp nào để giãi bày nỗi lòng mình, mọi cảm xúc tức tưởi, dồn nén được truyền tải trọn vẹn qua những tiếng gào đi gào lại lời cha dạy.

Hình ảnh của bi kịch và định kiến

“Nhất bái thiên địa, nhị bái cao đường” bản chất là một phong tục cưới trong văn hóa Trung Quốc. Mượn lại những câu rất “iconic” từ nước bạn, The Flob đem đến một câu chuyện đầy tính Việt với hình ảnh miền Tây sông nước với những áo dài trắng, vòng kiềng,... cùng âm thanh đàn tranh, đàn bầu thấp thoáng ẩn hiện trong một bản rock nặng nề, ai oán. Mọi yếu tố trong MV này đều được xây dựng nhất quán, bổ trợ hoàn hảo cho nhau, hòa quyện trong một bức tranh trọn vẹn.

Hôn nhân ép buộc và nỗi bất lực của phụ nữ không phải một đề tài mới, tuy nhiên, đạo diễn Quang Biết Bay và ekip Phim của Quạ đã xây dựng nên một câu chuyện hình ảnh đầy thu hút. MV Nhất Bái Thiên Địa xoay quanh bi kịch gia đình, kể về một người cha (Thạch Kim Long thủ vai) vì khao khát phú quý đã nhẫn tâm ép người con gái tên Bối Nhi (Nguyễn Lâm Thảo Tâm thủ vai) còn chưa đến tuổi dậy thì vào một cuộc hôn nhân sắp đặt đầy đau khổ. Xuyên suốt MV là không gian vùng quê sông nước, nơi sự tĩnh lặng và sâu thẳm của nước trở thành bối cảnh lý tưởng để lột tả những tầng cảm xúc đầy dồn nén.

MV sử dụng khung hình 4:3, một bố cục khá cũ trong ngành điện ảnh, không quá thông dụng trong các sản phẩm video ca nhạc giờ đây. Tuy nhiên, khung hình bó hẹp này, đặt trong câu chuyện của Nhất Bái Thiên Địa, đã trở thành phép ẩn dụ trọn vẹn cho góc nhìn gò bó, khuôn phép lên thân phận phụ nữ xưa.

Nội dung của MV là sự đan xen hai tuyến truyện: hình ảnh người cha bắt cá, vớt được vàng bạc trang sức trên sông và câu chuyện đám cưới của người con gái. Cả hai tuyến truyện đều bổ trợ cho nhau và phối hợp “ăn ý” với lyrics. Khi người cha vớt lên những món trang sức bạc - vốn là sính lễ trong ngày cưới, thì ngay sau đó hình ảnh cô gái hiện lên đầy ám ảnh: co ro, chịu đựng những vết thương phía sau lớp ánh bạc lấp lánh.

Sự đan xen giữa hai mạch thời gian không chỉ tạo nên sự tương phản mà còn khắc họa sâu sắc mối quan hệ độc hại giữa cha và con, nơi những tham vọng ích kỷ của bậc sinh thành đã đẩy con gái mình vào ngõ cụt của số phận.

Hình ảnh con cá vàng xuyên suốt MV là hiện thân cho chính thân phận người con gái. Con cá vàng tù túng trong chậu nước nhỏ ẩn dụ cho thân phận “cá chậu chim lồng”. Sự giam cầm này không chỉ gói gọn trong cuộc hôn nhân ép buộc mà còn là những định kiến đè nặng lên thân phận phụ nữ. Phận làm con gái, những ràng buộc của tam tòng tứ đức và các định kiến lạnh lùng của xã hội vây quanh cô, giống như con cá đang quẩn quanh, loay hoay trong chiếc bát nước nhỏ không lối thoát. Để rồi con cá vàng đó bị người cha móc vào lưỡi câu, đổi lấy “con cá” lớn hơn - những món sính lễ đầy vàng bạc, châu báu.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục